25.Di tích Chùa Vặt Hồng

Quản trị hệ thống

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CHÙA CHIỀN VIỆN ([1])
Xã Mường Sang, huyện Mộc Châu
 
          Chùa Chiền Viện tọa lạc trên một dải đồi thoai thoải tự nhiên ở trung tâm bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu([2]), tỉnh Sơn La.
          Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII, thời kỳ Phật giáo Việt Nam phát triển hưng thịnh trong cả nước. Ở thời điểm đó, chùa Chiền Viện đã trở thành một công trình Phật giáo quan trọng đối với đồng bào Mộc Châu (Sơn La) và vùng Tây Bắc Việt Nam, với số lượng tượng phật được thờ trong Chùa gồm 1 pho tượng lớn, 8 pho tượng vừa, 50 pho tượng nhỏ đều đúc bằng đồng, ngoài ra còn 2 pho tượng bằng thiếc và 1 pho tượng nhỏ bằng ngà voi.
Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Thái vùng Mường Sang đã có phong tục tín ngưỡng thờ Phật trong chùa. Việc xây chùa và thờ Phật là theo quan niệm cho rằng: Chùa là nơi sinh hoạt cộng đồng của bản, mường, Đức Phật trong chùa là những vị nhân từ, giải cứu chúng sinh qua cơn hoạn nạn, ban phước lành cho nhân dân.
          Theo Sách "Đại Nam Nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn vào giữa thế kỷ XIX thì chùa Chiền Viện đã là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền Tây Bắc. Kiến trúc của chùa giống với những ngôi Chùa ở miền xuôi, được làm bằng gỗ 3 gian, mái chảy lợp gianh, xung quanh thưng gỗ hình chữ nhật. Chùa có chiều rộng 11,80 m, chiều dài 12,70 m. Phía trước cách chùa 70 m có sân làm lễ rộng 200 m2, tiếp đến là hồ nước. Dựa theo thuyết phong thủy, khi xây dựng chùa người ta đã tạo ra hồ nước ở trước mặt, với quan niệm hồ nước luôn làm cho vùng đất được mát mẻ, làm điều gì cũng được thuận lợi. Trong hồ được thả Sen, do vậy hồ có tên địa phương là Noong Bua có nghĩa là "Ao Sen". 
           Khi tiến hành sửa chữa ngôi chùa vào năm 1908 ,về diện tích chùa vẫn được giữ nguyên như ban đầu, tường cũ được giữ nguyên và gia cố thêm, áp dụng kỹ thuật xây luồn tường; hệ thống cửa chùa xây cuốn vòm tạo sự mềm mại nhưng không kém phần vững chắc. Phần đầu đốc và tường hai bên xây bằng đá có màu nâu sẫm, mặt trong được đẽo phẳng, mặt ngoài được đục thành hình lòng máng rộng khoảng 2 cm chạy song song theo chiều dọc của viên đá.
           Bệ đặt tượng được xây bằng gạch chỉ khối đặc, theo hình đế tháp, mặt trên loe ra kiểu hình phễu, sau đó vát xuống và thu vào giữa thân. Ở đoạn này được tạo dáng 5 đường chỉ , trong đó có 2 đường được đắp nổi và 3 đường chỉ chìm. Mặt bệ thờ xây theo hình chữ nhật, hai bên có 2 đường bậc lên xuống, mỗi bên gồm 5 bậc, thông ra cửa hai bên tả, hữu. Phía trước bệ thờ được xây bục làm nơi đặt lễ. Phía trái của bục này còn có một bệ thờ, hình dáng và những đường trang trí bệ này rất giống với bệ đặt tượng xây theo kiểu "giật cấp" phía dưới xây to, phía trên thu nhỏ. Trong khuôn viên Chùa hiện nay còn một tấm bia ghi danh nhân dân khắp nơi trong vùng Tây Bắc, từ Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có công đức tôn tạo lại chùa. Bia làm bằng phiến đá xanh hình chữ nhật, với kích thước cao 99 cm, rộng 64 cm, dày 14 cm, mặt được mài nhẵn để khắc chữ, Phía trái được khắc dọc 45 dòng chữ Thái, phía phải được khắc dọc 15 dòng chữ Hán nôm.
           Mỗi năm chùa Chiền Viện mở hội 2 lần vào tháng 3-4 với lễ cúng "xin nước, cầu mưa" và vào tháng 5-6 với lễ "rửa Tượng, tắm Tượng". Ngoài Mó nước chảy vào hồ Sen, ở đây còn có mó nước dùng để tắm riêng cho Tượng tại chùa. Đó là Mó nước "Ta chaư" (nghĩa là nguồn nước từ trái tim). Lễ tắm tượng ở đây còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của cư dân lúa nước. Nhân dân trong vùng đã cẩn thận chọn những cây tre để làm giàn bắc ngang nguồn nước 'Ta Chaư" và chuyển toàn bộ tượng từ trong Chùa ra, đặt lên giàn tre và dùng gáo múc nước tắm cho tượng và lần lượt xếp hàng, hứng những giọt nước mang về dùng, để được hưởng lộc, cầu may và sự che chở của Phật trong cuộc sống của mỗi người.
          Trải qua thời gian dưới tác động của thiên nhiên và con người, đến nay chùa Chiền Viện chỉ còn lại phế tích. Một số tượng Phật của chùa hiện nay đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Sơn La, số còn lại bị thất thoát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng với một số công trình kiến trúc Phật giáo ở vùng Tây Bắc như: Tháp Mường Luân (tỉnh Điện Biên), Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu, Sơn La), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), thì chùa Chiền Viện là một phế tích quí hiếm còn lại ở tỉnh Sơn La đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 27/2/2012.
Thực hiện Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Chiền Viện là một trong những hạng mục được ưu tiên đầu tư để phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch.
 
[1] Tên gọi khác là Chùa Vặt Hồng
[2] Theo sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi, thời Lê Sơ, Mường Sang là tên gọi cổ xưa nhất của miền đất Mộc Châu. Vào năm Thiệu Bình thứ nhất đời Lê Thái Tông (1434), Triều đình thừa nhận gianh giới đất Mường Sang và đổi tên là Châu Mộc.