Nghi lễ gội đầu của người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai.
Nghi lễ Gội đầu (Người Thái trắng gọi là Lúng Ta) gắn liền với câu chuyện truyền thuyết mang bóng dáng của nhân vật lịch sử tồn tại trong mỗi làng bản của người Thái trắng Quỳnh Nhai... đó là Nàng Han.
Người Thái trắng tham gia tích cực vào Nghi lễ Gội đầu với hai mong muốn: Gội đầu tất niên cuối năm cầu may và Gội đầu để tham gia vào dòng người trẩy hội gắn kết giá trị văn hóa truyền thống, đánh thức lòng tự hào dân tộc trong trái tim mỗi con người.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng mang đậm dấu ấn lịch sử và phong tục truyền thống từ ngàn xưa. Mở đầu cho Nghi lễ là nghi thức rước mâm lễ vật của dân bản dâng lên miếu thờ Nàng Han. Đoàn rước lễ do thầy cúng chính dẫn đầu, tiếp theo là các nam thanh nữ tú, đi trong tiếng trống chiêng rộn rã. Trước khi dâng lễ lên Nàng Han, dân làng dâng lễ lên đền thờ “Linh Sơn Thủy Từ” mời thần núi, thần sông chứng kiến, phù hộ mọi điều tốt lành.
Thầy cúng sẽ đại diện dân làng kính cáo Nàng Han, dâng lễ, xin mở hội Gội đầu nhớ đến công lao xưa của Nàng... Dâng lễ vật, dâng bài cúng và dâng cả những điệu xòe truyền thống trước miếu thờ Nàng Han.
Nghi thức múc nước thiêng tại Giếng trời chia cho mỗi người một chậu để xức lên mái tóc, tượng trưng Nàng Han ban phát phép tẩy uế tâm hồn, trừ đuổi tà ma trước khi xuống bến sông gội đầu. Người Thái tâm niệm rằng nếu ai được ban nước thiêng trong ngày hội thì cả năm đó tóc luôn suôn mượt, khỏe mạnh, mọi điều bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió...
Ở Quỳnh Nhai có điểm thờ thiêng gọi là Linh Sơn Thủy Từ và Miếu Nàng Han. Đây vốn là hai nơi thờ độc lập, có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ XVII, do bà con dân tộc thiểu số dựng lên. Linh Sơn Thuỷ Từ là ngôi đền thờ các vị thần linh (thần sông, thần núi) vốn nằm trên địa phận bản Mường Chiên, xã Mường Chiên. Địa điểm chọn dựng Đền xưa kia chính là nơi hai dòng suối Nặm Chiên và Nậm Cỏ gặp nhau đổ nước ra Sông Đà tạo thành ngã ba sông suối, là vùng đất có ý nghĩa về mặt tâm linh. Người dân nơi đây tin rằng các lực lượng siêu nhiên trên trời gồm Then luông và các vị Then là đấng cai quản đất, trời, con người và vạn vật; còn ở trần gian bất cứ nơi nào cũng có các vị thần này cai quản. Chính vì vậy, trong mấy trăm năm, đền là nơi bà con nhân dân trong vùng đến làm lễ cầu mong các vị thần sông, thần núi và các vị anh hùng có công khai hoang xây dựng quê hương Quỳnh Nhai… phù hộ cho con cháu luôn được mạnh khoẻ làm ăn phát đạt, bảo vệ mùa màng, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, cuộc sống an lành và gặp nhiều may mắn.
Cách xa Linh Sơn Thủy Từ mấy trăm mét ở bến sông là Miếu thờ Nàng Han - vị nữ anh hùng trong lịch sử đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Mỗi vùng miền lại có những truyền thuyết khác nhau về Nàng Han. Tại Quỳnh Nhai, truyền thuyết về Nàng Han vẫn là câu truyện được lưu truyền và kể mãi qua các thế hệ: Nàng Han tên thật là Nàng Ỏ, vốn xuất thân trong một gia đình người Thái trắng ở xã Chiềng Xa, Mường So (nay là huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng là người có tài, anh dũng, mưu trí, sáng suốt, nết na, xinh đẹp được quan niệm như một vị nữ thần của dân tộc Thái. Khi đất nước bị giặc phương Bắc xâm lấn, Nàng đã giả trai, dũng cảm cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân yêu nước đánh giặc. Nàng dùng vỏ chăn của mình làm cờ khởi nghĩa cùng đồng bào 16 châu Thái đánh giặc ngoại xâm. Quân của Nàng đánh đâu thắng đấy được nhân dân trong vùng cảm phục và đồng tình ủng hộ hết lòng. Khâm phục ý chí chiến đấu của Nàng nên lúc bấy giờ trong vùng đã lưu truyền câu hát:
“Dắng nặm hẩu Nang Han pay lợc, tặp sấc hẩu Nang Han pầy cón”
(Lội nước Nàng Han lội chốn sâu hơn, đánh giặc Nàng Han dẫn đầu).
