10.Di tích Hồ Chiềng Khoi
“Có ai về Chiềng Khoi quê tôi, dòng suối trong xanh uốn quanh núi đồi” Câu hát mượt mà ấy của người Chiềng Khoi như mời gọi du khách bốn phương trở về với một vùng đất, một vùng hồ nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại.
Vượt chặng đường hơn 60 km từ thành phố Sơn La xuôi về Hà Nội, quốc lộ 6 mềm mại như dải lụa hồng, ôm lấy núi non đưa du khách đặt chân tới huyện Yên Châu anh hùng. Một vùng đất nổi tiếng với mía ngọt, xoài thơm, từ lâu đã đi vào lịch sử với hình ảnh nữ dân quân Châu Yên dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ. Đi tiếp khoảng 4km về phía Đông Nam đến bản Pút, xã Chiềng Khoi, con đường rải nhựa men theo sườn đồi, thấp thoáng những nếp nhà sàn, những bản làng chìm trong sương núi sẽ đưa du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của thắng cảnh hồ Chiềng Khoi.
Từ xa, hồ Chiềng Khoi hiện ra trông như một chiếc gương khổng lồ hòa cùng bóng núi, tạo nên bức tranh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ. Lòng hồ mênh mông sóng nước, nằm giữa một thung lũng trải rộng khoảng 40 ha, được tạo bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp nối đuôi nhau chạy dọc hai bên bờ dài tới 7 km. Trước đây hồ Chiềng Khoi chỉ là một hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước cho hệ thống thủy lợi của huyện Yên Châu. Những năm 1970 của thế kỷ XX, tạo hóa tài tình cùng với sức mạnh dời non lấp biển của hàng vạn con người trên công trường hồ Chiềng Khoi đã biến nơi đây trở thành một danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ giữa chốn thâm sơn, để hôm nay du khách từ khắp mọi miền đất nước đổ về đây tham quan, thưởng ngoạn.
Đặt chân đến hồ, cảm giác thú vị nhất của du khách là được lướt nhẹ cùng sóng nước Chiềng Khoi, thỏa sức ngắm cảnh mây trời, gió lộng, tận hưởng không gian yên bình nơi miền sơn cước. Thấp thoáng sau những rặng cây, tiếng chim hót líu lo hòa quyện vào tiếng lá cây rừng xào xạc, tạo nên bản nhạc du dương, đi vào lòng người. Mỗi sớm bình minh, mặt hồ bao phủ một làn sương trắng bồng bềnh, giăng kín cả sườn đồi, từ xa trông như những nàng tiên trong bộ áo choàng trắng tinh khôi đang bay lượn. Khi ánh nắng ban mai ùa về xua tan màn sương đêm còn vương trên cành lá, cũng là lúc vạn vật như bừng tỉnh chào đón cùng du khách trong hành trình tham quan, thưởng ngoạn hồ Chiềng Khoi.
Từ lòng hồ phóng tầm mắt ra xa trên những bãi bồi ven hồ, vài chú trâu đang say sưa gặm cỏ, những đàn cò trắng thong thả dạo bước kiếm mồi giữa một không gian thanh bình, yên ả. Trên mặt hồ mênh mông sóng nước, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp hình ảnh các đoàn khách chào nhau bằng những cái vẫy tay, trao những nụ cười duyên dáng, mỗi khi thuyền bè xuôi ngược gặp nhau.
Hai bên hồ, các dãy núi nối đuôi nhau như những bức tường thành ôm lấy toàn bộ mặt hồ tạo thành bức tranh thủy mặc núi ôm ấp hồ, hồ lồng bóng núi. Xa xa về phía Tây Bắc, dãy núi Héo Bó suy tư, trầm mặc chứa đựng bao điều bí ẩn đang chờ đợi du khách khám phá trong cuộc hành trình thú vị này. Nơi đây khí hậu bốn mùa mát mẻ, độ ẩm không khí cao, chính vì vậy hệ thực vật phát triển đa dạng với nhiều loài gỗ quý như đinh, lim, táu, sến... và các loài rau, măng rừng làm nguyên liệu chế biến các món ăn như rau sắng, rêu đá, măng nứa, măng mai, bò khai, măng trúc... kết hợp với nguồn lợi thủy sản hết sức dồi dào dưới lòng hồ gồm nhiều loài cá, tôm, cua, ốc, hến... Tất cả những sản vật này tạo nên những món ăn hấp dẫn, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Rời lòng hồ, du khách men theo các con đường mòn quanh co, lúc ẩn, lúc hiện dưới những bóng cây cổ thụ để cảm nhận một bầu không khí trong lành, mát mẻ hòa lẫn hương thơm quyến rũ của các loài hoa rừng. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, lòng hồ Chiềng Khoi hiện ra mênh mông, bát ngát, tạo cho du khách có cảm giác thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Thấp thoáng giữa những dãy núi trùng điệp nối đuôi nhau chạy vòng quanh lòng hồ nổi lên 3 quả đồi tựa như những chiếc bát úp cứ như thể có bàn tay con người nhào nặn. Mỗi quả đồi nằm cách nhau chừng 500 m, theo thế chân kiềng. Người dân địa phương đặt tên cho 3 quả đồi này là Pom Xoè Phi, Pom Sắm Quang và Pom Co Muông.
