Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa, huyện Mộc Châu
Người Mông hoa ở huyện Mộc Châu gồm 13 bản, ở các xã: Tân Lập, Tân Hợp, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc và thị trấn Nông trường.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông đã có từ lâu đời, xuất phát từ nhu cầu che thân, giữ ấm cơ thể, làm đẹp. Sự thẩm nhận nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, từ trong lao động sản xuất, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, bản mường. Người Mông Hoa đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình các họa tiết hoa văn với những ý niệm tín ngưỡng dân gian về thế giới thần linh để trong lao động, trong cuộc sống thường nhật trang phục cũng góp phần nhân lên niềm tin yêu, lạc quan của đồng bào.
Người Mông vẫn lưu truyền câu truyện truyền thuyết về nguồn gốc kỹ thuật tạo hoa văn của dân tộc mình: “Xưa kia người Mông còn sống ở Trung Quốc, họ cũng có chữ viết. Sau đó vì muốn chiếm đất và đồng hóa người Mông, nên người Hán đã cho quân đến xâm lược, đốt sách vở và cấm đàn ông Mông học chữ. Người Mông chỉ muốn ghi lại lịch sử của mình cũng không được. Đang lúc chạy trốn trên núi, vua của người Mông đã gặp một người phụ nữ Mông vẫn đang ngồi cắm cúi thêu bên bờ suối. Quên cả việc quân Hán đang kéo đến, Vua chợt nghĩ ra phương thức ghi lại chữ viết của người Mông bằng cách thêu chữ lên váy phụ nữ. Nhưng thêu thì lâu nên khi thấy một tổ ong bên đường, ông liền lấy sáp và vẽ vào váy. Từ đó, người Mông biết thêu và in hoa văn bằng sáp ong lên váy lanh. Người phụ nữ trước kia không học chữ nên không biết nghĩa của chúng”
Người Mông quan niệm: Đã là con gái thì phải biết xe lanh, dệt vải, thêu thùa, phải biết những kỹ năng đó mới đủ tiêu chuẩn lấy chồng. Với bản tính cần mẫn, người phụ nữ luôn tranh thủ thời gian nông nhàn để xe lanh, dệt vải, vẽ hoa văn, may trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình.
Kỹ thuật trang trí hoa văn trên trang phục được truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu, thực hành trực tiếp, qua trí nhớ của những người phụ nữ lớn tuổi, truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp với một quy trình rất dài. Các phương pháp trang trí hoa văn trên trang phục gồm: Thêu, chắp ghép vải, vẽ sáp ong, đính hạt cườm, nhựa, bạc. Các loại hình hoa văn được trang trí chủ yếu trên các bộ phận trang phục gồm: Áo (thân, tay, cổ), trên toàn thân váy, xà cạp, thắt lưng, khăn đội đầu, mũ; ngoài ra còn tạo hoa văn trên địu trẻ em, túi đeo…
Người Mông không có trang phục riêng phân biệt ngày thường với lễ hội, mùa đông với mùa hè mà ngày thường mặc những bộ trang phục cũ hơn, ngày tết, đi hội, ngày cưới thường mặc những bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất do chính tay những người phụ nữ tự chuẩn bị cho mình, cho các thành viên trong gia đình mặc khi có dịp.
Người Mông tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc và luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, hiện nay đã có rất nhiều loại trang phục của người Mông nhưng sử dụng vải công nghiệp, kỹ thuật trang trí hoa văn công nghiệp, giá cả rẻ, chất liệu nhẹ, bền, màu sắc đẹp là một trong những yếu tố làm mai một dần nghề dệt vải và kỹ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Mông.
Đối với người Mông, cô gái đẹp được quan niệm là cô gái phải thêu thùa khéo léo như chôn ốc. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Ngoài thời gian đi nương, làm công việc nhà, các cô gái ngồi quây quần bên nhau học thêu, truyền dạy kinh nghiệm in sáp ong, tạo mẫu, ghép vải mới…các hình thức giúp đỡ truyền nghề này góp phần cho nghệ thuật thêu, ghép hoa văn phát triển. Trước khi đi làm dâu các cô gái được mẹ tặng cho bộ váy áo mới, như của hồi môn. Khi về nhà chồng các cô gái phải chuẩn bị váy áo mới để tặng cho mẹ đẻ và mẹ chồng. Váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Người phụ nữ giàu có là người phụ nữ có nhiều váy đẹp, có nhiều trang sức quý. Khi khách đến thăm và ngủ lại, người khách sẽ được chủ nhà cho đắp một chiếc váy mới thay chăn. Khi thành người vợ, người mẹ, người phụ nữ Mông vẫn tiếp tục tạo thành nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng, con mặc đẹp.
