15.Di tích địa điểm lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến

Quản trị hệ thống

Bước chân trên những cung đường Tây Bắc hôm nay, du khách sẽ bắt gặp nơi đây hình ảnh hùng dũng của đoàn quân Tây Tiến năm xưa vọng về qua hồn thơ của Quang Dũng. Bức tranh thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc tái hiện hùng vĩ, tráng lệ:               
                “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
                      Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hình ảnh đoàn quân Tây Tiến còn vang mãi với những chiến công oanh liệt gắn liền với trang sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc và liên minh chiến đấu Việt-Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa mới thành công, vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc” với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài cấu kết đe dọa nghiêm trọng, hòng phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân ta.
Trong lần tái xâm lược nước ta, thực dân Pháp xác định Tây Bắc là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng, chúng đặt mục tiêu chiếm giữ. Chính vì vậy, sau khi gây hấn và đánh chiếm Nam Bộ ngày 23-9-1945, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Tây Bắc và Thượng Lào. Đầu năm 1946, chúng chiếm đóng Lai Châu, địch thực hiện ý đồ chiếm toàn bộ Tây Bắc, uy hiếp đồng bằng Bắc Bộ, làm bàn đạp tấn công Thượng Lào và khóa chặt biên giới Việt - Trung.
Xác định tầm quan trọng của địa bàn chiến lược Tây Bắc và thấy rõ âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của địch. Chính vì vậy, ngay sau ngày lập nước, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập một đơn vị lực lượng vũ trang tiến lên Tây Bắc, phối hợp với bộ đội địa phương để chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày 27/02/1947 tại Mai Châu (Hòa Bình) Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia đã quyết định thành lập Trung đoàn Tây Tiến do đồng chí Hoàng Sâm (Khu trưởng Chiến khu II) và đồng chí Lê Hiến Mai (Tham mưu trưởng Chiến khu II) trực tiếp chỉ huy. Trung đoàn Tây Tiến bao gồm các Tiểu đoàn 150, 157, 164 và Tiểu đoàn 60 thuộc Trung đoàn 37 chiến khu 2 Hòa Bình. Đến đây, mặt trận Tây Bắc có một Trung đoàn chủ lực hoàn chỉnh gồm 4 tiểu đoàn do các đồng chí Lê Trọng Tấn, Phùng Thế Tài, Nam Hải, Hoàng Mười chỉ huy. Các đơn vị này đã tham gia chiến đấu từ những ngày đầu khó khăn, gian khổ, nay lại tiếp tục tiên phong trên mặt trận mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy mặt trận, ngày 16/5/1947 Trung đoàn Tây Tiến mang phiên hiệu Trung đoàn 52. Lực lượng của Trung đoàn là những chiến sĩ giải phóng quân từ Việt Bắc về Thủ đô chuyển thành Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, trí thức, binh sĩ chế độ cũ giác ngộ và cả các nhà sư... tự nguyện đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt Minh, quyết tâm bảo vệ non sông đất nước.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các đội Vệ quốc đoàn Tây Tiến hăng hái lên đường mang theo bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, một vẻ hào hoa, lãng tử của các chàng trai đất Hà thành. Sau khi tập kết tại Mộc Châu (Sơn La) các đơn vị lần lượt tỏa đi khắp các mặt trận, sát cánh cùng quân và dân các dân tộc Tây Bắc và nước bạn Lào vừa củng cố chính quyền cách mạng, vừa tổ chức chặn đánh địch tại nhiều nơi như Tuần Giáo, Quỳnh Nhai, Chiềng Pấc, Mường Sại, Mộc Châu, dọc đường 41... Tiêu biểu là Tiểu đoàn 150 do đồng chí Tuấn Sơn chỉ huy, tiêu diệt địch ở Chiềng Cồng, rồi vượt qua Mường Lát đánh tan đồn Sốp Hào tiến vào Sầm Nưa. Tiểu đoàn 157 do đồng chí Chu Văn Yêm chỉ huy tiến ngược ven sông Mã, một bộ phận vào Sầm Nưa, lực lượng còn lại đánh địch ở Mai Châu, Đà Bắc (Hòa Bình), phá tan âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” của địch.
