Nghệ thuật xòe Thái
Trước đây người Thái gọi nghệ thuật múa của mình là “xé”: “xé thăn” múa khăn, “xé cúp” múa nón, “xé vi” múa quạt, “xé mák hính” múa quả nhạc… “điệu xe, bài xé” là điệu múa, bài múa. Đến giữa thế kỷ XX trong tiếng Việt, từ “xé” biến âm thành “xòe”. Ngày nay nghệ thuật múa, tác phẩm múa được nhân dân quen dùng để gọi nghệ thuật xòe, điệu xòe, bài xòe. Khái niệm điệu xòe, bài xòe được biểu hiện như một đơn vị biểu diễn có độ dài, ngắn, co dãn không ổn định. Một đơn vị biểu diễn lặp đi lặp lại chỉ một động tác múa gọi là điệu múa, nhưng một đơn vị múa có kết cấu nhiều động tác, tổ hợp động tác múa cũng gọi là một điệu múa.
Người xòe gọi là Xao xé (gái xòe). Hầu hết xao xé khi được gọi vào đội xé đều ở độ tuổi 13 đến 17. Xao xé khi mới vào đội thì phải là những người “sạch” còn trinh, đẹp người, có khiếu xòe. Từ trước những năm 20 thế kỷ XX ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ chưa có các đội xòe tập trung, được tổ chức chặt chẽ. Các đội xòe mang tính chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp mà ở đó các xao xé, báo khỏa đã có phụ cấp “lương” bằng ruộng được cấp để nuôi sống bản thân và gia đình. Đi cùng với số ruộng được cấp còn được hưởng một số quyền lợi khác có lợi cho gia đình và bản thân. Trước thời kỳ đó việc xòe ở Xên Mường, Xên bản, Kin Pang Then, Xên Lẩu Nó và các dịp lễ hội tôn giáo, văn hóa dân gian khác thuộc về mọi người, mọi lứa tuổi, phần đông là phụ nữ, những người xòe chính là Then, Mo… chủ trì các lễ hội, họ vừa chủ lễ, vừa xòe. Xòe là một hoạt động rất độc đáo và quan trọng của họ khi thực hành nghi lễ.
Báo khỏa là người gẩy đàn, họ có chức năng đệm đàn cho xao xé tập và biểu diễn xòe. Người Thái trắng có tính tẩu (đàn bầu), một số người sợ lẫn với đàn bầu của người Kinh nên gọi cây tính tẩu Thái là đàn tính. Bầu tính được làm từ vỏ quả bầu nặm già, khô đã nạo hết ruột, cần đàn làm bằng gỗ, tính tẩu được mắc từ 2 đến 3 dây. Đàn không có phím và báo khỏa dùng ngón tay gẩy trực tiếp vào dây đàn.
Báo khỏa không chỉ gẩy đàn, đệm đàn cho xòe, hát, cho đội xòe mà còn thổi kèn, khi cần thiết còn đánh trống, chiêng, thanh la… và cũng tham gia xòe, hát. Khi gọi các thành viên trong đội xòe người ta thường gọi là các báo khỏa, xao xé (trai đàn, gái xòe).
Theo cuốn Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái của Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Khà Văn Tiến, Tòng Văn Ân, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1977 thì: “một bộ phận người Thái đã thiên di đến miền Bắc Việt Nam từ Thiên niên kỷ I trước công nguyên…”, “suốt trong thiên niên kỷ sau II công nguyên các chúa đất Thái họ Lò, Cằm phân nhau ra làm chúa các mường lớn: Mường Lò (huyện Văn Chấn - Yên Bái); Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu - Sơn La); Mường Mụa (Mai Sơn - Sơn La); Mường Vạt (Yên Châu - Sơn La); Mường Thanh (Điện Biên); Mường Quài (Tuần Giáo - Điện Biên); Mường Than (Than Uyên - Lai Châu); Sốp Cộp, Sông Mã (Sơn La)”.
Theo cuốn Quãm Tô Mương (kể chuyện bản mường) thì Lạng Chượng và một bộ phận người Thái lên Mường Lò (thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) rồi lên Sơn La, Lai Châu “quân của chúa mang mộc, đeo mác rầm rập tiến qua dốc Khau Pục về Mường Chiên (thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La)”. Phần chú thích sách đó có ghi: “riêng Lạng Chượng là con trai thứ bảy của tạo (Thái đen) Mường Lò (Văn Chấn)”.
Theo cuốn Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam của Cầm Trọng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1978 ghi rằng: “ngày xưa, khi các đoàn quân chinh chiến của các nhóm Thái ra đi, các thủ lĩnh của họ thường mặc áo dài đỏ, dưới chân vạt áo có một đường họa tiết trang trí màu sắc sặc sỡ. Đoàn quân ấy rất thạo về tay kiếm, tay mộc, tay khiên… Từ đó dần dần xuất hiện điệu múa gọi là Xé Lảng, Xé Pén (múa mộc, múa khiên)”.
Người Thái thiên di từ phương Bắc xuống phương Nam. Một số bộ phận người Thái xuống định cư ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Người Thái đã mang theo những câu chuyện thần thoại, chuyện cổ tích, những bài dân ca, những bản nhạc dân gian, những họa tiết, hoa văn đẹp, độc đáo thêu trên chăn, trên gối, trên quần áo, khăn piêu và những điệu xòe sơ khai từ thời cổ đại vào Việt Nam. Qua nhiều thế kỷ, người Thái đã không ngừng xây dựng và phát triển cho bộ tộc mình một nền nghệ thuật xòe dân gian giàu có, đa dạng, phong phú, đặc sắc về giá trị văn hóa truyền thống và rất nổi tiếng.
Người Thái trắng vốn là một tộc người đã sáng tạo ra nhiều điệu xòe như xòe Pô (chầu vua), xòe then, xòe xạp, xòe mák hính (xòe quả nhạc)… và là một cộng đồng cư dân ham mê xòe và xòe rất giỏi. Xòe đã sớm được sử dụng và trở thành một nội dung, hành động trong các lễ hội tôn giáo và văn hóa dân gian. Từ đó một số điệu xòe đã trở thành xòe lễ thức.
