61.Di tích Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh

Quản trị hệ thống

Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh thuộc bản Cang Mường, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; cách trung tâm huyện lỵ Mai Sơn 50 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Sơn La 20 km về phía Tây Nam. Quá trình hình thành, tồn tại cũng như vai trò của khu căn cứ gắn liền với phong trào cách mạng ở Sơn La thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Tháng 12/1939 các đảng viên Cộng sản bị thực dân Pháp giam cầm tại Nhà tù Sơn La đã bí mật thành lập chi bộ đảng gồm 10 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm bí thư chi bộ lâm thời. Sự ra đời của chi bộ nhà tù Sơn La đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương Sơn La. Sau khi thành lập, tháng 5/1940, chi bộ đã triệu tập đại hội và đề ra 5 nhiệm vụ công tác, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài Nhà tù. Một mặt Ban chi ủy quan tâm đến việc bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc kỳ và Trung ương Đảng. Mặt khác, chủ động tiếp xúc với nhân dân, công chức và binh lính để tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn.
Đầu năm 1943, khi điều kiện đã chín muồi, chi bộ Nhà tù Sơn La bí mật thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên, đó là "Đoàn thanh niên cứu quốc" (tiếng Thái gọi là Mú nóm chất mương) gồm 2 tổ ở tỉnh lỵ và huyện Mường La, hoạt động trên cơ sở Điều lệ đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam - một tổ chức của Mặt trận Việt Minh có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, xây dựng và phát triển tổ chức cách mạng ở địa phương, đặc biệt là trong thanh niên dân tộc Thái, tổ chức "Đoàn thanh niên cứu quốc" cũng chính là nơi tiếp nhận chủ trương, đường lối của Đảng từ Chi bộ Nhà tù Sơn La.
Sau cuộc vượt ngục thành công của 4 tù nhân chính trị ở Nhà tù Sơn La (tháng 8/1943), thực dân Pháp khủng bố gắt gao, các tổ Thanh niên cứu quốc tạm ngừng hoạt động để chờ thời cơ. Theo sự chỉ đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La, đồng chí Chu Văn Thịnh (một đội viên của Đoàn thanh niên cứu quốc) được bí mật giao nhiệm vụ cùng với anh em địa phương chuyển hướng hoạt động, tìm địa bàn thuận lợi để xây dựng cơ sở cách mạng.
Qua một thời gian khảo sát, tìm hiểu, đồng chí Chu Văn Thịnh báo cáo với Chi bộ Nhà tù Sơn La chọn địa bàn xã Mường Chanh (Châu Mai Sơn) để xây dựng phong trào cách mạng. Xã Mường Chanh cách tỉnh lỵ khoảng 20 km về phía Tây Nam, giao thông thuận tiện, nối liền Mai Sơn, Thuận Châu với Sông
Mã. Địa thế "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ", tạo điều kiện phát triển và mở rộng cơ sở cách mạng ra các vùng lân cận. Mặt khác, nơi đây dân cư đông đúc, có nhiều người đi học ở tỉnh lỵ, làm việc cho thực dân Pháp ở Toà công sứ, trong số đó có người đã được các chiến sỹ cộng sản trong nhà tù Sơn La giác ngộ… Tất cả những yếu tố đó là tiền đề quan trọng để xây dựng Mường Chanh thành căn cứ địa cách mạng lâu dài.
