14.Di chỉ Hang Mộ Tạng Mè
Vân Hồ, huyện cửa ngõ của tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La 140 km về phía Nam, cách Hà Nội 180 km về phía Tây Bắc, trên trục quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Sơn La và các tỉnh phía Tây Bắc. Đây là vùng đất có địa hình Catxtơ gồm những dẫy núi đá vôi trùng điệp đã tạo ra những hang động vô cùng đa dạng và phong phú. Trong một số hang động đó còn chứa nhiều dấu tích khảo cổ học, đặc biệt là loại hình mộ táng treo (huyền táng). Huyện có 3 xã có những hang động còn chứa quan tài cổ, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Suối Bàng.
Suối Bàng là một xã vùng 3 của huyện Vân Hồ, cách trung tâm huyện 60 km về phía Đông-Bắc. Địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp bao quanh, thung lũng sâu, hẹp men dòng suối Lồi theo chiều dài của trung tâm xã, chảy từ hướng Nam sang Đông đổ ra sông Đà. Hai bên Đông Bắc và Đông Nam sừng sững những đỉnh núi cao, mỗi núi có một dáng vẻ khác nhau trông thật kỳ vĩ. Phía xa, trên gần đỉnh có những chấm nhỏ mầu trắng, đó là cửa hang đang còn lưu giữ những quan tài cổ xưa nhất của xã Suối Bàng, đây là loại hình di tích hết sức độc đáo ở Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.
Trên những dãy núi bao bọc xung quanh xã, hiện còn 3 hang đang lưu giữ hơn 100 quan tài cổ táng bên trong. Đó là hang Khoang Tuống, hang bản Nà Lồi, hang Tạng Mè. Nơi tập trung nhiều quan tài nhất là hang ở khu vực bản Nà Lồi. Tất cả những hang có chứa quan tài cổ ở đây có nhiều đặc điểm tương đồng, phân bố xung quanh nơi con người cư trú, địa hình khá hiểm trở, mỗi hang cách nhau từ 3-4 km.
Hang Khoang Tuống (bản Khoang Tuống) có độ cao so với thung lũng Suối Bàng khoảng 130 m, cách trung tâm bản Khoang Tuống 300 m về hướng tây. Hang nằm gần một đỉnh núi đá, đường lên hang dốc khó đi. Cửa hang có hình "hàm ếch" thấp hơn với nền đất ngoài, chỗ rộng nhất là 3,30 m khum lên cao 1,80 m .
Hang được chia làm 2 khoang: Khoang thứ nhất dài 6,0 m, rộng 4,0 m, hai bên thành hang không bằng phẳng, trần hang cao 1,70 m, nền dốc vào trong; Khoang thứ hai có cửa thu hẹp lại, cao 1,60 m, rộng 2,50 m, trần hang cao 4,0 m, nền rộng 8,0 m khá bằng phẳng, sâu 12 m, hai bên vách hang phình ra tương đối cân, có chỗ thắt lại theo hình "cổ chai".
Hệ thống quan tài trong hang được đặt từ khoang trong ra đến ngoài cửa. Tại hang còn lưu giữ 7 bộ quan tài. Những quan tài ở đây được chế tác từ thân cây gỗ bổ đôi, bên trong khoét lòng để đặt người chết, hai đầu quan tài được tạo những mấu chốt cong hình thuyền "đuôi én", có lỗ đục để cài then.
Loại to; Có 5 cái, dài 2,25 m, dài lòng 1,65 m, đường kính 0,58 m, lòng rộng 0,32 m. Loại nhỏ: Có 2 cái, dài 1,60 m, dài lòng 0,90 m, đường kính 0,42 m, lòng rộng 0,26 m.
