42.Di tích Đình Chu
Việt Nam là quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước xuất hiện lâu đời và rất phát triển. Từ thực tế đời sống sản xuất đã ảnh hưởng và hình thành trong con người Việt Nam một tư duy tôn thờ và sùng bái các thế lực tự nhiên. Vì thế nhiều ngôi đình, đền đã được xây dựng để con người có thể gửi gắm, bày tỏ lòng thành kính với các bậc thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vào cuối thế kỷ XIX, người dân vùng Mường Lang thuộc Mường Tấc (nay thuộc Phù Yên, Sơn La) thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, đói kém. Nhiều người cho rằng, người dân Mường Lang hay bị mất mùa dẫn đến nghèo khó là do ma quỷ quấy phá mà không có các bậc thần linh bảo vệ. Vì vậy, các chức sắc vùng Mường Lang đã cho người về xuôi học hỏi người Việt cách xây dựng đình, lập bàn thờ, ống sớ để cúng tế Đức Thánh và các vị thần linh khác. Đình được xây dựng vào tháng 8 năm 1921 hoàn thành vào tháng 8 năm 1922 dưới thời Tri châu Cầm Văn Khang.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng quan niệm vạn vật hữu linh, Đình Chu là nơi người dân Mường Tấc thờ Đức thánh cả Ba Vì (Tản Viên Sơn Thánh), vua Tự Đức và quan quân triều Nguyễn, Thổ thần, Thủy thần, thần hoàng Mường Tấc cùng tổ tiên họ Cầm ở Mường Tấc.
Dựa theo nguyên tắc phong thủy, ngôi đình được xây dựng trên địa hình bằng phẳng, không gian thoáng mát bên cạnh ao Noong Bua ở trung tâm xã Quang Huy. Đình được xây dựng theo hình chữ “Đinh” theo lối kiến trúc của những ngôi đình miền xuôi. Mặt đình nhìn về hướng Tây, phía trước mặt đình có thể bao quát được cả dòng suối Tấc và cánh đồng Mường Tấc rộng lớn, phía sau gối lưng vào ngọn núi Hồng tạo nên thế vững chãi. Kiến trúc đình theo kiểu vì kèo, nền lát gạch với những hàng cột lim to khỏe, có đường kính 80-90 cm. Bờ tường cao từ 3,5- 4,0 m, dày 40-50 cm, xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy hình đĩa. Không gian chính của đình được chia làm 4 phần: Tòa đại đình, hậu cung, sân đình và khuôn viên xung quanh.
Tòa đại đình (Tòa chính) có diện tích khoảng 200 m2 gồm có 3 gian, 2 mái đầu hồi bít đốc, 4 góc mái có đầu đao uốn cong mềm mại. Hai đầu nóc đắp 2 con chó (Mạ ngau) trong tư thế ngồi ngoảnh mặt ra bên ngoài để canh giữ cho ngôi đình. Trên bờ nóc của gian giữa có đắp nổi hình“lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Tòa đại đình chỉ có một cửa ra vào ở gian giữa làm bằng gỗ cây Chò chỉ. Gian giữa của tòa đại đình có bàn thờ và bài vị Đức Thánh Ba Vì, Vua Tự Đức. Hai bên bàn thờ có tượng quan văn , quan võ đứng đối diện nhau, tiếp đến là hai hàng gươm đao được sơn son thiếp vàng. Hai gian còn lại của tòa đại đình là nơi đặt bàn thờ Thổ thần ở bên phải và bàn thờ Thủy thần ở bên trái. Nối liền với tòa đại đình là hậu cung. Hậu cung chỉ có một gian, được xây theo hình chữ nhật có diện tích khoảng 50-60 m2, trên bờ nóc có đắp nổi con chim phượng hoàng – con vật linh thiêng trong tâm thức người Việt, biểu hiện ước muốn về cuộc sống sum vầy, no đủ. Nơi tiếp giáp với tòa đại đình có 2 cửa nách ở hai bên. Hậu cung là nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng và tổ tiên họ Cầm “Quý tộc” Mường Tấc. Trước tòa đại đình là sân lát gạch, có diện tích khoảng 200 m2 ; tường rào bao quanh cao 1,5 m xây bằng gạch, có 3 cổng ra vào nằm ở 3 hướng Tây, Bắc, Nam. Trong khuôn viên bao quanh đình có 3 cây cổ thụ, nhân dân địa phương thường gọi là đa bố ở phía Đông Bắc, đa mẹ ở phía Đông Nam và đa con ở phía Tây. Hiện nay chỉ còn cây đa bố ở phía Đông Bắc.
