35.Di tích Hang Ta Búng

Quản trị hệ thống

Cách hang Nhả Nhung khoảng 200 m về phía Tây là hang Ta Búng. Ta Búng theo tiếng địa phương có nghĩa là vũng nước trước cửa hang.

Theo người dân địa phương kể lại, hang Ta Búng được phát hiện từ những năm 50-60 của thế kỷ XX thông qua các chuyến đi của họ vào hang để bắt dơi và lấy phân dơi làm thuốc súng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đây còn là nơi nhân dân trong vùng vào sơ tán, tránh bom đạn.

So với hang Nhả Nhung thì hang Ta Búng có chiều dài ngắn hơn khoảng 500 m, độ cao trung bình từ nền cho đến trần hang khoảng từ 30-40 m. Trong lòng hang được chia thành nhiều ngăn nhỏ giống như một tòa lâu đài cổ kính, mỗi ngăn có diện tích khác nhau và đều sở hữu một vẻ đẹp kỳ thú riêng biệt do thiên nhiên sắp đặt. Con đường dẫn tới hang Ta Búng uốn cong, men theo sườn đồi, rợp bóng mát dưới tán lá của những cây rừng cổ thụ, cùng với màu xanh ngút ngàn của những đồi chè, nương ngô, mận ven đường. Điều đó, khiến cho cuộc hành trình khám phá của du khách thêm nhiều phần hấp dẫn, mới lạ.

Đứng từ xa, cửa hang Ta Búng hiện ra trông giống như một vành trăng khuyết vào độ cuối Thu, mời gọi du khách hãy đến và cảm nhận vẻ đẹp nên thơ hữu tình có một không hai của danh thắng này. Cửa hang quay về hướng Tây cao 17 m, rộng 9 m, từ cửa đi hang vào có độ dốc thoai thoải. Nền hang gồm nhiều tảng đá lớn, nhỏ có bề mặt khá bằng phẳng, nối đuôi nhau như có bàn tay con người sắp đặt. Sải bước trên những tảng đá này, lắng nghe của tiếng nước chảy róc rách ở hai bên vách hang, du khách có cảm giác như đang thưởng ngoạn trong một khu miệt vườn nào đó ở miền Tây Nam bộ. Bởi vì ngay trước mắt của họ lúc này, ngăn thứ nhất xuất hiện có chiều dài khoảng 20 m, rộng 10 m với hàng trăm khối nhũ đá chạy liền mạch thành một dải như những vườn cây ăn trái sum suê. Những khối thạch nhũ đứng tập trung từng chùm hình chôm chôm, mẵng cầu nặng trĩu cành. Xa xa là những khối nhũ ở hai bên vách hang nằm rải rác như những quả lê, xoài, sầu riêng đang nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông phẳng lặng. Hương vị đậm đà của miệt vườn Miền Tây ở ngăn đầu tiên như gợi mở biết bao nhiêu điều thú vị cho du khách cùng trải nghiệm các vùng miền khác ở những ngăn tiếp theo. 

Ngăn thứ hai có diện tích khoảng 200 m2. Hệ thống nhũ đá ở đây khá phong phú gồm nhiều chùm nhũ đá vôi rủ từ trên trần hang xuống mềm mại như những tà áo dài của các cô thiếu nữ trong ngày tựu trường. Một số chỗ khác, từng cụm thạch nhũ được phủ một lớp bạc mỏng lấp lánh ánh kim, khi ánh sáng rọi vào trông giống  như dàn đèn khổng lồ của một cung điện nguy nga, tráng lệ. Đứng giữa lòng hang nhìn về bên phải ngăn, một cảnh tượng hết sức đặc biệt diễn ra như ta đã gặp đâu đó trong các câu chuyện cổ tích. Một khối măng đá màu trắng ngà giống như hình ảnh phật Bà quan âm ngồi trên đài sen hiện ra giữa làn mây trắng bồng bềnh. Khuôn mặt bà rất đôn hậu thường trực nụ cười hiền từ nhìn chúng sinh. Nhìn sang bên trái, du khách sẽ thấy hình ảnh ông Bụt, Ông Tiên đang chống gậy dang tay đón chào và ban những điều lành cho quí khách. Bên cạnh là một khối măng đá trông giống như một lư hương khổng lồ, nếu như du khách giàu trí tưởng tượng sẽ cảm giác nơi đây có một bàn bay khéo léo của ai đó đã sắp đặt những mâm lễ đầy đủ xôi, gà, nậm rượu, bánh dày, quả na, quả chuối, quả phật thủ, cây nến... Đây là lễ vật cúng tế trời đất cầu cho mưa thuận gió hoà. Một khung cảnh rất thực mà ta thấy như trong mơ, cái thực và cái hư như đan xen hoà quyện vào nhau tưởng như sự giao hoà giữa trời và đất.