Khi người vợ trở thành người mẹ có nghĩa vụ dạy bảo con gái học thêu. Đồng thời con dâu lại được mẹ chồng, đôi khi cả các chị chồng nhiệt tình dạy thêu thùa, dạy in sáp ong. Nàng dâu học thêu được nhiều mẫu thêu, in hoa văn mới của cộng đồng mới. Vừa kế thừa nghệ thuật thêu, trang trí hoa văn của gia đình mẹ đẻ, cô dâu lại tiếp thu nghệ thuật trang trí hoa văn của gia đình, dòng họ nhà chồng. Nghệ thuật in, thêu hoa văn tiếp tục phát triển. Trở về già họ còn lo thêm bộ váy, áo đẹp để về với tổ tiên. Cứ vậy, với chu kỳ của đời người phụ nữ, nghệ thuật trang trí hoa văn được bảo lưu, trao truyền nhiều thế hệ, bản sắc văn hóa tộc người luôn phát triển. Dòng đời người phụ nữ Mông cứ trôi đi, dòng hoa văn cứ chảy mãi theo bàn tay tài năng của họ. Qua bàn tay người phụ nữ, nghệ thuật tạo hình trên trang phục xuất hiện với những nét độc đáo cả về bố cục và màu sắc.
Xã hội ngày nay càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao nhưng tri thức dân gian vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của những người cao tuổi và truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác; chính vì lẽ đó, loại hình tri thức dân gian mang bí quyết nghề và tính mỹ thuật cao này vẫn được giữ gìn và phát huy trong cộng đồng.
* Kỹ thuật trang trí hoa văn trên trang phục
Người Mông hoa không có kỹ thuật tạo hoa văn trên khung dệt, mà chỉ tạo hoa văn trên vải đã dệt xong, có các phương pháp tạo hoa văn trên trang phục như sau:
- Kỹ thuật vẽ, in hoa văn bằng sáp ong: Người Mông dùng lá đồng để tạo thành chiếc bút vẽ (có bụng hoặc không có bụng chứa sáp ong), có hình tam giác được buộc chặt vào cán bằng tre. Họ lấy sáp của loài ong rừng về nấu, cất đi dùng dần. Người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng chảy, vẽ hoa văn lên vải, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp để tiếp tục vẽ. Người phụ nữ Mông Hoa vẽ hoa văn trên mảnh vải có chiều dài 5-7 m đủ để xếp ly cho một chiếc váy, rộng tùy theo khổ vải từ 25 - 30cm. Để vẽ hoàn thành một dải vải làm thân váy, người phụ nữ phải vẽ cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng mới xong. Nếu vẽ hoa văn cho mặt địu thì dùng tấm vải có kích thước 40cm x70 cm.
- Kỹ thuật nhuộm vải: Tấm vải sau khi vẽ hoa văn bằng sáp ong hoàn tất, người ta đem đi nhuộm chàm. Người Mông nhuộm vải lanh bằng cây Cang (giống cây chàm). Người Mông thường nhuộm Cang vào tháng 7-8, vì thời gian này trời nắng nhiều, vải mau khô và bắt mầu tốt. Khi đã nhuộm được màu Cang ưng ý, họ phơi khô vải rồi nhúng vào nước sôi, sáp ong tan ra sẽ hiện lên các hoa văn có màu xanh lơ trên nền chàm truyền thống. Người Mông hoa nhuộm 02 loại vải: Loại thứ nhất là nhuộm vải lanh trắng thành vải màu chàm đen, rồi thêu các họa tiết hoa văn lên đó, cắt ghép thành trang phục; loại thứ 2 là in các đồ án hoa văn lên vải trắng rồi nhuộm chàm để được loại vải chàm đen có hoa văn xanh lơ, sau đó mới tạo thêm các loại hoa văn bằng các kỹ thuật khác.
- Kỹ thuật thêu: Người Mông hoa thêu ở mặt trái, các họa tiết nổi lên trên mặt phải của vải. Có hai cách thêu là: thêu lát và thêu chéo mũi: Thêu lát là thêu đột các mũi kim xuyên vào vải liền khít vào nhau tạo nên những mảng màu mịn; Thêu chéo mũi là thêu hình chữ X, chữ thập để tạo khung hoa văn hay các họa tiết hoa văn trên vải.
Quy trình thêu: Để bắt đầu những đường thêu cơ bản trên trang phục, người nghệ nhân chia các ô trên mảnh vải theo dự kiến thêu các họa tiết hoa văn, bắt đầu từng họa tiết hoa văn, thêu từ ngoài vào trong và hoàn thiện dần từng đồ án hoa văn. Một loại hình hoa văn được thể hiện trên bao nhiêu ô của tấm vải thì phải được thêu hết, sau đó mới thêu đến loại hoa văn khác, cứ như vậy cho đến khi tấm vải thêu được hoàn chỉnh. Khi thêu, người thêu phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ thêu theo đồ án có bố cục nội dung phức tạp đã in sâu vào tiềm thức, trí nhớ người phụ nữ. Các cách thêu này làm cho việc tạo nét mềm mại chủ động, phóng khoáng, không bị gò bó trong kỹ thuật thêu luồn sợi dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm.