Tộc người Thái đen từ trước khi đến Việt Nam và những tư thế, động tác “miếng võ” kiếm, mộc trong chinh chiến họ đã sáng tạo ra điệu xòe “xòe Lảng, xòe Pén” được phát triển thành nhiều điệu xòe lễ thức, xòe dân gian khác. Cuộc sống lao động, hái lượm, săn bắt, kiếm ăn, dựa vào hang động, khe lạch, suối nước để sống, thường xuyên phải chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú, người Thái vừa tự vệ vừa chủ động kiếm sống để sinh tồn. Người Thái đã từ những nhịp vỗ tay quanh đống lửa, những tiếng hú vang động núi rừng mỗi khi có niềm vui, hoặc hiểm nguy và những lúc cần tăng sinh khí cho cộng đồng người mà họ sáng tạo ra những nhịp điệu đầu tiên của xòe voóng, xòe Cô Dứa (xòe Nàng Kẹo, nàng Han), xòe xạp. Cuộc sống còn rất hoang sơ, cực nhọc thời cổ đại đã là cội nguồn cảm hứng cho tổ tiên người Thái sáng tạo nên những điệu xòe đầu tiên đặt nền móng cho nền nghệ thuật múa Thái giàu có, rực rỡ sau này.
Những điệu, bài xòe Thái đã phản ánh, tái tạo chân thực cuộc sống lao động cực nhọc, kiếm sống để tồn tại, chiến đấu bền bỉ, kiên cường để phát triển.
Khi người Thái đen đến Mường Lò tính đến những năm đầu thế kỷ XII đến nay đã được 45 thế hệ khoảng gần 1 nghìn năm. Suốt thời gian dài đó, tộc người Thái luôn xảy ra những cuộc chinh phạt, tranh chấp đất đai, nguồn nước, quyền lợi. Song nhìn chung khi đã định cư, xã hội yên ổn, thì tổ chức gia đình, bản Mường bình ổn, ít biến động. Người dân Thái chịu khó, cần cù làm ăn, sống chan hòa, thân thiện với các tộc người anh em mang màu sắc riêng trong đại cộng đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất. Những yếu tố văn hóa đặc sắc Thái biểu hiện đậm tính cách nhẹ nhàng, kín đáo, sâu sắc, nồng nàn, lịch thiệp, đa cảm, đa tình của con người, đặc biệt là người phụ nữ Thái.
Đầu thế kỷ XX, dựa trên nền tảng những điệu xòe dân gian, tài năng sáng tạo nghệ thuật và lòng nhiệt tình, yêu quý nghệ thuật xòe của Nhân dân, các chúa đất một số Mường lớn đã tập hợp, xây dựng được những đội xòe đầu tiên của người Thái; đào tạo, huấn luyện được những người xòe bán chuyên nghiệp. Người biểu diễn, người sáng tác, người huấn luyện, người chỉ đạo và người đệm đàn cho xòe làm cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, chất lượng biểu diễn của những đội xòe đã được chú trọng nâng cao, nhiều tác phẩm văn nghệ được sưu tầm, chỉnh lý và nâng cao, đã bắt đầu có những điệu xòe được sáng tác mới. Âm nhạc và trang phục, kỹ năng nghệ thuật biểu diễn xòe toàn vùng và còn đi biểu diễn tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Vân Nam - Trung Quốc, Pháp rất độc đáo và thành công. Không chỉ chú trọng kế thừa, phát triển vốn xòe cổ truyền của dân tộc, người Thái còn tiếp tục tiếp thu những nhịp điệu, điệu xòe của các dân tộc anh em, của cả người Trung Quốc và người Pháp.
Sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, độc đáo những năm 1920 - 1945 nhiều vùng cộng đồng Thái bị thực dân Pháp quay lại tạm chiếm. Đồng bào Thái cùng cả nước phải dồn toàn tâm, sức lực và vật lực thực hiện “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” tiến hành kháng chiến kiến quốc giành lại độc lập tự do. Nghệ thuật xòe và phong trào xòe bị lắng xuống một thời gian.
Tháng 12 năm 1953, Lai Châu được giải phóng và tháng 5 năm 1954 đánh bại thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phong trào toàn dân xòe, toàn dân múa hát; khắp nơi xòe bùng lên mạnh mẽ. Hàng nghìn đội xòe của Nhân dân được thành lập và hoạt động rộng khắp. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước lần lượt được thành lập. Hàng trăm nghệ sĩ xòe, múa, biên đạo, huấn luyện, chỉ đạo nghệ thuật, biểu diễn được đào tạo và trở thành những người kế thừa, phát triển, giữ gìn và phát huy nền nghệ thuật múa của dân tộc Thái. Nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn nhạc cho xòe, múa, hình thành được nhiều dàn nhạc nhỏ và với các bộ nhạc cổ truyền và hiện đại. Những hình thức âm nhạc nhiều chương, đoạn; hiện tượng, chủ đề có xung đột, kịch tính với kỹ thuật phối âm, phối khí ở trình độ cao cho tác phẩm ra đời. Tập thể những họa sĩ trang trí cho tác phẩm nghệ thuật múa dần dần được chuyên môn hóa. Trang phục, trang trí, đạo cụ của múa đặc biệt được chú ý sáng tạo, nâng cao và hoàn thiện đáp ứng cho một nền nghệ thuật múa Thái đương đại. Sân khấu múa hình thành với trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang trí tiên tiến, mới mẻ và nghệ thuật biểu diễn xòe, múa được nâng cao nhanh chóng. Cùng hàng trăm điệu xòe dân gian, những tác phẩm đủ loại: cảnh múa, tổ khúc múa, thơ múa, kịch múa ra đời dựa trên và bắt nguồn từ nền nghệ thuật xòe dân tộc và tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật múa thế giới phản ánh, tái tạo sâu đậm và chân thực hiện thực của cuộc sống của Nhân dân.
Nhiều hội diễn, hội thi nghệ thuật múa được tổ chức liên tục, định kỳ từ bản mường, toàn tỉnh và khu vực. Rất nhiều điệu xoè, tác phẩm múa Thái đặc sắc, nổi tiếng được đoàn nghệ thuật trong cả nước sử dụng biểu diễn và giới thiệu rộng rãi trên thế giới. Nhiều giải thưởng cao, có giá trị trong nước và thế giới tặng cho những điệu xoè thái, tác phẩm múa Thái càng khẳng định sự phong phú, tính độc đáo và sự phát triển ngày một cao của nghệ thuật múa Thái.
Tuy nhiên nghệ thuật xòe Thái yếu về tính cách nam và ít những nhịp điệu nhanh mạnh. Hầu hết những động tác, đoạn xoè nam trong các điệu xoè chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, phụ họa cho các vai xoè nữ.