Lúc Nàng Han và quân sỹ đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi là vào buổi trưa ngày 30 tết Nguyên Đán. Nàng đã hạ lệnh cho quân sỹ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Chạp, nhiều nơi đã duy trì Nghi lễ gội đầu với ý nghĩa xua đi những gì không may mắn trong năm, cầu mong cho mưa thuận gió hoà và những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Người ta còn truyền lại rằng: những năm bản mường có giặc, mỗi khi xuất trận, người dân lại tổ chức cúng Nàng Han tại miếu để xin Nàng phù hộ cho thắng trận. Ngày nay, thanh niên đi bộ đội, xuất hành đi học xa nhà, đi buôn, đi bán xa quê đều sắp lễ xin Nàng Han ban cho an lành, sức khỏe và may mắn, thành đạt.
Từ năm 2003, theo chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, bà con các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện công cuộc di dân tái định cư đến nơi ở mới, chính vì vậy nhiều di sản văn hoá trong đó có Linh Sơn Thuỷ Từ và Miếu Nàng Han cũ đều đã bị ngập sâu trong nước. Đầu năm 2012, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh có từ lâu đời của nhân dân các dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân trên địa bàn, huyện đã phục dựng đền thờ Linh Sơn Thủy Từ và Miếu thờ Nàng Han thành một khu mới, tọa lạc trên khu vực đồi Pú Nghịu, thuộc xã Mường Giàng, cách trung tâm huyện khoảng 5km.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, Nghi lễ Gội của người Thái trắng vẫn được duy trì tổ chức hàng năm. Cho đến nay, miếu Nàng Han không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn gắn với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút nhiều du khách; người dân khắp bốn phương đến thăm quan, chiêm bái hàng năm...
* Chuẩn bị cho Nghi lễ
Trước ngày diễn ra Nghi lễ, cả bản họp bàn trong đó Già làng, Thầy cúng, trưởng bản là những người chủ trì chính. Thầy cúng cũng đồng thời là già làng đảm nhiệm toàn bộ phần nghi lễ, cúng tế, hướng dẫn cho mọi thành viên trong làng những sự kiêng kỵ. Trưởng bản chịu trách nhiệm về hậu cần, lễ vật, quán xuyến mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ, phân công cho các thành viên...Mọi thành viên trong làng đều nhất nhất tuân theo sự phân công của già làng, trưởng bản để Nghi lễ diễn ra thành công.
Thầy cúng sẽ đảm nhiệm và giới thiệu cho cả bản về việc cúng Nàng Han, giới thiệu cho các lứa tuổi hiểu được giá trị của Nghi lễ (cúng vị thành hoàng làng, người có công đánh đuổi giặc bảo vệ dân chúng và khai sinh ra Nghi lễ gội đầu để khao binh sau thắng trận, gột bụi chiến trường...). Cả bản cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan từng nhà, ngõ xóm và nơi miếu thờ Nàng Han.
Mâm lễ vật được phụ cúng chuẩn bị đầy đủ: Hoa quả, hương nến, tiền vàng; Mâm chín được chuẩn bị tại trưởng dòng họ để cúng Tổ tiên, Nàng Han, Thần Núi, Thần Sông và thần Thổ địa.
Các thiếu nữ chú trọng chuẩn bị bồ kếp, chậu gỗ, lá thơm. Trước ngày lễ các thiếu nữ vào rừng lấy cây lá thơm còn tươi đem về nhà cùng các hương liệu khác để chuẩn bị nồi nước thơm gội đầu cho tất cả các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, họ chuẩn bị rượu thịt, gói bánh, rau rừng, cá sông cho lễ cúng và ẩm thực trong mỗi gia đình, dòng họ ngày lễ hội.
