4.Di tích Thẳm Tát Toong

Quản trị hệ thống

Phố núi Sơn La yên bình và tươi đẹp, được nuôi dưỡng bởi nguồn nước dồi dào, trong mát chảy ra từ một hang đá lớn, đó là Hang Tát Toong, tiếng địa phương gọi là Thẳm Tát Toong (nghĩa là hang thác đồng). Không những vậy, Thẳm Tát Toong còn là một thắng cảnh nổi tiếng, được Bộ Văn hoá- Thông tin xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1994.
          Thẳm Tát Toong thuộc Bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La 2 km về phía Đông Bắc. Đây là một hang nước lớn nằm dưới chân một dãy núi trùng điệp án ngữ phía Đông Bắc thành phố Sơn La. Miệng hang khá lớn, cao và rộng hàng chục mét. Nhìn từ xa Thẳm Tát Toong giống như miệng của một con thú khổng lồ đang uống nước.
          Tới thăm Thẳm Tát Toong du khách dùng thuyền nhỏ hay bè kết bằng tre và chuẩn bị sẵn đèn đuốc vì phía trong hang không đủ ánh sáng. Nguồn nước ở đây trong vắt bốn mùa và có lưu lượng khá lớn nên hang có độ sâu tới 5- 6 m; nước chảy lững lờ hiền hoà, mặt nước trong như gương lấp lánh theo nhịp mái chèo trong hành trình tham quan của du khách.
          Vào hang, không khí tự nhiên mát lạnh, tinh khiết, tạo cho du khách cảm giác thật dễ chịu và sảng khoái, làm tan biến mọi ưu phiền, mọi nỗi lo toan của cuộc sống thường nhật. Qua cửa hang độ 20 m, hang đột ngột ngoặt về phía bên phải, lòng hang phình rộng hàng chục mét, vòm hang cũng được nâng cao hơn. Du khách bỗng cảm thấy như lạc vào một thế giới khác tách biệt với thế giới hiện tại. Một tiếng động dù rất nhỏ cũng được nhân lên nhiều lần như qua một chiếc âm ly thần kỳ nào đó. Dưới ánh đèn, nhũ đá trên vòm hang hiện ra lung linh, kỳ ảo với nhiều màu sắc, nhiều loại hình kỳ dị như trong chuyện cổ tích. Dưới mặt nước, những cột đá lấp lánh trong làn nước trong vắt. Hai hàng cột chen nhau nép mình dọc hai bờ vách hang, nhiều cột trông như những đốt trúc xếp chồng lên nhau, mỗi cột đá lại được bao quanh bởi những nếp xếp mềm mại như những dải hoa văn trang trí dẫn tới toà thủy cung nguy nga tráng lệ nào đó.
          Từ đáy hang vọng lại những tiếng lanh canh, thánh thót của những giọt nước từ nhũ đá trên trần hang nhỏ xuống, rồi lại nghe đâu đây như có tiếng chiêng, tiếng trống từ xa xăm vọng về.
          Ngoài hang nước, trong quần thể Thẳm Tát Toong còn có hang khô nằm chếch phía trên hang nước, cách độ 40 m, cửa hang rộng và cao khoảng 10 m.
          Hang khô gồm có 3 ngăn. Ngăn ngoài cùng nhỏ nhất, phía trong thắt lại tạo thành một cửa thông với ngăn thứ hai. Ngăn này có chỗ rộng hàng chục mét, vòm hang cao trên 20 m với vô vàn khối thạch nhũ đủ mọi hình thù rủ xuống. Đây là hàm răng của một con thú khổng lồ hay những chú cầy bay đang tung mình sải cánh và kia là hình người phụ nữ bồng con đứng chờ chồng như trong sự tích hòn Vọng Phu như tạc vào năm tháng. Dưới nền hang, nhiều khối nhũ đồ sộ, óng ánh như những đụn vàng, đụn bạc trong chuyện cổ tích.
          Rời ngăn thứ hai, du khách tiếp tục cuộc hành trình vào ngăn thứ ba. Ngay trước cửa hang là khối nhũ hình sư tử xù xì dữ tợn như đang đứng gác. Mái vòm của ngăn này cao vút lên trông uy nghi như thánh đường Thiên chúa giáo với nhiều khối nhũ hình thù kỳ dị, màu trắng óng ánh. Đặc biệt ở đây có khối nhũ lớn giống một chú chim đại bàng mẹ khổng lồ đang mớm mồi cho đàn chim con trông rất sống động. Dưới lòng hang còn có một lối ăn sâu xuống dưới như đường xuống âm phủ, tạo cho hang sự kỳ bí huyền thoại.
          Thẳm Tát Toong từ lâu đã nổi tiếng trong vùng. Dòng nước xanh biếc, mát lạnh về mùa hè, ấm áp về mùa đông từ lòng hang đá sâu thẳm chảy ra dòng suối Bó Cá từ bao đời nay đã làm tăng thêm vẻ đẹp làn da của những cô thiếu nữ trong vùng. Cũng không biết từ bao giờ trong dân gian đã lưu truyền câu ca:
                   Báu đảy kin tau noong luông pên bả
                   Báu đảy suối nả nặm Bó Cá pên máu
          Nghĩa là:
                   Không được ăn rêu ở hồ lớn sẽ điên
                   Không được rửa mặt nước Bó Cá sẽ rồ.
          Những câu ca mộc mạc, giản dị ấy của đồng bào dân tộc Thái đã phần nào nói lên giá trị của nguồn nước Thẳm Tát Toong đối với đời sống nhân dân trong vùng.
          Dưới chế độ phong kiến, bọn phìa tạo địa phương đã độc chiếm thắng cảnh này làm nơi ăn chơi xa xỉ của chúng. Hàng năm cứ đến mùa xuân, chúng lại bắt nhân dân trong vùng đóng thuyền bè đưa chúng vào chơi ngắm cảnh, tổ chức cờ bạc, rượu chè...
          Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1965-1973, Thẳm Tát Toong còn là nơi sơ tán của các cơ quan đầu não huyện Mường La. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Đại hội Đảng bộ huyện, các hội nghị để lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
          Ngày nay, nguồn nước trong lành vô tận của Thẳm Tát Toong đang ngày đêm nuôi dưỡng những cánh đồng trù phú của phường Chiềng An, cung cấp nguồn nước sạch vô giá cho hàng vạn dân thành phố Sơn La.
          Danh thắng Thẳm Tát Toong với những nét kỳ bí, thơ mộng đang là một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa khi đặt chân đến Sơn La. Danh thắng này được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia ngày 05/02/2004.