Nghi lễ cấp sắc của người Dao

Quản trị hệ thống

Người Dao ở Sơn La còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt các nghi lễ đánh dấu chu kỳ đời người luôn được chú trọng trong đó có lễ cấp sắc. Mặc dù mỗi ngành Dao tiến hành nghi lễ cấp sắc theo những nghi thức riêng, nhưng mục đích, ý nghĩa và vai trò của lễ cấp sắc trong đời sống luôn được đề cao ở bất cứ ngành Dao nào.
Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu đối với người đàn ông ở tất cả các ngành Dao. Đây là nghi lễ công nhận sự trưởng thành của người đàn ông Dao. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.
Tên gọi: Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy tên gọi quá tang có nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ tình tiết thắp đèn, nến soi sáng người thụ lễ trong tiến trình cấp sắc. Một số nhóm ở địa phương khác nhau có tên gọi lễ cấp sắc khác nhau. Có nơi gọi lễ cấp sắc là say cháy, chay thầy xấy hay phùn voòng có nghĩa là soi đèn hay thụ đèn. Có nhóm còn gọi là tạt phat búa tức là lễ đặt pháp danh, hay chấu đàng nghĩa là lễ cúng ông tổ người Dao. Có địa phương gọi lễ cấp sắc là tẩu sai tức là lễ cấp chứng chỉ để làm thầy cúng; chẩu lung hìn (lễ cầu phúc cho dòng họ); mài sai tía (có thầy cúng đỡ đầu); chẩu tôm lung hìn (lễ cầu phúc lớn).
Nguồn gốc: Tìm hiểu về nguồn gốc của lễ cấp sắc có thể tiếp cận trên hai phương diện chính: Lễ cấp sắc như là biểu hiện của lễ thành đinh, một nghi lễ tôn giáo nguyên thủy và Lễ cấp sắc như là biểu hiện của việc tiếp thu ảnh hưởng Tam giáo và thực hành nghi thức Đạo giáo trong cộng đồng người Dao. Ngoài ra, gốc tích về nghi lễ cấp sắc cũng được tìm hiểu qua các câu chuyện truyền miệng trong đồng bào Dao.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, lễ cấp sắc như là biểu hiện của lễ thành đinh. Đây là một sự kiện quan trọng liên quan đến lễ thành đinh nguyên thủy dưới chế độ thị tộc bộ lạc, là một thử thách đối với người trẻ tuổi khi chính thức gia nhập vào cộng đồng. Tuy nhiên tục cấp sắc của người Dao xét ở nhiều khía cạnh đã mang màu sắc Saman giáo và không tiếp thu trọn vẹn lễ thành đinh nguyên thủy. Đây là nghi lễ hướng tới mục tiêu rèn luyện những người thanh niên trở thành thầy cúng.
Giống như lễ thành đinh, lễ cấp sắc là một tập tục mà tất cả nam giới ở các ngành Dao đều phải trải qua, có mục đích công nhận thành viên nam đến tuổi trưởng thành. Người đàn ông Dao sau khi cấp sắc mới chính thức là người của dòng họ, con cháu của Bàn Vương (ông tổ người Dao). Độ tuổi để cấp sắc theo đúng phong tục người Dao là vị thành niên và thành niên. Tuy nhiên nguyên tắc này đã có sự thay đổi theo thời gian.
          Sự tích về lễ cấp sắc được người Dao truyền tụng rằng: Ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn trên các triền núi bỗng đâu ma quỉ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi... Vì vậy, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân và kêu gọi trần gian cũng phải biết tự cứu lấy mình. Nhưng vì người trần gian không có phép thuật nên hễ đánh là thua. Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong thầy để cùng với quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Từ đó, để đề phòng ma quỉ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh hàng năm người Dao tổ chức lễ truyền phép thuật-cấp sắc, cấp âm binh cho người đàn ông Dao có lòng muốn giúp dân trừ họa.
Trên thực tế, trong tín ngưỡng đa thần của người Dao có hai loại ma. Ma lành là ma thần linh giáng phúc, bảo vệ cuộc sống của con người, bảo vệ mùa màng, súc vật. Ma ác thường gây họa, làm hại vật nuôi, cây trồng. Do vậy đồng bào quan niệm rằng con người phải biết thờ cúng, biết thực hiện các nghi lễ để cầu xin ma lành, thần linh ban phúc; biết thực hiện các pháp thuật để phòng trừ các loại ma làm hại. Để làm được việc đó, trước tiên người đàn ông Dao phải được cấp sắc mới có đủ tư cách cầu cúng xin ma lành ban âm binh, pháp thuật để diệt trừ ma ác.
Tín ngưỡng thờ vật linh (tô-tem giáo) thể hiện qua việc thờ cúng Bàn Vương cũng như việc hát mời và tạ lễ Bàn Vương trong lễ cấp sắc của người Dao. Câu chuyện về con Long Khuyển - Bàn Vương hay Piền Hùng - Bàn Hồ hay Bàn Hộ, ông tổ người Dao vừa được truyền miệng nhiều đời nay trong đồng bào Dao, vừa được các trí thức người Dao ghi chép, lưu giữ.            
Lễ cấp sắc là nghi lễ bắt buộc ở các ngành Dao, cho dù ở một vài ngành Dao có sự khác biệt về trình tự, hình thức tổ chức hay những điều cấm kỵ trong quá trình hành lễ, nhưng mục đích, ý nghĩa của nghi lễ cấp sắc đều giống nhau ở các ngành Dao.
  1. Nghi lễ cấp sắc của ngành Dao tiền
Đối với người Dao Tiền, Lễ trưởng thành và Lễ cấp sắc được thực hiện trong một nghi lễ. Người con trai từ 8 tuổi trở lên, sau khi làm lễ cấp sắc mới có quyền làm thầy cúng, được thực hiện các nghi lễ cúng và được giao tiếp với cõi âm. Trước ngày thụ lễ, con thầy (người được cấp sắc) phải ở với bố, không tiếp xúc với mẹ trong 3 ngày. Mỗi ngày người được cấp sắc chỉ ăn một bát cơm và rau, không được ăn thịt. Sau khi làm lễ xong mới được ăn thịt và tiếp xúc với mọi người.
Lễ cấp sắc có thể tổ chức quanh năm, khi gia đình nhờ thầy cúng xem được ngày tốt. Tuy nhiên, họ thường tổ chức từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, là khoảng thời gian nông nhàn, khi lương thực đã thu hoạch và lợn nuôi để dành cho việc làm lễ đã nuôi lớn.
Thành phần tham gia gồm: Người được cấp sắc (mỗi lễ chỉ làm cho 1 người), 02 thầy cúng chính và 01 thầy cúng phụ; 03 người đàn ông đọc thơ; 03 nam thanh niên hát; 03 nữ hát; Họ hàng nội, ngoại người được cấp sắc; Những người giúp việc cho buổi lễ; Người dân trong bản.