Thanh niên trong bản được cử ra dọn dẹp bến sông nơi diễn ra Hội Gội đầu, trồng cây nêu và chuẩn bị điểm diễn ra các trò chơi, múa hát, tạo nên không gian đẹp tại điểm gội đầu. Những ngày gần tết các chàng trai, thiếu nữ, các bà, các mẹ chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc trong ngày hội.
Một số nghệ nhân trong bản chuẩn bị các loại nhạc cụ, đạo cụ phục vụ cho việc hát, múa vui chơi. Các loại đạo cụ, nhạc cụ chính là trống, chiêng, chọn ra hai thanh niên nam để khiêng trống, chiêng và hai nữ đánh chiêng trống trong nghi thức rước mâm lễ và múa xòe trong cả quá trình diễn ra lễ hội.
* Diễn biến của Nghi lễ
- Rước lễ, dâng cúng tại Miếu thờ Nàng Han
Tham gia đoàn rước lễ gồm: Thầy cúng (già làng), phụ cúng, trưởng thôn, các ban ngành của thôn, xã; đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng bưng lễ, nhóm rước trống chiêng, già trẻ, trai gái và đặc biệt là tốp nam, nữ trong trang phục truyền thống tập trung tại gia đình trưởng họ. Qua giờ Ngọ họ bắt đầu rước lễ lên Miếu thờ Nàng Han (một mâm dâng thờ thần sông, thần núi; một mâm dâng thờ Nàng Han).
Đi đầu đoàn rước là trống chiêng, tiếp theo là 2 mâm lễ vật, tiếp đến thầy cúng, sau là 24 nam nữ trẻ như đội tế nam, tế nữ đi thành hai hàng song song và sau cùng là già trẻ, trai gái trong làng... Tất cả diễn ra sôi động của nhạc trống chiêng, nhưng luôn tuân thủ chặt chẽ nghi thức rước và thành phần đoàn. Đi đến nơi, mâm cúng Nàng Han sẽ đặt tại bàn ở ngoài đền thờ Thần Núi, Thần Sông, Mâm cúng Thần núi, Thần Sông sẽ được rước vào đền để dâng hương cúng tế, trình báo việc làng bản với các vị thần, cầu mong sự độ trì, che chở.
- Cúng tế, dâng hương:
Khi vào đến Đền trình, đôi nam nữ trẻ bê mâm lễ dâng cao lên đầu rước lễ vào đền, trịnh trọng đặt tại ban thờ chính, đôi nam nữ thắp hương cắm lên bàn vái lậy, thầy cúng chính bắt đầu làm lễ. Thành phần chính của đoàn rước cúng đứng xếp hàng ngang vái lậy theo thầy cúng. Bài cúng của thầy cúng tại “Linh Sơn Thủy Từ” có ý chính như sau: “Hôm nay là ngày cuối năm chuẩn bị bước sang năm mới, dân làng chuẩn bị lễ vật, dọn dẹp nhà cửa, làng bản, đền, miếu khang trang sạch sẽ, sắm lễ mọn tâm thành dâng lên Thần Sông, Thần Núi và quan quân theo hầu các quan, các ngài về chứng dám nhận lễ vật, tâm thành phù hộ độ trì cho toàn bản, toàn dân mạnh khỏe, no đủ, làm ăn gặp may mắn. Tạ ơn các vị thần một năm trợ giúp để cả thôn, cả bản một năm bình yên. Cũng mời các thần về cùng các tổ tiên của mỗi gia đình dòng họ hưởng tiết xuân, phù hộ cho mỗi nhà yên ấm. Lời cúng hôm nay là tiếng nói của cả bản thỉnh mời các thánh chứng dám. Tiếp theo để bản dâng lễ lên miếu thờ Nàng Han, cầu cho Lễ hội diễn ra mọi điêu chu tất”.
Trong khi thầy thực hiện nghi lễ, trống chiêng, đàn tính bên ngoài sân vẫn nổi nhạc đệm.
Thực hiện xong nghi lễ cúng thần Sông, thần núi, chuyển sang dâng lễ nàng Han. Dân bản sẽ châm hương, vái lậy rồi thầy cúng bắt đầu hành lễ, cúng khấn dâng lễ vật lên Nàng Han cùng các vị thần Núi, thần Sông đã có công bảo vệ dân làng để một năm bình yên và cầu cho năm mới đến đầy niềm vui hân hoan, hạnh phúc sẽ về với mọi người, mọi nhà.
