60.Di tích Hội trường sơ tán Tỉnh ủy hang Thẳm Quai
Năm 1964, đế quốc Mỹ bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, chúng dựng nên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Từ năm 1965 đến 1971, toàn miền Bắc nước ta chìm trong bom đạn của kẻ thù, khiến cho mọi hoạt động sản xuất bị đình trệ, đời sống xã hội bị đảo lộn. Tuy nhiên, tội ác của kẻ thù không làm lung lay ý chí đấu tranh và quyết tâm thống nhất đất nước của quân và dân ta. Nhân dân miền Nam vẫn kiên trì ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, nhân dân miền Bắc hăng say lao động, sản xuất để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Hòa chung với khí thế chiến đấu đó, nhân dân các dân tộc Sơn La một lòng đoàn kết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cách mạng vẻ vang mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ XI, khóa III của Đảng (tháng 3/1965) về tình hình và nhiệm vụ trước mắt, Tỉnh ủy Sơn La đã đề ra nghị quyết về chuyển hướng mọi hoạt động của tỉnh từ thời bình sang thời chiến. Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng, mở rộng phạm vi bắn phá trên khắp địa bàn toàn tỉnh Sơn La. Mục tiêu công kích chủ yếu của không quân Mỹ nhằm vào các trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh, khu vực tập trung đông dân cư và các nút giao thông quan trọng trên quốc lộ 6.
Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn bí mật trong công tác chỉ đạo, tháng 6 năm 1965, Tỉnh ủy Sơn La quyết định sơ tán các cơ quan đầu não của tỉnh về đóng tại hang Trâu (Thẳm Quai), thuộc bản Nà Tre, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Đây là một hang đá tự nhiên được bao bọc bởi rừng núi rậm rạp, tập trung đông dân cư, địa hình bằng phẳng, giao thông liên lạc thuận lợi cho công tác chỉ đạo kháng chiến. Thẳm Quai được chia làm hai phần chính:
Phần hang chính dùng làm hội trường: Lòng hang rộng khoảng 12 m, sâu vào khoảng 19 m, trần hang cao khoảng 8 m, nền hang được cải tạo bằng phẳng, cửa hang có những vòm cây cao mọc che khuất. Từ cửa hang thông ra ngoài có đào những đường giao thông hào để việc di chuyển được an toàn. Trước cửa hang là một khoảng đất rộng 700 m2, hiện nay nhân dân sử dụng để sản xuất nông nghiệp.
Phần ngách hang sâu khoảng 150 m, chiều rộng và cao có thắt từng đoạn không đều nhau, đoạn nhỏ nhất cao 1,5 m, rộng 1,0 m; đoạn rộng nhất 5,0 m; cao 2,7 m. Với những đặc điểm đó, Thẳm Quai trở thành điểm sơ tán an toàn của các cơ quan tỉnh khi Đế quốc Mỹ tăng cường các trận ném bom phá hoại.
Từ năm 1965 đến 1971, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Sơn La. Tháng 6/1965, tại Thẳm Quai, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thi đua “Bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh ở tầng thấp”, nhằm củng cố lòng tin, động viên quân và dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, dũng cảm đánh trả những trận tấn công điên cuồng của kẻ thù. Tháng 7/1966, Tỉnh ủy Sơn La đã long trọng đón tiếp đoàn đại biểu tỉnh Đắc Lắc (tỉnh kết nghĩa với Sơn La) đến thăm, cổ vũ động viên nhân dân các dân tộc Sơn La quyết tâm vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, từ ngày 11/10 đến ngày 25/10/1969, tại Thẳm Quai đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ III. Tham dự Đại hội có 191 đại biểu thay mặt cho hơn 1 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội vinh dự đón tiếp đoàn đại biểu Khu ủy Tây Bắc do đồng chí Hoàng Kiểu - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy làm trưởng đoàn, đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu, đoàn đại biểu tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) do đồng chí Phăn Sa Mạy – Phó bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Đại hội đã tổng kết những thành tựu, khuyết điểm và rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ từ sau Đại hội II (10/1963), thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là chuyển hướng phát triển kinh tế - văn hóa từ thời bình sang thời chiến và tiến hành cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ. Đại hội thể hiện lòng trung thành với lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện ý chí sắt son và lòng quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Sơn La đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn. Góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện mục tiêu đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Di tích Hội trường sơ tán Tỉnh ủy đánh dấu một giai đoạn đấu tranh phức tạp và đầy thử thách trong chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh ngày 13 tháng 12 năm 2004. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Sơn La, một điểm đến quen thuộc của du khách gần xa trong các chuyến du lịch hướng về cội nguồn đến với miền Tây Bắc.