Dáng xoè, động tác xoè giầu tính tạo hình, đẹp đẽ về đường nét, duyên dáng về dáng vẻ và rất tinh tế trong nhịp điệu. Xoè mák hính (Xoè nhạc), xoè vi (xoè quạt), xoè cúp (xoè nón), xoè nhùm hưa (đẩy thuyền), xoè chầu pô (chầu vua), xoè táng xạ (xoè con đường người xá), xoè quắt bók ho (xoè quét hoa tàn)… ngôn ngữ xoè bình ổn, tạo dáng mượt mà, giàu chất chữ tình, đầy tâm trạng mang tính tâm linh. Khi xoè hoạt động nửa thân người trên đa dạng, phong phú hơn nửa thân người dưới, hai cánh tay vòng vào, vung ra, khép và mở thường ở trước ngang ngực, khi vung qua đầu cũng không vung xa quá, ấm áp mềm mại, rõ ràng, ít những đường nét khúc khuỷu, biến động. Hai bàn tay vẩy nảy, gằn rõ nét nhất là ở những động tác xoè quả nhạc, xoè quạt. Chân bước ngắn lướt ngang hoặc lướt nhẹ, đuổi sệt sát mặt đất. Động tác quay đi lặp lại liên tục ít phát triển, biến hoá. Có xu hướng bị các đạo cụ xoè chi phối luật động.
Động tác điển hình của xoè là cân đối từng đôi, từng cặp. Hai người, bốn người, sáu người, tám người… hàng ngang, hàng dọc, vòng tròn, hình vuông, đan xen, lượn vòng. Khoảng cách giữa vị trí người xoè thường ổn định ít co dãn. Đội hình xoè in đậm tâm lý muốn sống yên ổn, rõ ràng cân đối giống như các loại hình nghệ thuật khác của người Thái được thể hiện: Hai cây khau cút đối xứng ở hai đầu hồi nhà; Khuôn bếp vuông vức cân đối; quà biếu tặng: đôi gối, đôi chăn, đôi khăn… Những hoa văn họa tiết đường nét thêu thùa trên khăn, trên chăn gối cũng chẵn đôi, chẵn cặp. Tất cả nhịp điệu cuộc sống Thái được thể hiện sống động trong điệu xoè Thái mượt mà.
Âm nhạc cho xoè chủ yếu do 2 hoặc 4 báo khoả đảm nhiệm với những cây tính tẩu (đàn bầu của người Thái) hoặc Pí Lè (kèn loa), khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ… Một số điệu xoè tập thể như xòe vòng, xoè khăn thì số người đệm đàn được mở rộng hơn ở vùng Thái đen Điện Biên, Tuần Giáo, Thuận Châu, Mường La, Mộc Châu, Phù Yên, Văn Chấn, Yên Châu thường sử dụng hai đến ba chiếc chiêng và một trống cái treo lên giá để đánh. Người đánh trống, đánh chiêng cũng vừa đánh vừa múa. Ở vùng Thái đen Yên Châu trong lễ Xên Lẩu Nó (tết măng mọc) có thêm khèn bè, ở vùng Thái trắng Mộc Châu (Sơn La) trong Lễ hội Hết Chá, người ta dùng thêm ống tre dỗ xuống tấm ván tạo nhạc xòe, vừa hát (khắp) vừa xoè là một truyền thống trong xoè Thái.
Âm nhạc ẩn trong điệu xoè, xoè bật ra từ nhịp điệu, giai điệu của nhạc. Rộn ràng, nhịp nhàng, trữ tình và giầu chất thơ.
Nghiên cứu một số bản nhạc múa tấu qua cây tính tẩu nhận thấy nhịp điệu nhạc thường nhấn mạnh ở nhịp đầu và nhấn lướt láy sang những nhịp sau ở khuông nhạc 2/4, 4/4 rất phù hợp với động tác lướt, sệt chân và nhún mềm, nhún nẩy nửa vời, kết lửng trong động tác của nhiều điệu xoè Thái. Nhịp điệu, luật động của xoè nẩy ra, trào ra từ giai điệu, nhịp điệu của bản nhạc xoè, tiết tấu của nhạc và hành động trong nhịp điệu xoè hoà quện vào nhau nhuần nhụy, tinh tế, nếu bỏ nhạc đi xoè sẽ trở nên mơ hồ, mờ nhạt. Xa rời xoè, nhạc xoè không còn sinh khí, truyền cảm được nữa. Âm điệu đặc trưng của âm nhạc xoè Thái được thể hiện ở quãng hai, quãng ba, quãng bốn, quãng năm. Tuy nhiên cũng đã thấy xuất hiện quãng sáu, quãng bẩy, quãng tám trong một số bản nhạc xoè. Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, tốp báo khoả chưa sử dụng những hình thức âm nhạc phối âm, phối khí nhiều bè, chủ yếu chỉ tấu giai điệu. Mỗi bản nhạc xoè chỉ khuôn định trong phạm vi một hai đoạn nhạc đơn, hai câu, bốn câu, vuông chẵn, kết trọn có thể tấu đi, tấu lại tự nhiên, triền miên. Vừa khắp, vừa xoè hoặc sau mấy câu khắp lại xoè mấy động tác. Cứ như thế lặp đi lặp lại tự nhiên, nhiều lần. Có thể nói, hát như thế nào, múa như thế nào, kết lúc nào phụ thuộc rất nhiều vào cuộc xoè, yêu cầu cuộc xoè và ngữ cảnh cuộc xoè.
Những đạo cụ xoè như chiếc quạt, tấm khăn, chiếc nón, chiếc nậm, chùm quả nhạc, chiếc khiên, cây kiếm… được bàn tay tài ba của các hoạ sĩ dân gian tạo dáng, tạo mầu rất công phu. Đạo cụ hoà vào ngôn ngữ xoè và ngôn ngữ xoè dựa vào đạo cụ mà biểu hiện rõ ràng, gợi cảm mạnh.
Những hành động, trạng thái tâm hồn, suy tư của con người và những dáng vẻ của thiên nhiên miền rừng núi. Từ sức biểu cảm đam mê của người xoè, trang phục của các điệu xoè đã tận dụng, phát huy được khiếu thẩm mỹ của nhân dân và tài khéo léo dệt may, thêu thùa của các cô gái Thái.
Chiếc áo cóm khuy bạc tự tay các cô gái Thái khéo léo và kiên nhẫn cắt may. Chiếc áo cóm mầu trắng, xanh, đen được cắt may rất vừa, khít bó sát tôn những đường nét trời phú cho người phụ nữ. Cùng với chiếc áo cóm là chiếc áo dài chui cổ hoặc cài cúc cạnh, đầu đội tấm khăn piêu thêu thùa những hoa văn tinh tế, những hình muông thú, chim, cây cỏ rất công phu, đẹp mắt. Thân mặc tấm áo cóm trắng hoặc đen khuy bạc thướt tha; xuôi xuống là tấm váy đen gấu viền đỏ phía trong; quanh thắt lưng đeo bộ xà tích bằng bạc lấp lánh tạo nên bộ trang phục khá hoàn mỹ của người phụ nữ Thái và đó cũng là một bộ trang phục xoè đặc trưng. Bộ váy áo nổi tiếng được những tấm khăn, chiếc quạt, chiếc nón… những đạo cụ xoè tôn lên bội phần và gây được ấn tượng mạnh cho các đội xoè, tạo cho xoè thái một tính cách rất riêng, rất phong phú.