Đi tiếp vào các ngăn bên trong, cung đường quanh co uốn lượn với những cột đá khúc khủyu. Lòng hang rộng có chỗ rộng tới 15-20 m, nhưng cũng có chỗ thắt lại như cổ chai chỉ còn 2-3 m, khiến cho lối đi bị bó hẹp. Trần hang ở đây được phủ bằng những lớp nhũ đá với các hình: Voi, hải cẩu, hoa, lá như mở ra một thế giới cổ tích. Hai bên vách hang, thiên nhiên đã khảm nhiều hình thù kỳ diệu, hấp dẫn người xem với những hình tượng: Người, chim, bướm, hoa cỏ, muông thú…như đang dự tiệc. Ngước mắt sang bên cạnh với những khối thạch nhũ dựng đứng sát vách hang trông như những tòa nhà cao tầng mọc san sát nhau của một đô thị hiện đại. Những viên đá cẩm thạch đính kèm ở trần hang được phủ một lớp bạc óng ánh, phản chiếu muôn màu sắc trông như những dàn đèn cao áp chiếu sáng khắp thành phố vào mỗi buổi tối không có ánh trăng. Tô điểm thêm vẻ đẹp của thành phố là những dải nhũ mềm mại buông từ trên cao xuống, xếp gần nhau trông như những tác phẩm điêu khắc, bên cạnh những vườn hoa công viên đang đua nhau khoe sắc.

Qua các cung đường uốn lượn đó của thành phố tại ngăn hẹp, du khách đến ngăn trung tâm của của hang có diện tích lên tới khoảng 200 m2, trần hang cao 30 m, trải rộng nhiều vết lồi lõm như những dấu chân tròn trên cát. Điểm đặc biệt ở ngăn này đó chính là những lớp đá xếp chồng lên nhau thành từng tầng rất vuông góc. Đứng ở xa, trông như những quyển sách đầy bí ẩn chưa có một ai lần dở ra để đọc. Giữa ngăn, có 4 trụ đá vững chắc tạo nên thế tứ trụ, mỗi trụ đá như có bàn tay nghệ nhân chạm khắc. Mặt ngoài bao gồm nhiều dải thạch nhũ dài quấn quanh như những con rồng ẩn hiện giữa mây bay, phượng vũ, hoa lá dây leo thể hiện cho sức mạnh quyền lực. Mỗi trụ đá là một tác phẩm nghệ thuật được trạm trổ rất công phu, tỷ mỉ, đạt tới trình độ tinh xảo. Tới đây du khách chỉ còn biết mải mê ngắm nhìn, thả hồn với tuyệt phẩm đó của thiên nhiên.

 Đến nửa cuối hang du khách còn bắt gặp khối nhũ đá không cao lắm, chỉ khoảng 0,7 m – 1 m, những giọt nước từ trần hang rơi xuống phủ lên lưng khối nhũ này một lớp rêu xanh kết thành dải và đổ xuống bồn nước nằm bên cạnh. Điều này, khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh cô gái Thái đang gội đầu bên bờ suối, mái tóc đen bóng trải dài, làn da trắng mịn khuôn mặt trái xoan đang độ tuổi xuân thì. Xung quanh là những thửa ruộng đang vào vụ gieo trồng, có những người nông dân đang lội ruộng cày cấy. Trên trần hang, những nhóm nhũ đá điểm xuyến rất mảnh mai như những con chuồn chuồn đang chao lượn, xa xa sau dãy núi là một vệt “ráng đỏ” báo hiệu như trời sắp đổ cơn giông cho nông dân gieo trồng vụ mới. Bức tranh thiên nhiên rất đỗi đơn sơ, mộc mạc tạo cho du khách nhớ đến không gian bình dị, yên ả của làng quê Việt Nam qua những trang thơ của nhà thơ Nguyễn Bính.

Ngăn cuối cùng của hang cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt như nói lời chia tay cuộc hành trình khám phá của du khách. Toàn bộ trần và hai bên vách hang là một hệ thống nhũ đá liên kết với nhau tạo thành một bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Những khối thạch nhũ từ trên trần rủ xuống như những bộ rễ của cây đa, cây si hàng trăm tuổi, bên cạnh những dòng suối nhỏ, thác nước tung bọt trắng xoá. Rừng cây nguyên sinh đó, đồng thời cũng là ngôi nhà của những loài thú: Hươu, nai, khỉ, vượn… Trên trần hang vô số những nhũ đá nhỏ chi chít như một bầu trời đầy sao vào những đêm trăng rằm, khi ánh sáng dọi vào ta thấy lung linh huyền ảo, sờ đưa tay vào đó ta vẫn thấy giọt nước nhỏ xuống tay mát rượi. Nếu dùng dùi gõ vào đó sẽ phát ra âm thanh trầm bổng, thánh thót như dàn nhạc giao hưởng do thiên nhiên tạo thành. Tiếng đàn đá trầm bổng, du dương của thiên nhiên trong những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi ở cuối hang cũng là lời chào tạm biệt du khách sau buổi thưởng ngoạn đầy thú vị cùng danh thắng hang Ta Búng.

Ngoài ra, đến với thắng cảnh hang Nhả Nhung, Ta Búng du khách còn được thưởng thức những đặc sản của vùng đất Yên Châu với chuối ngọt xoài thơm, tham gia các lễ hội cầu mùa, những điệu xoè, lời khắp say đắm lòng người của các cô gái Thái bên ánh lửa bập bùng trong các đêm hội. Những nét văn hóa tiêu biểu mang đậm bản sắc tộc người kết hợp với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Yên Châu sẽ tạo nên những điểm đến hấp dẫn trong chuyến hành trình du lịch về nguồn của du khách.

Hang Ta Búng đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng danh thắng ngày 11/11/2011.