Bài cúng có 02 nội dung chính: dâng lễ, cầu bình an cho dân bản và ca ngời công trạng của Nàng Han.
- Lấy nước thiêng tại miếu Nàng Han:
Xong nghi lễ, dân bản múc nước tại giếng trời bên cạnh miếu Nàng Han làm phép để cầu an, trừ tà mong mọi điều may mắn được Nàng Han ban phát. Tất cả đoàn rước tiếp tục đánh trống chiêng, đàn tính múa xòe trước cây hương thờ tại miếu Nàng Han như một biểu tượng dâng lên Nàng những giá trị tinh thần mà xưa kia Nàng đã từng thưởng thức.
- Rước trống chiêng ra sông gội đầu
Đoàn rước tiếp tục đánh trống chiêng từ miếu xuống bến sông. Họ quan niệm rằng lúc này đã rước được Nàng Han đi cùng xuống bến sông để gội đầu; Tiếng trống, tiếng chiêng còn để xua đuổi tà ma ra khỏi làng bản, để người dân được bình an vui xuân đón tết, mở hội.
Đến bến sông, dân bản đã chuẩn bị cây nêu tại khu đất có địa thế bằng phẳng... Tất cả mọi người tham gia đoàn rước tạo thành vòng xòe quanh cây nêu như chào thần Sông, dâng lên thần Sông, thần Núi điệu múa truyền thống của dân tộc. Cùng với xòe là những trò chơi ném còn xuyên qua vòng tròn nhật nguyệt cầu cho âm dương hòa hợp, một năm hạnh phúc, cây cối tốt tươi, chăn nuôi phát triển, con cái sum vầy... thầy cúng sẽ đọc bài cúng trước cây nêu, thể hiện ý nguyện của dân làng với các vị thần trong năm mới, cũng như tạ ơn một năm được các vị thần hỗ trợ, bảo vệ.
- Nghi lễ gội đầu
Để tiến hành nghi thức gội đầu, thầy cúng và tốp nam giới đi lên phía trên bến sông, vừa đi vừa bẻ một số cành lá xanh ven đường để vẩy nước thiêng trừ tà ma, tẩy uế tại điểm tắm gội. Thầy cúng đọc bài bùa phép với ý nghĩa “Ta đã được ban phép để xua đuổi cái xấu làm việc thiện cho dân làng, ma xấu, ma ác hãy đi khỏi bến sông này cho nơi đây sạch sẽ an lành để bà con thôn bản tẩy uế tâm hồn gột rửa bụi bậm trần gian đón mừng năm mới về. Những kẻ xấu hãy đi khỏi nơi này...”. Thầy vẩy nước trong chậu có chứa nước của giếng thờ trên Miếu Nàng Han. Vẩy nước xong, thầy cúng vứt cành lá xuống sông như đuổi cái xấu không được quay trở lại. Thầy cúng vái bốn phương để cảm tạ các thần ngũ phương, tạ ơn thần sông, thần núi, thần thổ địa... Sau đó, nam giới vuốt nước sông lên đầu làm lý rồi gội đầu và tắm. Việc gội đầu của nam giới ở bến sông trên chỉ mang ý nghĩa như tắm tất niên và là sự hòa hợp âm dương trên dòng sông trong nghi thức của buổi lễ.
Phía bến dưới, các cô gái mặc một chiếc váy chùm dài từ ngực để chuẩn bị gội đầu, mỗi cô để một chậu nước thơm trước mặt. Nước thơm được chế từ quả bồ kết và nước vắt từ vỏ cây xo xe rừng cùng với những cánh hoa đào, hoa mận. Cây bồ kết mọc ở đầu nguồn sông Đà; cây xo xe mọc ở cuối dòng sông Đà. Người Thái trắng quan niệm bước sang năm mới Gội đầu để xua đi những việc không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương xua theo dòng nước; cầu một năm mới tốt đẹp, được bình an và hạnh phúc, cây cối tốt tươi, muôn hoa đua nở, mùa màng bội thu. Sâu thẳm hơn những điều ý nghĩa đó chính là sự tưởng nhớ về Nàng Han, về mái tóc của nữ tướng anh hùng.