Phối màu: Trong khi thêu người nghệ nhân phối màu hết sức hài hòa. Các họa tiết hoa văn được thêu bằng chỉ màu đỏ, hồng, cam, xanh lá mạ nổi bật trên nền vải lanh trắng hoặc nền vải đen của cổ áo, nẹp cổ áo phía trước, gấu áo; Màu đen, màu trắng của nền váy, áo, quần thể hiện các mô típ hoa văn, chắp ghép vải màu theo các mô típ hoa văn truyền thống nối không màu với mọi màu, nâng màu sắc từ tẻ nhạt lên trang nhã và biến trang phục dân tộc trở thành một đồ án trang trí tạo hình bằng hoa văn tỷ mỷ, dày công từng đường kim mũi chỉ của người phụ nữ. Các mẫu thêu truyền thống của người Mông được truyền từ đời này sang đời khác và với kỹ thuật thêu chéo mũi, tùy theo đường kim, mũi chỉ, cách pha màu chỉ và sự khéo léo của từng người mà tạo nên các sản phẩm thêu có nét quyến rũ riêng.
- Kỹ thuật chắp ghép, can vải màu: Người Mông hoa có 03 cách chắp, ghép vải khác nhau: (1) dùng vải màu hoặc vải hoa rực rỡ chắp ghép vải theo từng ô, nối các ô đã thêu hoa văn hoa văn với nhau; (2) Chắp ghép vải màu tạo thành đường viền của cổ áo, tay áo, gấu áo, gấu quần làm cho các vị trí này rực rỡ, nổi bật trên nền chiếc áo, quần; (3) chắp ghép thành các đường vòng nhỏ, liên tục, khít nhau quấn quanh tay áo với màu sắc rực rỡ, cảm giác như người mặc đeo rất nhiều chiếc vòng.
- Kỹ thuật đính ghép hạt cườm, nhựa, bạc…thường được ghép cho những chiếc áo đi hội, mũ trẻ em, đồ của thầy cúng. Tạo cho những chiếc mũ, khăn, áo có vẻ đẹp độc đáo, tính biểu tượng cao, ngăn chặn ma tà, thú dữ.
Kỹ thuật vẽ, in sáp ong, thêu, ghép vải màu, đính cườm, bạc… thường được người phụ nữ Mông khéo léo kết hợp với nhau tạo ra sự phong phú về hoa văn. Bên cạnh các đường vải ghép đậm là đường thêu thanh mảnh, tạo cảm giác hoa văn luôn biến đổi liên tục. Kết hợp các biện pháp kỹ thuật còn góp phần tạo hiệu quả về màu sắc. Màu xanh lơ nhạt của vải in sáp ong trở thành màu trung gian, dung hòa với các màu đậm của vải ghép, chỉ thêu. Nhờ vậy mà màu sắc, đường nét, mô típ của hoa văn có sự chuyển động khá phong phú, vui mắt.
* Các loại hình hoa văn
- Hoa văn hình học:
Mô típ hoa văn hình học trên trang phục của người Mông hoa văn có những mô típ cơ bản như sau:
+ Nhóm hoa văn hình núi (hình rẻ quạt): Thường trang trí làm nền và xen kẽ giữa các hình thoi, tam giác, hình chong chóng ở trên thân váy, tạp dề.
+ Nhóm hoa văn hình răng cưa: Nhóm hoa văn này thường là các đường viền đóng khung trong mảng hoa văn chính.
+ Nhóm hoa văn chấm tròn, to nhỏ khác nhau: Được tạo nhiều trên thân váy của phụ nữ Mông Hoa in bằng sáp ong. Mô típ hoa văn của nhóm này chạy theo từng chuỗi dài vòng quanh thân váy, các chấm này cách đều nhau tạo thành vành hoa văn độc lập.
+ Nhóm hoa văn những đường gạch dài song song: Thường những đường vạch dài này thêu bằng chỉ màu, hay ghép bằng vải màu tạo thành đường song song đóng khung cho mảng hoa văn chính như hoa văn trên váy, áo, tạp dề.
+ Nhóm hoa văn hình dích dắc: Nhóm này có rất nhiều biến thể trang trí trên váy, áo của người Mông. Mô típ hoa văn này thường là hình con ốc, hình chữ S được in sáp ong hoặc thêu chỉ màu.
+ Nhóm hoa văn hình ô trám: Nhóm này có nhiều biến thể, có khi là những ô trám lồng, có khi là những ô trám đơn, thường được trang trí trên áo, váy, tạp dề, tạo hoa văn bằng ghép vải, thêu, in sáp ong, thêu chỉ màu.
