27.Di tích Bia lưu niệm các chiến sỹ quân tình nguyện Đoàn 83.
Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, hai nước Việt Nam – Lào đã có mối quan hệ gắn bó, keo sơn khăng khít từ lâu đời. Đến thời đại Hồ Chí Minh, mối quan hệ đó càng được củng cố vững chắc và nâng lên một tầm cao mới. Đó là tài sản thiêng liêng, vô giá được xây đắp, nuôi dưỡng và phát triển bằng công sức, mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam - Lào trong suốt chiều dài lịch sử. Là tiền đề quan trọng để hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, cùng nhau xây dựng và phát triển hai nước Việt Nam – Lào ngày càng văn minh giàu mạnh. Đoàn 83 – Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Thượng Lào chính là một biểu hiện sinh động cho tình đoàn kết, chiến đấu đó.\
Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thành công đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Xứ ủy Ai Lao, ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Cuộc mít tinh đánh dấu cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn giành thắng lợi, đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi. Sáng ngày 12/10/1945, Chính phủ Lào Ítxala vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào, mở ra kỷ nguyên mới về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Thế nhưng, nền độc lập giành lại chưa được bao lâu thì nền cộng hòa non trẻ của Việt Nam và Lào lại bị thực dân Pháp quay trở lại xâm lược hòng đặt ách thống trị lên hai dân tộc một lần nữa. Liên quân Lào-Việt đã được hình thành ngay sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Lào lần thứ II, dưới sự chỉ huy của Hoàng thân Xu-pha-Nu-vông. Đến cuối năm 1946, thực dân Pháp đã hoàn toàn chiếm đóng Đông Dương. Liên quân Lào-Việt đã chủ động rút lui khỏi Viêng Chăn sang Thái Lan để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài. Được sự giúp đỡ của Đảng Xê ri thay (Đảng tự do Thái) cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Thái Lan, đầu năm 1947, Trung đội Ít xa la- Tên gọi chung của bộ đội Việt Nam-Lào đã được thành lập ở Noong Khai và Noong U Đon. Sau một thời gian đóng quân trên đất Thái Lan, năm 1948, đơn vị bộ đội Việt Nam-Lào được lệnh quay về chiến trường Lào để phối hợp chiến đấu với bộ đội Lào. Thời gian này đơn vị đổi tên thành Trấn Ninh, nhiệm vụ chủ yếu là hành quân qua đất Lào tăng cường cho Quân khu IV, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang Lào từ phía Đông tiến sang dựa vào Quân khu IV để từ Việt Nam tiến sang Lào. Năm 1949, đơn vị được giao nhiệm vụ bám dân, xây dựng cơ sở quần chúng, đào tạo cán bộ, xây dựng phong trào du kích và quân đội. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đã chuyển sang một bước ngoặt mới; từ phòng ngự chuyển sang giành thế chủ động trên chiến trường vào năm 1950. Thanh niên nam nữ Việt kiều yêu nước ở Thái Lan nô nức tòng quân tình nguyện sang chiến đấu ở chiến trường Lào. Bên cạnh lực lượng vũ trang Việt kiều ở Thái Lan chuyển về Lào còn có một bộ phận cán bộ sơ cấp, trung cấp ở Việt Nam được biệt phái sang chiến đấu ở chiến trường Lào. Tháng 3/1950, mặt trận Tây Lào chính thức được thành lập, đã thực hiện bám dân, tăng cường tuyên truyền giác ngộ nhân dân, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt ở các bản làng, thị trấn, huyện, xây dựng phong trào du kích và lực lượng vũ trang; đánh trả các cuộc càn quét, khủng bố của địch, tiêu hao sinh lực địch; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, chống bắt lính và âm mưu vũ trang của địch. Đầu năm 1952, phong trào kháng chiến đã phát triển mạnh mẽ trên toàn nước Lào. Để thống nhất công tác chỉ đạo cuộc kháng chiến của lực lượng vũ trang Việt Nam trên chiến trường Lào, mặt trận Tây Lào giải thể và mặt trận Thượng Lào được thành lập, bao gồm: Các đơn vị bộ đội Việt Nam ở Sầm Nưa lấy phiên hiệu là Đoàn 80, các đơn vị bộ đội Việt Nam ở Xiêng Khoảng lấy phiên hiệu là Đoàn 81, các đơn vị bộ đội Việt Nam ở Luông Pha Băng lấy phiên hiệu là Đoàn 82, các đơn vị bộ đội Việt Nam ở Sầm Nưa, Viêng Chăn lấy phiên hiệu là Đoàn 83, cơ quan Bộ tư lệnh và Ban cán sự mặt trận Thượng Lào lấy phiên hiệu là Đoàn 84. Sau khi được thành lập, Ban cán sự Đoàn 83 đã xây dựng kế hoạch: Phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang và các khu căn cứ kháng chiến làm phương châm hoạt động. Trong thời gian này, thực dân Pháp liên tục tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét khốc liệt vào địa bàn đóng quân của Đoàn 83 với âm mưu xóa bỏ khu căn cứ, tiêu diệt bộ đội Việt Nam; nhưng cán bộ, chiến sỹ Đoàn 83 vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững và không ngừng củng cố cơ sở kháng chiến, tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng; khu căn cứ ngày một mở rộng và tạo được thế trận vững chắc, rộng lớn.
