7. Di tích Hang Dơi.

Quản trị hệ thống

          Trải qua dòng chảy của thời gian cùng những biến động của địa lý và lịch sử, thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Mộc Châu nhiều di tích danh thắng đẹp như Hang Dơi, Thác Dải Yếm... Một mảnh đất giàu tiềm năng và phát triển. Hơn nữa Mộc Châu còn là địa bàn quần cư thống nhất của nhiều dân tộc anh em như: Thái, Mường, Kinh, Mông, Dao... mỗi dân tộc đều có một phong tục tập quán khác nhau và bản sắc riêng của mình. Cái chung, cái riêng đã hoà quyện vào nhau tạo ra cho xứ Mộc một vùng văn hoá phong phú, đa dạng luôn hấp dẫn du khách và bè bạn gần xa.
          Hang Dơi được hình thành trong lòng núi đá vôi do tác động của mạch nước ngầm, sự tiếp tục hạ thấp của mực nước và sự hạ lún đồng thời của mặt đất đã tạo thành hệ thống hang động này.
          Từ Hà Nội lên Sơn La theo quốc lộ 6, di tích nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Châu. Hang Dơi có quy mô lớn, khoáng đạt với những nhũ đá đẹp lộng lẫy, mang hình hài của thế giới con người và thiên nhiên kỳ thú khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn của con người. Hang Dơi được chia thành 3 khoang chính:
          Khoang thứ nhất: Với diện tích khoảng 100 m2, quả là hiếm có miệng hang nào lại giống như miệng của con Rồng khổng lồ như ở đây, ngay cửa hang một hòn đá lớn tự nhiên nhô ra như lưỡi Rồng, lối vào hai bên tựa như hai mép Rồng. Ở phía tay trái, ngay cửa ra vào là một cột đá được trạm trổ công phu đứng sừng sững, vững trãi cao tới gần 20 m như được thiết kế để nâng lấy trần hang. Hé mở một khoảng lộ thiên vừa đủ. Vào những buổi chiều hè nắng đẹp, ánh sáng của mặt trời chiếu qua ô cửa nhỏ khúc xạ với độ ẩm trong hang tạo ra những chiếc cầu vồng như pha lê, nhưng lại được làm bằng ánh sáng lung linh huyền ảo như bẩy sắc cầu vồng.
          Đối diện là các khối nhũ đá đồ sộ, hoành tráng khiến cho ta có cảm giác như đang lạc vào khu rừng rậm rạp, sẽ thu hút sự chú ý của du khách ngay từ khi mới bắt đầu đặt chân vào hang. Một quang cảnh hết sức đặc biệt. Một khối măng đá giống như hình ảnh phật bà quan âm hiện ra trong mây trắng bồng bềnh. Đây chính là kết quả của những luồng ánh sáng mặt trời chiếu rọi và bị khúc xạ bởi độ ẩm trong hang tạo ra một quang cảnh có làn sương trắng mờ ảo giăng phía trước. Một khung cảnh rất thực mà ta thấy như trong mơ. Cái thực và cái hư như đan xen hoà quyện vào nhau, tưởng như có sự giao hoà giữa trời và đất.
          Ngước lên trần hang hình ảnh chú phượng hoàng sải dài đôi cánh như đang khát vọng được bay trên bầu trời hoà bình. Một cây nhũ đá to lớn đứng ở cửa hang trông tựa ông tiên đang dang hai tay như đón chào và ban điều lành cho quí khách. Hình ảnh ''Chúa sơn lâm'' oai hùng, khí phách ngự trước cung điện như đang tung bờm thể hiện sức mạnh quyền uy, đồng thời cũng thể hiện sự ''thống trị'' tuyệt đối với muôn loài vật.
          Khoang thứ 2: Là ngăn trung tâm của hang, cũng là ngăn có diện tích rộng nhất khoảng gần 300 m2 lòng hang rộng rãi, vòm hang cao vút có chỗ lên tới 25 m. Đây cũng chính là nơi được mệnh danh là cung điện nhà trời. Hệ thống thạch nhũ nguy nga, tráng lệ đẹp mê hồn. Xung quanh là vô vàn tác phẩm nghệ thuật được tạo hoá trạm trổ công phu tỷ mỉ, tới đây du khách chỉ còn biết mải mê ngắm nhìn.
