63.Di tích Bia căm thù tại Bản Mạt

Quản trị hệ thống

Bản Mạt (thuộc địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nằm trên quốc lộ 105 (nay là quốc lộ 4G) - huyết mạch giao thông nối liền giữa Sơn La với chiến trường Bắc Lào. Chính vì vậy, trong chiến tranh leo thang phá hoại Miền Bắc năm 1965, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân ném bom bắn phá ác liệt thị xã Sơn La và các khu vực lân cận, trong đó có bản Mạt đang là nơi sơ tán một số cơ quan của Khu tự trị Tây Bắc và của tỉnh Sơn La, ngoài ra còn có Trường lái xe Quân khu 2 với nhiều trang thiết bị máy móc, nhiều giảng viên, học sinh trong đó có cả học sinh của nước CHDCND Lào; Kho xăng của quân đội (Gọi tắt là K3). Các cuộc không kích này nhằm mục đích uy hiếp tinh thần đấu tranh, phá hoại quá trình khôi phục kinh tế của nhân dân ta, cắt đứt nguồn chi viện của ta cho chiến trường Bắc Lào.
Hợp tác xã Thủ công - xã Chiềng Mung và đơn vị Hạt giao thông I có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến đường đi qua bản Mạt đến cửa khẩu Chiềng Khương (huyện Sông Mã) sang nước bạn Lào.
Năm 1966, đế quốc Mỹ tăng cường ném bom nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La, với các loại máy bay chiến đấu bắn phá liên tục không kể ngày đêm. Đặc biệt vào chiều ngày 21/12/1966 không quân Mỹ đã huy động cùng một lúc nhiều máy bay, rải bom dày đặc tại khu vực Bản Mạt. Dưới làn mưa bom của giặc Mỹ, 9 người đã ngã xuống, trong đó có 4 dân thường và 5 thanh niên xung kích ngành giao thông vận tải đang làm nhiệm vụ thông đường sang chiến trường Lào;  5 người bị thương nặng, 35 nóc nhà và 1 cửa hàng hợp tác xã mua bán bị cháy, phá hỏng nhiều bể nước công cộng của bản, thiêu hủy 70 tấn thóc cùng số lượng lớn gia súc, gia cầm của Hợp tác xã và nhân dân.
Cuối năm 1972, Đế quốc Mỹ tiếp tục bắn phá Sơn La, những trận không kích lại dội xuống khu vực Bản Mạt. Nhân dân Bản Mạt vừa sản xuất vừa chiến đấu. Thanh niên xung phong, chiến sỹ vận tải bám trụ đảm bảo thông suốt đường ra chiến trường. Trong trận oanh tạc của giặc Mỹ năm đó, có 7 chiến sỹ của Trường lái Quân khu II hy sinh, 2 người dân bị thương, 10 ha hoa màu cùng nhiều tài sản của nhân dân bị phá hủy.
Để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta và ghi dấu một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của quân và dân bản Mạt, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Sơn La đã xây dựng tại bản Mạt một tấm bia với dòng chữ: "Bia căm thù Bản Mạt là một trong những chứng tích hùng hồn tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ trên vùng đất Sơn La, nơi ghi dấu một thời kỳ chiến đấu, xây dựng Tổ quốc đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt của các thế hệ cha anh"
Ngày nay, đi trên quốc lộ 4G, qua bản Mạt, du khách sẽ nhìn thấy những nương ngô xanh mướt, những đồi cà phê hoa nở trắng rừng, tiếng trẻ thơ ríu rít nô đùa trong sân những ngôi trường khang trang, kiên cố và cảm nhận được sức sống đang lên của vùng đất một thời lửa đạn. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Bia căm thù bản Mạt sẽ còn mãi với thời gian, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Di tích được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng ngày 13 tháng 12 năm 2004.