+ Nhóm hoa văn đồng tiền thủng giữa: Nhóm này có nhiều biến thể, có khi là hình vuông có dấu chấm ở giữa, hoặc là giữa mỗi cạnh ngoài của hình vuông được khắc một vạch hay là hình chữ thập. Hoa văn được tạo bằng cách in sáp ong, thêu chỉ màu trên váy, tạp dề.
+ Nhóm hoa văn hình chong chóng: Nhóm này có nhiều biến thể có khi là hình chữ thập, khi là hình bông hoa được ghép bởi các hình tam giác hoặc là hình chong chóng. Mô típ hoa văn này được tạo bằng cách in sáp ong, thêu chỉ màu trên váy, áo, tạp dề của phụ nữ.
+ Nhóm hoa văn hình soắn ốc: Đây cũng là một trong những nhóm quan trọng ở đồ án hoa văn trang trí trên vải của người Mông. Hoa văn hình soắn ốc từng cặp đôi, cặp bốn, có khi là mô típ hoa văn in sáp ong ở mảng chính trên váy phụ nữ hoặc hình soắn chạy xung quanh đóng khung cho mô típ hoa văn chính.
+ Nhóm hoa văn hình chữ S: Nhóm này thường trang trí trên váy, tạp dề của phụ nữ. Mô típ hoa văn hình chữ S có khi là hoa văn chủ đạo của một đồ án hoặc có khi là đường diềm đóng khung cho hoa văn chính.
Bố cục hoa văn của hoa văn hình học:
+ Mảng hoa văn hình học thường có tác dụng làm nền cho những hoa văn chính. Nếu trong một bức tranh đẹp thì hoa văn hình học có tác dụng như cái khung. Chính nhờ khối hoa văn hình học mà khối hoa văn chính trở nên nổi nét, làm rõ ý đồ chủ đạo của nghệ nhân tạo hình.
+ Bố cục hoa văn hình học theo đường viền. Ở trên nền vải của người Mông thường dùng hoa văn hình học làm nền cho các hình hoa cúc, hướng dương, hoa đồng tiền, chữ thập, các băng hoa văn không bị cắt khúc mà chạy liên tục, tạo cảm giác kéo dài vô tận.
+ Ở thân váy hoa văn in sáp ong thường thấy các đường viền hình vuông. Mảng hoa văn này được nghệ nhân người Mông xử lý bằng khuôn hoa văn thành từng ô hình vuông, mà trong đó thường miêu tả các dạng ngôi sao tám cánh, hình đồng tiền, hình chữ thập.
+ Ở chân váy phụ nữ, những băng hoa văn hình học chạy song song thành đường diềm trên và dưới, mảng hoa văn này cũng được nghệ nhân Mông xử lý khuôn hoa văn thành từng ô vuông để miêu tả các loại hình hoa.
Bố cục hoa văn hình học được chia thành các tổ hợp:
+ Tổ hợp hoa văn hình quả trám xen với mô típ đường thẳng song song: Các băng hoa văn theo quy luật đối xứng, giữa là hàng hoa văn quả trám, hai bên là các đường gạch song song.
+ Tổ hợp hoa văn mô típ hình chữ S xen giữa mô típ răng cưa: tổ hợp này gồm các băng hoa văn đối xứng nhau giữa hình chữ S, hai bên có dải hoa văn răng cưa. Tổ hợp hoa văn này được tạo bằng cách in sáp ong trên váy phụ nữ.
+ Tổ hợp hoa văn hình đồng tiền xen giữa các đường gạch dài: Tổ hợp này cũng mang tính chất cân đối, băng hoa văn đồng tiền ở giữa, hai bên là các đường gạch dài song song được tạo bằng cách in sáp ong trên thân váy phụ nữ.
Ngoài ba tổ hợp hoa văn cơ bản trên còn có một số tổ hợp hoa văn khác nhưng xuất hiện không nhiều. Bố cục hoa văn còn được thể hiện ở cách bố trí xen ghép giữa các tổ hợp hoa văn chính với các tổ hợp hoa văn làm nền. Những mảng trang trí thường là đường diềm, đường nét bằng cách in sáp, ghép vải, thêu. Những mảng hoa văn chính thường là rộng, đường nét đậm, đường nét dày thậm chí ghép cả miếng vải 4cm x4cm, 4cm x 7 cm, nhưng hiệu quả màu sắc vẫn sáng, thoáng. Nghệ nhân dân tộc Mông sử dụng khá tài tình các bảng màu nền, mô típ hoa văn in sáp, ghép vải, thêu xuất hiện cùng một lúc trên cùng một sản phẩm. Nhưng các sắc độ màu vẫn khác nhau, các mảng sáng, tối rất hài hòa. Qua đó thấy người Mông có trình độ thẩm mỹ cao.