Thầy cúng do gia đình chọn lựa. Gồm 02 thầy, được quy định: thầy cả là người bên họ nhà ngoại, thầy hai là người bên họ nhà nội. Ngoài ra, còn mời thêm 01 thầy để phụ giúp cho thầy cả và một số người giúp việc (những người này phải là những người thạo lễ nghi, biết cúng bái để giúp cho gia chủ và thầy cúng trong suốt quá trình diễn ra lễ cấp sắc). Thầy cúng mặc trang phục truyền thống, khi hành lễ khoác thêm áo dài của thầy cúng, có nghi lễ họ mặc thêm một chiếc váy ngắn, thường là khi múa xòe. Người được làm lễ cấp sắc mặc trang phục truyền thống, mặc thêm chiếc váy ngắn, đội khăn thêu.
* Công tác chuẩn bị
Để chuẩn bị làm lễ cấp sắc, các gia đình có con trai thường phải nuôi lợn từ khi người con trai còn nhỏ. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị gạo, rượu, thực phẩm khác. Khi đến thời gian làm lễ cấp sắc cho con thì ngay từ đầu năm đã đến nhờ thầy cúng xem ngày. Nếu thầy cúng chọn được ngày lành, tháng tốt thì họ tiếp tục chuẩn bị các lễ vật, lương thực, thực phẩm để tổ chức Lễ cấp sắc cho con. Riêng lợn phải có ít nhất 04 con từ 130 kg trở lên (02 con để làm lễ, số còn lại để làm cỗ mời bà con, họ hàng). Ngoài ra còn phải chuẩn bị: Tiền vàng mã làm bằng giấy dó; vải trắng; gạo; gừng, rượu, hương, nến; các dụng cụ của thầy cúng: chuông, nạo bạt, tù và, bán âm, bán dương, đồng xu, tranh Tam Thanh, tranh múa, trang phục.
* Diễn biến của nghi lễ
- Lễ nhận thầy cả và thầy hai: Trước khi làm lễ 7 ngày, người được Cấp sắc cùng bố của mình đi tới nhà thầy cả và thầy hai làm lễ bái thầy (thầy nhận con, con nhận thầy).
- Gia đình lập bàn thờ thần linh, trang trí bàn thờ tổ tiên để thực hiện nghi lễ.
Các lễ chính
          + Đêm thứ nhất: hai thầy đưa thần linh đến báo cáo tổ tiên đi làm lễ cấp sắc
     Thầy cúng xin phép tổ tiên nhà mình để cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà có người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. Hai thầy mang theo tranh Tam Thanh, tranh múa, trang phục thầy cúng, bộ âm dương, gậy ma đến nhà người thụ lễ, có 3 người hát nữ đi cùng. Đến nhà người thụ lễ, hai thầy để đồ đạc của mình dưới ban thờ tổ tiên, thắp nhang báo cáo với tổ tiên biết ngày hôm nay hai thầy đến đây làm lễ, có mang theo các thần linh, xin tổ tiên chứng giám cho các thần linh gia nhập và phù hộ cho buổi lễ được suôn sẻ, thành công.
+ Lễ mời thần linh, tổ tiên về làm lễ
Nghi lễ này được thầy cả và thầy hai thực hiện trước ban thờ tổ tiên cùng với người được cấp sắc và bố của người được cấp sắc. Các thầy mời thần linh và tổ tiên của người được cấp sắc về dự lễ cấp sắc. Trong suốt quá trình các thầy làm lễ trống, chiêng, chũm choẹ được đánh liên tục, hỗ trợ cho nghi lễ của thầy.
Lễ cúng xong, mọi người tham dự lễ cùng nhau múa chuông để mừng lễ cấp sắc được suôn sẻ (múa trong 2 h).
+ Lễ cấp đèn cho người được cấp sắc
Lễ này sẽ do thầy cả làm, thầy mặc áo dài đỏ, đội mũ làm lễ cúng cấp đèn. Thầy làm lễ xua đuổi những cái xấu xa, những cái dốt nát ra khỏi người được cấp sắc. Trong lúc thầy cả xua đuổi cái xấu xa thì thầy hai làm lễ đón cái tốt, cái thiện về cho người được cấp sắc. Thầy hai đứng trước ban thờ đọc lời cúng, tay khua vào lòng và thả những cái lành cái thiện, cái tốt vào đầu người được cấp sắc.
Thầy cả làm lễ cấp hương cho người được cấp sắc, cúng xin thần linh cho người được cấp sắc sau này người này khi đi làm thầy có thể được thắp hương.
Hai thầy làm lễ cấp đèn người được cấp sắc. Hai thầy cùng với bố của người được cấp sắc cúng trình với tổ tiên và thần linh trước khi làm lễ. Những cây nến được đặt lên người được cấp sắc, 1 cây đặt vai trái, 1 cây đặt vai phải, 1 cây đặt trên đầu. Mọi người đi vòng tròn xung quanh người được cấp sắc 9 vòng theo chiều kim đồng hồ rồi lại đi ngược lại, vừa đi thầy cả và thầy hai vừa đọc bài cúng theo nhịp chiêng, trống.
+ Lễ đặt tên cho người được cấp sắc
          Gia đình sẽ chọn tên cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước ban thờ xin với tổ tiên và thần linh xin được lấy tên cho người được cấp sắc (tên do gia đình dự kiến trước). Cúng xong thầy dùng mảnh âm dương để hỏi tổ tiên có đồng ý không, nếu tổ tiên không đồng ý thì chọn tên khác cho đến khi được mới thôi.
          + Lễ cấp phép được sử dụng đồ nghề của thầy cúng
          Đặt tên xong, thầy cả làm lễ cấp phép cho người cấp sắc được phép sử dụng các đồ nghề của thầy cúng như: Khăn buộc, tranh múa, tranh Tam Thanh, trống, chiêng, tù và, chuông, que múa… Mỗi lần cấp một loại thầy cúng sẽ cầm đồ nghề đó vừa đọc bài cúng cấp cho người được cấp sắc đọc xong thì trao đồ nghề đó cho người được cấp sắc.
          + Lễ cấp phép được làm thầy cúng
Thầy cả làm lễ cấp phép cho người được cấp sắc từ nay có thể đi làm thầy. Gia đình chuẩn bị một tấm vải, 1 ít gạo, 1 ít tiền để trong 1 cái rổ. Thầy cả cầm cái rổ lên và cúng xin phép tổ tiên và thần linh cho phép người được cấp sắc từ nay có thể đi làm thầy, thầy vừa cúng vừa vẩy tay vào tấm vải.
