30.Di tích Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông
Yên Châu là một vùng đất có có bề dày truyền thống lịch và văn hoá, nơi hội tụ, sinh sống chủ yếu của cộng đồng 5 dân tộc anh em, bao gồm Kinh, Thái, Mông và Xin mun và Khơ Mú. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, con người nơi đây luôn có ý thức đoàn kết, vượt qua thiên tai, địch hoạ, vươn lên làm chủ đất nước. Đó chính là mạch nguồn sâu thẳm hun đúc nên tính cách và bản lĩnh của con người Yên Châu cùng đồng bào các dân tộc Sơn La lập nên nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước hôm nay.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968), với vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ trên “tuyến lửa” quốc lộ 6. Yên Châu, Sơn La trở thành địa bàn trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ hòng cắt đứt huyết mạch giao thông nối liền từ Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu IV lên chiến trường Tây Bắc và vùng Thượng Lào.
Ngày 14-6-1965 đế quốc Mỹ leo thang ném bom bắn phá Mộc Châu mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân tại Sơn La. Từ đây nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh bước vào một cuộc chiến đấu hết sức gay go và phức tạp. Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ huyện ủy Yên Châu khẩn trương triệu tập cuộc họp, nhận định tình hình “Mỹ bắn phá Tây Bắc thì Yên Châu sẽ là nơi đầu sóng ngọn gió”. Trong đó, quốc lộ 6 đoạn chạy qua Yên Châu dài khoảng hơn 20 km, tập trung 03 cây cầu lớn gồm cầu Sắt, cầu Tà Vài, cầu Tràn Chiềng Đông. Đây là những nút giao thông quan trọng án ngữ trên “tuyến lửa”, địa hình nơi đây hiểm trở, gồm nhiều dãy núi đá vôi trùng điệp, bị chia cắt bởi các khe suối, tạo thành thung lũng hẹp, độ dốc tương đối lớn. Chính vì vậy hệ thống cầu cống đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, đảm bảo huyết mạch giao thông được liên tục trên toàn tuyến.
Đèo Chiềng Đông có độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển, trải dài hơn 8 km, nối liền giữa 2 xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) và Chiềng Đông (huyện Yên Châu). Dưới chân đèo, cầu tràn Chiềng Đông vắt qua dòng suối Vạt là huyết mạch giao thông quan trọng trên tuyến Quốc lộ 6.
Xác định tầm quan trọng của cầu tràn Chiềng Đông trong thời chiến, Huyện ủy Yên Châu đã chỉ đạo, phân công một tổ dân quân được trang bị súng bộ binh, thường xuyên canh gác, làm nhiệm vụ trực chiến bắn hạ máy bay địch. Tổ dân quân được bố trí ở trên mỏm đồi đầu cầu Chiềng Đông để tiện quan sát, ứng phó từ xa khi có máy bay địch đến bắn phá.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ huyện ủy họp bàn và thống nhất phương án sơ tán nhân dân và các cơ quan nhà nước ra khỏi địa bàn trọng điểm bắn phá. Đồng thời, bố trí lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và các tổ trực chiến sẵn sàng chiến đấu trên khắp địa bàn, nhất là tại các nút giao thông quan trọng.
Ngày 20-6-1965 máy bay Mỹ bất ngờ kéo đến ném 6 quả bom xuống bản Khâu Đay (Chiềng Hặc), đường Mường Lựm và bắn 20 quả rốc-két xuống cầu Tà Vài, đèo Chiềng Đông. Bắt đầu từ đây, đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng với các loại máy bay chiến đấu bắn phá Yên Châu liên tục. Mục tiêu của các đợt oanh tạc của không quân Mỹ nhằm phá hoại các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện và hệ thống giao thông như cầu Tà Vài, cầu tràn Chiềng Đông, bến phà Tạ Khoa. Riêng ngày 23-7-1965, không quân Mỹ oanh tạc liên tục 9/13 xã trên địa bàn huyện, tổng số 38 lần ném bom, 5 lần bắn súng máy và đạn rốc-két; tổng số 401 quả bom bộc phá, 1.250 quả bom bi, 11 quả rốc-két. Trong đó khu vực cầu tràn Chiềng Đông phải hứng chịu 12 quả bom, 6 nhà dân bị phá và 1 người bị thương.