- Hoa văn hiện thực: Mô típ hoa văn hiện thực gồm:
+ Nhóm hoa văn hình người: Mô típ hình người trên trang phục Mông không tả thực, không tả toàn bộ mà chỉ tả cách điệu từng bộ phận trên cơ thể con người mà chủ yếu là mô típ hình bàn chân (dấu chân) trang trí trên váy.
+ Nhóm hoa văn hình móng chân gà (lầu trâu kếx): Loại mô típ này được trang trí chủ yếu trên váy phụ nữ, tạo thành băng dải hoa văn chính
+ Nhóm hoa văn hình con cua (lầu kưx dềnh): Nhóm này có tần số xuất hiện khá nhiều trên áo, váy, tạp dề của người phụ nữ. Đây là mô típ hoa văn chủ đạo trong nhiều đồ án, mô típ hoa văn chạy thành từng băng vòng quanh ống tay áo, cổ áo, tạp dề, cả dải băng ngang của váy, hoa văn này biểu hiện cho sấm, chớp.
+ Tổ hợp hoa văn hình con ốc (Kưx rong) hay còn gọi là ốc rồng: Tổ hợp hoa văn này có tần số xuất hiện khá nhiều trên vải của các ngành Mông. Mô típ hoa văn hình con ốc là hoa văn chính trong các đồ án trang trí được thêu bằng chỉ màu và in sáp ong thành từng ổ, cặp hai, bốn, tám cặp hoa văn ốc, có khi chạy dài thành từng băng.
+ Hoa văn hình hoa dưa (pangjxđij) được cách điệu thành nhiều dáng vẻ khác nhau. Có mẫu hoa dưa chỉ điểm xuyết hoặc là những chấm nhỏ ghép lại. Nhưng dù được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, hoa dưa vẫn giữ được đặc trưng là những hình kỷ hà ghép lại thành hoa 4 cánh.
* Bố cục và màu sắc
- Bố cục:
+ Hoa văn dân tộc Mông có bố cục thành dải, dải dọc và dải ngang nhưng chủ yếu là dải ngang. Mỗi dải hoa văn thường có bố cục ở giữa là mô típ hoa thêu chủ đạo lớn, khổ lớn, phía diềm vải là hoa văn thêu có tiết diện nhỏ, hẹp, bề ngang, dọc. Dải hoa văn xuất hiện trên thắt lưng, đầu tấm vải tạp dề, nằm trên ống tay áo. Trên nền chàm của váy, dải ngang thân váy rực rỡ hoa văn. Bố cục dải dọc hoa văn in sáp ong chạy song song sát nhau trên thân váy, tạp dề.
+ Tập trung các dải thành khối dày là đặc điểm của bố cục thành dải trên nền trang phục của người Mông: Tạp dề ở phía trước váy gồm nhiều dải dọc chạy song song ken dày bên nhau tạo thành 2 dải lớn: Thắt lưng là dải ngang lớn, gấu váy là dải ngang khổ rộng 2-5cm được làm bằng vải chàm đen, tiếp đó là băng dải hoa văn đầu tiên rộng từ 10-15cm gồm nhiều mô típ hoa văn thêu, ghép vải. Nhằm tôn thêm độ dày của khối này, các mô típ hoa văn không phân tán mà kề sát bên nhau thành dải. Các dải lại tập trung thành mặt phẳng lớn, các mô típ hoa văn Mông ở giữa có khổ lớn. Nếu không tập trung, mô típ hoa văn sẽ tan trên nền vải chàm nên chúng thường bị dồn lại, chồng xít thành dải để trở thành một mặt phẳng lớn vượt khỏi nền chàm tạo nên đặc điểm rực rỡ của hoa văn trên vải của người Mông hoa. Điểm đáng lưu ý, các băng dải này được kết hợp với nhau bằng nhiều kiểu khác nhau, có băng dải mỏng, xen với dải dày, có băng dải hoa văn nằm trên nền thêu, kề dải hoa văn ghép vải.
+ Bên cạnh bố cục thành dải, một số hoa văn trang trí của người Mông hoa như tấm vải trải gối cho người chết có bố cục thành ô. Ở đây các hình hoa bốn cánh, tám cánh hoặc móc câu thường được đóng khung trong ô hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình thoi. Bố cục ô ở đây đan xen bố cục thành dải tạo cảm giác hoa văn của người Mông hoa khá phong phú và nhiều loại hình. Sự kết hợp nhiều kiểu như vậy làm cho bố cục đồ án trang trí hoa văn không máy móc, không đơn điệu mô típ hoa văn, trái lại có nhiều đường nét, luôn sống động, góc nhìn luôn thay đổi.
- Màu sắc
+ Bảng màu truyền thống của người Mông có 5 màu: Chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Màu chàm sẫm chủ yếu là màu nền của vải đã nhuộm chàm, người Mông không dùng chỉ màu chàm sẫm để thêu mà chỉ tạo hoa văn màu sẫm bằng cách in sáp ong trên vải.
