32.Di tích Cầu sắt Yên Châu
Cầu Sắt Yên Châu được làm lại từ năm 1961, thân cầu được làm bằng thép. Đây là chiếc cầu quan trọng trên trục Quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Yên Châu, cầu được bắc qua suối Vạt. Đây là một trong những chiếc cầu bị bắn phá nhiều nhất ở Yên Châu thời kỳ 1965 - 1966, đế quốc Mỹ đã oanh kích 270 trận với 3.100 quả bom, chiếc cầu bị phá hủy hoàn toàn. Hiện tại chỉ còn lại 3 mố cầu bằng bê tông
- Mố thứ nhất: Nằm ở bên bờ trái suối Vạt tính theo đường từ Sơn La đi Hà Nội, cầu sắt mới 60m về phía hạ lưu. Mố này có chiều rộng 1,2m dài 3m, được kết cấu bằng bê tông, cốt thép.
- Mố Thứ hai: Nằm ở bờ phải suối vạt đối diện với mố thứ nhất, có chiều dài 5m, rộng 2m, được kết cấu bằng bê tông cốt thép.
- Mố thứ ba: Được xây dựng dưới lòng suối, cách mố thứ nhất là 6m, vì chỗ này là suối sâu, cách mố thứ hai là 2m, được kết cấu bằng bê tông cốt thép.
Tất cả các dấu vết còn lại chứng tỏ cây cầu trước kia được xây dựng kiên cố đảm bảo cho các loại xe cơ giới qua lại.
Phần II: Trận địa pháo cao xạ: nằm ở độ cao 200m so với đường quốc lộ 6. Trận địa có diện tích khoảng 1.600m2. Tại trận địa này, tiểu đội nữ dân quân được bố trí trực chiến với bộ đội chủ lực pháo phòng không. Cả trận địa được bố trí như sau:
- Hầm, ụ súng đại liên: Đây là căn hầm lớn nhất được đặt hỏa lực của trận địa, nằm ở phía Bắc (Phía cầu sắt). Ở đây được bố trí một giao thông hào chạy qua trận địa dài 16m. Ở giữa có ụ đất tròn đường kính 2m, cao 2m, có một giao thông hào chạy hình vòng tròn ôm lấy ụ đất có độ dài 7m, chiều rộng 1,2m. Tại ụ đất tròn này là nơi đặt khẩu súng đại liên và giao thông hào hình vòng cung là nơi đứng bắn. Khi máy bay Mỹ lao xuống ném bom, súng có thể quay mọi hướng để chặt đầu bắn trả máy bay.
Hiện nay căn hầm bị vùi đất chỉ còn lại độ sâu từ 0,5m đến 0,7m
- Hầm chỉ huy: Hầm được bố trí nằm liền kề với hầm đại liên cách 2, chếch về hướng Đông. Hầm có hình vuông rộng 1m, sâu 1m. Hầm được bố trí cao hơn và nông hơn các hầm khác để người chỉ huy quan sát máy bay đến bắn phá được dễ dàng, để điều khiển trận địa bắn trả lại máy bay Mỹ.
Hiện nay hầm còn lại hình dáng cũ, có độ sâu 0,5m.
- Hầm, ụ bắn súng trường và trung liên: Hầm có hình tròn, đường kính 4m, nằm cách hầm chỉ huy 2m, chếch về hướng Nam, ở giữa có ụ đất tròn, cao 2m, đường kính 2m. Chiều sâu giao thông hào chạy quanh ụ súng là 1,7m, rộng 1,2m, cũng giống như hầm đại liên, người bắn súng trường và bắn súng trung liên có thể quan sát và bắn máy bay từ mọi hướng theo hình vòng tròn.
Hiện nay hầm đã bị lấp đất chỉ còn lại độ sâu 0,5m- 0,7m.
- Hầm trinh sát: Được bố trí ở chếch hướng Tây, biệt lập cách 3 hầm chiến đấu là 12m. Hầm có hình tròn đường kính 5m, sâu 1m. Tại hầm này người trinh sát có nhiệm vụ quan sát nắm bắt mục tiêu khi có máy bay địch từ bất cứ hướng nào tới, sau đó thông tin kịp thời tới chỉ huy trận địa chỉ đạo trực tiếp việc bắn máy bay.
Hiện nay, hầm đã bị vùi lấp, chỉ còn lại khu đất trũng sâu từ 0,2m - 0,3m, 3 mố cầu và đồi trận địa pháo cao xạ, một đoạn đường 6 cũ dài 100m
Di tích có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ở Yên Châu nói riêng và Sơn La - Tây Bắc nói chung. Những dấu ấn còn lại của di tích đã gợi tả lại quá trình chiến đấu không sợ hy sinh gian khổ chống lại máy bay Mỹ xâm lược của lực lượng dân quân Yên Châu nói chung, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu nói riêng. Là một tiểu đội nữ dân quân dân tộc Thái vì nhiệm vụ của đất nước có lúc dám bỏ cả những phong tục của dân tộc mình vì nhiệm vụ thông xe, thông đường, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.