Sau chiến dịch Việt Bắc 1947, cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho ta, Trung đoàn Tây Tiến chuyển sang phương thức tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, liên tục đánh địch ở Hòa Bình, Sơn La, vùng biên giới Việt-Lào... Cuối năm 1949, Trung đoàn 52 sáp nhập vào Đại đoàn Đồng Bằng (tức Sư đoàn 320), được mang tên Đoàn Đông Biên chiến đấu oanh liệt trong đội hình quân chủ lực cơ động, góp phần giành chiến thắng vang dội trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quyết chiến, quyết thắng”.
Phát huy truyền thống của đơn vị đơn vị anh hùng, trong thời kỳ chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện chiến trường Miền Nam đánh Mỹ, Trung đoàn Tây Tiến đã lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá họai bằng không quân của đế quốc Mỹ tại miền Bắc. Đồng thời làm tốt nhiệm vụ chiến đấu ở Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 cùng quân và dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
Đất nước hòa bình thống nhất, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ trung đoàn, cán bộ chiến sĩ đoàn Tây Tiến đoàn kết thành một khối, thống nhất ý chí và hành động ra sức thi đua xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình, chiến sỹ vệ quốc đoàn Tây Tiến thể hiện rõ bản chất cách mạng của Anh bộ đội Cụ Hồ, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn đoàn kết gắn bó, yêu thương lẫn nhau, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Cũng chính trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt ấy, những cán bộ, chiến sĩ Tây Tiến đã để lại cho đồng bào Tây Bắc, nhân dân các bộ tộc Lào anh em những kỷ niệm êm đẹp, thắm tình quân dân sâu nặng:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi 
                           (Quang Dũng)
                   Để ghi nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến, thể hiện đạo lý ''Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ban liên lạc các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến phối hợp với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mộc Châu xây dựng Nhà bia lưu niệm Trung đoàn trên đỉnh đồi Nà Bó thuộc tiểu khu 12 thị trấn Mộc Châu. Công trình được khởi công tháng 3 năm 2006, khánh thành ngày 17 - 9 - 2006.
          Nhà bia được xây dựng với tổng  diện tích là 1.120 m2, bậc thang lên xuống dài là 19 m, rộng 2 m. Bia được tạo bởi một khối đá hoa cương cao 1,2 m, rộng 80 cm, dày 15 cm. Mặt trước khắc một phần nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Tiến, ngày 20/2/1947 ''... Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta đã thành công với công cuộc Tây Tiến''. Mặt sau khắc đoạn thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng sáng tác năm 1948 tại Phù Lưu Chanh cùng với lời tựa: '' Ngàn năm sáng mãi tấm lòng cao đẹp của đồng bào các dân tộc ở Mộc Châu đã đùm bọc các chiến sĩ Tây Tiến và cùng phối hợp chiến đấu...''
          Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những chiến công oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến năm xưa sẽ còn vang xa, vọng mãi trong ký ức của đồng bào Tây Bắc, trở thành di sản văn hóa tinh thần có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Bước chân trên cung đường du lịch Mộc Châu, du khách không chỉ ấn tượng về một miền đất tươi đẹp với những đồi chè xanh mướt, bao la, những đàn bò sữa đang say sưa gặm cỏ giữa thảo nguyên mộc mạc và yên bình mà còn có dịp trở về những trang sử hào hùng của dân tộc qua hệ thống di tích lịch sử văn hóa nơi đây, được đắm mình trong lễ hội Xên bản, Xên mường, thưởng thức các điệu xoè truyền thống làm say đắm lòng người của đồng bào các dân tộc địa phương. Tất cả điều đó đã tạo nên một tour du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn đối với khách tham quan trong hành trình du lịch trở về cội nguồn.
          Di tích lịch sử Bia lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 28/02/2007.