Thầy cúng khấn xin phép thần sông, thần núi, thần thổ địa cho phép các cô gái, những đệ tử của Nàng Han được gội đầu, tắm gột sạch sẽ để đón chào năm mới. Ý chính của lời đọc cúng là: “Hôm nay ngày ba mươi tết, tất cả dân làng tham gia dâng lễ lên miếu Nàng Han, lên Đền thờ Linh Sơn Tủy Từ, và bây giờ là thời khắc thiêng liêng nhất để gột rửa tâm hồn, thầy phù phép có sự trợ giúp của các vị thần trừ đuổi tà ma, cái xấu ra khỏi nơi này cho bến sông được sạch sẽ, cho các thiếu nữ được thanh lọc tâm hồn”. Thầy cúng sẽ lần lượt đi dọc theo hàng vẩy nước thơm trừ tà, tẩy uế cho từng thiếu nữ. Sau khi vẩy đến người cuối cùng thầy sẽ vứt cành lá xanh xuống sông để dòng nước mang cái xấu đi và đánh 3 tiếng trống để ra hiệu cho các cô gái bắt đầu gội đầu. Tất cả cùng nhúng tóc xuống chậu nước thơm, vò đầu, vuốt tóc trong khoảng 10 phút thì coi như việc gội đã hoàn thành. Gội đầu xong, các thiếu nữ mặc trang phục truyền thống để về bản, gia đình, trưởng tộc của mình để chuẩn bị bữa cơm tất niên.
- Nghi lễ cúng tổ tiên và mời Nàng Han về dự
Sau phần lễ liên quan đến nghi thức cúng tế các vị thần núi, thần sông, Nàng Han và gội đầu tại bến sông, sẽ diễn ra lễ cúng tổ tiên tại gia đình trưởng tộc trong mỗi dòng họ. Lễ vật cúng là đồ chín, hoa quả, rượu, xôi, bánh... Trong các lễ vật không thể thiếu cá sông dâng thần sông, rau rừng dâng thần núi và xôi gà, hoa quả dâng lên Nàng Han cùng tổ tiên của mỗi dòng họ. Sau ly rượu nồng ấm chuẩn bị chào đón một năm mới, mừng cho Nghi lễ Gội đầu là những câu hát về công lao to lớn của Nàng Han với dân làng, ... Vào thời khắc này người cao tuổi còn trao truyền cho con trẻ những bài hát, điệu múa, cách thêu thùa, sự tích về Nàng Han gắn với Nghi lễ Gội đầu... và tất cả đều hàm chứa trong đó những yếu tố của sự thiêng liêng, kính trọng.
“Mùa xuân nhớ đến tổ tiên”
Mùa xuân đến hoa nở ngát hương rừng
Sẽ thấy sương mù trên cành cây chẩy
Sương mù phủ rừng cây trên đồi
Được ăn cơm đừng quên ruộng
Được ăn cá đừng quên nước
Được hái rau đừng quên vườn
Được hái rêu đừng quên suối
Được ăn chuối đừng quên ông, bà trồng
Việc tình nghĩa phải khắc sâu trong lòng...
Cùng với những bài cúng hết sức đa dạng của mỗi dòng họ, mỗi gia đình thì lại có những bài cúng về Nàng Han, về các vị thần tại mâm cúng trong các gia đình trưởng họ; Mà ít nhiều có sự khác nhau ở lời văn cúng, văn hát... đó chính là những dị bản văn hóa dân gian của người Thái trắng trong mỗi dòng họ, gia đình cụ thể.
* Phần hội
Sau khi thụ lộc, hát giao lưu đối đáp trong mâm rượu là các trò chơi “Tó má lẹ”, ném còn, múa hát theo từng nhóm, từng đội với nhiều tiết mục khác nhau... Điểm độc đáo nhất là màn xòe truyền thống do tất cả trai gái, già trẻ trong làng tham dự. Đây là chuỗi sinh hoạt nghệ thuật dân gian gắn với Nghi lễ Gội đầu và chào mùa xuân về.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, phong tục tập quán, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống của người dân... Và đặc biệt là sự bảo lưu, trao truyền những giá trị nghệ thuật dân ca, dân vũ và phong tục mang ý nghĩa tục hèm, may mắn dịp cuối năm. Có những đoạn hát đố, hát kể chuyện... bằng hình thức hát đối đáp, hát đơn hoặc hát then hết sức đa dạng về nội dung và chủ đề, mang giá trị của văn hóa và thi pháp dân gian. Có thể nhận thấy điều này qua một số câu trong “Kin Pang Then” hát Then của người Thái ngày tết.