Trong nhiều đội xòe đã được sưu tầm và cải biên sáng tác mới, có hàng chục điệu xòe được dàn dựng chương trình biểu diễn, hình thành và ổn định lớp xòe ông bà, cha mẹ, lớp xòe con cháu. Cả ba thế hệ cùng song song hoạt động trong một đội xòe và cùng biểu diễn trong cùng một chương trình xòe. Đội xòe ông bà, cha mẹ đã đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện tinh tế. Lớp xòe con cháu lại tươi tắn, hồn nhiên toát ra từ động tác xòe, từ thân thể gương mặt người xòe.
Ở vùng Tây Bắc, ranh giới giữa người xòe và người xem xòe thường không phân biệt rõ ràng. Những người biểu diễn và người xem luôn hòa đồng, đồng cảm và cũng luôn diễn ra hiện tượng người xem ùa vào nắm tay những người biểu diễn để cùng xòe, không phân biệt những người già, trẻ, gái, trai, đẳng cấp, trình độ đều cầm tay nhau thân tình, say mê hòa vào tiếng trống chiêng, đàn hát và nhịp xòe…
* Các hình thức Xoè
- Xòe trong các lễ hội
Trong các lễ hội của người Thái, ngoài phần lễ trang nghiêm thành kính, thì phần hội diễn ra sôi nổi với các trò diễn dân gian và múa xòe trên nền nhạc rộn ràng của chiêng, trống, chũm chọe, ống tre…có thể nói Xòe không thể thiếu trong các lễ hội của người Thái.
Xòe trong Lễ hội Xên Tra: đây là lễ hội mừng chiến thắng của người Thái Mường Muổi (Thuận Châu), có quy mô lớn, có loại hình múa trong hành lễ, đó là: Xé Lảng hang dúng (hoặc Xé lảng xé pén) nghĩa là múa mộc múa khiên. Điệu múa được tả bằng trong tập sách chữ Thái cổ: “Táy pú xớc” (Bước đường chinh chiến của cha ông), kể khi quân của Lạng Chượng tiến đến Mường Húa huyện Tuần giáo, tỉnh Điện Biên gặp địch bèn bày trận ra và thị uy bằng cách dương tấm khiên có cắm lông đuôi chim công múa “ xa văn lốn / xa vông khửn” (Nhún nhấn dần xuống/ nhún nẩy lên), vừa hát vừa múa chỉ có duy nhất một động tác.
Xòe trong Lễ hội Xên Lảu Nó: Đây là lễ hội của người Thái đen, lễ hội của những người làm nghề thầy mo, thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho người ốm, người được chữa bệnh nhận làm con nuôi. Hàng năm thầy mo tổ chức lễ cúng tại nhà. Các con nuôi đem lễ vật đến làm lễ với thầy mo. Phần lễ là của gia đình, làm tại nhà Thầy, phần hội là của các con nuôi và bà con, họ hàng xung quanh có được mời hay không đều đến “kin muôn” (ăn vui). Trong trình tự cuộc lễ diễn ra nhiều cung đoạn và có nhiều trò diễn mang tính kịch vui, Xé Toh Duốc - Xé Toh quái Xiên (Múa trâu chọi, húc nhau) do hai người múa, đạo là một đoạn cây chuối, tượng trưng làm hai con trâu lao vào nhau-húc; ngoài ra còn có múa khăn, múa quạt… Âm nhạc cho múa dùng bộ trống, chiêng, chũm chọe gõ làm nhịp. Người vừa gõ trống, chiêng cũng vừa nhún nhảy múa. Người dự xem, dễ ngẫu hứng diễn trò và xòe theo nhịp nhạc.
Xòe trong Lễ Hết Chá: Cũng giống như lễ hội Xên Lảu Nó nhưng đây là lễ hội của người Thái trắng vùng Mộc Châu. Phần hội có nhiều trò diễn và nhiều điệu xòe còn được gọi chung là Xòe Chá, gồm có: Xòe khăn, những người phụ nữ dùng khăn làm đạo cụ để múa, đi theo hàng trong tiếng nhạc đệm của trống, chiêng, chũm chọe, tắng bụ (ống tre gõ lên ván gỗ); Xòe vòng: Mọi người xòe vòng quanh cây xặng chá, theo tiếng nhạc đệm, mọi người không kể già, trẻ, trai, gái đều có thể vào múa; Xòe quạt; Múa lừa bắt con nhím: xé ẻo mển…
Xòe trong Lễ hội Kin Pang Then: Cũng là lễ hội do thầy mo tổ chức, của người Thái trắng Quỳnh Nhai. Trong phần hội có nhiều điệu múa được thể hiện: Múa kếp phắc (hái rau); múa tó cáy (chọi gà) múa khăn, múa quạt…và cuối cùng là múa xòe vòng.
Xòe trong Lễ tang: Trong khi ông mo đọc lời tang lễ, người nhà, con cháu có thể múa theo nền nhạc: xe hoi (múa ốc); hoặc múa bên mộ cho những người chết trẻ, được cho rằng đang còn trong lứa tuổi xòe, luyến tiếc trần gian.
- Xòe vòng
Từ xưa đến nay xoè vòng của dân tộc Thái luôn phát huy được sức hấp dẫn và có tác dụng động viên khích lệ lôi cuốn mọi người.
Xoè vòng chính là nơi tụ hội, là nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, lòng lạc quan, tình yêu quê hương, đất nước, thắt chặt mối liên kết cộng đồng. Âm thanh trầm bổng của nhịp trống xoè nổi lên ở đâu thì ở đó có không khí tưng bừng hối hả, hối thúc mọi người khẩn trương thu xếp công việc để đến bên nhau.
Địa điểm diễn ra vòng xoè cũng rất tiện cho việc tổ chức: Có thể trong sân nhà, trên sàn hoa, trên sàn sân khấu, ở dưới gốc cây hay trên sân bãi, vài chục người thì làm vòng xoè nhỏ, năm bảy trăm người trở lên thì có thể chia ra nhiều vòng xoè, có thể xếp vòng trong và vòng ngoài. Nhiều nơi còn chia vòng xoè theo lứa tuổi với quan niệm cho rằng tuổi có hợp thì mới dễ đồng cảm, dễ hiểu, dễ vui với nhau hơn.
Xoè trong lễ hội đón tết từ xưa hay mừng nhà mới, mừng cô dâu chú rể, xoè góp mặt có nhiều ý nghĩa khác nhau, những cuộc vui lớn nhất như vậy, vòng xoè có chum rượu cần lớn để mọi người chúc tụng nhau, thể hiện sự hoà đồng chung vui đoàn kết mà không hề làm nhẹ đi những nghiêm luật tôn ty thứ bậc trong cộng đồng.