Từ hang Khoang Tuống đi khoảng 3 km về hướng Nam, trong dãy núi chạy dài ôm lấy bản Nà Lồi, phía dưới dãy núi đó là hệ thống hang, mái và hốc đá có chiều dài khoảng 60 m, độ sâu lòng hang và mái đá trung bình từ 3- 7 m, đó là Hang bản Nà Lồi. Những hang động ở đây thực chất không phải là hang động Catxtơ mà là những mái đá, hốc đá, trải qua quá trình bào mòn tạo ra các kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Hang có độ cao so với thung lũng và suối Lồi khoảng 400 m, cách bản Nà Lồi khoảng 1.800 m, dốc lên hang gần như thẳng đứng, đi lại khó khăn. Từ cửa hang nhìn xuống là ngã ba của hai dòng suối gặp nhau. Đó là suối Lồi chảy theo hướng Tây- Nam và suối Bàng chảy theo hướng Bắc- Nam cùng đổ ra sông Đà. Trong hệ thống mái đá và hốc đá ở đây có một mái đá to nhất chờm ra khỏi vách 2,0 m, sâu 2,50 m, ngang 5,0 m, nền dốc cao vào phía trong, tại đây còn lưu giữ 36 quan tài chia làm 5 loại, chế tác từ thân cây gỗ bổ đôi, bên trong khoét lòng để đặt người chết, hai đầu quan tài tạo mấu chốt cong hình thuyền "đuôi én" có đục lỗ để cài then. Loại I: Có 16 cái, dài 1,97 m, dài lòng 1,75 m, đường kính 0,50 m, rộng lòng 0,37 m; Loại II: Có 8 cái, dài 1,80 m, dài lòng 1,57m, đường kính 0,35 m, rộng lòng 0,23 m; Loại III: Có 4 cái, dài 1,30 m, đường kính 0,60 m; Loại IV: có 3 cái, dài 1,80 m, đường kính 0,35 m; Loại V: Có 4 cái, dài 0,82 m, đường kính 0,33 m.
Từ hang bản Nà Lồi đi khoảng 2,5 km về hướng Bắc là tới hang Tạng Mè, đây thực chất là một mái đá lớn, từ cửa hang tới thung lũng cao khoảng hơn 200 m, cách sông Đà khoảng 1.500 m, đường lên dốc đứng hiểm trở. Hang có chiều rộng 17 m, cao khoảng 12 m, lòng hang sâu 16 m, hang còn lưu giữ 30 quan tài gồm 5 loại hình khác nhau. Tất cả các quan tài ở đây đều được làm bằng thân cây gỗ bổ đôi, bên trong khoét lòng để đặt người chết. Hai đầu quan tài được tạo những mấu chốt cong hình thuyền "đuôi én" có đục lỗ cài then, với những kích cỡ khác nhau, gồm có 4 loại. Loại I: Có 2 cái, dài 3,36 m, dài lòng 2,50 m, đường kính 0,60 m, rộng lòng 0,52 m.. Loại II: Có 1 cái, dài 2,09 m, dài lòng 1,89 m, đường kính 0,59 m, lòng rộng 0,43m; Loại III: Có 13 cái, dài 0,90 m, dài lòng 0,76 m, đường kính 0,37 m, rộng lòng 0,20 m; Loại IV: có 15 cái, dài 1,05 m, dài lòng 0,90 m, đường kính 0,25 m, rộng lòng 0,17 m.
Những quan tài cổ đang lưu giữ trong các hang tại xã Suối Bàng về loại hình, kích thước và táng thức tương đối giống nhau. Táng thức, đặt và treo quan tài trong hang động, mái đá đã phát hiện nhiều ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Ở Việt Nam, đã phát hiện vài địa phương như Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Lạng Sơn, Thanh Hoá... có quan tài táng treo, song còn lẻ tẻ và đơn điệu. Việc phát hiện ra hàng trăm mộ táng trong các hang động và mái đá ở xã Suối Bàng và các xã trong huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) góp phần vào việc nghiên cứu cách thức, tập tục mai táng của một bộ phận cư dân, dân tộc mang yếu tố địa phương, ít nhiều có những mối quan hệ với người Việt cổ ở Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam.
Kết quả phân tích niên đại bằng kỹ thuật C14, tại Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, di cốt tại di tích này có niên đại 1.240 +/-100 năm (thế kỷ XIII); là cơ sở thực tiễn cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu văn hoá và tộc người trên vùng đất Sơn La, Tây Bắc.
Với giá trị đặc biệt trên, di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp Quốc gia ngày 12/11/2013.