          + Lễ cho người được cấp sắc sau này có thể xem bói
Thầy cả cầm mảnh âm dương gõ lên bàn thờ tổ thần linh để mời thầy bói của thầy về. Thầy mời xong, đến lượt người được cấp sắc gõ mời thầy bói về, trong lúc trò gõ thầy cả cầm nắm gạo rắc vào ban thờ thầy linh (truyền dạy nghề cho trò) người được cấp sắc gõ xong thì thả hai mảnh âm dương xuống đất xem thầy bói đã đồng ý chưa. Vậy là từ nay người được cấp sắc có thể đi xem bói.
+ Thầy hai dạy múa cho người được cấp sắc
Thầy hai và người được cấp sắc mặc trang phục, đội mũ thầy cúng, cầm que múa và chuông đứng trước ban thờ thần linh, thầy hai đọc bài cúng xin thần linh về chứng giám. Cùng với nhạc trống, chiêng thì hai thầy trò cầm que múa, chuông cùng nhau nhảy múa theo nhịp, bài múa được lặp đi, lặp lại nhiều lần.
+ Múa tống thần
Người giúp việc (gọi là thầy ba) giúp thầy cả làm lễ tống thần, nội dung này kéo dài cả một buổi sáng (phải múa và thực hiện các nghi lễ rất vất vả) sẽ làm lễ tiễn thần đất, thần rừng ra về trước. Thầy ba cầm chuông, que múa và mảnh âm dương đứng trước ban thờ thần linh đọc bài cúng xin được tiễn thần linh, vừa đọc vừa lắc chuông.
+ Cúng thần linh cầu lộc cầu tài cho người được cấp sắc
Thầy cả cầm mảnh âm dương gõ vào nhau, thầy 3 lắc chuông theo lời cúng, sau mỗi bài cúng, vừa cúng thầy ba cầm bánh đưa cho người giúp việc, người giúp việc nhận bánh, tay lắc chuông đọc lời cúng, cúng xong đặt bánh xuống, múc rượu trong chum đổ vào 2 bát (lặp lại 3 lần).
Cúng xong người giúp việc gỡ bó tiền vàng trên ban thờ xuống để làm lễ chia tiền vàng cho thần linh, chia xong mang đi đốt. Thầy cả cầm 1 bát rượu trên bàn đưa cho bố và ông nội của người được cấp sắc mang đặt lên ban thờ tổ tiên mời tổ tiên uống rượu, người bố rót rượu vào bát ở trên ban thờ rồi đặt lại bát xuống bàn đang làm lễ. Cúng xong các thầy cúng và người giúp việc lấy bánh nếp chia cho mọi người cùng hưởng lộc.
+ Lễ nhảy đồng, tống thần linh ra về
Nhạc trống, chiêng nổi lên. Thầy cả ngồi ở ghế dùng 2 mảnh âm dương gõ vào nhau theo điệu nhạc, thầy ba đứng lên múa. Múa 3 vòng thầy ba cầm que múa gõ lên ban thờ tổ tiên và ban thờ thần linh để gọi tổ tiên và thần linh. Gõ xong thầy ba tiếp tục múa. Kết thúc bài múa, thầy ba lại dùng que múa gõ vào bàn thờ tổ tiên và thần linh để gọi tổ tiên và thần linh, lúc này thầy cả và thầy hai cầm mảnh âm dương gõ vào nhau cùng những người đánh trống, chiêng đứng quay lưng về phía ban thờ. Thầy ba tiếp tục múa đến khi bị nhập đồng, tiếng nhạc dồn dập hơn, gia đình phải cử một người đứng chặn ở cửa ra vào, để khi thầy 3 bị nhập đồng không nhảy ra ngoài, nếu nhảy ra ngoài sẽ không tốt cho thầy 3, sau này sẽ hay bị ốm đau (lặp lại như vậy 3 lần).
+ Thầy cả cúng thần linh (đại thần) và tổ tiên cầu may mắn, sức khoẻ cho người được cấp sắc
Gia đình dọn dẹp ban thờ thần linh, chuẩn bị lễ gồm 2 con lợn khoảng hơn 100kg đã mổ, để sống, đặt nằm úp bụng xuống. Ban thờ thần linh đặt một con lợn, 1 bát gạo, 7 cái chén (7 ông đại thần), 1 cây sáo, giấy lệ phí cho đại thần, 1 bát hương, 1 cái bánh nếp. Đặt một con ở dưới ban thờ tổ tiên.
Thầy cả làm lễ, 3 người hát nam, 3 người hát nữ đứng đằng sau thầy cả cùng làm lễ. Thầy cả đứng đọc bài cúng vừa hết một đoạn thầy cả hất tay về phía trước và vãi gạo vào con lợn để cầu xin vận may, tài lộc cho người được cấp sắc.
Thầy hai đứng trước ban thờ tổ tiên cúng tổ tiên cầu xin vận may, tài lộc cho người được cấp sắc. Cúng xong thầy hai làm lễ chia tiền vàng, múc rượu mời tổ tiên.
+ Đọc thơ ca truyện cổ, hát Páo dung
Những người giúp việc dựng những cây tre đan vào nhau thành hình ô bàn cờ (dựng ở trước của nhà, để cho 3 người hát nữ đứng tựa vào), 3 người hát nữ sẽ ra chỗ những cây tre này đứng hát. Còn 3 người hát nam sẽ đứng ở góc nhà hát đối đáp lại nhau. Thực tế thì những người hát nữ không biết hát mà chỉ ngồi nghe ba người phụ nữ khác biết hát, phải hát hết các trường đoạn từ khi con người được sinh ra, được dạy dỗ đến khi trưởng thành như thế nào, hát mừng cho tên mới của người được cấp sắc. Nhóm hát nam cũng vậy.
Trong lúc những người hát đối đáp nhau, gia chủ chuẩn bị một mâm cơm đặt ở giữa nhà. Thầy cả làm lễ mượn thần linh những bài thơ ca, truyện cổ, xin phép tổ tiên, thần linh được đọc. Những người đọc thơ (thường là những người già biết chữ Nôm Dao, biết lời cúng) và thầy cả, thầy hai và thầy ba ngồi vào mâm, rót rượu chúc nhau. Lấy lá dong phủ lên mâm cơm đó. Những người đọc thơ ca mang những quyển sách ghi chép thơ ca, truyện cổ đặt lên bàn, họ cùng nhau đọc vừa đọc, tay cầm chuông lắc đều theo nhịp đọc (chuyện thơ ca kể về sự tích…)
Thời gian hát, kể truyện khoảng 2-3h. Sau đó cùng mời nhau uống rượu, ăn cơm.