Trong hội xoè, đội hình xoè và động tác xoè cũng rất giản dị. Tay nắm tay, vai kề vai, chân người dịch bước theo chân người kia, mắt nhìn vào nhau tình tứ cùng chuyển động trong không gian ngây ngất của vòng xoè. Cách tạo hình chuyển động và luật động tác đòi hỏi phải thật nhịp nhàng. Độ nhún và bước đi của vòng xoè gần giống với nhiều hoạt động trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của con người. Động tác của người tham dự xoè vòng gần như việc du con khi địu trên lưng, như động tác giã gạo của phụ nữ Thái. Khi bước lên phía trước thì nâng 2 tay lên phía trước, khuỷu tay hơi co lại, bàn tay không nâng cao quá tầm vai, khi lùi lại thì 2 tay cũng buông xuôi xuống, khuỷu tay thẳng 2 bàn tay buông về sau lưng, còn bàn chân luôn sệt sát mặt đất. Mỗi bước tiến lên hoặc lùi đều chuyển dần sang phải, đôi khi sang trái để vòng xoè cứ xoay mãi, xoay mãi như chuyển động của vạn vật, như sự chuyển dịch của thời gian vòng quay của đất trời. Nhịp xoè cứ thế uyển chuyển và nhịp nhàng. Khi cuộc vui thôi thúc mọi người vỗ tay nhảy lên, hú lên và động tác toàn thân cũng mạnh mẽ hơn lên.
Nhịp đánh trống đánh chiêng, chũm chọe và thổi khèn được gọi là linh hồn của vòng xoè. Động tác của họ rất uyển chuyển, lúc mạnh lúc nhẹ có sức lôi cuốn mạnh mẽ, mỗi khi chiêng trống nổi lên mọi người kéo đến rất đông. Trống thôi thúc, chiêng ngân xa, người người lao vào vòng xoè khiến cho trống chiêng rộn rã, cuộc vui tưởng chừng như bất tận, càng đánh càng khoẻ, càng múa càng say. Dàn nhạc của xoè vòng thông thường là một trống, 2 hoặc 3 cái chiêng, một đôi chũm chọe và mấy ống tre dỗ trên ván gỗ, nhiều nơi và nhiều lúc còn dùng Pí, Khèn bè, Tính tẩu. Giai điệu và tiết tấu nhạc đơn giản, câu nhạc ngắn, lặp đi lặp lại nhưng lôi cuốn. Cũng là dàn nhạc ấy và nhịp điệu ấy nhưng tuỳ từng lúc và tính chất của buổi xoè mà đêm nhạc và chuyển âm khác nhau. Khi vui thì trống chiêng rộn rã, cách đánh vừa thanh vừa mạnh tùng chinh chinh, tùng chinh chinh hoặc nhanh hơn mạnh hơn “Tùng chinh, tùng chinh, tùng chinh, tùng chinh”.
Khắp xoè (tức là hát và múa) cũng giống như trống xoè là 2 tiếng cửa miệng mà nhân dân thường nhắc liền với nhau như một thể thống nhất với nhau, vừa xoè lại vừa hát có láy đuôi ở mỗi câu hát cũng là hình thức phổ biến. Tính chất nhịp nhàng của xoè được kết hợp với hát đối, hát kể chuyện hoặc hát chúc mừng làm cho cuộc xoè càng có sức hấp dẫn.
Khi một phụ nữ trong vòng xoè cất lên giọng hát sau mỗi một câu hoặc vài câu, tuỳ theo nội dung câu hát những người trong vòng xoè lại đồng thanh láy đuôi “Au hang”. Nếu vòng xoè lớn, số người đông thì có thể góc này hát, góc kia hát, thậm chí nhiều người nhiều tốp hát cùng một lúc với những bài hát có nội dung khác nhau: Góc này hát chúc mừng, góc kia hát đối đáp, một góc khác lại hát bài hát phổ biến trong dân gian nhưng cũng có thể ứng tác ngay tại chỗ. Nhờ vậy mà nội dung rất linh hoạt, phong phú và kịp thời.
Điệu xoè thể hiện niềm vui mừng mùa màng bội thu, mừng nhà mới, mừng năm mới, mừng trai gái khi dựng vợ gả chồng.
Xoè vòng gắn âm nhạc với nhịp điệu cho nên động tác tuy đơn giản nhưng có sức lôi cuốn đến diệu kỳ. Ai đã vào vòng xòe thì đều có cảm xúc vui say không muốn dứt ra được, mọi mỏi mệt chán chường của đời thường bỗng dưng tan biến hết, cái hay của vòng xoè là đã tạo ra một không gian văn hoá hoà đồng và đoàn kết. Muôn người cùng thân ái bên nhau, cái riêng được gắn liền với cái chung, nhờ cái chung mà từng cái riêng hội nhập và phát triển.
Ai lên Tây Bắc mà chưa vào xoè vòng thì coi như đã đánh mất một niềm vui vô giá. Xoè để vui bản, vui mường, xoè để thăm hỏi động viên nhau, xoè để kết thân làm cho tình cảm ngày một bền chặt. Qua nhịp điệu của âm nhạc, cấu trúc của động tác và tính chất của điệu xoè vòng ta có thể xác định điệu xoè có tính tập thể và bắt nguồn từ đời sống lao động của nhân dân, nó ra đời từ rất lâu đời, được lưu giữ và phát triển cho tới tận ngày nay.
Xoè vòng có âm nhạc đơn giản, động tác không nhiều và phức tạp nhưng nó lại giữ một vai trò như một điệu múa gốc trong nền nghệ thuật múa Tây Bắc.
Ngày tết có xoè, không gian mùa xuân như rộng lớn hơn. Trẻ em tung tăng đi khoe áo mới, người lớn tay trong tay thắm thiết tình cảm, xốn xang cảm xúc giữa vòng xoè.
Trong lễ hội dân gian cũng vậy, phần lễ linh thiêng huyền bí, phần hội tưng bừng náo nhiệt bởi vòng xoè. Vòng xoè trong lễ hội giúp mọi người thăng hoa trong những cảm xúc khác nhau, múa hay hơn, hát hay hơn và những điệu khèn, điệu sáo cũng bay bổng khác thường. Không gian rộng mở, lòng người cũng rộng mở bao dung, sống vui hơn, sống đẹp hơn giữa cái bao la chộn rộn của đất trời và của lòng người. Có lẽ trong cả cuộc đời những dấu mốc quan trọng có ý nghĩa sâu đậm nhất là “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, và những cuộc vui đó không thể có sự góp mặt của cả mọt cộng đồng. Niềm vui sẽ tăng lên gấp bội phần khi ta đem niềm vui ấy chia xẻ với mọi người.
