52.Di tích Đền thờ Hai Bà Trưng

Quản trị hệ thống

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có rất nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu chống giặc ngoại xâm, gìn giữ và thống nhất đất nước. Trong đó nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán năm 40 - 43 sau công nguyên.
          Hai Bà Trưng là tên gọi tắt để suy tôn hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đó là hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Theo Ngọc Phả ở các làng Hạ Lôi, Hát Môn - Những nơi có đền thờ chính của Hai Bà đều chép rằng: Trưng Trắc, Trưng Nhị sinh ngày 01 tháng 08 năm Giáp Tuất, 14 sau Công Nguyên, hai chị em sinh đôi là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Mẹ hai bà là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn, Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội. Chồng mất sớm, bà  Man Thiện  một mình nuôi dạy hai chị em. Trưng Trắc, Trưng Nhị giỏi võ, có tinh thần yêu nước, có chí lớn. Trưng Trắc là vợ của Thi Sách, con trai lạc tướng Châu Diên. Các lạc tướng Mê Linh và Châu Diên có ý chống lại sự cai trị tàn bạo của Thái Thú Tô Định. Tô Định bèn bắt giết Thi Sách để trấn áp tinh thần người Việt. Tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh chống lại quân Hán. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Nhà Hán thấy bà xưng Vương nên dấy quân đánh lấy lại các thành. Năm 43, Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán và thua nhiều trận lớn nên đã gieo mình xuống dòng Hát giang tuẫn tiết vào ngày 6/2/43.
          Để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng, nhân dân làng Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây đã dựng đền thờ Hai Bà và tổ chức lễ hội vào thời gian từ 12 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Ngoài lễ hội chính ra, nhân dân còn tổ chức nhiều hoạt động khác để tưởng nhớ ngày sinh của Hai Bà, ngày mất của ông Thi Sách…
Đền được xây dựng và giữa thế kỷ XIX dưới triều trị vì của vua Tự Đức năm thứ 5 (1852). Đền được xây dựng tại khu vực bãi đất ngoài đê hữu ngạn sông Hồng. Năm 1973 do có sự thay đổi dòng chảy, hiện tượng sụt lở đất xuất hiện, đe doạ toàn bộ diện tích đất canh tác và khu dân cư của hai làng Nại Xã và Nam Chân, trong đó có cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng. Trước tình hình trên, chính quyền và người dân địa phương nơi đây đã di chuyển toàn bộ đền thờ về phần đất thôn Tân Tiên, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội).
 Năm 1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc. Nhân dân làng Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) chuyển đến định cư ở vùng kinh tế mới tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Thôn Nại Xã lúc này được đổi tên thành bản Nam Tiến.
Cùng với các chính sách nhằm đảm bảo đời sống vật chất cho nhân dân vùng kinh tế mới. Chính quyền tỉnh Hà tây (cũ) và tỉnh Sơn La cũng quan tâm đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá mà cha ông để lại. Đồng thời tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những vị anh hùng đã có công với lịch sử dân tộc. Do vậy tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp kinh phí để chuyển toàn bộ nội thất, đồ thờ cúng của đền thờ Hai Bà Trưng từ thôn Tân Tiên, xã Hồng Hà, tỉnh Hà Tây lên bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Theo sắc phả và đạo sắc phong hiện đang lưu giữ tại đền thờ Hai Bà ở bản Nam Tiến thì đền thờ Hai Bà Trưng ban đầu được xây dựng tại làng Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây có tổng diện tích khoảng 75 m2, trong đó đền thờ chính và tiền sảnh khoảng hơn 60 m2, các công trình phụ cận được xây dựng bằng gạch thất, phần mái được làm bằng gỗ, lợp ngói mán và ngói mũi hài. Phía trên mái đền được trang trí hoa văn và nhiều hoạ tiết công phu, gồm 2 nóc đầu hồi và bốn góc đền.
Nội thất của đền được bày biện nhiều đồ trang trí nhiều đồ thờ cúng có giá trị bằng các chất liệu khác nhau như: Gốm, sành, sứ, đồ gỗ..
Khi chuyển tới Chiềng Khương nhân dân đã dựng hai gian nhà gỗ, mái lợp tranh để cất giữ, bảo quản những đồ vật thờ cúng và nội thất của đền cũ.
Qua thời gian dưới tác động của thiên nhiên, môi trường, hai gian nhà gỗ này đã bị hư hỏng nặng. Năm 2004 chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã Chiềng Khương đã tổ chức quyên góp, ủng hộ công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi đền. Khu đền được xây dựng mới bằng gạch trên nền đất cũ với diện tích  1.500 m2
          Ngôi nhà gồm ba gian, có diện tích là 120 m2 (gọi là nhà tiền tế).
          Ngôi đền chính có diện tích là 48 m2, cửa quay ra hướng Nam (hướng  ra sông Mã), xây bằng gạch, mái lợp tôn.
          Hiện nay đền thờ Hai Bà Trưng còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn các hiện vật quý như: Bát gốm, Lư hương bằng sành, Mũ thờ bà Trưng Trắc, Mũ thờ ông Thi Sách, Hạc gỗ, Bài vị, Án nhang thờ, Thần phả bằng giấy… đặc biệt là bộ sắc phong của Vua Tự Đức, phong tôn hiệu cho Hai Bà Trưng và các sắc chỉ cho nhân dân làng Hạ Lôi cùng các vùng lân cận.
Nhiều năm qua ngôi đền này đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh Sơn La đến tham quan vãn cảnh và hương lễ. Đến đây, du khách thập phương có dịp ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta. Đồng thời để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với công lao to lớn của Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân đã hy sinh cho nền độc lập, tự do cho dân tộc. Mỗi nén hương thơm tưởng nhớ tới hai vị vua Bà, gợi lên trong mỗi chúng ta về lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự tôn và truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ với non sông đất nước. 
Đền thờ Hai Bà Trưng đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa ngày 11/11/2011.