2.Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào
Di tích thuộc bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đây là khu căn cứ của Ban xung phong Lào-Bắc do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm trưởng ban, hoạt động từ năm 1948 đến năm 1950.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tháng 10/1930 Đảng được đổi tên thành Đảng cộng sản Đông Dương, xác lập và định hướng đường lối cách mạng cho 3 nước Đông Dương là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu đánh đổ thực dân, đế quốc mang lại ruộng đất cho nhân dân.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, đó là sự hình thành liên minh cách mạng giữa 3 nước ở Đông Dương, chuyển từ đấu tranh tự phát thành đấu tranh tự giác, tạo tiền đề cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-Pu-Chia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng ở Việt Nam và Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 8 năm 1945 Việt Nam khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Tháng 10-1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào bùng nổ. Sau khi Chính phủ lâm thời Lào được thành lập, ngày 14 tháng 10 năm 1945 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi điện chúc mừng, công nhận độc lập tự do của Lào và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Lào đã ký hiệp định thành lập liên quân Lào-Việt. Hiệp định đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự giúp đỡ hợp tác huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Trong khi đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam, Đảng cộng sản Đông Dương kịp thời chỉ đạo việc mở rộng Mặt trận kháng chiến ở Lào và Cam-Pu-Chia, thiết lập nhiều căn cứ địa cách mạng trên đất Lào và Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 14 tháng 6 năm 1948 Bộ Chỉ huy Liên khu X ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào- Bắc. Ban gồm có 14 người. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Trưởng ban, ông Thảo Hạnh -Phó trưởng ban, ông Đông Tùng làm Chính trị viên. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban là góp phần giúp lực lượng kháng chiến ở Lào xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong-Sa-Lỳ và Luông-pha-băng, lấy trung tâm là Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Năm, Thạt Luông, thuộc huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (Huả Phăn). Gửi thư cho Ban xung phong Lào-Bắc, Bác Hồ viết: "Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban xung phong Lào-Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào-Bắc chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập chóng thành lập".
Tháng 4-1949, Ban xung phong Lào-Bắc hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa. Phiềng Sa là bản có 100% người Mông sinh sống, thuộc tỉnh Sơn La (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Đến Phiêng Sa, Ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tình hình trước khi tiến vào đất Lào. Trong thời gian hoạt động ở Phiêng Sa, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Tráng Lao Khô. Đồng chí Cay-xỏn được gia đình ông hết sức giúp đỡ, cưu mang và nhận làm con nuôi. Ông Lao Khô tích cực vận động bà con trong bản Phiêng Sa tạo điều kiện cho đồng chí Cay-xỏn và Ban xung phong Lào-Bắc hoạt động.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng đồng bào bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền bạc giúp Ban xung phong Lào-Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. Đặc biệt ông Lao Khô đã trực tiếp dẫn đường đưa Ban xung phong Lào-Bắc vào rừng hoạt động. Hàng ngày ông Lao Khô mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẩm Mế nuôi cán bộ Việt Minh và các đồng chí cán bộ nước bạn Lào ([1]).
Từ căn cứ địa ở Phiêng Sa, Ban xung phong Lào-Bắc đã tiến sang đất Lào, xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong-sa-lỳ và Luông-pha-băng, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng Lào phát triển mạnh mẽ, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân Lào anh em do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm tổng chỉ huy.
Sau khi thành lập, lực lượng vũ trang của nhân dân Lào đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cùng giúp đỡ nhau phát triển và đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập thống nhất cho mỗi nước.
Khu căn cứ cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử; truyền thống đoàn kết, hữu nghị, thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; là niềm cổ vũ, động viên quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay.
[1] Với những công lao to lớn đó, tháng 10 năm 2009 Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Tự do cho gia đình ông Tráng Lao Khô và Huân chương hạng 3 cho nhân dân bản Lao Khô.