Những lời chúc mừng tốt đẹp ấy là ly rượu, là cái bắt tay nồng thắm, là nụ cười rạng rỡ không ai có thể nào quên được. Vòng xoè là biểu hiện tổng hoà của niềm vui, tay nắm tay, mắt nhìn vào trong mắt, niềm vui dịu ngọt ta cùng hát cùng múa, cùng tâm sự bên nhau; nỗi buồn, vất vả của cá thể không còn chỗ đứng, bởi vì niềm tin, sức mạnh đoàn kết, lòng lạc quan của cả một tập thể đã xua đi tất cả mọi nỗi buồn lo.
Người Thái quan niệm “Không xoè, hoa không nở, cây lúa không trổ bông, cây ngô không ra bắp. Không xoè người không vui, trai gái không thành đôi”, bởi vậy lại có quan niệm của người Thái cho rằng đang tuổi thanh xuân, tuổi của ca hát, tuổi của xoè múa mà không may chết đi thì thật là một thiệt thòi, một tổn thất rất đau xót, cho nên mới sinh ra điệu xoè bên mộ chí để tiễn đưa người đã khuất còn để an ủi những người sống.
Trong quy luật giao lưu, văn hoá xoè vòng có mặt trong đời sống sinh hoạt của nhiều tộc người sinh sống trên mảnh đất Sơn La. Tuy nhiên, người Thái là dân tộc biết chọn lọc, tiếp thu, lưu giữ và coi “Xoè vòng” như một báu vật quý giá cho Nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung và dân tộc Thái nói riêng. Văn hoá là sức sáng tạo không mệt mỏi của quần chúng Nhân dân lao động và chính xoè vòng là sự sáng tạo không mệt mỏi của nhân dân đóng góp cho nghệ thuật múa Việt Nam.
Xoè là điệu múa tập thể, có sức mạnh tổng hợp động viên quần chúng trong lao động sản xuất, nâng cao ý thức đoàn kết thân ái trong cộng đồng. Xoè thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân. Đây là một phương tiện giao tiếp rất có hiệu quả, là một sản phẩm tinh thần quý giá mà cha ông chúng ta truyền lại cho cháu, cho con.
Xòe vòng trước năm 1954 thể hiện rõ tính giai cấp, dân xòe với dân, quan xòe với quan. Sau giải phóng Tây Bắc 1954, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ về chủ trương phát triển Nghệ thuật múa nên phong trào này phát triển hơn trước. Từ đây tính giai cấp đã được xóa đi, thay vào đó là tính đại chúng trong Nghệ thuật Xòe, Nhân dân cùng xòe với cán bộ lãnh đạo, cán bộ mời dân xòe, điều này khiến người dân rất cảm kích, bộ đội đóng tại địa phương cùng xòe với dân bản khiến cho tình đoàn kết, tình quân dân càng thắm thiết qua lời ca, điệu múa. Tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, không phân biệt dân tộc này hay dân tộc khác mọi người đều có thể nắm tay nhau cùng xòe, thậm chí cả những em bé mới cảm nhận được âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng cũng được mẹ địu trên lưng và cùng nhún mình theo bước chân xòe của mẹ và mọi người. Cái nắm tay trong Xòe vòng có ý nghĩa vừa để gắn kết cộng đồng, vừa để truyền nhau hơi ấm chia sẻ những niềm vui hay tiếp thêm sức mạnh vượt qua những hoạn nạn trong cuộc sống. Xòe vòng thực sự đã trở thành điệu múa tập thể độc đáo và có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần, góp phần làm nên sự phong phú cho đời sống văn hóa cộng đồng.
- Xòe điệu (múa biểu diễn)
Hệ thống các điệu xoè Thái chia theo ngôn ngữ đạo cụ có lẽ dễ dàng hơn chia theo nội dung điệu xoè. Vì vậy, theo hệ ngôn ngữ đạo cụ thấy có các điệu xoè sau đây:
+ Các điệu xoè quạt (hệ múa đạo cụ quạt giấy)
Xòe quạt (múa quạt): có hai kiểu, múa một quạt và múa hai quạt. Múa một quạt thường đi đôi với khăn, người múa cầm quạt xòe ở tay phải, khăn (gập đôi) ở tay trái. Còn múa hai quạt thì cầm quạt xòe ở hai tay, quạt cũng có khi xòe khi gập. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.
Xoè quạt rất đa dạng, phong phú, có trên một chục điệu xoè quạt. Các điệu xoè quạt phổ biến ở kết cấu một vài động tác đơn giản, lặp đi lặp lại, độ ngắn, dài điệu xoè luôn xê dịch. Ở vùng người Thái trắng và người Thái đen đều có các điệu xòe quạt: Vi Pắn vi len (quạt nảy); Vi Hắp vi khay (quạt vẫy); Tốp vi (đập quạt);Vi Mường Chiến (quạt Mường Chiến)
Sau này, xuất hiện những điệu xòe quạt mới với những nội dung cụ thể và mở rộng bố cục có kết cấu nhiều động tác, hình tượng hơn. Độ dài và mở đầu, kết thúc ổn định, chặt chẽ. Đây là một cách phát triển rất mới mà trước đây ít thấy ở các điệu xòe quạt thái như xòe cánh bướm rừng ban, xòe hoa thơm bướm lượn...
+ Các điệu xòe khăn
Xòe khăn (múa khăn): Đối với phụ nữ Thái trắng không đội piêu (khăn) thường sử dụng khăn lụa dài để múa, còn phụ nữ Thái đen họ sử dụng chiếc piêu đội đầu có thêu những hoa văn rất đẹp để múa. Những chiếc khăn được khoác lên mình các cô gái xòe để biến những động tác sinh hoạt hàng ngày thành những động tác múa duyên dáng, uyển chuyển. Múa khăn có động tác đứng vung khăn ra đằng trước, vung quá đầu, vung ngang ngực, vung sang bên cạnh và động tác ngồi vung khăn. Ngoài ra, múa khăn còn có động tác vung khăn quàng sau lưng, mỗi nữ cầm hai khăn dài gập đôi; khi thì một tay chống nạnh, một tay vung khăn; khi thì hai tay cùng vung khăn.