+ Điểm dễ nhận thấy ở trang trí hoa văn trên nền vải của người Mông Hoa là có một màu nóng giữ vai trò chủ đạo, có thể là màu đỏ, màu vàng (hiện nay, họ đã dùng cả màu tím, xanh, cà rốt…làm màu chủ đạo). Trên chiếc váy phụ nữ Mông hoa, các gam màu đó nổi bật lên trên nền chàm, tuy nhiên vì có nhiều màu sắc cùng phối hợp nên màu sắc vừa rực rỡ lại rất nền nã, hài hòa.
+ Bảng màu của dân tộc Mông không rộng hơn bảng màu của các dân tộc láng giềng nhưng trang phục của người Mông vẫn gây cho người xem cảm giác đa sắc màu.
+ Phụ nữ Mông không chỉ dùng một gam màu nóng làm mô típ hoa văn mà còn làm nền cho các mô típ hoa văn khác. Màu đó trở thành một thứ nền trung gian đặt trên nền cơ bản của màu chàm. Màu trung gian này có tác dụng “ngăn chặn nền chàm” mất hút hoa văn. Đồng thời các dải hoa văn trên nền đỏ ấy lại có diện tích lớn tạo thành các băng, dải dày “lấn át” chiếm chỗ nền chàm. Cùng với đặc điểm của bố cục tập trung các giải thành khối dày, màu nóng cứ rực lên, loang rộng, ra, thu hẹp diện tích màu chàm.
* Ý nghĩa của các loại hoa văn
Mỗi họa tiết hoa văn trên trang phục đều phản ánh thiên nhiên, cuộc sống lao động và thể hiện những khát vọng cao đẹp của người Mông:
- Họa tiết con sên, hình xoắn đối ngược hay là hình 02 con sên chụm đầu vào nhau thể hiện nhiều hàm ý sâu sa: Mong ước sẽ mang đến sự gắn bó keo sơn và sự phát triển và hòa hợp giữa 02 dòng họ, sự thịnh vượng cho gia đình, dòng tộc cũng như thể hiện sự quấn quýt bên nhau, thủy chung son sắt trọn đời trong tình yêu lứa đôi …
- Hoa văn hình viên kim cương vuông: Ý chỉ bàn thờ tổ tiên trong nhà thể hiện sự bảo vệ tổ tiên trước con cháu đồng thời là biểu tượng giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ về cội nguồn dân tộc.
- Hình con hổ, con rồng: Thể hiện quyền lực.
- Hình con rết: Thể hiện tài chữa bệnh và biểu thị sự tôn kính của mọi người.
- Hình lưỡi câu: Biểu thị cho cô gái lấy được chồng tốt.
- Hình tam giác, vảy cá: Giúp lưu giữ linh hồn tốt, xua đuổi tà ma.
- Hình ngôi sao 08 cánh biểu thị sự bát tinh, cát tường.
- Nhiều mô típ hoa văn chỉ vũ trụ, mặt trời, thời tiết mong ước mưa thuận, gió hòa, trời an, vật thịnh, mùa màng tốt tươi, bội thu...
* Giá trị của hoa văn trên trang phục
- Hoa văn trên trang phục mang yếu tố xã hội
Việc se lanh, dệt vải, thêu thùa, may trang phục mang đậm giá trị xã hội của người phụ nữ Mông:
“Gái đẹp không biết cầm kim cũng hư …
Gái xinh không biết thêu thùa cũng hỏng”
Kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục mang giá trị xã hội, được người phụ nữ Mông giữ gìn, truyền từ đời này sang đời khác. Váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Người phụ nữ giàu có là người phụ nữ có nhiều váy đẹp, có nhiều trang sức quý.
- Hoa văn trên trang phục thể hiện tâm tư, tình cảm, mang yếu tố tâm linh sâu sắc
Cây lanh, trang phục có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông, đặc biệt là trong lễ tang phải có các sợi lanh, vải lanh để làm các thủ tục trong tang lễ, người qua đời phải mặc bộ trang phục bằng vải lanh để về thế giới bên kia tổ tiên mới nhận ra họ là người Mông.
Người Mông cho rằng khi họ mặc bộ trang phục có những họa tiết hoa văn đẹp chứa đựng những yếu tố tâm linh trên người sẽ có sức lôi cuốn, là vật dẫn đường giúp linh hồn tổ tiên về với cõi vĩnh hằng và ngược lại sẽ giúp tổ tiên nhận ra và đón rước về với con cháu, phù hộ cho những điều tốt lành. Con người dù ở cõi trần hay khi về với tổ tiên đều phải ăn mặc bộ trang phục truyền thống đẹp của dân tộc mình. Cô dâu khi về nhà chồng đều phải diện trang phục mới và phải tặng bố mẹ chồng bộ trang phục mới để mặc nhập quan khi qua đời
Mặt khác, hoa văn với tư cách là một loại hình nghệ thuật, nó phản ánh những tâm tư, tình cảm của con người, dù những đồ án hoa văn đều có những quy cách chung để lại qua cách thêu, ghép vải, in sáp ong nhưng vẫn tạo ra những mô típ hoa văn đẹp đầy sức sáng tạo của người phụ nữ Mông. Những người già bao giờ cũng có những mô típ hoa văn quy phạm, cứng nhắc, còn các thiếu nữ thể hiện một cách uyển chuyển, tự do, phóng khoáng hơn. Hoa văn ngoài biểu hiện tâm tư, tình cảm thì đối với các cô gái, đó còn là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, sự thông minh và khéo léo.
