44.Di tích Khu căn cứ kháng chiến 99
Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Hồ Chủ tịch ngày 19/12/1946, nhân dân Sơn La cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban hành chính kháng chiến Sơn La, cuối tháng 5/1950 Đội Vũ trang tuyên truyền Pắc Ngà (gọi tắt là Đội công tác Khu 99) được thành lập tại huyện Phù Yên([1]). Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc gồm có 10 đồng chí được chọn từ cán bộ du kích cốt cán ở địa phương trong các xã, bản do đồng chí Cầm Ngoan làm đội trưởng, Tỉnh đội Sơn La trực tiếp chỉ huy, hoạt động giữa địa hình đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu thuộc các xã vùng cao như: Hang Chú, Làng Chếu, Xím Vàng, Tà Xùa, Phiêng Ban, Song Pe, Pắc Ngà, Pắc Lừm, Hồng Ngài. Phương thức hoạt động chủ yếu của khu căn cứ là vận động tuyên truyền những cá nhân, hộ gia đình có tinh thần tốt làm cơ sở để thu tập thông tin, vận động nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính. Đồng thời, lực lượng kháng chiến xây dựng các lũng, lán bí mật để cất giấu lương thực, nuôi giấu cán bộ. Tại các bản mường hình thành lực lượng tự vệ bán vũ trang để phối hợp với các đội công tác vũ trang bảo vệ dân, chống địch càn quét.
Ngay sau khi thành lập, tháng 6/1950 Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc đã xuất phát từ bản Thải lên Suối Ngang, Pà Chò, Làng Sáng qua Trạm Tấu (Yên Bái), trong đó Xím Vàng, Hang Chú, Phiêng Ban là địa bàn hoạt động chính để gây dựng cơ sở. Đội công tác “99” đã nắm chắc địa bàn hoạt động, tuyên truyền vận động đồng bào Mông, Thái đoàn kết chống thực dân Pháp. Đặc biệt với cách vận động khéo léo và hiệu quả, nhiều Phìa, Tạo, Thống lý đã được giác ngộ, ngả theo cách mạng. Trong đó phải kể đến như Thống lý Mùa Chống Lầu ở Hang Chú, Tạo Mơ, Tạo Mong ở Song Pe... Các Tạo, Phìa này đã tích cực ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ cán bộ, nắm bắt tình hình địch tại địa bàn. Phối hợp với các Tạo, Phìa, Thống lý ủng hộ và đi theo kháng chiến, đội du kích “99” đã vận động và tận dụng tối đa sự ủng hộ quần chúng, nhanh chóng xây dựng khu căn cứ kháng chiến rộng lớn từ Chim Vàn lên Pắc Ngà, từ Tà Xùa đến Hang Chú bắt liên lạc với Ban cán sự Mường La và Tỉnh ủy. Ngoài ra Đội du kích “99” còn tạo điều kiện giúp tổ cán bộ từ hậu địch của huyện Văn Chấn ở Trạm Tấu theo đường của đội vũ trang “99” về Yên Bái an toàn. Do vậy khu “99” tuy nằm trong vùng kiểm soát của địch nhưng đồng bào đã đấu tranh theo sự chỉ đạo của ta, trở thành cơ sở kháng chiến ngay trong lòng địch. Các đội vũ trang chính quy, vũ trang bán chính chính quy đã cùng nhân dân trong khu căn cứ thường xuyên tổ chức đánh du kích, tấn công các đồn lẻ gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Đồng thời phục kích chống càn, chống khủng bố, bảo vệ và cải thiện đời sống nhân dân trong khu căn cứ, vì vậy địa bàn khu căn cứ “99” ngày càng được mở rộng khắp các xã vùng cao, thu hẹp dần phạm vi kiểm soát của địch.
Trước sự lớn mạnh phong trào kháng chiến của ta ở Bắc Yên. Từ cuối năm 1950 đầu 1951 thực dân Pháp tập trung lực lượng mở nhiều cuộc hành quân càn quét, chiếm đóng, khủng bố ác liệt các điểm thuộc Khu “99”. Tháng 7 năm 1950 chúng tấn công sang Đá Đỏ, bản Ngâm dồn dân tập trung lập vành đai trắng. Tháng 12 năm 1950 lực lượng lính ngụy có sỹ quan Pháp chỉ huy đánh lên Pắc Ngà. Đặc biệt sau chiến dịch Lý Thường Kiệt của ta tại Mường La (1951), thực dân Pháp và tay sai đã thẳng tay tàn sát, trả thù dã man những gia đình, cơ sở nuôi giấu cán bộ, hoặc có người đi theo kháng chiến. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, tránh sự lục soát của quân địch, các cơ quan đoàn thể, chính quyền huyện Mường La quyết định di chuyển sang tạm trú tại bản Pá Đông, xã Hang Chú. Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cán bộ, nhân dân trong khu 99 đã vận động bà con nhân dân ủng hộ trâu, bò, lợn gà, và hàng chục tấn gạo để nuôi giấu cán bộ chiến sỹ khu căn cứ kháng chiến Mường La trong thời gian 4 tháng. Đây là một thành tích cực kỳ quan trọng, góp phần giữ vững, củng cố phát triển lực lượng của ta. Thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc ở các khu căn cứ trong tỉnh cùng đánh đuổi kẻ thù chung.
Tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Khu ủy Tây Bắc triển khai công tác chuẩn bị chiến dịch và tổng động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân vùng tự do, vùng tạm chiếm, huy động mọi khả năng, nhân lực, vật lực phục vụ cho chiến dịch. Theo chủ trương của Khu và tỉnh tiếp tục củng cố các khu căn cứ đã có, xây dựng phát triển cơ sở kháng chiến nối liền từ Vạn Yên vào Quang Huy- Phù Yên, sang Phiêng Ban - Bắc Yên, cơ sở phát triển rộng khắp khu căn cứ 99 và vùng đồng bằng của Phù Yên.
Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc năm 1952, tại xã Hồng Ngài đã diễn ra một sự kiện hết sức quan trọng. Đại đội quân báo của Bộ Tổng tham mưu do đồng chí Việt - Đại đội trưởng chỉ huy, trên đường hành quân từ Tường Phù- Phù Yên qua Đung Cang- Bắc Yên, Đại đội đã tạm trú tại Thẳm Cốp (hang vợ chồng A Phủ) thuộc bản Hồng Ngài. Tại đây, chính quyền địa phương đã vận động bà con tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm được hơn 200 kg gạo, 1 con lợn, 50 kg rau củ quả, bí mật nuôi giấu Đại đội trong hai ngày.
Chiến dịch Tây Bắc mở màn ngày 14/10/1952. Tại Khu căn cứ 99, sau khi nhận được lệnh phát động chiến dịch của Bộ Chính trị, du kích địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức phục kích, chặn đánh địch.
Cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/1952, được sự ủng hộ của nhân dân địa phương, đội du kích khu 99 liên tiếp chặn đứng 3 cuộc càn quét, cướp phá tại địa bàn các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Hang Chú, thu được 4 khẩu tiểu liên, 1 khẩu súng trường, bắt sống 2 tên, tiêu diệt 3 tên. Kẻ địch hoang mạng, lo sợ buộc chúng phải rút quân ở những đồn bốt lẻ, không dám mở các cuộc càn quét lớn.
Sau 6 năm trực tiếp chiến đấu kiên cường, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên nói chung và khu căn cứ “99” nói riêng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đồng thời, tiếp tục có những đóng góp to lớn vào công tác tiễu phỉ ở địa phương; tích cực đóng góp sức người, sức của cùng cả nước tiến lên làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Sự ra đời của Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc, đã góp phần đưa khu 99 trở thành khu căn cứ kháng chiến đầu tiên tại Bắc Yên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ địa điểm này, các cơ sở cách mạng lần lượt được gây dựng, tạo nên thế liên hoàn giữa các địa bàn trong huyện, nối tận Mường La, Than Uyên thành đường dây liên lạc về tỉnh tại Mộc Hạ. Đồng thời đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự chỉ đạo và phát triển phong trào kháng chiến trong phạm vi khá rộng của Liên khu Việt Bắc. Bên cạnh đó, địa danh lịch sử Khu căn cứ “99” còn được công chúng biết đến là quê hương của Vợ chồng A phủ. Một tác phẩm văn học nổi tiếng in trong tập truyện ngắn Tây Bắc-1953 của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm này đã được các nhà làm phim xây dựng thành kịch bản bộ phim cùng tên sản xuất vào năm 1969, công chiếu rộng rãi trên truyền hình trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Di tích được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng ngày 28/5/2012.
[1] Ngày 17 tháng 8 năm 1964 thực hiện quyết định số 128-CP của Chính Phủ, huyện Phù Yên được chia thành 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên. Huyện Bắc Yên lúc thành lập có 8 xã: Phiêng Ban, Song Pe, Chim Vàn, Xím Vàng, Tà Xùa, Hang Chú, Làng Chếu, Pắc Ngà. Ngày 16 tháng 1 năm 1979 theo quyết định 18-CP của Chính phủ, xã Phiêng Ban của huyện Bắc Yên tách thành 2 xã Phiêng Ban và Hồng Ngài.