+ Lễ xoá những kiêng kị
Gia chủ chuẩn bị một mâm lễ gồm: nội tạng, thịt của con lợn, 1 con gà luộc, 5 cái bát, mỗi bát 1 lát gan lợn luộc, 7 bát không, 1 miếng gan lợn luộc được gói lá dong đặt vào 1 cái bát úp 1 cái bát khác lên trên (tượng trưng cho các điều kiêng kị).
Bố của người được cấp sắc đặt 3 cái bánh nếp lên ban thờ của tổ tiên. Thầy cả đọc bài cúng xin tổ tiên và thần linh xoá đi những cái kiêng kị cho người được cấp sắc. Cúng xong thầy cả làm lễ chia tiền vàng cho tổ tiên và thần linh, rồi mang tiền vàng đi đốt. Con gà được chặt ra làm đôi 1 nửa để phần cho thầy cả, 1 nửa chặt ra đặt lại mâm lễ. Ông nội của người được cấp sắc cúng để mời tổ tiên về cùng gia đình dùng bữa. Gia đình người được cấp sắc cùng nhau ngồi ăn mâm lễ này. Người được cấp sắc phải ăn miếng gan gói trong lá dong. Sau khi làm lễ này xong người được cấp sắc đã hết những ngày kiêng kỵ, được ăn thịt, được đi giao lưu bên ngoài, được tham gia các cuộc vui trong bản.
+ Tống đại thần ra về: Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên, tay cầm mảnh âm dương đọc bài cúng xin tiễn thần linh (đại thần). Cúng xong thầy cả cầm bát hương và bát rượu mang ra ngoài cửa đổ đi.
Lễ cấp sắc kết thúc, những người giúp việc sẽ xẻ thịt hai con lợn ra làm nhiều phần để chia cho tất cả những người giúp việc trong lễ cấp sắc. Thầy cả và thầy hai mỗi người sẽ được 1 cái đầu và 1 đùi lợn; những người còn lại, mỗi người được một miếng (khoảng 1kg). Khi mang lễ về nhà thầy cả, thầy hai phải làm cơm mời mọi người trong bản dùng bữa để mừng cho mình đi làm lễ thành công. Thường thì khi các thầy cúng được mời đi làm lễ thì ở nhà, người nhà đã chủ động đi mời người thân, hàng xóm để khi thầy cúng về đến nhà là làm cỗ để mời mọi người.
  1. Nghi lễ cấp sắc của ngành Dao Quần Chẹt
Đối với người Dao Quần Chẹt, những người được cấp sắc phải là những người đàn ông đã trải qua lễ trưởng thành.
Người Dao Quần Chẹt thường tổ chức Lễ cấp sắc từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau (là khoảng thời gian nông nhàn, khi đã thu hoạch lương thực và lợn nuôi để dành cho việc làm lễ đã lớn).
Thành phần tham gia gồm: Người được cấp sắc; 03 thầy cúng; người thân, họ hàng của người được cấp sắc; người dân trong bản.
Thời gian tổ chức lễ cấp sắc thường tiến hành 2 đêm, 2 ngày (trước đây là 3 ngày, 3 đêm).
Trong lễ cấp sắc, thầy cúng mặc quần, áo bằng vải tơ màu đen, khi làm lễ cắt tóc cho đồ đệ mới mặc thêm áo cà sa màu vàng (tự dệt) bên ngoài, đầu đội mũ tế. Người được làm lễ cấp sắc mặc quần, áo bằng vải tơ màu đen từ khi đi bái thầy về cho đến khi làm xong lễ cấp sắc.
Lễ Cấp sắc thường được làm cho 1 người. Tuy nhiên, để tiết kiệm kinh phí nên hiện nay có thể làm cho 2 hoặc 3 người (số người làm phải là số lẻ, 3 người này có thể ở cùng một bản hoặc ở 3 bản khác nhau, nhưng phải trong cùng một xã).
* Công tác chuẩn bị
Đầu năm, gia đình muốn làm lễ cấp sắc đến nhờ thầy cúng xem ngày. Nếu thầy cúng chọn được ngày thì về thông báo với anh em, họ hàng, làng xóm để mọi người cùng chuẩn bị lương thực, thực phẩm giúp gia đình làm Lễ Cấp sắc.
Người được cấp sắc chọn 03 thầy cúng và chọn ai là thầy cả cho mình, sau đó nhờ người lớn tuổi đi mời các thầy cúng (thường là người bố đi, trường hợp bố đã chết thì có thể nhờ cô, dì, chú, bác đi). Thầy cúng trong lễ cấp sắc là những người có uy tín, được tin tưởng. Trong Lễ Cấp sắc có 3 thế hệ thầy cúng được chia thành 3 cấp (thầy cả, thầy hai, thầy ba). Cấp sắc cho 3 người cùng nhau thì mỗi người sẽ chọn cho mình một thầy cả và thầy ba khác nhau, thầy hai chung cho cả 3 người.
Chuẩn bị lễ vật gồm: 01 con gà trống để làm lễ; 28 con gà làm quà cho thầy; 03 con lợn, mỗi con khoảng 20kg để làm cơm mời những người giúp. Khi mổ 3 con lợn này sẽ để lại mỗi con: đầu, 1 cái đùi, 1 lườn để làm quà cho 3 thầy. Giấy màu: Đỏ, xanh, vàng, dùng để trang trí nhà ma; 03 cuộn vải trắng; gạo, hương, cờ. Thầy cúng phải chuẩn bị:  01 tích trượng; 01 thanh bảo kiếm; 01 bộ bán âm, bán dương; 01 bộ “nạo bạt” (chũm chọe); 01 đồng xu; 5- 10 cây cỏ gianh; 03 bộ tranh Tam Thanh; 01 bộ tranh bảo vệ (gồm có 4 tranh): trang phục của thầy, mặt nạ.
* Diễn biến của nghi lễ
- Lễ nhận thầy cả: Trước ngày làm lễ 9 ngày, người được Cấp sắc cùng bố của mình đi tới nhà thầy cả làm lễ bái thầy và thầy nhận làm đồ đệ mới. Từ khi làm lễ nhận đồ đệ mới, thầy cả phải ăn chay 9 ngày, kiêng quan hệ nam nữ, không được đi thăm con cháu.
- Lễ nhận thầy hai: Sau khi làm lễ bái thầy cả được 2 ngày thì người được làm lễ Cấp sắc cùng bố của mình đi tới nhà thầy thứ hai để làm lễ bái thầy. Trình tự lễ cũng giống như làm lễ bái thầy cả. Sau khi làm lễ bái thầy, thầy thứ hai cùng đồ đệ của mình đến viết tấu sớ và phải ăn chay, kiêng quan hệ nam nữ 7 ngày.
