18.Di tích Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu.

Quản trị hệ thống

Ngày 8 tháng 5 năm 1959, một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ đối với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu, Sơn La vinh dự được đón Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Chính phủ lên thăm.
          Sau khi dự lễ mít tinh kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, tại Thuận Châu, thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân huyện Yên Châu Bác Hồ đã tới thăm cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu.
          Trong niềm hân hoan, phấn khởi của đồng bào Mộc Châu lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ai cũng nô nức mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác. Tại đây, Bác đã giành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Mộc Châu. Bác ân cần thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tại Châu ủy, sau đó đến thăm cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu. Với giọng nói ấm áp và giàu tình cảm, Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc, Bác khen ngợi thành tích đã đạt được trong mấy năm qua và sự trưởng thành nhanh chóng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Mộc Châu. Bác thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, chị em gia đình bộ đội lên xây dựng nông trường và ứng khẩu tặng hai câu thơ:
"Công tư  vẹn cả đôi bề
Xây dựng xã hội chủ nghĩa gần kề phu quân"
          Bác khen: "... các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa mỗi ngày, nhưng khi xây dựng chủ nghĩa xã hội khá thì nhất định không phải là 7 lít mà phải là 27 lít hoặc hơn nữa.. ." ([1])
          Bác khen đơn vị bước đầu ra quân trên trận tuyến mới đã cố gắng khắc phục mọi  khó khăn, thiếu thốn, lập được nhiều thành tích. Bác đề nghị Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động cho cán bộ, chiến sĩ nông trường Mộc Châu, Bác dặn: "... Con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn, gian khổ nên từ cán bộ đến chiến sĩ phải đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, tích cực hơn nữa trong lao động sản xuất. Cán bộ yêu thương chiến sĩ, chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần và quan tâm đến tâm tư, tình cảm của chị em..." Bác ân cần khuyên nhủ: "... Mọi người phải ăn ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, phải chú ý chăm sóc dạy dỗ các cháu, những người chủ tương lai..." ([2])
          Cảm động trước tình thương và sự quan tâm sâu sắc của Bác, ai cũng ghi lòng tạc dạ những lời dạy quí báu của Người, thầm hứa quyết tâm thực hiện bằng được những điều Bác mong. Trước khi chia tay, Bác lưu lại trong sổ vàng truyền thống của nông trường 16 chữ vàng:
"Luôn luôn cố gắng
Khắc phục khó khăn
Tiến lên thật hăng
Làm tròn nhiệm vụ" ([3])
          Từ sau ngày Bác Hồ lên thăm, cả nông trường bừng lên khí thế thi đua lao động sản xuất, cải tạo thảo nguyên. Những lời dạy ân cần của Bác đã trở thành nghị quyết của Đảng ủy, thành nhiệm vụ của nông trường, là mục tiêu hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và công nhân Nông trường Mộc Châu.
          Sau những năm chiến đấu và xây dựng với những bàn tay và khối óc của cán bộ, chiến sĩ, công nhân Nông trường Mộc Châu, bộ mặt của nông trường đã biến đổi nhanh chóng và lớn mạnh vượt bậc. Từ một nông trường quân đội nhỏ bé đang tập đi những bước ban đầu đầy khó khăn thử thử thách, nay đã trở thành một liên hiệp các xí nghiệp công - nông hiện đại với qui mô sản xuất lớn, biến vùng thảo nguyên hoang vu xưa kia thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trở thành một thị trấn mới sầm uất, nhộn nhịp, tràn đầy sức sống.
          Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu ngày nay đã trở thành một di tích lịch sử lưu niệm, được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng ngày 13/12/2004. Di tích ở trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu cách quốc lộ 6 khoảng 600 m trên đường từ Sơn La về Hà Nội.
 
[1] Nhân dân các Dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.288
[2] Nhân dân các Dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.288
[3] Nhân dân các Dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.289