13.Di tích Bãi đá khắc cổ Khe Hổ
Di tích Bãi đá khắc Khe Hổ, thuộc bản Hang chú, xã Hang Chú huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; cách huyện lỵ Bắc Yên 56 km về phía Bắc. Bãi đá nằm chênh vênh trong thung lũng hẹp và sâu, quanh năm mây mù bao phủ, khiến cho những điều bí ẩn xung quanh bãi đá khắc này càng thêm lung linh, huyền ảo.
Trong thung lũng Khe Hổ, từ chân các dãy núi đến giữa cánh đồng ruộng bậc thang, nhiều khối đá có kích cỡ lớn, nhỏ nằm rải rác, xen kẽ trải rộng khắp thung lũng, như những đàn gia súc đang chăn thả. Cá biệt, có những khối đá nằm chồng lên nhau tạo ra những hình thù lạ mắt. Khu vực bãi đá khắc Khe Hổ có 8 khối đá phân bố ở 5 điểm khác nhau, được khắc nhiều họa tiết hoa văn với các chủ đề phong phú. Tất cả đều thuộc loại đá granit, còn giữ được trạng thái phong hóa tự nhiên. .
Điểm thứ nhất, nằm độc lập về phía Bắc và cách trung tâm khu di tích khoảng 300 m. Tại đây có 2 khối đá có vết khắc nằm cách nhau gần 20 m.
Khối đá thứ nhất: Nằm trong mái đá hình vòng cung. Ở giữa mái đá có khối đá hình trụ, dài 7 m, đường kính 2 m, trên mặt khắc hình 2 con vật có độ dài 1,20 m, rộng 0,40 m, vết khắc ở đây khá đơn giản. Đi tiếp về phía sau mái đá khoảng 20 m, chúng ta sẽ gặp khối đá thứ hai. Khối đá được đục thành 5 bậc lên xuống để thuận lợi khi đi qua. Bậc có chiều dài 1,0 m, rộng 0,40 m. Đây là những bậc đá được đục trong tuyến đường đi qua mái đá và qua suối Khe Hổ.
Từ điểm di tích thứ nhất, đi xuôi về hướng Nam khoảng 270 m là điểm thứ hai đứng độc lập, đó là tảng đá có hình khối tam giác. Trên đỉnh khối đá có mặt phẳng, tương đối tròn, người xưa đã lợi dụng để khắc một hình bằng phẳng, tượng trưng cho bãi đất bằng cao nhất của địa hình nơi đây. Lùi xuống phía dưới giáp mặt đất được khắc 15 bậc thang, đây là những vết khắc, tượng trưng cho ruộng bậc thang ở vùng đất này.
Cách điểm di tích thứ hai khoảng 30 m về hướng Đông Bắc, là điểm thứ ba. Ở đây có ba khối đá nằm ở khu trung tâm di tích, có kích thước lớn, với nhiều hình khắc phong phú.
Khối đá nhỏ ở hướng Bắc có hình tam giác, những hình khắc trang trí ở đây chủ yếu là môtíp hoa văn hình xoáy ốc liên kết với nhau. Có một số mảng chạm khắc có nhiều vòng xoáy cùng tham gia làm cho môtip trở nên đa dạng
Khối đá thứ hai ở hướng Nam có hình con rùa. Toàn bộ bề mặt được chạm khắc rất mềm mại gồm nhiều cụm hình tròn đồng tâm , mỗi cụm có từ 4-6 hình tròn lồng vào nhau. Có đường gấp khúc xuôi hoặc ngược kim đồng hồ. Một số hình người có hai tay giang ngang, có hình một tay giơ lên, một tay hạ xuống như đang múa. Ngoài ra trên bề mặt khối đá ở đây còn có hình khắc một bàn chân người lớn bên phải có các ngón lõm hình bầu dục.
Bên cạnh đó ở đây còn có những hình khắc chữ nhật có thể biểu tượng cho các ô ruộng hoặc có thể các ô chữ nhật này là biểu tượng cho các ngôi nhà cao, thấp trên đỉnh núi.
Khối đá thứ ba là khối to nhất nằm chồng lên khối đá phía Nam. Toàn bộ bề mặt được khắc phủ các họa tiết hoa văn rất mềm mại như văn xoáy ốc tròn, văn đường thẳng, văn khắc vạch. Các đường xoáy ốc từ trong ra ngoài, từ vòng nhỏ đến vòng to, dãn cách đều nhau theo chiều quay của kim đồng hồ, hoặc ngược chiều kim đồng hồ, hình khắc ruộng bậc thang, hình suối ngoằn nghèo uốn khúc và hình những con đường khép kín cả khu vực.
Cách điểm di tích thứ ba khoảng 40 m về phía Tây Nam là điểm thứ tư. Đây là khối đá độc lập nằm giữa khu ruộng bậc thang, có hình khum mai rùa, trên bề mặt khá nhẵn, được khắc nhiều hình khác nhau, hình tròn, hình xoáy ốc, hình người, hình suối lượn, hình chữ nhật. Ngoài những hình khắc chủ đạo, ở đây còn được khắc dày đặc những hình vẽ ngoằn nghèo, nối đuôi nhau chạy vòng quanh liên tục tạo thành tấm “bản đồ địa chính", diễn tả một khu vực tập trung nhiều đồi núi, sông suối rất phức tạp. Trong “bản đồ” này, các dãy núi trùng điệp, uốn lượn quanh co thành từng đường chạy song song như những bức tường thành bao vây, phân bố từ ngoài vào trong, tạo ra từng nhóm hình bầu dục xoáy ốc. Đặc biệt tại vị trí trung tâm của bề mặt khối đá này, những hình khắc nối đuôi nhau chạy quanh co liên tục rồi gặp nhau tại một điểm tạo ra một hình thù kỳ lạ.
Điểm di tích thứ năm nằm cách điểm thứ tư khoảng 70 m về hướng Nam, là khối đá có hình bầu dục dài, nằm ở rìa bãi đất bằng thấp nhất và cũng là điểm cực Nam của khu di tích. Trên mặt khối đá có vết khắc hình mặt người, với đầy đủ mắt, mũi, miệng.
Bãi đá khắc Khe Hổ là một trong 4 di tích khắc đá ở Việt Nam: Sa Pa (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và Pá Mang, Hang Chú (Sơn La). Trong di sản văn hoá nhân loại, loại hình mỹ thuật cổ xưa như chạm khắc đá cổ ở bãi đá Khe Hổ luôn có giá trị đặc biệt quan trọng. Với những hình khắc mang tính biểu tượng, tính ước lệ cao, phản ánh những dấu ấn lịch sử và thành tựu văn hoá của con người về tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người ở một lát cắt quan trọng của lịch sử.
Cho đến nay ở Việt Nam, những di tích nghệ thuật khắc đá được biết còn khá ít về số lượng và loại hình khắc, nội dung còn đầy bí ẩn, vì vậy di tích Bãi đá khắc Khe Hổ sẽ đóng góp rất nhiều tư liệu cho việc nhận thức lịch sử văn hoá trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Quốc gia ngày 12/12/2014.