55.Di tích Khu Căn cứ Cách mạng Mộc Hạ
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà vừa mới ra đời, dân tộc Việt Nam hưởng độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lấy danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa.
Ngày 3/1/1947, quân Pháp từ Lai Châu đánh vào Thuận Châu; ngày 7/1/1947 chúng ném bom xuống xã Hát lót, huyện Mai Sơn, nơi các cơ quan đầu não của ta vừa sơ tán xuống.
Từ ngày 15/01/1947 đến 25/1/1947 chúng đánh Mai Sơn, Mường La. Ngày 22/4/1947 chúng tiến đánh Mộc Châu và đóng quân ở Mộc Lỵ.
Do mất dần đất vào tay thực dân Pháp, từ tháng 5/1947 các cơ quan đầu não của tỉnh đã rút về Mộc Hạ - Mộc Châu. Cuối tháng 10/1947 thực dân Pháp cơ bản đã chiếm xong Sơn La sau khi đánh chiếm Phù Yên.Tình thế lúc này cực kỳ khó khăn. Phong trào cách mạng ở những nơi địch chiếm đóng phải rút vào hoạt động bí mật hoặc tan rã, ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy mở Hội nghị ở Kê Siền (Tô Múa) và chủ trương: Cắm cán bộ ở Mộc Hạ để xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng khu căn cứ kháng chiến lâu dài.
Mộc Hạ là vùng đất nằm ở phía Đông Bắc huyện Mộc Châu, có diện tích 830 km2. Phía Bắc giáp huyện Phù Yên, phía Nam giáp Mường Lý, Mường Lát tỉnh Thanh Hoá và Mai Châu tỉnh Hoà Bình, phía Tây là xã Mộc Thượng, phía Đông giáp Sông Đà. Địa hình vùng Mộc Hạ hiểm trở, bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu, vực thẳm, có các thung lũng rộng như Mường Khoa, Mường Tè.
Mộc Hạ là địa bàn cư trú của 6 dân tộc anh em: Thái, Mường, Dao, Mông, Kinh và Hoa. Nhân dân các dân tộc có truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm. Hưởng ứng Chiếu cần vương, nhân dân trong vùng đã tham gia nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích chống Pháp, tiêu biểu như thủ lĩnh Hà Văn Pấng ở xã Quang Minh.
Như vậy Mộc Hạ là một địa bàn có tầm chiến lược quân sự, có những điều kiện cơ bản về xã hội và tiềm năng đất đai rộng lớn để sản xuất lương thực, thực phẩm đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của đời sống và duy trì lực lượng kháng chiến trong khu căn cứ.
Từ khu căn cứ Mộc Hạ có thể sang Thanh Hoá, Mai Châu (Hoà Bình), ngược Sông Đà lên Thu Cúc, Xuân Đài ( Phú Thọ), sang Nam Phong, Mường Bang (Phù Yên) và sang chiến khu Việt Bắc- nơi có các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng.
Nghị quyết của Tỉnh ủy tại Hội nghị Kê Siền đã được triển khai tích cực. Trên 20 cán bộ của tỉnh và huyện Mộc Châu đã được tăng cường và bám sát cơ sở xây dựng lực lượng, vận động nhân dân xây dựng lũng lán, kho tàng bí mật trong rừng sâu, tích trữ lương thực thực phẩm để chiến đấu lâu dài.
Tỉnh ủy thông qua kế hoạch thành lập khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ, thành lập đội vũ trang tuyên truyền, tổ chức chính quyền bí mật, phát triển cơ sở rộng khắp, chuẩn bị chống càn, rút cán bộ vào hoạt động bí mật, bảo toàn lực lượng kháng chiến.
Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cứu quốc ở các xã, bản đã được xây dựng và hoạt động tích cực. Cơ sở kháng chiến không ngừng lớn mạnh và phát triển sâu rộng, vững chắc theo hai phương thức bí mật và công khai.
Để củng cố, phát triển khu căn cứ, Khu ủy Khu X đã điều một đại đội chủ lực do đồng chí Hoàng Cầm chỉ huy về hoạt động tại Mộc Hạ. Nhằm tạo thanh thế, ngày 28/7/1947 bộ đội chủ lực và du kích khu căn cứ tập kích kho vũ khí địch ở Hướng Càn, tấn công địch ở Xồm Lồm, tiêu diệt tên quan hai Pháp, và tên lính khố đỏ, bắt sống một số ngụy binh, phản động, thu nhiều vũ khí, lương thực... Thắng lợi bước đầu đã cổ vũ, củng cố niềm tin của nhân dân Mộc Hạ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Ngày 2/8/1947, tại Mộc Hạ Trung đội vũ trang tuyên truyền Sơn La được thành lập với 21 đồng chí là thanh niên dân tộc, nhiệt huyết, gan dạ và một số là Công an viên. Trung đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Bá Toản là Trung đội trưởng, đồng chí Trần Quyết- Bí thư tỉnh ủy là Chính trị viên.
