KHẢO TẢ DI SẢN VĂN HÓA MO MƯỜNG
- Tên gọi: Mo Mường
- Tên gọi khác: Không
- Dân tộc: Mường
- Khái quát về Mo mường
Mo mường là từ dùng để chỉ thầy mo, những người thường nói, đọc, hát các bài mo khi làm lễ. Người Mường không có chữ viết riêng, nên các bài mo (bài khấn) của người Mường được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng phương pháp truyền miệng, được tồn tại và duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường, do các thầy mo, thầy cúng thực hiện.
Việc các thầy mo biết mo mường không phải đi học hay được đào tạo qua trường lớp, mà do họ được truyền từ người ông, người bố hoặc bản thân họ tự có khả năng ghi nhớ và học các bài mo này.
Nội dung bài mo có chức năng dẫn dắt thần linh hay linh hồn, vía con người thực hiện một lễ thức nào đó, vì vậy nó mang tính chất nghi thức. Về nội dung thông thường gồm bốn phần chính:
+ Thứ nhất là nêu lý do tổ chức nghi lễ;
+ Thứ hai là mời các nhân vật thờ trong lễ nghi đó về tại nơi tổ chức nghi lễ;
+ Thứ ba là dâng ăn uống và cầu xin;
+ Thứ tư là đưa các nhân vật thờ về chỗ ngự.