41.Di tích Khu rừng bản Nhọt
Phù Yên là vùng đất có lịch sử lâu đời, đất đai bằng phẳng, dân cư tập trung đông đúc thuận lợi cho việc sản xuất canh tác nông nghiệp. Huyện còn có một vị trí quan trọng, là vùng đất cửa ngõ của Sơn La. Cho nên đây là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử địa phương, đất nước.
Năm 1946, Thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Sau nhiều năm chinh chiến, chúng đã phải nhận thất bại cay đắng trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ngày 10/8/1953, Thực dân Pháp bí mật rút khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản để tập trung củng cố các khu căn cứ ở đồng bằng và xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm lớn nhất ở Đông Dương. Mục tiêu của thực dân Pháp là biến Điện Biên Phủ thành mồi nhử, thách thức quân đội Việt Nam và theo kế hoạch của Pháp, Điện Biên Phủ sẽ trở thành "Cỗ máy" nghiền nát quân đội Việt Nam. Để đập tan âm mưu của địch, năm 1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông - Xuân 1953 – 1954 là địa bàn trọng yếu trên đường lên Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy Sơn La, chỉ định nhân dân huyện Phù Yên đã tích cực tham gia phục vụ "Chiến dịch mở đường" với quy mô lớn; hàng trăm năm nữ thanh niên trong huyện đã góp công sức mở tuyến đường 13 A nối từ Yên Bái sang đường 41 (Quốc Lộ 6 hiện nay). Đây là đoạn đường huyết mạch nối chiến khu Việt Bắc với Sơn La, qua địa phận Phù Yên gần 100 km. Bất chấp các đợt oanh tạc của máy bay địch, thanh niên Phù Yên vẫn kiên trì bám đường, thông đường cho xe thẳng tiến để kịp thời vận chuyển lương thực thực phẩm, đạn dược cho bộ đội, tập trung mọi sức lực cho chiến trường Tây Bắc. Đồng thời, sau nhiều lần trinh sát, Trung ương Đảng nhận thấy, Phù Yên là một địa bàn quan trọng trong việc trú quân khi bộ đội tiến lên Tây Bắc. Cho nên quyết định chọn khu rừng đèo Nhọt - Một khu rừng nguyên sơ có hai dãy núi bao bọc, quanh năm mây phủ dày đặc, cách xa khu vực bắn phá ác liệt của máy bay Pháp như: Bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn, ngã ba Cò Nòi; trung tâm khu rừng là một thung lũng rộng gần 300 ha, có dòng suối Bùa chảy theo hướng Đông Nam rất thuận lợi cho việc giấu quân và nghi binh.
Theo kế hoạch, Đại đoàn 316 là đơn vị đầu tiên tiến lên Điện Biên Phủ. Đơn vị này theo đường số 113 (Quốc lộ 37 hiện nay) vượt sông Đà (bến Vạn Yên) dừng chân ở khu rừng bản Nhọt rồi hành quân lên Điện Biên; tiếp theo là Trung đoàn 57 hành quân theo đường Gia Phù, nghỉ chân ở rừng bản Nhọt rồi tiếp tục hành trình. Đại đoàn 312 trước đó đóng quân ở một khu rừng già tại Yên Bái, được lệnh tiến gấp lên Tây Bắc qua đèo Lũng Lô sang Phù Yên rồi dừng chân ở đèo bản Nhọt. Ngày 20/10/1953, Bộ tư lệnh Đại đoàn 315 và các trung đoàn trưởng lựu pháo 105, cao xạ pháo được triệu tập để nhận lệnh ra mặt trận. Đoàn đã đến rừng bản Nhọt và dừng chân tại đây. Cuối tháng 12/1953, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn tất gồm 10 trung tâm đề kháng chia ra thành 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn, trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; tổng số quân Pháp là khoảng 16.000 quân được trang bị quân trang, quân dụng hiện đại nhất thời đó. Đối phó với âm mưu của kẻ thù, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đập tan luận điệu xuyên tạc của thực dân Pháp, tạo bước đệm cho đấu tranh ngoại giao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 5/01/1954, Đại tướng và một bộ phận chỉ huy lên Tây Bắc theo đường 113 đến bến Bình Ca, đèo Khế sang đất Phù Yên. Đoàn đã nghỉ chân ở khu rừng đèo bản Nhọt. Mặc dù máy bay địch ném bom rất dữ dội nhưng khu rừng đèo bản Nhọt đã trở thành một mái nhà giúp cho Bộ chỉ huy chiến dịch đảm bảo an toàn, trở thành nơi trú ẩn vững chắc để đại quân chủ lực tiến lên mặt trận Điện Biên cùng dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc Thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ - ne - vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Khu rừng bản Nhọt hôm nay đã trở thành một khu du lịch sinh thái giàu tiềm năng của quê hương Phù Yên. Rừng nổi tiếng với rất nhiều loài gỗ quý đặc trưng như: Lát hoa, chò chỉ, sâng lụa... và hàng chục loài chim quý hiếm. Đến với di tích, khách du lịch sẽ được trải nghiệm không gian tươi đẹp của núi rừng, nơi chim chóc cùng muôn thú kết hợp tạo nên một bản nhạc thánh thót giúp tâm hồn con người có được những phút giây nhẹ nhàng lắng đọng sau khi đã khám phá những cung đường hiểm trở của vùng núi Tây Bắc. Di tích đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 04/3/2008.