Ngày 17/5/1953, chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Đoàn 83 Viêng Chăn đã có nhiều đóng góp vào chiến dịch quan trọng này: Góp phần tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng ở Thượng Lào, các căn cứ kháng chiến được củng cố, mở rộng, lực lượng vũ trang được tăng cường cả về số lượng và vũ khí, trang bị… Mùa thu năm 1953, Đại đội 198-Đại đội chủ lực mạnh của đoàn 83 Viêng Chăn được thành lập. Ngày 1/3/1954, đại đội lập chiến công lớn khi tiêu diệt đồn Thà Ngòn (cách Viêng Chăn 22 km về phía Bắc). Ngày 24/3/1954, tiêu diệt đồn Bản Hẹ (cách Viêng Chăn 20 km). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các đơn vị vũ trang của Việt Nam hoạt động ở chiến trường Lào được lệnh tập kết về nước đóng quân ở Lược (Thanh Hóa). Về Việt Nam, các đoàn 80, 82, 83 và 84 bộ đội tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Lào được sát nhập lại thành Tổng đội biên phòng vào năm 1955, do đồng chí Tạ Xuân Thu-Tư lệnh mặt trận Thượng Lào cũ làm Tổng tư lệnh. Do yêu cầu nhiệm vụ mới, giữa năm 1955, Tổng đội Biên phòng giải thể. Các đoàn 80, 81, 82, 83, 84 sát nhập thành Trung đoàn 83-Một trung đoàn của Sư đoàn 325 (đồng chí Bế Xuân Cương-Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Hòa-Chính ủy). Đoàn 83 tập kết, đóng quân tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Cây đa đầu bản Áng được chọn là nơi đặt trạm xá Đoàn 83 để điều trị, dưỡng thương bệnh binh. Trong thời gian đóng quân ở Mộc Châu, Đoàn 83 đã tích cực xây dựng doanh trại, chấn chỉnh củng cố lực lượng; tham gia xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp như: Đào mương dẫn nước từ mó nước núi Ông Công (Trường dân tộc nội trú Tỉnh) về bản Áng; trấn áp các hoạt động xưng vua, bạo lực ở Kiến Thiết (nay là Lóng Luông), xây dựng sân bay Nà Sản, mở đường 136 từ Xồm Lồm đi Vạn Yên; tham gia bảo vệ phái đoàn của Chính phủ do Bác Hồ dẫn đầu lên thăm Tây Bắc ngày 7/5/1959. Từ 1960-1976, Đoàn 83 là Trung đoàn công binh cầu đường thuộc quân khu Tây Bắc tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Trung và Hạ Lào. Sau năm 1976, đoàn 83 là đơn vị thuộc binh chủng Hải quân tham gia xây dựng các công trình phòng thủ bờ biển ở quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo khác.
Với những thành tích vẻ vang, Đoàn 83 đã được Đảng, Chính phủ hai nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng III đầu tiên ở mặt trận Thượng Lào. Năm 1975, đơn vị được Đảng - Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Năm 2001, để lưu lại dấu ấn và tưởng nhớ chiến công của các cán bộ, chiến sỹ Đoàn 83, hội cựu chiến binh Đoàn 83 đã dựng một bia lưu niệm ở dưới tán cây đa bản Áng, xã Đông Sang với nội dung: “Kế thừa truyền thống Đoàn 83 Viêng Chăn, Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Trung đoàn 83 thuộc Sư đoàn 335 từ 1955 – 1959 đóng quân tại bản Áng - Đông Sang, Mộc Châu làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc và tham gia xây dựng quê hương Mộc Châu”.
Di tích lưu niệm Đoàn 83 là một minh chứng ca ngợi những người con Việt kiều ưu tú trên nước bạn Lào, Thái Lan. Họ đã cùng cả dân tộc ta viết nên những trang sử vàng oanh liệt của mối tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; khẳng định “Mối tình Lào- Việt là mối tình thủy chung, trong sáng, cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm và ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. Di tích được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 13/12/2004.