- Hoa văn là nguồn sử liệu
Các dạng hoa văn chính là những tín hiệu biểu đạt tâm tư mà người ta dễ cảm nhận, dễ gần gũi và hòa đồng, những tín hiệu đó đã trở thành biểu tượng của cộng đồng. Mặt khác hoa văn còn biểu hiện mối quan hệ với các tộc người trong khu vực đó là sự sao chép (có chọn lọc, cải biên).
Ngoài ra trong phong cách trang trí và tính quy phạm của các loại hoa văn với màu sắc của nó cũng thể hiện luật tục, những kiêng kỵ trong cộng đồng. Như vậy có thể khẳng định, hoa văn là một trong những nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử văn hóa tộc người.
- Về mặt nghệ thuật
Hoa văn trên trang phục đã tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc Mông - nét văn hóa độc đáo của các thế hệ mẹ truyền con nối.
Mô típ, bố cục, màu sắc của hoa văn trên vải của người Mông hoa mang đậm tính nghệ thuật. Từ thiên nhiên, từ trong lao động sản xuất, bằng bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông hoa đã hình thành nên hệ thống mô típ hoa văn mang đậm bản sắc tộc người.
Với các kỹ thuật tạo hoa văn: In sáp ong, thêu, chắp ghép vải, nghệ thuật phối màu hết sức hài hòa tạo thành các mô típ hoa văn truyền thống nối không màu với mọi màu, nâng màu sắc từ tẻ nhạt lên trang nhã và biến trang phục dân tộc trở thành một đồ án trang trí tạo hình bằng hoa văn. Các mẫu thêu của người Mông truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, giao thoa với cộng đồng, nâng tầm sáng tạo.
Hoa văn trên trang phục của người Mông hoa vừa có giá trị văn hóa, nghệ thuật vừa có giá trị lịch sử, phản ánh điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và thực tiễn đời sống tộc người. Thông qua những hình họa, mô-típ và đồ án hoa văn, chúng ẩn tàng một thứ ngôn ngữ, một thứ tiếng nói đặc biệt nhằm ca ngợi cuộc sống, cảnh vật mà chủ nhân sáng tạo ra chúng đã và đang trải nghiệm.
Hoa văn trên trang phục của người Mông hoa không chỉ là những chứng nhân lịch sử, ghi nhận, phản ánh sinh động, phong phú đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội Mông mà còn ngợi ca tư tưởng, tình cảm, tâm lý và khiếu thẩm mĩ độc đáo của tộc người... Vì thế, hoa văn Mông còn là một nguồn sử liệu đặc biệt, ghi nhận, phản ánh một cách cụ thể tất cả những hoạt động văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của tộc người Mông.
Cho nên, qua việc tìm hiểu, nghiên cứu nghệ thuật trang trí hoa văn Mông sẽ cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc, cụ thể về nhân sinh quan, vũ trụ quan và thế giới tâm linh độc đáo của người Mông. Không những thế, khi tìm hiểu, nghiên cứu nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Mông còn cho biết cụ thể hơn mối quan hệ thân thiết với nhiều dân tộc anh em.
Hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa cũng như hoa văn trên sản phẩm dệt của các dân tộc anh em chỉ được thể hiện qua những bố cục đồ án, những hình họa, mô-típ và màu sắc hoa văn, nhưng, tất cả những sắc thái đó đều bộc lộ rõ tính cách, tâm sinh lý và khiếu thẩm mĩ tộc người. Nói khác đi, tuy chỉ là các mảng hoa văn tưởng là vật vô tri vô giác, nhưng chúng là lời giới thiệu sinh động, độc đáo mang nhiều ý nghĩa và giá trị về văn hóa tộc người.
Hoa trên trang phục của người Mông hoa chính là những lời giới thiệu hiệu quả đầy sức thuyết phục đó. Cho nên, hoa văn đều là những ký tự đặc biệt, hay là một thứ ngôn ngữ hình tượng đầy sức truyền cảm, thuyết phục.
Có thể nói rằng, dân tộc Mông ở Sơn La nói chung và người Mông hoa ở huyện Mộc Châu nói riêng là một trong những cộng đồng dân tộc giữ gìn trang phục rất tốt, tần xuất mặc trang phục truyền thống thuộc loại cao nhất trong các dân tộc ở Sơn La, kể cả phụ nữ, đàn ông và trẻ em.