          Đặc biệt có bốn trụ đá vững chắc tạo nên thế tứ trụ. Mỗi trụ đá như có bàn tay của nghệ nhân trạm khắc, các trụ được kết nối bằng các dải nhũ đá dài quấn quanh như những con Rồng thể hiện cho sức mạnh, cho quyền lực, cho chính nghĩa... Có lẽ vì thế nên hình tượng Rồng rất phong phú, nó biến đổi linh hoạt trong trí tưởng tượng của con người.
          Một cây măng đá đang hình thành, nó vươn mình để trở thành trụ đá, theo thời gian, các hoạt động hoà tan của đá vôi rồi kết tủa vẫn đang diễn ra hàng ngày. Con người có thể chứng kiến hình tượng thú vị, một khối măng đá và nhũ đá đang dần dần gặp nhau để trở thành cột đá. Điều đó hứa hẹn một chiếc cột đá mới sẽ được hình thành góp phần độc đáo cho kiến trúc của hang. Chúng ta hãy ghi nhớ khoảng cách này để lần sau trở lại nơi đây, sẽ thấy nó lớn hơn một chút. Đây chính là lời mời, lời ước hẹn của thiên nhiên muốn gửi tặng cho những ai đã từng đến nơi này.
          Toàn bộ vách bên trái là hệ thống rèm, cột và nhũ đá kết tạo với nhau như một bức tranh hoành tráng, là những tác phẩm điêu khắc, những bức trạm nổi về thiên nhiên hùng vĩ, tượng trưng cho phong cảnh núi rừng Tây Bắc với những đường nét tinh tế đến kỳ lạ. Tất cả như đang thách thức về sự sáng tạo cũng như tinh xảo, của tự nhiên đối với ngành hội hoạ hiện đại. Cũng tại đây quí khách sẽ bị cuốn hút vì những âm thanh sống động của chiếc đàn đá đặc biệt được tạo bởi hệ thống nhiều nhũ đá xếp liên tiếp với nhau.
          Tiếp tục cuộc hành trình là ngăn thứ ba với diện tích khoảng 80 m2, mời du khách xuống thăm thủy cung. Chúng ta sẽ đi dọc theo hành lang bởi những khối đá măng đá màu trắng ngà mọc san xát nhau như bức thành vững trãi. Quí khách muốn vào khám phá thưởng ngoạn sẽ có cảm giác như đi thám hiểm vì phải len lỏi qua từng vách đá, luồn mình qua qua từng khối đá, làm cho cảnh vật dưới thủy cung càng trở nên huyền bí. Hình ảnh chú cá mập, những đàn cá nhỏ, cả những con sứa biển như đang bơi lội dưới biển cả mênh mông, thấp thoáng gần xa ẩn hiện những núi đảo lô nhô trập trùng trên sóng nước. Càng khắc hoạ nổi bật tính độc đáo của bức tranh biển thu nhỏ. Ta sẽ có cảm giác thiên nhiên đang tự hoạ lại chính. Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với những con vật linh thiêng chúng ta không thấy lạc lõng mà ở nơi đây chúng ta còn thấy hơi ấm tình yêu của con người. Đó là hình ảnh của đôi trai gái đang hò hẹn bên bến nước tình yêu.