Sau khi nghe báo cáo, chi ủy nhất trí chỉ đạo xây dựng Mường Chanh thành khu căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trước mắt phải xây dựng được cơ sở hoạt động bí mật, an toàn cho tù nhân chính trị vượt ngục, nơi đón các đồng chí ở Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ đến liên lạc với chi bộ Nhà tù Sơn La.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chi bộ, đồng chí Chu Văn Thịnh trực tiếp vào Mường Chanh gây dựng cơ sở, là người trực tiếp duy nhất liên hệ và nhận chủ trương chỉ đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Chỉ sau một thời gian tuyên truyền, vận động, cuối năm 1943, Mường Chanh đã thành lập được tổ Thanh niên cứu quốc gồm 12 đội viên và nhiều quần chúng cảm tình. Tổ Thanh niên cứu quốc tại Mường Chanh đã có tầm ảnh hưởng tích cực trong quần chúng nhân dân, thực hiện những hình thức vận động nửa công khai, nửa bí mật để giác ngộ quần chúng, phát triển hội viên mới. Đồng thời, phát huy vai trò tích cực và tổ chức hướng dẫn "Hội dệt anh" (Hội kết nghĩa anh em) - một tổ chức tự phát ở địa phương đã hình thành trước khi đồng chí Chu Văn Thịnh vào xây dựng cơ sở cách mạng ở đây. Hội đã tập hợp những nông dân khá giả nhưng không có quyền và những quý tộc thuộc tầng lớp trên bị mất chức, với mục đích là chống lại phìa, tạo và những chức dịch nắm quyền ở địa phương. Quá trình tuyên truyền, vận động giác ngộ cách mạng của Tổ thanh niên cứu quốc, nhiều hội viên "Hội dệt anh" đã nhận thức được âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, chủ trương, đường lối của Đảng, nên tham gia hoạt động rất tích cực.
Bước sang năm 1944, hoạt động của tổ "Thanh niên cứu quốc" ở Mường Chanh đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, kết nạp được trên 40 hội viên. Hội đã phát động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, bớt phu, bớt ruộng chức. Vụ thuế năm 1944 Hội đã vận động nhân dân đấu tranh với Phìa Mường Chanh giành lại 14 con trâu, 50 con lợn, 10 tấn lúa đem chia một phần cho dân, số còn lại làm quỹ hội. Thắng lợi của cuộc đấu tranh càng cổ vũ quần chúng tin tưởng vào tổ Thanh niên cứu quốc. Để đảm bảo an toàn cho các cuộc đấu tranh trừng trị bọn tay sai, mật thám chuyên dò la tin tức và chuẩn bị ra đời lực lượng vũ trang nòng cốt, Hội đã thành lập Đội Tự vệ do đồng chí Cầm Vĩnh Tri chỉ huy, tổ chức luyện tập quân sự, trang bị vũ khí, gây quỹ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo cách mạng.
Sau khi phát xít Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương 6 (tháng 3/1945) các chiến sỹ cộng sản bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Sơn La được thả tự do. Đồng chí Lê Trung Toản trở về báo cáo với Xứ ủy Bắc Kỳ và được đồng chí Trần Quốc Hoàn- Bí thư Xứ ủy điều trở lại Sơn La. Đến Sơn La đồng chí được bố trí về căn cứ Mường Chanh để cùng với các đồng chí cán bộ địa phương lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
 Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Sơn La đã phát triển nhanh chóng: Toàn tỉnh có trên 60 cơ sở cách mạng, riêng ở Mường Chanh cả 8 bản đều có cơ sở cách mạng. Trên cơ sở đội tự vệ , Ban lãnh đạo khu căn cứ đã quyết định thành lập trung đội du kích vũ trang do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Vĩnh Tri trực tiếp lãnh Để tập hợp mọi lứa tuổi, lực lượng tham gia phong trào cách mạng, Ban lãnh đạo khu căn cứ quyết định thành lập "Hội người Thái cứu quốc" (Côn tay chất mương). Đây là hình thức tổ chức để tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, nòng cốt của Hội là các tổ Thanh niên cứu quốc. Hội đã tổ chức nhiều hình thức giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào kháng Nhật cứu nước. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền như viết khẩu hiệu trên vách hang, vách đá, sáng tác thơ ca... Hội còn ra tờ báo Lắc Mướng (Trụ cột đất nước) do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Minh chỉ đạo kiêm chủ bút. Báo được viết bằng hai thứ chữ Thái và Quốc ngữ; mỗi số báo ra được khoảng chục tờ, vạch trần tội ác của giặc Nhật, kêu gọi nhân dân các dân tộc đoàn kết đứng dậy tập hợp dưới cờ Việt Minh để kháng Nhật cứu nước.
Tháng 8 năm 1945, trong không khí sôi sục tổng khởi nghĩa của nhân dân cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu căn cứ đã đứng lên giành chính quyền ở Mường Chanh rồi sau đó đã kết hợp cùng nhân dân các địa phương khác giành chính quyền ở Sơn La thắng lợi.
Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh đã được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/2006.