Từ khi bái thầy cả và thầy hai về, người được cấp sắc phải đội nón khi đi ra ngoài, kiêng không được đi chung, nói chuyện với mọi người, không lại gần phụ nữ trong bản (trừ mẹ và vợ), đi đâu xa thì phải lấy ô che. Khi về tới nhà, người làm lễ cấp sắc không phải lao động mà chỉ đọc sách và viết chữ.
Dựng nhà ma: Gia đình của người làm lễ Cấp sắc dựng và trang trí nhà ma ở ngoài sân của nhà người làm lễ (nếu làm chung 3 người thì làm ở một bãi đất chung của bản). Việc dựng nhà ma này mang ý nghĩa là sau khi người con trai được làm lễ cấp sắc thì nhà ma biến thành con rồng bay lên trời.
Lập bàn thờ mới trong nhà: Thầy cúng lập 01 bàn thờ mới trong nhà của người được cấp sắc để làm lễ trong những ngày trước khi thực hiện nghi lễ chính.
- Các nghi lễ chính
+ Lễ mời thần linh về dự lễ: Lễ này được làm tại nhà các thầy cả. Lễ vật gồm có: 6 gói cơm gói bằng lá tếch hoặc lá dong (không được sử dụng lá chuối vì theo truyền thuyết lá cây chuối làm cho thần thiên lôi bị ngã trên mái nhà), 1 lá tếch to, 3 chén rượu, 01 bát hương, cờ, hương, 01 đĩa gạo. Tất cả đặt trên 1 cái mâm để thẳng cửa ra vào. Khoảng 14h30’, thầy cả làm thủ tục lễ nghi trong nhà và ngoài sân. Khi lễ xong, thầy đi đến nhà ma.
+ Lễ dọn đường: Sau khi đã mời xong thần linh về dự lễ, thầy cả ra ngoài sân, người giúp việc đưa cho thầy 1 bó cỏ gianh. Thầy cả lấy từng cây cỏ gianh phi về hướng nhà ma (vừa phi vừa đọc thần chú) với ý nghĩa dọn đường để ma quỷ dẹp sang hai bên, nhường đường cho thầy đi về nhà ma.
+ Lễ giấu thân: Thầy cả làm lễ giấu thân (để không cho ma nhìn thấy thấy). Các thầy giúp việc ngồi vòng tròn, tay cầm bán âm, bán dương, tay cầm hương, đọc thần chú. Làm lễ xong, một thầy lấy ít gạo gói vào tờ giấy nhét vào vách nhà để bảo vệ cho nhà thầy không bị tà ma, khi nào làm lễ cấp sắc xong thì sẽ mở ra.
+ Lễ xuất binh âm về nhà ma: Hai thầy cả đến nhà ma trước, rồi đến thầy cả thứ 3. Khi 3 thầy cả đến đủ, thầy thứ 2 (tượng trưng cho Đường Tăng) sẽ đi từ bản khác vào. Đi cùng với thầy 2 có Tôn Ngộ Không, thầy thứ 3 và đoàn giúp việc. Đi đến đầu bản, đoàn dừng lại, các thầy làm phép, trừ tà, xong xuôi tất cả đoàn hát đối đáp với mọi người trong bản, hát xong Tôn Ngộ Không dẫn đầu đoàn múa để vào nhà ma. Khi vào trong nhà ma, thầy thứ hai đứng trước ban tờ Tôn Ngộ Không ở gian ngoài cùng làm lễ nhập ban thờ.
+ Lễ cúng cô hồn (những hồn ma vất vưởng): Lễ này được cúng vào buổi tối, các học trò và các thầy cúng cùng tham gia. Thầy cúng vừa đọc lời cúng, vừa vảy gạo mời thần linh về dự lễ; bốc gạo gói vào giấy để nhốt các cô hồn, múa kiếm và tích trượng. Sau mỗi bài cúng lại gieo quẻ xin âm dương.
          Mời thần linh về chứng giám: Một thầy vừa đánh trống vừa quay tại chỗ trước bàn thờ 3 vòng theo hướng từ phải qua trái, các thầy còn lại cũng đứng dậy, 1 thầy khác đánh “nạo bạt”. Khi hai thầy đánh trống và đánh nạo bạt thì thầy còn lại cầm tích trượng đặt vào bàn thờ bên trên, vừa cúng vừa vẩy gạo vào bàn thờ (làm khoảng 2 phút).
          + Lễ xua đuổi cái xấu: Khi đến nhà người làm lễ, gia đình mời 2 thầy cúng và các đồ đệ ăn cơm tối và chuẩn bị 1 bàn cúng. Lễ vật gồm: 9 gói cơm gói bằng lá dong, 3 chén rượu, 1 con gà trống (còn sống) để thầy thứ 2 cùng đồ đệ cúng xua đuổi những cái xấu trong lễ cấp sắc. Lễ cúng này thực hiện suốt đêm hôm đó. Khi thầy thứ hai cúng, các đồ đệ nhảy múa xung quanh. Khi thầy đọc xong lời cúng, người nhà đưa cho thầy cúng  con gà trống. Thầy cúng nhảy múa mang tính chất tế lễ cùng 2 đồ đệ (các đồ đệ khác nghỉ), khi nhảy múa đến độ “nhập hồn”, thầy cúng cắn vào cổ con gà cho đến khi con gà chết, thầy dùng con gà cúng để con gà nuốt hết những cái xấu xa. Sau đó thầy cúng mở sách nho ra để đọc tên các thần linh về ban những cái tốt lành cho người được cấp sắc.
+ Lễ nhận thầy 3, thầy 4, thầy 5: Sáng ngày hôm sau (ngày thứ 2), các thầy cúng 3, 4, 5 đến nhà ma của người được cấp sắc để người làm lễ nhận thầy. Người được cấp sắc bê một khay đặt 1 con gà, 2 chén rượu đến mời thầy thứ 3, vái thầy 3 cái (thầy thứ 3 nhận con gà và uống 1 chén rượu, người làm lễ uống 1 chén), sau đó, tiếp tục nhận thầy thứ 4, 5.
+ Lễ truyền phép cho người được cấp sắc: Do thầy cả thực hiện tại ban thờ của gia đình người được cấp sắc. Nghi lễ này được thực hiện cả đêm.
+ Lễ cắt tóc cho người được cấp sắc: Sáng ngày thứ 3, người được cấp sắc sẽ được đưa đến nhà ma. Người nhà trải chăn màn sạch (đối diện với 3 bức tranh Tam Thanh) để người được cấp sắc ngồi, người được cấp sắc ngồi giống tư thế ngồi thiền (khoanh chân, hai tay để lên đầu gối). Sau đó, 5 thầy thắp nến soi chọn những sợi tóc ở cao nhất trên đỉnh đầu của người làm lễ rồi buộc lại thành 3 túm, mỗi túm có 7 sợi, rồi các thầy lần lượt cắt tóc cho trò.
