12.Di tích Tháp Mường Bám
Tháp Mường Bám là công trình kiến trúc cổ, thuộc bản Lào, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Địa hình của xã nằm trong vùng lòng chảo thượng lưu, trải dài theo dòng suối Nậm Húa, nơi cư trú tập trung chủ yếu của 2 dân tộc: Thái và Lào trong cộng đồng 12 dân tộc của tỉnh Sơn La.
Tháp Mường Bám được dân tộc Lào xây dựng vào thế kỷ XVI. Từ lâu đời, dân tộc Lào đã định cư, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có tỉnh Sơn La, một tỉnh miền núi phía Tây của Tổ quốc, có đường biên giới dài 250 km tiếp giáp với nước bạn Lào. Do vậy, hiện nay cùng với Sơn La, một số tỉnh như Điện Biên, Nghệ An, Quảng Trị… còn hiện hữu và lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Lào như tháp Mường Luân (Điện Biên), tháp Mường Và, tháp Mường Bám (Sơn La). Kết nối các di sản văn hóa này cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển cực mạnh và hưng thịnh của văn hóa Phật giáo, được phát tích từ Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ X, văn hóa Phật giáo được thâm nhập và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chủ yếu là dòng Phật giáo Đại thừa. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà Sử học Việt Nam, văn hóa Phật giáo được thâm nhập vào nước ta thành 2 dòng: Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa. Dòng Phật giáo Đại thừa được tập trung ở các khu vực đồng bằng, ven biển với những công trình chùa, tháp hoành tráng; còn dòng Phật giáo Tiểu thừa được tập trung ở khu vực miền núi theo con đường qua biên giới đất liền từ Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Lào sang Việt Nam, các công trình chùa, tháp có quy mô nhỏ hơn. Như vậy tháp Mường Bám là sản phẩm của dòng Phật giáo Tiểu thừa còn tồn tại trên mảnh đất Sơn La.
Tháp Mường Bám được xây dựng trên đồi dốc thoai thoải có độ cao hơn so với dòng suối Nậm Húa khoảng 250 m, trên diện tích khá rộng gần 1 ha, gồm quần thể có 5 tháp: Một tháp chính (tháp Mẹ) ở giữa và 4 tháp con ở 4 góc cạnh của tháp Mẹ. Tất cả 5 tháp có mặt chính đều quay về hướng Đông, phía trước là dòng suối Nậm Húa, hai bên sườn là những dãy núi trùng điệp như chiếc “tay ngai” ôm lấy cụm tháp, phía sau tháp cũng là dãy núi cao che chắn, bao bọc tựa như người đang trong tư thế “ngồi thiền”. Với vị trí đắc địa do thiện tạo ban tặng càng tôn lên vẻ uy nghi, bề thế, linh thiêng của tháp. Vật liệu xây dựng tháp là loại gạch vồ màu đỏ tươi có kích cỡ 35 cm x 15 cm x 0,7 cm do đồng bào địa phương sản xuất, được gắn với nhau bằng vôi, cát, mật. Họa tiết hoa văn trang trí được đắp nổi lên bằng vữa và nhiều tầng tháp được gắn họa tiết trang trí bằng đất nung.
Tháp to (tháp mẹ) ở giữa cao 13 m, chia làm 4 tầng. Đế tháp hình vuông, mỗi cạnh có chiều dài 2,60 m, tạo độ vững chắc. Mỗi tầng tháp giống như bông sen nở được nối với nhau, các tầng tháp được thu nhỏ dần theo độ cao tạo sự uyển chuyển, thanh thoát, uy nghiêm. Họa tiết trang trí trên các tháp chủ yếu là hình tượng, voi, rồng, rắn, hình vũ nữ nhảy múa; các hình hoa cúc, hoa chanh, lá đề, lá sen đều được đắp nổi trên thân tháp. Ngọn tháp được thu nhỏ chỉ có đường gờ dọc, trông xa như một búp sen đang hé nở.
Tháp nhỏ (các tháp con), mỗi tháp có chiều cao 3,70 m, đế hình vuông, mỗi cạnh 1,20 m cũng được chia thành 4 tầng, các tầng tháp cũng được thu nhỏ dần đến ngọn như tháp mẹ. Họa tiết trang trí trên tháp nhỏ chủ yếu là hình tượng các loài hoa, lá: Lá sen, lá đề, hoa chanh, hoa cúc, vân mây. Tất cả đều được đắp nổi hết sức tinh tế, uyển chuyển.
Qua nghiên cứu thực địa và lời kể của nhân dân địa phương, trong quần thể cụm tháp không thể thiếu một công trình đó là chùa. Ngôi chùa cách cụm tháp khoảng 200 m về phía Bắc. Nhưng trải qua những biến cố trong lịch sử, do thời gian, ngôi chùa bị mất hoàn toàn cùng với một số công trình phụ trợ như nhà ở của các vị sư.
Hiện nay, di tích còn lại tháp to (tháp mẹ), một tháp nhỏ (tháp con), còn 3 tháp nhỏ khác bị đổ. Với tất cả những gì hiện còn, Tháp Mường Bám vẫn là một di sản văn hóa vô cùng quý giá. Đây chính là những cứ liệu lịch sử quý báu, là nhân chứng sống động đã ghi nhận những thành tựu văn hóa truyền thống của các dân tộc tồn tại trên mảnh đất có vị trí địa lý đặc biệt của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La mà những di sản văn hóa này cần được nghiên cứu, bảo tồn và khai thác phát huy với đúng giá trị của nó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tháp Mường Bám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Quốc gia ngày 24/10/2012.