Pom Xoè Phi có nghĩa là đồi nhảy múa của các nàng tiên. Theo truyền thuyết: “Vào mùa hè, thời tiết trên thiên đình nóng nực, các nàng tiên thường xuyên rủ nhau xuống hồ Chiềng Khoi tắm mát, tận hưởng không gian yên tĩnh, khí trời mát mẻ nơi đây. Vào một buổi thiết triều, Ngọc Hoàng Thượng đế lấy làm lạ khi chỉ thấy các tiên nam vào chầu. Ngài thầm nhủ, giờ này chắc các tiên nữ rủ nhau xuống hồ Chiềng Khoi tắm mát để xua cảm giác nóng nực trên thiên đình. Ngài liền sai người hầu xuống hạ giới đến hồ Chiềng Khoi tìm các tiên nữ. Quả nhiên đúng như tiên đoán của Ngài, khi người hầu đến Pom Xòe Phi thì thấy các tiên nữ đang mải mê đùa giỡn giữa lòng hồ bao la. Tiếng cười thỏa thích của các nàng tiên như hòa vào làn nước tung bọt trắng xóa, những vạt nắng cuối chiều rọi xuống lòng hồ tạo nên bảy sắc cầu vồng trông rất đẹp mắt. Về phần Ngọc Hoàng, sau khi biết chuyện các nàng tiên không dự buổi chầu để đi xuống hạ giới vui chơi. Ngài không tỏ ra tức giận mà còn ra lệnh cho người hầu không được làm ảnh hưởng cuộc vui của các nàng tiên. Vui mừng khi được Ngọc Hoàng sá tội, sau khi tắm mát ở hồ Chiềng Khoi, các tiên nữ đã cùng nhau lên đỉnh núi nhảy múa. Trước khi trở về thiên đình, các nàng tiên bay qua dãy núi bao quanh hồ, những tấm lụa trắng mỏng manh quấn quanh thân hình mềm mại của các nàng đã vương lại trên cành cây rừng tạo thành một dải màu trắng thuần khiết của loài hoa ban trải dài theo sườn núi”. Nơi các nàng tiên nhảy múa hiện nay là một bãi đất trống, bằng phẳng nằm trên đỉnh đồi, cao khoảng 500 m, chiều dài 150 m, rộng 30 m; xung quanh là vách đá dựng đứng, có chỗ nhô ra tạo thành hình các con vật trông rất lạ mắt như hình cá sấu đớp mồi, voi uống nước, hươu, nai đang gặm cỏ.
Nằm về phía Tây, đối diện với Pom Xòe Phi là Pom Sắm Quang nghĩa là đồi lưng con nai. Bao phủ ngọn đồi này là màu xanh của các loài cây dây leo bám theo theo các tảng đá cong cong mang hình dáng lưng con nai. Giữa đỉnh đồi có nhiều hòn đá tựa như những chỏm cầu rất lạ mắt. Ngọn đồi này cũng là nơi thích hợp cho những du khách thích trải nghiệm với môn thể thao leo núi mạo hiểm.
Từ Pom Sắm Quang nhìn về phía Tây Bắc là Pom Co Muông nghĩa là đồi cây muỗm. Ở ngọn đồi này có một cây muỗm cổ thụ đã hàng trăm tuổi. Điểm tạo được hấp dẫn đối với du khách ở ngọn đồi này chính là bãi đá tự nhiên nằm bên sườn đồi với nhiều hình thù kỳ lạ như cây nấm, hình lin ga, hình các con vật trong đời sống hàng ngày như rùa, ba ba, cá sấu.... Đây là kết quả của quá trình phong hoá và bào mòn tự nhiên qua hàng chục vạn năm tạo nên các tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo. Điều lý thú là các tảng đá từ các con vật được tự nhiên bố cục hướng đầu về phía hòn đá có hình cây nấm khổng lồ. Đến với Pom Co Muông du khách như được trở về thủa hồng hoang của lịch sử loài người. Theo lời kể của một số người dân địa phương thì các khối đá hình các con vật trên đồi Pom Co Muông rất thiêng thiêng, vì thế trước bế tắc của cuộc sống, họ thưởng đến đây để cầu xin.
Ngoài giá trị của một điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, hấp dẫn, hồ Chiềng Khoi còn là một di chỉ khảo cổ học. Năm 1999 Đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Sơn La đã tiến hành điều tra, khảo sát tại khu vực di tích hồ Chiềng Khoi. Qúa trình khảo sát đã phát hiện 3 di vật khảo cổ học: Phác vật rìu tứ giác, rìu tứ giác mài toàn thân. Những di vật này cho chúng ta thấy, có khả năng tìm được ở Chiềng Khoi di tích của cư dân hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí cách ngày nay (3 vạn đến 1 vạn năm).
Đến Chiềng Khoi, du khách không những được tham quan thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh thắng với cảnh vật xung quanh quyến rũ và thơ mộng, mà còn được thưởng thức những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Thái Yên Châu. Đó là những làn điệu dân ca ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất, được hòa mình vào niềm vui trong những ngày hội, cảm nhận vòng xoè đoàn kết bên ánh lửa bập bùng với tình cảm đầm ấm. Bên chum rượu cần du khách sẽ cảm nhận sự thân thiện, gần gũi và sự hiếu khách của người dân địa phương. Đến đây du khách còn được thưởng thức các món ăn dân tộc độc đáo, tìm hiểu những nét đẹp trong phong tục tập quán mang đặc trưng văn hoá của người Thái đen Yên Châu. Khăn piêu với mầu sắc rực rỡ, những họa tiết hoa văn và vẻ đẹp rạng ngời đó lại được nhân lên gấp bội trong bài thơ “Khăn Piêu”:
Ai lên Chiềng Khoi quê tôi
Xem cô gái Thái đang ngồi thêu hoa
Khăn piêu cô gái nết na
Đôi tay khéo léo làm ra hoa màu
Hồ Chiềng Khoi đã được công nhận xếp hạng danh thắng Quốc gia ngày 28 tháng 12 năm 2002.