Khi cắt xong, lấy 3 lọn tóc đó để vào 1 bát nước lã trên bàn thờ (đặt trước tranh Tam Thanh), thầy 3 cởi áo cà sa trùm vào cho người được cấp sắc và đỡ người đó đứng dần lên. Lúc này, bố của người được cấp sắc sẽ đứng ngang hàng với người được cấp sắc và thầy thứ 3 và 3 người bắt đầu nhảy. Ba người nhảy như vậy khoảng 5-7 phút, trong lúc này các đồ đệ không nhảy nữa mà chỉ đứng gõ trống, chũm chọe xung quanh.
Khi đã nhảy xong bài thứ nhất, 12 người (5 thầy cúng, người làm lễ và 6 đồ đệ) xếp hàng hai bên cột nhà ma gần bàn thờ (mỗi bên 6 người), bắt đầu nhảy tiến về nhau theo hình số 8 với động tác nhảy 1 chân, hai tay ôm chân co lên và cầm 1 cái hoa chuối làm bằng tre. Khi hai người gặp nhau tại điểm giữa thì sẽ đổi chân nhảy. Những người ở ngoài đánh trống và chũm chọe. Nhảy như thế khoảng 5 phút.
Sau khi kết thúc bài nhảy, thầy cả, thầy thứ 2,3 sẽ lấy dấu đóng vào trán, hai vai, bàn chân, bàn tay, đầu gối, ngực và lưng của người làm lễ.
Lúc này đã hoàn thành xong lễ cấp sắc. Mọi người lấy hết giấy tờ trang trí trong nhà ma mang đi đốt, gia đình người làm lễ mời mọi người ăn cơm (cả bản). Khi làm xong lễ cấp sắc cho đồ đệ mới, thầy cúng phải ăn chay và kiêng quan hệ nam nữ 9 ngày tiếp theo. Gia đình chuẩn bị 28 con gà đã luộc chín để làm quà cho các thầy mang về cho vợ của các thầy. Mỗi thầy cả 6 con gà, thầy 2 được 3 con, thầy 3 được 2 con. Sau 9 ngày làm lễ cấp sắc, gia đình làm lễ cấp sắc mới được dỡ nhà ma.
  1. Lễ cấp sắc ngành Dao Đỏ
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ thường làm cho con trai từ 10 tuổi trở lên. Đầu năm gia đình muốn làm lễ cấp sắc đến nhờ thầy cúng xem năm nay có làm được lễ cấp sắc cho con trai của gia đình không. Nếu chọn được ngày lành, tháng tốt thì họ tiếp tục chuẩn bị các lễ vật, lương thực, thực phẩm để tổ chức Lễ cấp sắc cho con.
Trước khi làm lễ, người được cấp sắc và các thành viên trong gia đình, phải thực hiện khá nhiều điều kiêng kỵ như: người chuẩn bị được cấp sắc phải thực hiện việc trai giới cả tháng trời. Khi làm lễ cấp sắc, người Dao đỏ kiêng mặc trang phục có lẫn vải trắng đi vào nơi làm lễ.
Thầy cúng do gia đình chọn lựa. Gồm 02 thầy, được quy định: Phải là người ngoài dòng họ. Thầy trong lễ cấp sắc phải chọn thầy cao tay, thạo lễ nghi, biết cúng bái để giúp cho gia chủ và thầy cúng trong suốt quá trình diễn ra lễ cấp sắc.
Gia đình chuẩn bị: 02 con lợn: 01 con để làm cơm mời những người giúp và bà con dân bản đến dự lễ; 01 con khoảng 120kg làm lễ cúng thần linh; Tiền vàng mã làm bằng giấy dó; rượu nếp cái, bát hương, giấy màu trang trí; các dụng cụ và trang phục thầy cúng.
Trước ngày làm lễ 5 ngày, người được Cấp sắc cùng bố của mình đi tới nhà thầy cả và thầy hai làm lễ bái thầy.
Thầy cúng lập 01 bàn thờ mới trong nhà của người được cấp sắc, đối diện cửa ra vào cao khoảng 50cm, bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Phía trên bàn thờ thần linh treo tranh Tam Thanh.
          * Các lễ chính:
          Hai thầy đưa thần linh đến báo cáo tổ tiên làm lễ cấp sắc
     Trước khi đến nhà người được cấp sắc, thầy cúng thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình để cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà có người thụ lễ để làm lễ cấp sắc.
Khi đến nhà người được cấp sắc thầy cả và thầy hai sẽ mang theo tranh Tam Thanh, tranh múa, trang phục thầy cúng, bộ âm dương, gậy ma. Gia đình người được cấp sắc mổ 1 con lợn (để nguyên cả con) đặt trước ban thờ thần linh.
Hai thầy làm lễ báo cáo với tổ tiên của người được cấp sắc.
- Lễ mời thần linh, tổ tiên về làm lễ:
Những người giúp việc sẽ nổi trống chiêng báo hiệu cho tổ tiên thần linh biết buổi lễ chuẩn bị bắt đầu (cử ra một người đánh trống và một người đánh chiêng trong suốt lễ cúng, nhất là khi nhập hồn và múa xòe; ngoài ra còn dùng chuông để tạo nhạc đệm). Người được cấp sắc sẽ được mặc bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất mà gia đình đã phải chuẩn bị trong vòng một năm trước, khoác áo cà sa bên ngoài và có những người giúp việc của các thầy dạy cho người được cấp sắc múa bày tỏ sự phấn khởi vì đã được các thần linh và tổ tiên che trở để con cháu có cuộc sống ấm no, khá giả, tổ chức được lễ cấp sắc này. Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả bản đến xem đông vui như ngày hội. Trong khi mọi người múa, thầy cả ngồi trước ban thờ thần linh đọc bài cúng kể lại quá trình cấp sắc từ xưa tới nay và mời thần linh tổ tiên về giúp hai thầy làm lễ.
* Lễ cấp đèn cho người được cấp sắc:
Thầy cả đọc lời cúng mời thần linh uống rượu, gieo quẻ âm dương và chia tiền cho thần linh. Sau đó, đọc lời cúng để xin thần linh cấp đèn cho người được cấp sắc. Người được cấp sắc phải ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai. Những người giúp việc sẽ giúp thầy cả đặt các đèn này lên người được cấp sắc, 1 đèn đặt bên trái, 1 đèn đặt bên phải, 1 đèn đặt trên đầu.
Thầy cả dẫn đầu đến thầy hai đến những người giúp việc (gồm 7 người). Hai thầy 1 tay lắc chuông, 1 tay cầm que múa, 2 người giúp việc cầm chũm chẹo gõ vào nhau đi thành vòng tròng xung quanh người được cấp sắc 9 vòng theo chiều kim đồng hồ rồi lại đi ngược lại vừa đi thầy cả và thầy hai vừa đọc bài cúng.