Xòe khăn cũng đã tìm thấy trên một cục điệu: Khăn dài, khăn ngắn; Nhùm hưa (đẩy thuyền); Tắng xạ (đường người Xá); Chầu pô (chầu vua); Xòe trong Kin Pang Then (xòe cúng Then); Xòe đôi (xòe khăn hai người); Xòe khăn Pếnh, xòe khăn Táo (khăn tiến, khăn lui); Khóa hô (vung khăn qua đầu); Xòe cá ơk (Đưa khăn qua ngực); Xòe khăn piêu (khăn đội đầu); Quát bok héo (quét hoa tàn)
+ Các điệu xòe nón
Xòe cúp (xòe nón) có kết cấu đa dạng gồm nhiều động tác, hình tượng được sắp xếp liên kết chặt chẽ, xòe nón chỉ có ở người Thái trắng, ở Sơn La xòe nón chủ yếu của người Thái trắng Quỳnh Nhai, tuy có tiếp thu Xòe nón Mường Xo và Xòe nón Mường Lay nhưng người Thái Quỳnh Nhai đã tạo nên bản sắc riêng của xòe nón Quỳnh Nhai. Ngoài ra, còn sáng tác thêm Cúp Kếp phắc (nón hái rau). Xòe nón còn được sáng tạo kết thành đội hình như bông hoa khoe sắc vô cùng sinh động trên nền nhạc dân gian truyền thống.
+ Các điệu xòe quả nhạc (mák hính)
Xòe nhạc (múa nhạc): Người múa đeo chùm nhạc (từ 3 - 5 quả), đeo vào ngón giữa, có thể đeo cả hai tay nhưng thông thường đeo một tay phải. Quả nhạc nằm hướng trên mu bàn tay. Điệu xòe này cũng chủ yếu được người Thái trắng Quỳnh Nhai, Mường La thể hiện. Khi múa, hai bàn tay xấp chồng lên nhau, tay phải ở trên; từ tư thế này hai tay đánh nhạc ra hai bên mở xế gần 45 độ, sau đó hai tay múa như vuốt nhẹ trở vào và về tư thế ban đầu. Quá trình đánh ra - vào chùm nhạc phát ra âm thanh vang như tiếng chuông reo hòa với âm thanh của các loại nhạc cụ khác, khi múa sử dụng mu bàn tay để bật cho chùm nhạc vang lên những âm thanh, không dùng bàn tay nắm vào mở ra, mắt nhìn theo tay.
Động tác múa ngồi: hai tay để chồng nhau ở sườn trái (tay phải ở trên), hai tay đánh đuổi nhau (tay phải vào, tay trái ra; tay trái vào, tay phải ra); tay đánh vào ở phía trên, tay đánh ra ở phía dưới. Khi tay phải đánh ra đồng thời mở đưa vòng sang sườn bên phải để đánh đổi bên. Tiếp tục đánh đuổi nhau như vậy nhưng ở sườn phải và khi tay phải đánh ra đồng thời đưa vòng sang sườn trái để làm bên trái. Kết hợp với động tác tay đó là ngồi rung nhạc chuyển, hai tay song song rung nhạc theo nhịp nhẹ nhàng trên một đường ngang là là mặt đất từ bên trái sang phải và ngược lại đồng thời người chuyển nghiêng và ngả theo tay.
Động tác đứng tại chỗ và nhảy đổi chỗ cho nhau: khi múa đứng tại chỗ tay đánh nhạc giống múa ngồi nhưng đánh bên chân làm trụ sau đó nhảy đổi qua nhau. Chân trái nhảy lên một bước, co bàn chân phải ngang kheo gối trái, tay đánh nhạc bên trái. Chân phải nhảy lên một bước, chân trái co, đánh nhạc bên phải. Chân trái nhảy lùi về một bước, chân phải co, đánh nhạc bên trái. Chân phải nhảy đồng thời đổi hướng (½ vòng), đổi chỗ hai người qua nhau.
Động tác bước vội: bước hai bước trái, phải và trọng tâm chuyển ngang sang chân phải (đặt trước); chuyển trọng tâm về chân trái, chân phải kéo miết về sau, chân trái nhún nhẹ xuống. Sau đó đổi chân phải bước trước. Bàn tay đặt xấp, đánh xa trước sau, chân nọ tay kia. Tay đánh phải, trái, phải kéo về; khi kéo về bàn tay miết xuống theo chân.
Động tác xòe Tay Chiến (Xòe Người Thái Mường Chiến của Mường La): Chân bước nhún sang phải, tay phải cất nhạc, khung tay cao ngang sườn phải. Từ đó đánh rung nhạc từ từ lên cao theo hướng xế trái trước mặt rồi nẩy lên và buông xuống ngang thắt lưng trái. Đầu và người nghiêng theo tay đánh để có cảm giác như đang nghe nhạc. Chân bước nhún sang trái, tay phải từ thắt lưng trái vừa bật nhạc vừa vẽ tròn qua đầu đến xế phải nẩy lên và buông xuống thắt lưng phải.
Hệ thống xòe mák hính rất nhiều tính tạo hình và đặc sắc: Xòe mák hính (xòe quả nhạc); Xòe phá pết (xòe nhạc tám người đan xen); Xòe hình ly ông teo (xòe bên cây nêu); Xòe Nhùm Hưa (đẩy thuyền); Xòe Tó Cáy (xòe chọi gà)…
+ Xòe sạp (múa sạp): Ban đầu Xòe sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó con người dần sáng tạo sử dụng nhiều cây tre dành cho nhiều người ngồi gõ để phục vụ cho nhiều người cùng tham gia múa. Thông thường múa sạp ngày nay chuẩn bị đạo cụ cần thiết phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính khoảng 3 - 4 cm, dài 3 - 4m). Khi múa, đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song với khoảng cách đều nhau chừng 30 - 40cm tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động. Đối với tốp đập sàn, mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con rồi gõ, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, kết hợp vừa gõ vừa hát. Đối với tốp múa, lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, có khi người múa chỉ là nữ, phụ nữ Thái thường khoác trên mình khăn lụa dài hoặc khăn piêu hay cầm chiếc quạt với màu sắc rực rỡ để múa khi vung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập. Đội hình biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn tất cả đều diễn ra trên dàn sạp nhưng vẫn chú ý đúng nhịp và hai chân không bị kẹp khi hai sạp con chập vào nhau. Hai tốp sạp và tốp múa thay nhau tạo không khí luôn rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng. Người Thái thường tổ chức múa sạp khi có lễ hội, trong ngày tết, các cuộc vui.
