31.Di tích Cầu Tà Vài

Quản trị hệ thống

“Nghe con suối róc rách đang reo vui, đón mừng thắng lợi này, bản làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ. A ha! Dân quân Châu Yên ta với súng trường, nhằm thẳng vào mặt kẻ thù, bắn “thần sấm” phải rơi...”. Những câu hát quen thuộc trong ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay” của nhạc sỹ Trọng Loan gợi cho chúng ta về chiến công vang dội một thời của tiểu đội nữ dân quân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu dùng súng trường bắn rơi máy bay địch để bảo vệ nút giao thông cầu Tà Vài trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968). Gần một nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chiến công này của các cô gái Thái Yên Châu vẫn còn vang mãi trong ký ức của người đồng bào Tây Bắc và đông đảo người dân trong cả nước.
Năm 1964, giữa lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ngày 05/8 đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện ''Vịnh Bắc Bộ'' và phát động cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc hòng cứu vãn sự thất bại thảm hại trong chiến lược ''Chiến tranh đặc biệt'' ở Miền Nam. Nằm trong bối cảnh chung đó, Yên Châu, Sơn La trở thành một địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của ta nối liền từ Hà Nội lên Tây Bắc và vùng Thượng Lào. Đồng thời ngăn chặn sự viện trợ hàng hoá, vũ khí của phe xã hội chủ nghĩa cho cách mạng nước ta qua cửa ngõ Lai Châu.
Ngày 14-6-1965 đế quốc Mỹ leo thang ném bom bắn phá Mộc Châu mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân tại Sơn La. Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ huyện ủy Yên Châu triệu tập cuộc họp bất thường, nhận định tình hình “Mỹ bắn phá Tây Bắc thì Yên Châu sẽ là nơi đầu sóng ngọn gió”. Trên cơ sở đó, thống nhất phương án sơ tán nhân dân và các cơ quan đầu não ra khỏi địa bàn trọng điểm bắn phá. Đồng thời, triển khai lực lượng vũ trang, phân công các tổ trực chiến sẵn sàng chiến đấu trên các mặt trận, nhất là tại các nút giao thông quan trọng trên quốc lộ 6 là cầu Sắt (xã Sập Vạt), cầu Tà Vài (xã Chiềng Hặc). Hai chiếc cầu được Ty Giao thông Sơn La xây dựng từ năm 1961, bắc qua dòng suối Lóng Sập, hoàn thành và thông tuyến năm 1963.
Ngày 20-6-1965 máy bay Mỹ bất ngờ kéo đến ném 6 quả bom xuống bản Khâu Đay (Chiềng Hặc), đường Mường Lựm và bắn 20 quả rốc-két xuống cầu Tà Vài, đèo Chiềng Đông. Trong suốt thời gian đánh phá Yên Châu, riêng nút giao thông cầu Sắt, cầu Tà Vài đã phải hứng chịu 73 trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ với 4.370 quả bom các loại([1]). Song để đảm bảo giao thông không bị chia cắt, lực lượng dân quân tự vệ và các tổ trực chiến không kể ngày đêm cùng với bộ đội bám trụ mặt trận, vật lộn với bom đạn kẻ thù. Nhân dân hăng hái tham gia sửa đường cho xe qua, giúp bộ đội đào hầm hào, dựng lán trại với khẩu hiệu: ''Tiếng hát át tiếng bom'' và ''Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi''. Với tinh thần đoàn kết, thắm đượm tình quân dân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, nhân dân 2 xã Chiềng Hặc và Sập Vạt đã hăng hái tham gia đóng góp lương thực, thực phẩm giúp bộ đội chiến đấu với 7.850 kg rau xanh các loại, 500 kg gà vịt, 1280 m3 củi và hàng tấn lương thực.
Để đối phó với máy bay địch phá họai nút giao thông cầu Tà Vài, lực lượng dân quân trực chiến nơi đây đã lập trận địa trên những quả đồi bát úp, được bố trí phòng thủ gồm một tiểu đoàn có cả tiểu đội thông tin, trinh sát, hậu cần và hoả lực, được trang bị 8 khẩu pháo cao xạ 37 ly, 4 khẩu 12,7 ly. Ngoài ra, nhân dân địa phương và Tiểu đoàn 14 đào thêm công sự làm đường vòng quanh quả đồi để kéo pháo lên. Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn là bảo vệ, chặn đánh hướng bay của không quân Mỹ từ phía Tây (Lào) sang bắn phá cầu Tà Vài. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1965, tổ dân quân trực chiến tại cầu Tà Vài đã liên tiếp lập chiến công bắn rơi 2 máy bay F105 của địch, bắt sống 1 tên giặc lái Mỹ.
Tại xã Sập Vạt, lực lượng dân quân địa phương có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội pháo cao xạ để bảo vệ cầu Sắt, tham gia san lấp hố bom, sửa đường cho xe thẳng tiến. Tại đây, một tiểu đội nữ dân quân được trang bị 4 khẩu K44 và một khẩu trung liên, trực chiến trên một quả đồi có độ cao hơn 200 m so với cầu. Tiểu đội dân quân đa số là chị em chưa lập gia đình vốn chỉ quen với công việc thêu thùa, dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, chưa bao giờ cầm súng chiến đấu. Nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, nêu cao khẩu hiệu ''Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh'', chị em hăng hái thi đua giết giặc lập công. Tiêu biểu như chị Quàng Thị Ế, Quàng Thị Lĩnh ở xã Sập Vạt đã dũng cảm tháo bom nổ chậm, san lấp hố bom, tham gia kéo pháo, nấu cơm phục vụ các đơn vị bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Khi mặt trận bình yên trở lại, các chị em tiếp tục xuống đồng chắc tay súng, vững tay cày, lao động tăng gia sản xuất để đảm bảo lương thực, góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Chiến công của các tổ dân quân Yên Châu nhanh chóng lan truyền khắp cả nước, tạo thành làn sóng mạnh mẽ cổ vũ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tinh thần chiến đấu dũng cảm và những đóng góp quan trọng của quân và dân Yên Châu trên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi danh vào lịch sử dân tộc. Góp phần tô thắm thêm trang sử vàng về truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Trải qua thời gian, dưới sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên, 2 cây cầu chỉ còn lại phế tích. Trong 2 năm 2004 và 2006, cầu Tà Vài, cầu Sắt được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng di tích lịch sử.
Trong những năm qua, cùng với hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Yên Châu, 2 điểm di tích này đã và đang được chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân địa phương và khách tham quan du lịch. Đến với Yên Châu hôm nay, du khách không những được thưởng thức nhiều sản vật của địa phương như chuối ngọt, xoài thơm, hương vị rượu chuối ngây ngất mà còn có dịp ngược dòng thời gian ôn lại chặng đường lịch sử qua câu chuyện dũng cảm của các cô gái Thái với cây súng trường bắn rơi máy bay Mỹ.
 
([1]) Trong đó cầu Tà Vài hứng chịu tới 46 trận với 1272 quả bom, cầu Sắt hứng chịu 27 trận ném xuống vị trí cầu 3.100 quả bom các loại