- Lễ dạy làm thầy cho người được cấp sắc:
Thầy cả tay cầm cuốn sách của thầy cúng, tay cầm que múa, người được cấp sắc đứng đối diện với thầy cả tay cầm chuông, tay cầm que múa. Những người giúp việc cầm chũm choẹ, chiêng, trống đánh theo nhịp điệu. Hai thầy trò múa xoè, thầy cả vừa múa, vừa đọc (nội dung nói cha mẹ đẻ ra phải biết ơn, thầy đã cấp sắc cho là phải biết ơn, sau này có ai muốn cấp sắc thì nhớ đi giúp người ta…).
- Tống thần linh ra về:
Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên, tay cầm mảnh âm dương đọc bài cúng xin tiễn thần linh (đại thần). Cúng xong thầy cả cầm bát hương và bát rượu mang ra ngoài cửa đổ đi.
Lễ cấp sắc kết thúc. Những người giúp việc sẽ xẻ thịt con lợn ra làm nhiều phần để chia cho tất cả những người giúp việc trong lễ cấp sắc. Thầy cả và thầy hai mỗi người sẽ được 1 đùi lợn và 2 bả sườn, những người còn lại, mỗi người được một miếng (khoảng 1kg).
Hai thầy, người được cấp sắc và gia đình phải kiêng không được ăn thịt (3 bữa), 3 ngày không được đi ra khỏi nhà, không được sang nhà người khác.
* Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
- Giá trị lịch sử
Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, thầy cúng luôn đọc về lịch sử, cội nguồn, quá trình thiên di của người Dao, những khó khăn khi vượt sông biển tìm đến vùng đất mới. Bên cạnh đó, thầy cúng đọc tích chuyện về Bàn Vương ông tổ của người Dao, về nguồn gốc của mỗi dòng họ. Từ đó, không chỉ người được cấp sắc mà cả những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn, từ đó nâng cao ý thức tự giác tộc người, nâng cao ý thức trong việc lưu truyền những câu chuyện cổ của người Dao, bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp, để lịch sử người Dao được ghi chép, lưu truyền mãi theo thời gian.
  • Giá trị văn hóa, nghệ thuật:
Lễ cấp sắc chính là sự tích hợp những giá trị văn hoá nghệ thuật đặc trưng của người Dao, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh.
 Lễ cấp sắc dân tộc Dao có giá trị ở khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao. Với những điệu múa, bài dân ca được lưu truyền nhiều đời nay, nghệ thuật biểu diễn là một trong những bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc Dao.
Thông qua lễ cấp sắc của dân tộc Dao ở Sơn La, có thể thấy rõ hơn một kho tàng văn hóa cổ truyền có giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc với những câu chuyện cổ, những làn điệu hát dân ca đã và đang góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của 12 dân tộc anh em ở Sơn La.
Qua lễ cấp sắc của người Dao còn biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí trên đàn lễ; Trang phục lễ của thầy cúng cũng như trang phục truyền thống của dân tộc Dao được giữ nguyên bản sắc cũng phản ánh tư duy phong phú của người Dao về thế giới siêu hình, về vũ trụ luận.
  1. cGiá trị khoa học:
Việc nghiên cứu lễ cấp sắc dân tộc Dao có giá trị lớn trong nghiên cứu khoa học đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Thứ nhất, thông qua những tài liệu viết như "Quá sơn bảng văn" hay "Bình Hoàng Khoán Điệp", gia phả của nhiều dòng họ trong các ngành Dao, các sách cúng trong lễ cấp sắc các nhà nghiên cứu có thể đoán định được gốc tích, lai lịch và quá trình sinh cơ lập nghiệp của người Dao trên đất nước Việt Nam, về lịch sử của người Dao ở Việt Nam.
Thứ hai, thông qua nghiên cứu hệ thống tranh thờ, các bài cúng trong lễ cấp sắc, các nhà nghiên cứu có những hiểu biết sâu sắc hơn về quan niệm của người Dao về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần, thờ vật linh (tô tem giáo).
  Bên cạnh đó có thể tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo trong đời sống của người Dao. Ảnh hưởng của Phật giáo trong tâm thức người Dao có thể thấy rõ trong các nghi lễ như lễ khai quang, lễ đặt pháp danh, lễ hóa kiếp, hồi sinh, các điều nguyện, điều răn hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Ảnh hưởng sâu sắc của Đạo giáo trong lễ cấp sắc được biểu hiện rõ nét trong các nghi thức mang màu sắc phù thủy như lễ gọi Ngọc Hoàng, viết và đốt sớ, bùa chú, cấp âm binh...
Các trò diễn dân gian trong lễ cấp sắc phản ánh rõ nét tín ngưỡng phồn thực còn tồn tại trong đời sống của người Dao Sơn La, bên cạnh đó phản ánh sự tồn tại lễ thành đinh nguyên thủy còn rõ nét trong lễ cấp sắc.
Thứ ba, việc nghiên cứu lễ cấp sắc giúp cho các nhà nghiên cứu thấy rõ hơn vai trò của thầy cúng (với vai trò là một trong hai  đối tượng chính tham gia lễ). Trong cộng đồng các ngành Dao ở Sơn La, thầy cúng có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, xã hội. Họ có mặt trong những sự kiện trọng đại nhất của mỗi gia đình, dòng tộc Dao, và có quyền quyết định đến những vấn đề hệ trọng của dòng tộc, cộng đồng. Qua qua trình nghiên cứu điền dã ở địa phương cho thấy, những người thầy cúng Dao (là những người đã từng trải qua lễ cấp sắc) đều là những người có trình độ học vấn cao hơn so với các thành viên khác trong cộng đồng, có rất nhiều người đã giữ vị trí xã hội quan trọng tại Ủy ban xã và đang giữ vị trí trưởng thôn bản. Có thầy còn được bầu và đi dự Hội nghị già làng trưởng bản, Hội nghị những người có uy tín cấp tỉnh và cấp toàn quốc. Điều này là một cơ sở khoa học thực tiễn gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách có định hướng trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nông thôn trong giai đoạn mới.
Thứ tư, nghiên cứu lễ cấp sắc có thể tăng thêm sự hiểu biết về mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như tính cố kết cộng đồng của người Dao ở Sơn La.
Lễ cấp sắc dân tộc Dao Sơn La là đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học, dân tộc học, tôn giáo-tín ngưỡng, văn hóa dân gian (múa, âm nhạc), ngôn ngữ học và lịch sử.
  • Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng:
Lễ cấp sắc là hiện tượng phổ biến trong sinh hoạt xã hội của người Dao, có liên quan đến ý niệm tôn giáo, tinh thần đạo đức, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Trên địa bàn tỉnh Sơn La, cấp sắc là một nghi lễ phổ biến trong cộng đồng 03 ngành Dao: Dao Quần chẹt, Dao Đỏ, Dao Tiền. Đây là một nghi lễ, một phong tục tập quán truyền đời của người Dao.
Cấp sắc không chỉ là một tục lệ rất phổ biến mà còn là bắt buộc đối với tất cả mọi đàn ông người Dao. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng vòng đời của người Dao. Đối với dân tộc Dao, người nào được cấp sắc thì mới có thể làm nghề cúng bái, sau này chết hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Cấp sắc cũng còn có nghĩa là lễ “khai sinh” hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định cho, cho nên những bản cấp sắc còn có ý nghĩa như là “giấy thông hành” để sau khi chết có thể về ngay thế giới bên kia mà không phải qua kiếp bị đầy ở âm phủ. Người nào được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, người chưa được cấp sắc dù tuổi có già cả vẫn bị coi là trẻ con, và khi chết thì hồn không thể về đoàn tụ với tổ tiên. Nếu trong gia đình có người đã chết mà chưa được cấp sắc, con cháu phải làm lễ cấp sắc cho người đã chết trước khi làm lễ cấp sắc cho mình. Đồng bào Dao có lòng tin sâu sắc rằng được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ dân tộc mới phát triển.
          Đối với mỗi người đàn ông Dao, khi đã trải qua lễ cấp sắc, họ có đủ tư cách cầu cúng xin tổ tiên, thánh thần phù hộ cho gia đình, dòng tộc có cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu và họ có đủ âm binh, có đủ quyền năng để trừ yêu, trấn tà, đem lại bình yên, hạnh phúc cho gia đình, cộng đồng. Vì vậy, dù có khó khăn về kinh tế đến mấy, gia đình người Dao nào cũng cố gắng thực hiện cho được lễ cấp sắc cho con cháu mình. 
Lễ cấp sắc có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Dao, giúp cho người Dao có thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai. Phong tục cấp sắc có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng của người dân trong vùng.
Người Dao quan niệm rằng con người sinh ra và lớn lên phải có 3 thầy dạy dỗ mới trở thành con người có đức, có ích cho gia đình và xã hội. Thầy thứ nhất là bố mẹ đẻ. Bố mẹ đẻ ra con cái phải dạy con tập nói tập đi, tập theo gương bề trước, học theo những điều hay, không để cho con cái mình ngu dốt, lười biếng, phải biết kính trên nhường dưới, có tình yêu thương con người. Thầy thứ hai là thầy cô giáo dạy chữ, biết quan hệ xã hội, biết làm người và trở thành người có ích cho xã hội. Thầy thứ ba là dạy bảo con cháu vạn điều tôn sư trọng đạo, kính thầy, không được làm điều ác, không làm những điều trái với lương tâm đạo đức...Vì vậy, lễ cấp sắc được tổ chức nhằm hướng người đàn ông Dao, cũng như các thành viên trong cộng đồng biết tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ.
Lễ cấp sắc có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục mỗi thành viên trong cộng đồng làm việc thiện, tránh điều ác. Nhấn mạnh giá trị đạo đức về lòng chung thủy, lòng dũng cảm, tình yêu gia đình quê hương, trọng nghĩa, khinh tài... Trong Bình Hoàng khoán điệp có ghi: "Con cháu Bàn Vương không được gây tai hoạ, phải tôn trọng luật lệ. Nếu không tuân theo pháp chế đều đưa ra quan trị tội".
  Đặc biệt, trong lễ cấp sắc là cấp tên âm (pháp danh) cho người thụ lễ, thầy đưa ra những lời giáo huấn với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc, được linh thiêng hoá và trở thành những giá trị đạo đức mà con người phải gìn giữ, phấn đấu nên có tác dụng rất lớn.
          Từ những lời răn dạy, mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Dao nhận thức sâu sắc hơn những giá trị đạo đức, thẩm mỹ và một số quy phạm trong lối sống, ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.
          Với truyền thống giáo dục mang tính tộc người, trong đó có một phần tham gia của tục lệ cấp sắc đã tạo nên phong cách đằm thắm, thận trọng, kín đáo của người Dao. Xét ở khía cạnh giá trị nhân bản, lễ cấp sắc có ý nghĩa, phù hợp với tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn” mà nền giáo dục hiện đại đang rất coi trọng.
Lễ cấp sắc là một lễ thụ giới tôn giáo có những quy trình lễ thức chặt chẽ, điều này thể hiện rất rõ ràng: Ai muốn làm thầy cúng (thầy tào) thì nhất thiết phải qua lễ cấp sắc. Bên cạnh đó, lễ cấp sắc được hiểu là một lễ thành nhân. Người đã  trải qua lễ cấp sắc mới được coi là người lớn. Người đàn ông dân tộc Dao phải qua lễ cấp sắc để tiếp nhận chính thức sự lưu truyền sức sống của người Dao. Người con trai trải qua lễ cấp sắc là có đầy đủ tư cách pháp nhân trước thần quyền và trước công luận (cả trong xã hội, gia đình và cộng đồng dân tộc), được công nhận như một người Dao chính thức.    
          Trong lễ cấp sắc diễn ra các hoạt động mang tính cộng đồng. Tất cả mọi người trong cuối buổi lễ cùng nhau ăn uống, nhảy múa vui vẻ. Lễ cấp sắc được bà con người Dao náo nức chờ đón và trong suốt quá trình trình hành lễ, bà con dân bản  và các vùng lân cận đến tham dự rất đông.
          Lễ cấp sắc của người Dao mang nhiều yếu tố nhân văn, văn hoá, mang ý nghĩa giáo dục con người sống có đạo đức, có nhân cách, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Đồng thời, qua lễ cấp sắc, ý thức cộng đồng được nêu cao. Vì vậy, cần phải phát huy những giá trị văn hoá của tục cấp sắc. Lễ cấp sắc cần được gìn giữ một cách thiết thực, phù hợp với đời sống xã hội của đồng bào Dao để phục vụ lợi ích giáo dục con người trong cộng đồng dân tộc.
Cấp sắc là một nghi lễ có tính kế thừa những di sản văn hoá của người Dao nói chung và người Dao ở Sơn La nói riêng, dưới sự bảo trợ của những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng. Do vậy, lễ cấp sắc không chỉ đơn thuần là nghi lễ tôn giáo mà còn chứa đựng những thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá tộc người, văn hoá địa phương.
          Lễ cấp sắc luôn được người Dao gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nghi lễ cấp sắc dân tộc Dao tỉnh Sơn La, được nhân dân trong 05 huyện của tỉnh Sơn La đồng thuận đề cử và cam kết bảo vệ. Nghi lễ cấp sắc của người Dao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.