Tháng 10/1947, một toán quân thất trận của địch từ Xuân Đài, (Thanh Sơn-Phú Thọ) chạy về Pơ Tào, dừng chân ở Bản Lòm. Nhân dân Bản Lòm đã dùng rượu ngâm củ Ngàm (một loại củ có chất độc), dụ cho địch uống say Đội du kích Pơ Tào đã tấn công và tiêu diệt 1 tên lính, thu 1 khẩu súng máy, 8 khẩu súng trường, địch hoảng loạn bỏ chạy. Trận đánh đã thể hiện lòng dũng cảm, sự giác ngộ của quần chúng nhân dân, sự linh hoạt, sáng tạo của quân và dân ta trong cách đánh địch.
Từ tháng 11/1947 phong trào kháng chiến ở Mộc Hạ ngày càng phát triển. Ta đã củng cố và xây dựng được nhiều cơ sở mới, không chỉ ở hạ huyện mà còn lan toả ra nhiều nơi khác. Phong trào phát triển tới đâu ta tăng cường hoạt động vũ trang, phá tề, trừ gian, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng tới đó. Mặt khác ta xây dựng tổ dân quân du kích ở các bản, liên bản, tiểu khu. Coi trọng công tác binh vận, giác ngộ binh lính từ bỏ hàng ngũ dịch trở về với kháng chiến.
Trong 2 năm (từ tháng 7/1947 đến 5/1949), xây dựng và phát triển khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ ta đã giành được nhiều thắng lợi. Từ chỗ bị địch kiểm soát toàn bộ đất đai, ta đã xây dựng được vùng căng cứ kháng chiến rộng lớn. Phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân lan khắp Mộc Châu, chính quyền địch bị lật đổ, chính quyền nhân dân được thành lập, tạo điều kiện cho cơ sở chính trị trong khu căn cứ tiếp tục được củng cố, và phát triển; bộ đội chính quy, đội vũ trang tuyên truyền, du kích lớn mạnh về mọi mặt.
Khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ đã trở thành trung tâm lãnh đạo toàn diện phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy mà các đại đội chủ lực của tỉnh, của Liên Khu X đã thực hiện thắng lợi việc tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng, khu tranh đấu, khu du kích để bảo toàn lực lượng, tấn công địch, mở rộng khu tự do. Đến năm 1949 Sơn La đã có các khu du kích tương đối vững mạnh như: Mường Do, Mường Bang, Đá Đỏ, Bản Thải, Mường Cơi (Phù Yên); Mường Lựm, Mường Khoa, Tạ Khoa (Yên Châu); Bản Mòn, A Má, Lóng Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang (Mộc Châu); Mường Mầm, Hát Lót, Mường Sại (Mai Sơn); Mường Bú, Mường Bằng, Mường Chùm, Chiềng Công, Chiềng Ân ( Mường La); Mường É, Long Hẹ, Mường Bám (Thuận Châu).
Có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, Sơn La được Trung ương, Liên Khu X giao nhiệm vụ giúp đội xung phong Lào Bắc xây dựng cơ sở cách mạng ở Sầm Nưa. Giữa năm 1948, tại Bản Mường Khủa (Mộc Hạ)Tỉnh ủy Sơn La đã phối hợp với Ban xung phong Lào Bắc do đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn làm đội trưởng xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở cách mạng ở Sầm Nưa. Ban xung phong Lào Bắc đặt căn cứ tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; đến cuối năm 1948 đã xây dựng được căn cứ ở Lao Măng, Lao Hùng, huyện Xiềng Khọ nước CHDCND Lào.
Để tăng cường công tác lãnh đạo quân sự, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, Ban chỉ huy tỉnh đội được kiện toàn. Các đội du kích của xã, bản được rút lên thành lập hai đại đội chủ lực của tỉnh. các xã lớn đều có trung đội hoặc đại đội dân quân du kích, các bản đều có tiểu đội dân quân du kích. Tỉnh ủy đã chỉ đạo vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, dự trữ muối, lương thực, tăng cường cán bộ về cơ sở, tăng cường phòng gian bảo mật, củng cố khối đoàn kết dân tộc; xây dựng và củng cố khối đoàn thể quần chúng; chú trọng công tác xây dựng Đảng. Trong thời gian từ 20/3 đến 2/4/1951 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ nhất đã được tổ chức tại khu căn cứ Mộc Hạ với 76 đại biểu đại diện cho hơn 300 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Tháng 9/1952 Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng nhân dân, đánh bại âm mưu chia để trị của địch. Quân và dân vùng căn cứ Mộc Hạ tích cực phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu giải phóng quê hương. Đến ngày 20/11/1952, Mộc Châu hoàn toàn giải phóng.
Sau chiến dịch Tây Bắc, các cơ quan đầu não của Sơn La chuyển dần về tỉnh lỵ, tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ của dân tộc.
Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Mộc hạ được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 28/02/2007.