Tuy nhiên, do điều kiện sống của thời hiện đại, lao động sản xuất, giao lưu với các dân tộc khác, đặc biệt là kinh tế thị trường làm cho trang phục của người Mông Hoa ở Mộc Châu có nhiều biến đổi, kể cả chất liệu, kỹ thuật tạo hoa văn, cắt may trang phục.
Thứ nhất, về việc trồng lanh, dệt vải: Hiện nay, trong các bản của người Mông hoa ở Mộc Châu, còn rất ít gia đình trồng lanh, dệt vải, thậm chí có bản, không còn người nào dệt vải lanh nữa. Tuy nhiên, ngoài việc dùng để làm trang phục thì cây lanh có tầm quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông nên người Mông không bao giờ bỏ việc trồng cây lanh, các gia đình có người cao tuổi đều phải chuẩn bị những bộ trang phục bằng vải lanh để về với tổ tiên.
Thứ hai, về chất liệu của trang phục: Đã từ lâu, ngoài việc sử dụng vải lanh thì người Mông đã sử dụng vải láng của Trung Quốc để may trang phục. Hiện nay, ngoài việc sử dụng vải công nghiệp để may trang phục thì người phụ nữ thường mua vải công nghiệp có nhiều màu, mặt thưa, dễ đếm sợi để thêu các đồ án hoa văn.
Thứ ba, về trang phục: thường ngày người Mông chỉ mặc quần, váy truyền thống với áo sơ mi, vì họ cho rằng áo truyền thống rất chật, nóng, không thuận tiện cho hoạt động lao động sản xuất. Khi vào những ngày lễ, hội họ mới mặc đầy đủ trang phục truyền thống.
Thứ tư, về kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục:
- Việc in hoa văn bằng sáp ong trên vải cũng đã mai một rất nhiều, hiện nay trong mỗi bản chỉ có vài người già còn biết in sáp ong trên vải và thỉnh thoảng còn làm. Những người trẻ tuổi hầu như không còn mặn mà với kỹ thuật tạo hoa văn này nữa. Tất cả các băng dải hoa văn trên váy, áo, tạp dề chủ yếu được thêu.
- Kỹ thuật thêu: Do dùng vải công nghiệp nên họ có thể thêu được các băng, dải hoa văn rộng hơn, cách thêu truyền thống vẫn được giữ nguyên về cả loại hình, mô típ, bố cục của hoa văn. Tuy nhiên, màu sắc cũng phong phú hơn, trước đây chủ yếu dùng màu nóng làm màu chủ đạo thì nay có thể dùng màu lạnh như màu xanh, tím, trắng, hồng nhạt…làm màu chủ đạo, tùy theo ý thích của mỗi người. Hiện nay, một số nơi của tỉnh Sơn La đã xuất hiện loại máy thêu hoa văn trên vải, họ chỉ cần cài phần mềm tạo các loại hoa văn của người Mông, rồi chạy máy thêu, chỉ mất thời gian một ngày đã thêu đủ vải để máy một chiếc váy, tuy nhiên cũng chỉ số ít người đi thuê thêu máy một phần vì hoa văn thêu máy không mềm mại, thiếu sự sáng tạo, một phần vì kinh phí tương đối cao, họ cũng muốn tự tay thêu chiếc váy cho mình. Tuy nhiên, họ cũng đã mua thêm một số mẫu hoa văn thêu, in sẵn để chắp ghép thêm lên trang phục của mình.
Ngoài ra, ở Mộc Châu một vài gia đình cũng đã mua máy để gia công ép nếp váy cho phụ nữ nhưng cũng chỉ có một số người đi gia công, còn lại họ đều tự tay chiết nếp tạo sóng váy cho mình vì ép bằng máy, nếp váy sẽ cứng hơn, thiếu sự mềm mại, mất tiền công.
- Kỹ thuật chắp ghép vải: Chỉ chủ yếu để tạo hoa văn trên tay áo. Còn hoa văn trên váy hầu như được thêu toàn bộ.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một nét văn hóa đẹp, mang bản sắc riêng thể hiện nghệ thuật truyền thống, mang yếu tố tâm linh, tinh thần sâu sắc đối với cả người đang sống và người sang thế giới bên kia. Trang phục của người Mông Hoa với những đường nét hoa văn độc đáo, đậm đà bản sắc đã và đang trở thành những tiết mục trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn…góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu văn hóa dân tộc Mông đến với công chúng, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo của cộng đồng.
Với sự kế thừa, sáng tạo, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa ở Mộc Châu đã và đang được cộng đồng dân tộc Mông, cấp ủy và chính quyền huyện Mộc Châu cam kết bảo vệ và phát huy. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Mông hoa, huyện Mộc Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 259/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2020.