Dưới thời Tri châu Cầm Văn Khang (1920 -1935) lễ tế thần thường được tổ chức 4 lần trong một năm vào các dịp: Đêm giao thừa, ngày 3 tết lễ ra tướng, lễ mừng cơm mới vào tháng tám âm lịch, lễ tổng kết cuối năm trước thềm năm mới vào tháng 11 âm lịch. Cứ 3 năm cách nhau thì có một lễ tế được tổ chức lớn. Quy mô tổ chức các lễ hội tại Đình Chu là cả vùng Mường Tấc (tức là cả vùng Phù Yên ngày nay). Mỗi khi lễ tế thần đều có các thành phần đại diện cho các mường khác tham dự và có nghĩa vụ đóng góp công sức, lễ vật như tiền, rượu, gạo… Sau khi lễ tế thần kết thúc, nhân dân Mường Tấc thường tổ chức hát mừng vui thắng lợi, ca ngợi bản mường: Khắp hát Tiễn dặn người yêu (Sống chụ xôn xao), Chàng Lú Nàng Ủa (khun Lu nang Ủa), đối đáp giao duyên (Khắp báo xao)… Bên cạnh đó, trong lễ hội đình Chu còn có các trò chơi dân gian đi kèm như: Đánh yến, đánh còn, chơi đu, chơi đi cà kheo, kéo co, leo cột mỡ…đặc biệt là hội súng bắn hỏa mai và bắn súng kíp tự chế vào ngày tất niên (chiều 30 Tết) và buổi chiều ngày mồng 3 tết trong lễ ra tướng. Những trò chơi dân gian, diễn xướng trong lễ hội đã thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia và trở thành sức mạnh keo sơn gắn kết cộng đồng giữa các dân tộc.
Sau phong trào “Chiêu dân chống thẻ”([1]) năm 1935, thực dân Pháp thực hiện chế độ luân chuyển quan lang từ nơi khác đến vùng Mường Tấc thay Cầm Văn Khang làm tri châu([2]). Từ đó, Đình Chu không có ai trông coi, quét dọn, các nghi lễ thờ cúng không được tổ chức thường xuyên và quy củ như trước nữa. Tháng 10/1952, Phù Yên được giải phóng chính quyền cách mạng lúc bấy giờ chủ trương khôi phục kinh tế, tập trung ổn định đời sống nhân dân; nghiêm cấm các tầng lớp mo chang dưới thời phong kiến hành nghề. Từ đây, Đình Chu bị bỏ hoang, mặc cho thiên nhiên, thời gian tàn phá. Trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ nhất năm 1965-1966 của đế quốc Mỹ, nhiều công trình văn hóa, giao thông trường học tại Phù Yên bị tàn phá nặng nề. Các trận ném bom của không quân Mỹ đã làm cho mái đình bị đổ hoàn toàn, chỉ còn lại 4 bức tường trống xây bằng gạch. Trải qua thời gian, đến nay Đình Chu chỉ còn phế tích, gồm một mô đất bỏ trống rộng khoảng 100 m2 nằm ở vị trí trung tâm, phần còn lại người dân sử dụng làm nơi ở.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Từ năm 2013, UBND huyện Phù Yên phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Sơn La, các nhà nghiên cứu văn hóa thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng và bàn các giải pháp nhằm khôi phục lại Đình Chu và các lễ hội liên quan. Ngày 07/6/2013, UBND tỉnh Sơn La công nhận Đình Chu là di tích lịch sử - văn hóa.
Trong tương lai không xa khi Đình Chu và các lễ hội được khôi phục, mảnh đất Phù Yên sẽ là trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch; tạo ra tiềm năng để phát triển loại hình du lịch tâm linh, kết hợp với khám phá, tìm hiểu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Phù Yên.
[1] Chiêu dân chống thẻ”: Một hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, tập hợp chữ ký, điểm chỉ của nhân dân vào đơn để gửi nhà chức trách đương thời để chống phu phen, bắt lính, thuế má, tạp dịch
[2] Từ năm 1935-1945 lần lượt có các Tri châu sau: Cầm Ngọc Phương (người Văn Chấn), Cầm Văn Chiêu (người Mai Sơn), Bạc Cầm Huy (người Thuận Châu) và Lù Văn Đôi (người Mường La)