23.Di tích Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân các dân tộc Mộc Châu.

Quản trị hệ thống

Ngày 8/5/1959 sau khi thăm huyện Yên Châu, Bác và đoàn đại biểu Chính phủ đã đến thăm và nói chuyện với nhân các dân tộc Mộc Châu. Từ 5h sáng tất cả các ngả đường, cán bộ, bộ đội, công nhân, ai cũng mặc đẹp, mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác. Tại ủy ban hành chính huyện (nay thuộc Tiểu khu 11, thị trấn Mộc Châu), với các khẩu hiệu "Đảng Lao động Việt Nam", "Ra sức thi đua  hoàn thành vượt mức kế hoạch để chào mừng Bác Hồ lên thăm Tây Bắc".
          Sáng ngày 8/5/1959, giây phút thiêng liêng và niềm hạnh phúc lớn lao ấy đã đến với đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu. Rừng người, rừng cờ sôi động hẳn lên khi thấy đoàn xe con xuất hiện. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi Bác Hồ từ trên xe ô tô bước xuống tiến về kỳ đài. Mọi người rưng rưng nước mắt xúc động vừa vỗ tay vừa hô to "Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm", Bác giơ tay vẫy chào mọi người rồi đi nhanh lên kỳ đài. Sau lời giới thiệu của đồng chí lãnh đạo huyện, Bác ân cần thăm hỏi sức khoẻ của cán bộ, nhân dân và thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, Bác đã ân cần dặn dò cán bộ, nhân dân Mộc Châu: “Tây Bắc có vị trí rất quan trọng, trong đó Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, Mộc Châu có rừng vô cùng quý giá, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng Mộc Châu phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải: Đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục và chăm lo sức khoẻ cho nhân dân”([1]). Tuy Bác nói nhanh nhưng rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu, sau đó Bác đi xuống bắt tay các cụ già, ân cần thăm hỏi sức khoẻ bà con. Đến chỗ có các cháu học sinh đại diện cho con em đồng bào các dân tộc trong huyện đang đứng dưới kỳ đài đón Bác, đến gần các cháu học sinh Bác nói: Thầy cô giáo của các cháu đâu? cô giáo Phan Thị Lý đứng cạnh đó liền bước đến bên Bác và trả lời: “Thưa Bác cháu là cô giáo của các em đây ạ!” Bác Hồ bắt tay cô giáo và nói: “Cháu lên lâu chưa? Thưa Bác cháu mới lên ạ! Cháu dạy học ở đây có thấy khó khăn không? Thưa Bác có ạ! bởi vì ngôn ngữ bất đồng, cháu chưa hiểu tiếng dân tộc”. Nghe cô giáo trả lời xong Bác ân cần nói với cô giáo: “Cháu phải học nói tiếng dân tộc để khi giảng dạy nếu học sinh không hiểu tiếng phổ thông thì mình nói luôn tiếng dân tộc học sinh sẽ hiểu ngay”. Bác nói tiếp: “Quê cháu ở đâu? Thưa Bác quê cháu ở Hà Nội ạ! Bác lại hỏi: Lên đây có thấy khổ không? Thưa Bác chắc dần cháu cũng quen ạ
          Với phong cách giản dị, với lời so sánh dễ hiểu, tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân, các thầy cô giáo, các  em học sinh đã trở nên gần gũi, thân thiết. Bác đi đến từng hàng các em học sinh nhẹ nhàng căn dặn: “Các cháu phải cố gắng chăm ngoan học thật giỏi vâng lời thầy cô, tương lai của đất nước phụ thuộc vào các cháu. Học sinh miền xuôi cũng như miền ngược đều là con, là cháu của Bác, phải thương yêu lấy nhau. đoàn kết học tập lẫn nhau coi nhau như anh em một nhà và cùng nhau xây dựng quê hương”.
          Kết thúc buổi mít tinh, Bác bắt nhịp cho toàn thể cán bộ, nhân dân, các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh hát bài "Kết đoàn".
          Ngày 8-5-1959 đã thực sự trở thành mốc son lịch sử, một kỷ niệm sâu sắc trong đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân vẫn còn đây, hình ảnh và những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Người mãi mãi in đậm trong lòng cán bộ, nhân dân, các thầy cô giáo và các em học sinh Mộc Châu. Đó là niềm cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Mộc Châu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện triệt để chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng Mộc Châu ngày càng phát triển như ngày hôm nay.
          Di tích thuộc tiểu khu 11, thị trấn Mộc Châu, được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 15/9/2008
 
[1] Nhân dân các Dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005