Giờ đây nàng chay vào cắt lá trong rừng
Nàng chắt, nàng kéo rồi nàng hứng
Nàng cắt rồi nàng thái
về nhà nàng ngâm gạo
Ngâm gạo nàng ngâm trong chậu gỗ lát
Ủ rượu ủ vại đất miền xuôi
Nàng xôi rồi nàng trông
Nàng bắc ra nàng kéo lại gần để quạt
Cổ tay nàng Ỏ khéo léo
Ngón tay nàng chay khéo ủ
Ủ rượu ủ giờ rồng nhé
Ủ buổi sáng giờ rồng
Ủ rượu cho rượu cay nồng
Nấu rượu cho rượu đắng thơm ngon đậm đà...
Nghi lễ Gội đầu cũng chính là khoảng thời gian, không gian diễn ra nhiều hình thức sinh hoạt dân gian khác, như hát đối đáp giao duyên về cảnh quan của dòng sông Đà, về căn nhà mái lá, hay về cọn nước, bến sông vv. Những giá trị văn hóa được tạo nên, thay đổi, bồi đáp... càng làm phong phú thêm giá trị tinh thần của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai...
* Giá trị của Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng
- Giá trị lịch sử:
Nghi lễ gội đầu hàm chứa giá trị lịch sử miền đất, con người và nơi cư trú, các giá trị về tri thức văn hóa dân gian trong canh tác nông nghiệp, trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh, trong phong tục tập quán của người dân nơi này cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong cộng đồng của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai. Nghi lễ Gội đầu cũng chứa đựng trong nó về lịch sử hình thành làng bản, môi trường sống. Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai hàm chứa những câu chuyện cụ thể đều mang trong nó những giá trị về lịch sử của từng thời kỳ trong quá trình hình thành và phát triển miền đất nằm dọc theo Tả ngạn của dòng sông Đà. Những khát vọng lớn lao về tình yêu quê hương, yêu sự hòa bình và những giá trị gắn kết, thân thiện của con người.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai là một bể trầm tích hàm chứa yếu tố lịch sử các giá trị trong đời sống sinh hoạt của người Thái trắng về tín ngưỡng thờ thần thành hoàng làng là nữ tướng Nàng Han. Vì thế nó sẽ tồn tại lâu hơn, dài hơn và có trọng trách bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai không bị ảnh hưởng bởi những dòng văn hóa ngoại nhập trong thời kỳ phát triển xã hội về nhiều mặt...
- Giá trị văn hóa
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai được hình thành, tồn tại trong cộng đồng từ rất lâu đời. Chính vì vậy nó tự mang trong mình những giá trị văn hóa, không gian văn hóa, thời gian văn hóa... hết sức đa dạng, phong phú.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai thể hiện giá trị tín ngưỡng phồn thực cổ xưa, giao hòa âm dương, hàng loạt những giá trị diễn xướng khác nhau như múa, nhạc, hát... hòa cùng với nhau để đáp ứng nhu cầu mong người yên, vật thịnh, mọi thứ sinh sôi, phát triển.
Nghi lễ Gội đầu thể hiện văn hóa trong ứng xử giữa con người với con người, con người thiên nhiên, con người với thế giới thần linh. Hay nói một cách khác nó mang trong mình sứ mệnh của mọi giá trị ứng xử của con người trong văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc.
Nghi lễ Gội đầu cũng đánh dấu những giá trị văn hóa vật thể trong ngôi miếu làng, trong những bộ trang phục truyền thống của người Thái trắng, bộ đạo cụ, nhạc cụ cho các hoạt động nghi lễ tại miếu, bến sông, cộng đồng và dòng họ trong bản, những mâm lễ vật và đồ tế phẩm, những món ăn trong bữa cơm tiếp khách, trong món quà tặng cho khách xa khi tan hội, những chiếc thuyền và bến sông vv...đồng thời mang dày đặc giá trị văn hóa phi vật thể hàm chứa những giá trị về nghệ thuật. Trong những chuỗi giá trị đó chính là văn học, thơ ca, âm nhạc, múa, xòe và nhiều yếu tố nghệ thuật khác.
Giá trị văn hóa trong Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai thể hiện cách ứng xử thân thiện của con người với nhau, nó còn là cánh cửa mở cho mọi sự cảm nhận không bao giờ kết thúc cho những ai tìm hiểu về lĩnh vực này.
