47.Di tích hang Co Noong
Từ thành phố Sơn La theo tỉnh lộ 106, du khách sẽ đến với Mường La nơi có Thủy điện Sông Đà hùng vĩ đêm ngày miệt mài đưa ánh sáng đến mọi miền của Tổ quốc; suối nước nóng Ngọc Chiến cùng với non nước mây trời thực sự khiến những ai từng đặt chân đến vùng đất xinh đẹp này đều cảm thấy thư giãn. Mường La còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp như: Hang Hua Bó, hang Co Noong... Trong đó, hang Co Noong (nghĩa là: Tổ ong) không chỉ nức lòng khách đường xa với những kiệt tác của thiên nhiên mà còn là một nơi lưu lại những vết tích cư trú của người xưa.
Theo các tài liệu nghiên cứu, giai đoạn muộn của thời kỳ đá mới - Sơ kỳ đồng thau, khí hậu Mường La nóng ẩm mưa nhiều, nước sông Đà dâng cao khiến các cư dân cư trú vùng dọc sông Đà gặp nhiều khó khăn. Họ buộc phải di chuyển đến những hang động, mái đá cao hơn để sinh sống. Người Việt cổ đã chọn hang Co Noong để định cư trong một thời gian dài. Đây là một hang đá tự nhiên, có độ cao khoảng 200 m so với mặt nước sông Đà. Cửa hang quay về hướng Đông Nam, thuận lợi cho việc đón ánh sáng; giữa cửa hang có hòn đá to chắn tạo cho hang vẻ kín đáo, tránh gió và bảo vệ được con người trước thú dữ; trong hang có nhiều mạch nước ngầm và là nơi sinh sống của nhiều loài ốc núi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào mỗi khi con người không ra được ngoài để kiếm thức ăn. Để duy trì cuộc sống, cư dân ở đây thường săn bắt, hái lượm và chế tác công cụ ngoài hang, trong các thung lũng hay ở các dòng suối gần hang. Sau một ngày lao động vất vả, họ mang các tất cả các sản phẩm săn bắt, hái lượm và các công cụ chế tác được về hang để sử dụng và bảo quản. Chính nhờ ý thức bảo vệ đó mà những dấu tích của cư dân còn được lưu lại trong hang.
Năm 1997, Viện Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng Sơn La tổ chức khảo sát, khai quật hang Co Noong; kết quả khảo sát thu được 11 di vật bằng đá gồm: 5 công cụ rìu ngang, 2 công cụ phần tư cuội, 4 công cụ mảnh tước. Những di vật thu được đã phản ánh cuộc sống của cư dân cổ từ 11.000 năm cách ngày nay. Họ đã dùng những mảnh tước, công cụ phần tư cuội để ghè, chặt những sản phẩm hái lượm được và dùng rìu ngang để cắt xẻ thịt thú rừng. Từ kết quả khai quật, ta thấy được khung cảnh Mường La từ thuở khai hoang lập địa được tái hiện rõ nét và chứng tỏ đây là vùng đất có lịch sử hình thành phát triển lâu đời. Ngoài ra, trên mặt nền hang còn có 4 mảnh gốm thô pha cát, hạt tương đối nhỏ. Những mảnh gốm có màu trắng hồng, khá cứng, được trang trí hoa văn dập. Việc phát hiện những mảnh gốm cho thấy con người có sự định cư lâu dài và phát triển liên tục khi sống ở hang Co Noong.
Dân gian còn lưu truyền một câu chuyện tình yêu cảm động gắn với hang Co Noong. Tương truyền rằng: Thuở xa xưa có một chàng trai nghèo đem lòng yêu một cô gái con nhà giàu; đôi trẻ yêu nhau thắm thiết nhưng định kiến xã hội khiến họ không đến được với nhau. Một hôm, cha người con gái gọi chàng trai đến yêu cầu anh phải lấy được mật ong (Loại ong khoái chuyên làm tổ trong hang) trên đỉnh Pu Luông về thì mới được lấy con gái ông. Chàng trai mừng rỡ, vội vã vượt sông Đà trèo lên đỉnh Pu Luông mà tìm mãi vẫn không thấy mật ong. Đang lúc tuyệt vọng, chợt trời đổ cơn mưa to, chàng buộc phải vào hang đá gần đó trú mưa. Bỗng từ trên trần hang hiện ra một tổ ong quý; chàng trai mừng rỡ vội vàng bắt lấy nhưng bắt mãi, bắt mãi rồi biến thành đá lúc nào không hay. Cô gái sau khi biết tin người yêu cũng vội vàng đi tìm. Đôi chân cô đã đi qua bao thác ghềnh, bao đèo cao để rồi khi đến hang động nọ; cô nhận ra hình bóng người thương đã hóa đá từ lâu. Cô chạy đến ôm lấy hình bóng ấy những mong người yêu quay lại nhưng cũng hóa thành đá bên cạnh chàng trai. Tình cảm thủy chung của đôi trai gái khiến gió ngừng thổi, nước ngừng rơi, ong ngừng làm mật… Tất cả bỗng ngưng đọng lại rồi hóa thành đá để ghi nhớ một chuyện tình son sắt.
Trải qua nhiều tác động của thời gian, cảnh vật trong hang Co Noong vẫn vẹn nguyên như khẳng định sức mạnh vĩnh cửu của tình yêu và chào đón bước chân khám phá của những du khách muốn trải nghiệm những điều mới lạ, bí ẩn của một thế giới hoang sơ. Cùng với công trình Thủy điện Sơn La, hang Hua Bó, hang Co Noong đã thu hút nhiều du khách đến với mảnh đất Mường La xinh đẹp. Nếu những ai đã từng một lần đến với Mường La thăm công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á để chứng kiến được sự kỳ diệu của bàn tay khối óc con người, thưởng thức những đặc sản của đồng bào Thái hay khám phá những vết tích của cha ông ở hang Co Noong sẽ không thể quên được tấm lòng hiếu khách cùng phong cảnh hữu tình của mảnh đất, con người Mường La.
Di tích được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 28/4/2006.