48.Di tích hang Hua Bó
Hang Hua Bó là quần thể hang động nằm cạnh nhau dưới chân núi đá vôi được bao bọc bởi một khu rừng nguyên sinh trong thung lũng, cảnh quan nơi đây hoang sơ, u tịch gắn với vùng đất có lịch sử từ lâu đời. Đồng thời cũng là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng ngàn nhũ đá, muôn hình, muôn vẻ như những bức tranh hoành tráng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi này.
Hang Hua Bó nằm trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của huyện Mường La: Di tích danh lam thắng cảnh Hang Con Noong, Di tích lịch sử Đồn Pom Pát, Đồn Ngọc Chiến…Đến đây du khách còn được tắm suối nước nóng Mường La, được đắm mình trong lễ hội Xen bản, được thưởng thức các điệu xòe, lời ca tiếng hát làm say đắm lòng người của các dân tộc Mường La nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung.
Hang Hua Bó thuộc Bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, là một quần thể Hang động gồm 3 hang:
Hang thứ nhất có tên Thẳm Bú với tổng diện tích khoảng 1.800 m, là hang có nhiều cảnh quan kỳ thú, là món quà của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Bước vào hang du khách sẽ được tận hưởng cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Càng vào trong hang ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên, trên vách hang là bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó nổi lên những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, với đường nét mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo. Những mảng thạch nhũ dù là nhỏ hay đồ sộ đều được bàn tay của tạo hóa trau chuốt tỉ mỉ, công phu, trần hang là những hình thù con vật như: Voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong đám thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá nhỏ xuống từ trần hang. Hang có 2 khoang, mỗi khoang có một vẻ đẹp kỳ thú khác nhau do thiên nhiên sắp đặt.
Khoang đầu tiên có hai ngách: ngách trái rộng khoảng 10 m, trần hang cao chừng 30 m – 40 m, khoang này có nhiều nhũ đá chen lẫn nhau muôn hình muôn vẻ. Ngách phải có đường xuống khoảng 15 m, tại đây có những khối nhũ đá vôi màu trắng ngà khiến du khách như lạc vào khu rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi. Đứng tại nơi này du khách tưởng tượng đến những tán lá rậm rạp, xanh tốt của những cây Đa, cây Si với những bộ rễ dài rũ xuống. Du khách còn có thể tưởng tượng ra chỗ này là con sư tử đang đớp mồi, chỗ kia là đàn Voi đang uống nước hay đại bàng đang bay lượn phía chân trời xa.
Đi hết khoang 1 du khách sẽ tiếp tục vào khoang 2, đây là khoang trung tâm của hang có diện tích khoảng 800 m, toàn bộ khoang như một nhà hát rộng thênh thang, trần hang và vách hang được phủ một lớp thảm nhung óng mượt, vô số những trùm đèn treo rực rỡ, có những tượng đá hình voi đá, hải cẩu, mâm xôi, nậm rượu, hoa quả như: Na, chuối ... Đứng ở giữa lòng hang chúng ta thấy một khối đá lớn hình con rùa đang bơi lội, mồm ngậm thanh kiếm gợi cho chúng ta nhớ lại câu chuyện truyền thuyết Hồ Gươm. Đi tiếp vào trong hang, nếu du khách giàu trí tưởng sẽ thấy nơi đây như có bàn tay khéo léo sắp đặt những mâm lễ cúng Tế trời đất cầu cho mưa thuận, gió hòa. Tất cả dường như đang chuyển động trong thế giới huyền ảo như thực như mơ, cái thực cái hư đan xen hòa quyện vào nhau tưởng như sự giao hòa giữa trời và đất. Hệ thống nhũ đá phong phú với những nhũ đá vôi nhỏ xuống từ trần hang, mềm mại như những tà áo dài của các cô thiếu nữ. Bên cạnh đó là một khối măng đá giống như hình ảnh Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen hiện ra trong mây trắng bồng bềnh.
Đường từ khoang 2 vào khoang 3 rất thuận lợi. Khoang 3 có diện tích khoảng 600 m, trần hang cao 40 m, lòng hang ẩm ướt. Đứng ở giữa khoang nhìn sang bên trái là một ngách giống như buồng công chúa với những trang trí cầu kỳ, sang trọng, đó là muôn vàn những tia đá cẩm thạch phun ra từ vách hang tạo thành những đường diềm trang trí nhiều màu sắc óng ánh. Cuối khoang trông như một cánh đồng với khu ruộng bậc thang đất đai màu mỡ cùng nhiều loại hoa màu.
Hang thứ 2 gọi là hang Nàng Nọi. Hang Nàng Nọi gắn liền với câu chuyện truyền thuyết của người dân địa phương nơi đây. Chuyện kể rằng: “Nàng Nọi là con gái út của vua Tát Toong trên bản Nà Si thuộc xã Mường Bú ngày nay. Nàng xinh đẹp, hát hay, đàn giỏi, múa đẹp, dịu dàng nết na ai cũng yêu quý. Tiếng lành đồn xa đến tai vua Khâu Pha và Cầm Phưa. Cả hai đều muốn hỏi nàng về làm vợ. Nhưng Nàng Nọi đã đem lòng yêu vua Khâu Pha là người thông minh, tài giỏi và vua cha Tát Toong cũng bằng lòng gả con gái cho ngài. Cầm Phưa biết chuyện, nổi giận đem quân đi đánh vua Khâu Pha. Vua Khâu Pha đã đưa vợ chạy vào hang Hua Bó để ẩn náu, đồng thời cho quân lính chuẩn bị vũ khí, , lương thực, dùng nỏ bắn tên tẩm thuốc độc chờ sẵn ở hẻm đá khuất cách cửa hang chừng 100 m. Khi quân Cầm Phưa tới đã bị đá đánh tan tác, Cầm Phưa cũng bị bắn chết tại đây. Để tỏ lòng biết ơn dân bản, Vua Khâu Pha đã sai bạt núi để làm ruộng cày cấy trồng ngô lúa. Ngày nay bản Nang Phai xã Mường Bú có cả cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu rộng lớn là nhờ công ơn của Vua Khâu Pha và Nàng Nọi. Nhớ ơn Vua, dân bản đã đặt tên hang đá- nơi xảy ra trận đánh trên là Thẩm Nàng Nọi( Hang Nàng Nọi)”.