- Giá trị khoa học:
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai là kho tàng văn hóa phi vật thể có nhiều cánh cửa mở ra bầu trời của kiến thức dân gian truyền thống. Nghiên cứu về Lễ hội Gội đầu ở Quỳnh Nhai chúng ta sẽ tìm hiểu ra được nhiều tâm tư nguyện vọng cũng như khát vọng niềm tin cuộc sống của người dân Quỳnh Nhai. Hiểu được nếp sống, cách tư duy suy nghĩ của nhân dân để hoạch định ra những cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai hàm chứa giá trị tri thức dân gian, vì vậy nó còn là kho tàng khoa học về giá trị tư duy của người dân từ xa xưa cho đến bây giờ. Nó cũng hàm chứa giá trị khoa học về việc nghiên cứu ca dao, tục ngữ, câu đố trong cộng đồng người Thái, ngôn ngữ học, thi pháp thơ ca, giá trị phồn thực, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ biểu cảm ứng xử trong cuộc sống. Đó là những giá trị khoa học vô cùng quý giá để hôm nay, ngày mai và mãi mãi sau này Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai mang trong đó đậm các giá trị khoa học, nghệ thuật, phong tục tập quán tốt đẹp đáng để mọi tầng lớp thế hệ quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng cho những giải pháp cụ thể về đời sống tốt đẹp trong tương lai.
Những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học sẽ là bức tranh tổng hòa về những nét đẹp truyền thống của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn La; Là cơ sở quan trọng cho việc tìm ra giải pháp xây dựng điểm du lịch đặc thù văn hóa vùng ven hồ thủy điện Sơn La với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, môi trường trong lành, phát triển kinh tế du lịch theo xu hướng mới của thời đại cho cộng đồng người dân Thái ở Quỳnh Nhai, Sơn La.
- Giá trị về kinh tế, du lịch:
Nghi lễ Gội đầu tổ chức thường niên, khai thác những giá trị tốt đẹp đã mai một để củng cố thêm các giá trị đẹp trong quá khứ, góp phần cho việc sưu tầm, củng cố thêm nguồn tư liệu để quảng bá, giới thiệu sự độc đáo cho du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn lễ hội này. Đồng thời lấy Nghi lễ Gội đầu là tâm điểm để giới thiệu, khuếch tán các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc khác vùng lân cận như: Dân tộc La Ha, Kháng, Thái đen, Mông vv. Giới thiệu về môi trường sinh thái và cảnh quan tuyệt diệu của vùng đất sơn thủy, hữu tình nơi vùng cao Tây Bắc. Tạo điểm nhấn cho Nghi lễ Gội đầu như đòn gánh, cán cân để phân luồng, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của miền đất Quỳnh Nhai, Văn hóa Quỳnh Nhai, cảnh quan và môi trường sinh thái của Quỳnh Nhai như là điểm đến thân thiện, hấp dẫn và có nhiều thứ để thưởng thức...Tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút ngày một đông khách, tạo nên sức mạnh vô hình để Quỳnh Nhai phát triển du lịch, làm được như vậy trong thời gian tới thì kinh tế, văn hóa, xã hội của Quỳnh Nhai sẽ phát triển bền vững và đồng bộ trong một tương lai gần một cách hiệu quả.
- Vai trò của Nghi lễ trong đời sống cộng đồng
Nghi lễ Gội đầu tự mang trong nó điểm hẹn và sự phấn đấu cho tất cả mọi người trong một năm lao động, học tập, rèn luyện. Họ luôn cố gắng và mong có thành quả ngày về dự hội báo công với Nàng Han. Lòng thanh thản khi một năm hoàn thành những mục tiêu cá nhân đặt ra, niềm vui của từng người sẽ góp nhặt nên niềm vui của ngày hội.
Có thể nói Nghi lễ Gội đầu sẽ chi phối, điều tiết hướng đi đúng dắn, sự phấn đấu không ngừng nghỉ đối với mỗi người con được sinh ra trong cộng đồng người Thái trắng. Họ có quyền tự hào, có quyền định hướng phấn đấu để một năm góp mặt và tạo thêm nhiều giá trị cộng cảm cho sức lan tỏa của lễ hội ngày càng mạnh mẽ, phát triển hơn mà luôn giữ gìn được bản sắc truyền thống ngàn xưa để lại cho con cháu đời sau.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 260/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2020.