Từ tháng 9-1965 đến 30-3-1968, đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi đánh phá 13/13 xã trong toàn huyện với 161 điểm. Thời gian cao điểm chúng huy động 50-60 máy bay cùng một lúc bắn phá dồn dập vào các mục tiêu của ta, gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại lớn về kinh tế. Trong suốt thời gian đánh phá Yên Châu, cầu tràn Chiềng Đông đã phải hứng chịu 44 trận đánh phá với 368 quả bom các loại của không quân Mỹ.
Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” Đảng bộ, quân và dân Yên Châu đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, làm thất bại mọi con bài chiến lược và những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1965, tổ dân quân trực chiến tại cầu Tà Vài đã liên tiếp lập chiến công bắn rơi 2 máy bay F105 của địch, bắt sống 1 tên giặc lái. Tại mặt trận Chiềng Đông, tổ dân quân trực chiến ở cầu tràn đã phối hợp với bộ đội chủ lực ngày đêm bám sát trận địa, bảo vệ mục tiêu, chiến đấu ngoan cường với không quân Mỹ. Ngày 3-11-1965 tổ trực chiến này đã lập công bắn hạ 1 máy bay F105, tiêu diệt 1 tên phi công. Hơn 7 tháng sau, ngày 23/6/1966 tổ dân quân cầu tràn Chiềng Đông do ông Quàng Văn Lẻ trực chiến tiếp tục bắn rơi một chiếc máy bay F105 của địch. Hôm đó, khi vạt nắng cuối chiều sắp khuất dần sau lưng núi, ông Lẻ và các tổ viên dân quân đã về nhà nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Khoảng 16h, một toán máy bay Mỹ gồm 4 chiếc bất ngờ kéo đến quần thảo tại khu vực cầu tràn Chiềng Đông để cất bom oanh tạc. Bất chấp mọi hiểm nguy, ông Lẻ mang theo súng bộ binh một mình chạy lên điểm trực chiến sẵn sàng chờ đợi thời cơ nhả đạn. Đúng như dự tính, khi lượn đến vòng thứ 4, một chiếc máy bay đã tách khỏi đội hình, nhào xuống cầu tràn cất bom phá hoại. Tuy nhiên chưa kịp thực hiện ý đồ, chiếc máy bay Mỹ đã bị trúng ngay loạt đạn đầu tiên từ họng súng của ông Lẻ, đám cháy bốc lên nghi ngút che kín cả một vùng trời Chiềng Đông. Chiến công này của ông Quàng Văn Lẻ đã góp phần giữ vững mạch máu giao thông tại “tuyến lửa” cầu tràn. Đồng thời tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ quân và dân Yên Châu cùng nhân dân các dân tộc Sơn La quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ghi nhận những thành tích của quân và dân xã Chiềng Đông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1981, UBND tỉnh Sơn La quyết định xây dựng tượng đài chiến thắng Chiềng Đông tại vị trí tổ dân quân trực chiến trước đây, công trình được hoàn thành vào năm 1983. Tượng đài mang hình dáng cây súng trường K44, cao 11 m, đế hình vuông mỗi cạnh 4,5 m. Đây là nơi khắc sâu hình ảnh những người con Yên Châu dũng cảm chiến đấu hi sinh vì sự bình yên của quê hương đất nước; trong lao động sản xuất, họ là những con người đảm đang góp phần làm rạng rỡ chiến công đánh Mỹ của quân và dân ta, tô thắm thêm trang sử vàng về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Di tích được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng 13/12/2004.