38.Di tích Mái đá Bản Mòn.

Quản trị hệ thống

Văn hóa thời tiền sơ sử luôn là một đề tài hấp dẫn các nhà khoa học trên thế giới để truy tìm dấu vết của cư dân cổ. Với niềm đam mê khảo cổ, nữ học giả người Pháp M.Conali đã tìm đến những hang động, mái đá ở bản Mòn (nay thuộc xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) để khảo sát vào tháng 5/1927. Tại đây, nhà khoa học người Pháp đã phát hiện rất nhiều vết tích của con người. Tháng 10/2004 Bảo tàng Sơn La cũng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật một số điểm tại di chỉ này và đã phát hiện nhiều hiện vật của cư dân thời tiền sử.
Những phát hiện này đã chứng minh vùng đất Thuận Châu không chỉ là nơi “địa linh nhân kiệt” mà còn là quê hương của một nhóm cư dân cổ. Đồng thời khẳng định con người ở Sơn La đã có sự phát triển liên tục từ thời đại nguyên thủy cách ngày nay hàng vạn năm đến những ngày đầu của thời đại văn minh, mở ra một hướng đi mới trong nghiên cứu khảo cổ và đưa Sơn La vào bản đồ cư trú của người Việt cổ thời nguyên thủy.
          Mái đá bản Mòn nằm cách thị trấn Thuận Châu khoảng 3 km. Trong 6 mái đá được khai quật thì có 2 mái đá có dấu vết cư trú của con người.
           Mái đá phía Tây: Trên mặt nền của mái đá có lớp vỏ ốc tạo thành tầng dày 30 cm chủ yếu là ốc nước ngọt Melania. Dưới đáy dọc theo thành vách là khối dăm kết vôi, vỏ nhuyễn thể và các vật liệu khác khá vững chắc. Vết tích tiền sử ở đây gồm: 01 chày nghiền bằng cuội, 02 viên đá có vết ghè đẽo, 01 chiếc rìu mài bị vỡ, 01 đục đá nhỏ mài, 01 dùi xương nhỏ mài, một vài mảnh tước có dấu cưa và một số mảnh gốm cổ.
           Mái đá phía Đông: Rộng 20 m, sâu 5 m. Tầng văn hóa ở mái đá này còn tương đối nguyên vẹn . Trầm tích khảo cổ dày vài chục cm, có chỗ sâu tới 1,5 m. Trong tầng văn hóa phát hiện thấy 01 rìu đồng, 01 vật  đồng chưa rõ công dụng, những chiếc đục mài, những đồ trang sức nhỏ, những mảnh vòng khoan tách lõi và rất nhiều gốm thô; đặc biệt những phác vật và mảnh tước đều được làm từ đá xanh lấy từ núi phía Bắc bản Mòn. Ngoài ra, ở mái đá còn tìm thấy rìu có chuôi tra cán, rìu mài toàn thân chế tạo tinh xảo, đục tứ giác mài toàn thân lưỡi vát một mặt; đặc biệt là di cốt người chôn không sâu lắm, các xương đều vỡ vụn…
          Trong di tích này, rìu tứ giác, đục hình thang chiếm số lượng nhiều hơn rìu có vai. Một số ít chế tác hoàn chỉnh còn đa số ở dạng phác vật và chế tác dở dang. Những chiếc rìu được làm từ đá phún xuất màu xanh xám được khai thác tại chỗ. Rìu, bôn ở Mái đá bản Mòn có  đặc điểm đốc hơi thu nhỏ, lưỡi cong lồi, mặt cắt ngang hình thấu kính hai cạnh thẳng. Loại công cụ này còn thấy khá phổ biến ở nhiều địa điểm khảo cổ khác ở Sơn La. Điều đó cho thấy mái đá bản Mòn là một di chỉ xưởng chế tác rìu, bôn tứ giác. Công xưởng chế tác này giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp công cụ lao động đá cho nhóm cư dân trong vùng thông qua việc trao đổi.
          Ngoài chế tác các công cụ lao động, Mái đá bản Mòn còn là nơi chế tác đồ trang sức. Đó là những chuỗi hạt gần hình trụ khoan lỗ từ hai đầu, một vòng tay bằng đá phiến màu xám và một mảnh vòng tay có mặt cắt ngang hình nửa ô van. Phần lớn các phác vật tìm thấy đều ở dạng chế tác dang dở hoặc các phế loại do bị vỡ. Trong đó, loại vòng khoan tách lõi này khá phổ biến ở di chỉ Thọoc Kim (Yên Châu), Hồng Đà (Phú Thọ)  - Là những xưởng chế tác đồ trang sức cùng thời.
          Đồ xương tìm thấy ở mái đá bản Mòn gồm 01 dùi với vết mài cẩn thận ở một đầu, một nạo nhỏ và mảnh dao xương với vết chế tác của con người.
          Đồ gốm thu được thuộc loại gốm thô pha cát; xương gốm gồm những vảy mica nhỏ xíu, một lượng ít những mảnh cát vàng, mặt ngoài mảnh gốm đôi khi cũng gặp những vảy cát như vậy. Hoa văn được trang trí là văn thừng trải, văn thừng đập, văn thừng lăn. Bên cạnh đó còn có văn khắc vạch 3 que răng tạo các đường gấp khúc trong hai đường thẳng gần song song nhau tạo thành dải băng, hoa văn tạo bằng que nhiều răng (4 răng) với mô típ các đoạn cung ngắn hơi cong kế tiếp nhau nhiều lớp liên tiếp.
          Hiện vật đồng thu được ở di chỉ gồm: Rìu đồng có họng tra cán, trang trí hai đường gờ nổi song song nằm ngang gần giữa thân; gần họng có thêm một đường gờ nổi và một chốt hãm nhỏ.
          Theo đánh giá của bà M.Colani và các nhà khảo cổ học Việt Nam thì di chỉ Mái đá Bản Mòn là một di chỉ xưởng chế tác công cụ lao động và đồ trang sức có niên đại hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 4 ngàn năm.
          Di tích được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng Ngày 28/4/2006.