Hang có tổng diện tích khoảng 1.600 m. Bước vào hang du khách như bước vào cửa động thiên cung có vô vàn những mẫu đá cẩm thạch mang dáng vẻ của Đức mẹ Maria và các thiên thần bay lượn. Đặc biệt ở đây có 4 trụ đá vững chắc tạo nên thế tứ trụ, mỗi trụ đá như có bàn tay nghệ nhân tạo nên và được kết nối với nhau bằng các nhũ đá dài quấn quanh là những con rồng thể hiện sức mạnh quyền lực.
Đặc biệt ở hang này, vòm hang rộng và cao mỗi khi có ánh sáng chiếu vào bức tranh đá trở lên lung linh như những chùm hoa lúc ẩn, lúc hiện. Tới đây du khách trải rộng tầm mắt và thoả sức tưởng tượng qua các tuyệt tác của tạo hoá nhìn xa lóng lánh như kim tuyến, đó là cây vàng, cây bạc, xung quanh là một khối măng đá lớn như bầu sữa mẹ đang nhỏ tí tách từng giọt xuống lòng hang. Toàn bộ vách hang bên phải là hệ thống rèm, cột đá và nhũ đá kết tạo với nhau như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt hơn ở đây ta còn nhìn thấy nhóm nhũ đá như một gia đình bao gồm nhiều thế hệ quây quần bên nhau. Điểm độc đáo ở hang này là có nhiều cột đá to và đẹp, xung quanh là những cây nấm, cây bụt mọc san sát bên nhau. Trên đỉnh của những khối nhũ đá lớn là những bông hoa mào gà tím đang đua nhau nở rộ, hai bên vách hang là những con sứa biển, con bạch tuộc với nhiều xúc tu dài màu trắng ngà.
Hang thứ ba có tên gọi là Thẳm Kia (hang Dơi), cách hang thứ hai khoảng 700 m, cửa hang quay về phía Tây. Hang đặc biệt rất ít nhũ nhưng lại có nhiều tảng đá to ở cửa hang, lòng hang hẹp, dài, ẩm ướt có dòng suối dài chạy suốt chiều dài của hang, hang được chia làm 2 ngách: ngách phải: Đi vào 2 m có tảng đá hình con ngựa vằn, ngách trái ẩm thấp hơn, lòng hang sâu thắt lại ở giữa có dòng suối nhỏ chạy dài khoảng 150 m chảy suốt ngày đêm. Hai bên vách hang là những tảng đá như được bào nhẵn chạy dài theo lòng hang, trần hang ít nhũ đá chủ yếu là những nhóm nhũ đá mang hình bầu sữa mẹ ngày đêm cần mẫn rỏ những giọt nước trong vắt.
Quần thể hang Hua Bó với dáng vẻ hùng vĩ, những khối nhũ đá độc đáo, phong phú và vô cùng hấp dẫn, cùng với cảnh quan xung quanh đẹp mắt và những rừng cây nguyên sinh, khí hậu mát mẻ trong lành phù hợp với du lịch sinh thái. Danh thắng hang Hua Bó đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 27/02/2012.
Ngoài vẻ đẹp của một danh lam thắng cảnh xuất hiện giữa chốn thâm sơn, hang Hua Bó còn có giá trị lớn về mặt khảo cổ học. Tháng 12/2014 Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật hang Hua Bó với tổng diện tích 6 m2 ở hang thứ nhất. Kết quả khai quật đã thu được hàng nghìn mảnh xương động vật nhỏ, chủ yếu là xương dơi. Đặc biệt là phát việc phát hiện 1 ngôi mộ và di cốt người trong hố khai quật đã cho thấy hang Hua Bó là nơi cư trú đồng thời là mộ táng và nơi chế tác công cụ đá của của cư dân thời tiền sử. Căn cứ kết quả nghiên cứu bước đầu hiện vật khai quật và các mẫu phân tích, các nhà khảo cổ học đoán định niên đại cho các di tích hang Hua Bó vào khoảng từ 7.000 năm đến 5.000 năm cách ngày nay. Bằng chứng cho niên đại dự đoán này chính là dựa vào sự có mặt của đồ gốm và rìu có vai mài toàn thân. Tư liệu khai quật di chỉ Hua Bó cho thấy sự thích ứng của con người với môi trường được thể hiện rõ nhất ở mô thức cư trú, ở chiến lược khai thác thức ăn, ở hành vi và kỹ thuật chế tác công cụ lao động, ở việc nảy sinh đồ gốm và sử dụng chúng trong hang động. Cùng với tư liệu khai quật các hang Thom Òn, Lán Đanh, Lám Mỏ và Hang Tọ, hang Hua Bó sẽ đóng góp thêm tư liệu cho hệ thống các di tích hậu kỳ Đá mới - tiền Đông Sơn ở miền núi Tây Bắc và trung du đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.