Chuyện xưa kể lại:
          Tại hồ nước này Vua thủy tề sinh ra được một chàng Hoàng Tử khôi ngô tuấn tú, tính tình nghịch ngợm và thích khám phá. Một hôm tiết trời ấm áp, Hoàng Tử bèn trộm rùa thần của Vua cha cưỡi lên mặt nước để đi chơi. Thật là lạ chàng đi tới đâu thì trăm hoa đua nở, chim ca hót véo von... Mải ngắm cảnh trần gian chàng đi mãi, đi mãi rồi lạc vào một khu rừng rậm rạp. Thật bất ngờ trước mặt chàng hiện ra một cửa hang, một người con gái đang ngồi chăm chỉ quay sợi, nàng miệt mài đếm từng vòng quay, mái tóc của nàng đen bóng trải dài, da nàng trắng min, khuôn mặt nàng đẹp như trăng rằm. Hoàng Tử bước lại gần khẽ hỏi: ''Nàng là ai? tại sao  nàng lại ngồi đây quay sợi?" nàng đáp: ''Em là người của mường bên, cha em bắt em phải lấy người cùng mường nhưng em không chịu. Bởi lúc em sinh ra đã có một bà tiên đoán rằng: Sau này lớn lên con phải lấy người dưới thủy cung, thì con mới được hạnh phúc. Chính vì không nghe lời cha mẹ nên em bị đuổi ra nơi này. Từ đó đến nay em ngồi quay sợi để chờ người mà em thầm mong''.
          Khi nghe xong câu chuyện Hoàng tử rất cảm động, chàng cầm tay nàng khẽ nói: ''Người mà nàng thầm mong đợi chính là ta đây''. Trở về thủy cung Hoàng Tử buồn phiền, mất ăn, mất ngủ . Thấy vậy Vua cha hỏi chàng bèn thuật lại câu chuyện Vua cha nổi giận, cấm không cho lấy người con gái trên đất liền. Mặc dù bị cấm đoán như vậy nhưng lòng Hoàng Tử vẫn nhớ thương và muốn được sống trọn đời với người con gái đó.     
          Nhân một hôm Vua cha vắng nhà, Hoàng Tử đã lấy rùa thần cưỡi lên mặt nước để tìm gặp người con gái mà chàng yêu thương. Khi trở về không thấy rùa thần và Hoàng Tử đâu cả. Nhà Vua nổi giận lôi đình sai thủy thần rút cạn hết hồ nước. Hình tượng rùa thần mắc cạn hoá đá, chàng trai và cô gái đang hò hẹn bên bến nước tình yêu là sự minh chứng cho câu chuyện cảm động này.
          Vẫn theo đường vòng đó du khách đến gần với một khối thạch nhũ lớn khoảng 100 khối mầu hoàng thổ lóng lánh như kim cương, như là cây vàng cây bạc. Chính là kho báu, là tài sản, là sự lao động chăm chỉ, cần cù của gia đình Hoàng Tử làm nên.
          Khoang thứ ba: Diện tích của ngăn thứ ba nhỏ nhất chỉ khoảng 80 m2, trần hang cao độ 10 m. Không gian trở nên nhỏ hơn, tối hơn. Cũng vẫn là những tác phẩm được tạo ra bởi những khối thạch nhũ. Ở đây du khách sẽ bắt gặp một khối măng đá lớn giống như ''Vú tiên'' hình ảnh gợi cho ta nhớ về truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân. Phải chăng đây là là bầu sữa mẹ vĩ đại của dân tộc Việt - dòng dõi Lạc Rồng. Mẹ Âu Cơ đã để lại đây một bầu sữa cho 50 người con khi theo cha xuống biển.
          Hang Dơi có một giá trị thẩm mỹ đặc biệt, vẫn còn những nét sơ khai ban đầu, với măng nhũ đá, cột, rèm đá nguyên bản, những tác phẩm nghệ thuật đang được tạo tác bởi tạo hoá, sẽ làm cho du khách cảm thấy thú vị khi đặt chân đến nơi này.
          Ngày 24/01/1998 Di tích Hang Dơi được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia.
          Những giọt nước vẫn đang thánh thót bền bỉ rơi, dường như tất cả đang được sinh ra để bổ sung cho vẻ đẹp của kỳ quan này. Trong khung cảnh bình yên chúng ta như tạm quên đi cái khó khăn thiếu thốn, cái vất vả nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật để hoà mình vào với thiên nhiên được tận hưởng những luồng không khí mát lành mà thiên nhiên ban tặng. Một cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng khiến cho ta như lạc vào thế giới của những câu chuyện cổ tích huyền thoại.