+ Xòe chai (múa chai): là điệu múa sử dụng đạo cụ là chiếc chai thường được giữ cân bằng trên đỉnh đầu của người múa kết hợp với những động tác uyển chuyển, khéo léo mà không bị rơi, ý nghĩa của điệu múa này là để mời rượu. Hiện nay, đạo cụ này được thay bằng quả bầu nậm (còn gọi là xòe nậm tảu)
+ Các điệu xòe khác:
Ngoài những hệ thống xòe quạt, xòe khăn, xòe nón, xòe quả nhạc, người Thái còn có rất nhiều những điệu xòe đặc sắc khác. Những điệu xòe mang tên những sự việc, nội dung, đạo cụ: Xòe chan khon (múa hút thuốc lào); Xòe kếp phắc (múa hái rau); Xòe kếp bók (múa hái hoa)
Các điệu xòe thường gắn với các đạo cụ nhất định: Xòe Chan khon gắn với tấm khăn dài; Xòe kếp phắc gắn với chiếc nón và chiếc giỏ; Xòe kếp bók gắn với bông hoa…
Các điệu xòe khác: Xòe hương (múa hương nén); Xòe nến (múa nến, múa đèn); Xòe thuội (múa bát, đũa); Xòe lảng, xòe pén (múa mộc, múa kiếm); xòe đuôi công; xòe dệt phai (múa dệt vải); Xòe tăng bẳng, tăng bu (múa ống); Xòe quăng chài; Xòe đi săn; Xòe đẩy bè… đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Các điệu xòe Thái (múa biểu diễn) đều có nguồn gốc từ các điệu xòe nghi lễ (xòe trong các lễ hội), phát triển thành các bài múa biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, trong chương trình của các đội văn nghệ quần chúng…
Thông qua những điệu Xòe của Nghệ thuật Xòe Thái (ngoại trừ Xòe vòng không phân biệt giới tính, tuổi tác tham gia) chúng ta dễ nhận thấy đặc điểm chung được rút ra đó là: Nghệ thuật Xòe Thái chủ yếu dành cho nữ, nữ múa là chính; tính chất múa nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng linh hoạt. Trong khi múa, bước chân thường nhẹ êm, không nhảy cao, không bước rộng, khi ngửa người, không uốn lưng nhiều. Nếu có nam tham gia thì cũng không có động tác quay, nhảy bước lớn, ít động tác thể hiện sự dũng mãnh mang tính chiến đấu như các dân tộc khác. Nghệ thuật Xòe Thái là loại múa đồng diễn, múa đông người, múa tập thể. Đội hình thường gặp là vòng tròn, hai hàng dọc ngang có thêm nhảy đổi chỗ cho nhau.
Trong số những điệu Xòe của Nghệ thuật Xòe Thái, Xòe vòng là điệu Xòe không hạn chế về số người tham gia, động tác đơn giản nhịp nhàng, múa mà không cần có đạo cụ, chỉ là cái nắm tay ấm áp tình người và chân bước theo nhịp điệu xòe. Còn lại những điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai… là những điệu Xòe mang tính chất biểu diễn, bắt buộc phải có nhạc cụ, đạo cụ, giới hạn người tham gia, có đội hình, có biên đạo và thường được sử dụng nhiều trên sân khấu.
Nghệ thuật Xòe Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật từ quần chúng lao động, kết quả sáng tạo này được quay trở lại phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của giai cấp công nông, nói cách khác quần chúng là người sáng tạo và là người hưởng thụ văn hóa. Sau những ngày lao động mệt nhọc, hòa mình với Nghệ thuật Xòe không chỉ giúp người ta tìm lại cảm giác thư thái và hứng khởi mà còn làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ xã hội thêm gắn bó hơn, dễ gần nhau hơn. Hiện nay tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng Thái của tỉnh Sơn La, Nghệ thuật Xòe đang là một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước không những làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thái mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con thông qua dịch vụ du lịch cộng đồng.
* Giá trị của di sản Nghệ thuật Xòe Thái
- Giá trị lịch sử: Nghệ thuật Xòe Thái phát triển đến nay là một minh chứng lịch sử cho sự phát triển của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Thông qua Nghệ thuật Xòe giúp các nhà nghiên cứu tìm về quá khứ để khám phá lối sinh hoạt và những tư duy sáng tạo của người xưa để cho ra đời một di sản văn hóa như ngày nay hay nói cách khác là để khẳng định chủ nhân của loại hình nghệ thuật này. Nghệ thuật xòe cũng phản ánh lịch sử tộc người Thái, quá trình thiên di, quá trình chinh chiến của cha ông, xây bản, dựng mường. Qua nhiều thế kỷ, họ đã xây dựng nên những bản mường trù mật, những trung tâm dân cư đông đúc tại những cánh đồng, thung lũng và những cao nguyên màu mỡ. Từ đó chúng ta nhận diện được đó là bản sắc văn hóa riêng có của người Thái, nó sẽ không lẫn với bất cứ dân tộc nào kể cả khi xuất hiện trên thế giới. Dù trải qua bao sóng gió thăng trầm, Nghệ thuật Xòe Thái không nhạt phai trong nhịp sống đương đại mà vẫn hiện hữu khẳng định sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc và mãi trường tồn với non sông, đất nước.
- Giá trị văn hóa: Nghệ thuật Xòe thể hiện rõ nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái; sự tồn tại, phát triển của Nghệ thuật Xòe góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Từ lâu, Nghệ thuật Xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca để lưu giữ và mô tả về nét văn hóa giàu sắc thái bản địa và vẻ đẹp độc đáo trong loại hình nghệ thuật này. Nghệ thuật Xòe đã trở thành phong tục của người Thái và cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. Nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Bằng Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt.
- Giá trị khoa học: Nghệ thuật Xòe Thái là cơ sở cho các nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, xác định được loại hình nghệ thuật này đã xuất hiện, tồn tại và phát triển gắn với lịch sử phát triển của đất nước, đây là di sản văn hóa mang giá trị tiêu biểu của dân tộc Việt Nam được khẳng định với bạn bè thế giới; đồng thời Nghệ thuật Xòe còn khơi nguồn cảm hứng cho những người say mê nghệ thuật và cho ra đời những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, những sáng tạo nghệ thuật có giá trị sẽ còn mãi với thời gian.
- Vai trò của di sản Nghệ thuật Xòe Thái đối với đời sống cộng đồng
Sự tồn tại và phát triển của Nghệ thuật Xòe Thái đến nay là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước đối với văn hóa các dân tộc, một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ. Nghệ thuật Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, được coi đó là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời Nghệ thuật Xòe được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Nghệ thuật Xòe là nét đẹp văn hóa được nhân dân các dân tộc gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, Nghệ thuật Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc. Nghệ thuật Xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.
Di sản Nghệ thuật Xòe là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Thái, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần tăng cường giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các quốc gia đồng thời nâng cao cả về thể lực, trí lực, trình độ thẩm mỹ cho công chúng yêu và có sở thích tham gia nghiên cứu, thực hành nghệ thuật xòe Thái. Vì vậy, cần hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể trong Nghệ thuật Xòe Thái. Ngày nay Nghệ thuật Xòe còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Nghệ thuật Xòe Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015. Tỉnh Sơn La đã phối hợp với các tỉnh Tây Bắc lập Hồ sơ khoa học Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO và được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 15/12/2021.