29.Di tích Nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu.
Sau khi dự lễ mít tinh kỷ niệm 5 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo tại huyện Thuận Châu, trên đường về thủ đô Bác đã dành thời gian thăm hỏi và động viên đồng bào các dân tộc huyện Yên Châu.
Sáng ngày 8 tháng 5 năm 1959, nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm. Một cuộc mít tinh lớn đón Bác cùng phái đoàn Chính phủ của hơn 2000 cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc quanh huyện lỵ tại sân bản Khoóng (xã Chiềng An). Nghe tin Bác Hồ đến thăm, ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác. Niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy đã đến. Rừng người, rừng cờ sôi động hẳn lên khi Bác xuất hiện trên lễ đài. Những tràng vỗ tay vang lên không ngớt, Bác giơ tay vẫy chào và mời đồng bào ngồi xuống. Cả rừng người lặng im trong tiếng nói ấm áp, ân tình của Người.
Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Bác khen:"... Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào Châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức du kích đánh Tây rất tốt, đã giúp đỡ bộ đội, cán bộ đánh Tây. Thế là tốt! đặc biệt đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ, trong kháng chiến rất anh dũng, Đảng và Chính phủ tỏ lời khen. Từ ngày hoà bình lập lại, đồng bào, cán bộ đoàn kết rất tốt, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, học bình dân như thế là tốt..." Với phong cách giản dị, lời nói ngắn gọn, so sánh dễ hiểu, tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân trở nên thân thiết bao nhiêu trong niềm vui khôn xiết. Ai cũng bùi ngùi cảm động khi nghe Bác thổi khèn bè của nhân dân Yên Châu dâng tặng Bác và hỏi thăm bằng tiếng dân tộc. Bác căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân Yên Châu trên tất cả các mặt:"... Đẩy mạnh sản xuất, làm thủy lợi, bảo vệ rừng, xây dựng tổ đổi công hợp tác xã, xoá mù chữ, giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự, tích cực giúp đỡ đồng bào vùng rẻo cao, đặc biệt là phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này..."
Sau đó Bác dặn riêng cán bộ: "...Cán bộ từ trên xuống dưới... đều là đầy tớ của nhân dân tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của nhân dân, phải giúp đỡ dân tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã, dân quân, cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức ở đó thật vững mới thôi. Chỗ nào nhân dân cần đến mình thì mình phải đến, bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, là đất nước, cũng là đơn vị công tác cán bộ. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đều phải đoàn kết thương yêu nhau, làm gương cho nhân dân địa phương..."([1])
Hình ảnh và những lời dặn dò, sự chỉ bảo ân cần của Bác mãi mãi in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Châu, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn thử thách, vững bước đi lên xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Châu vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương. Đảng bộ và nhân dân trong huyện vừa anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá, vừa ra sức tăng gia sản xuất chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu phát huy truyền thống vẻ vang đang tiếp tục phấn đấu vươn lên với tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quyết tâm xây dựng quê hương Yên Châu ngày càng phồn thịnh.
Di tích lưu niệm nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhân dân Yên Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung. Di tích đã được tỉnh Sơn La xếp hạng ngày 13 tháng 12 năm 2004.
[1] Nhân dân các Dân tộc Sơn La làm theo lời Bác, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.69