Người Xinh Mun là một trong những cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, được cho là những cư dân đầu tiên khai phá vùng lòng chảo Tây Bắc trước khi tộc người Thái di cư đến. Theo những tài liệu chữ Thái cổ thì vào thế kỷ XI, XII khi người Thái đen thiên di tới vùng đất này, họ đã gặp tổ tiên của người Xinh Mun hiện nay.
Theo các nhà nghiên cứu thì người Xinh Mun có mặt ở vùng Tây Bắc từ khá lâu, hiện nay họ chỉ cư trú chủ yếu ở 2 tỉnh: Sơn La và Điện Biên. Ở Sơn La, người Xinh Mun hiện chiếm 2,16 % dân số, cư trú chủ yếu ở các huyện: Yên Châu, Mai Sơn và Sông Mã, có 02 ngành: Xinh Mun Dạ và Xinh Mun Nghẹt. Xã Chiềng On, huyện Yên Châu có 12 bản, trong đó có 08 bản người Xinh Mun, thuộc ngành Xinh Mun Dạ.
Người Xinh Mun cũng có quan niệm giống một số dân tộc ít người ở Tây Bắc, đó là: Con người tồn tại được là nhờ có các hồn, nếu hồn bị lưu lạc thì con người bị ốm đau vì vậy phải nhờ các thầy mo cúng nhờ các vị thần linh, tổ tiên giúp gọi hồn về để cho con người khỏe mạnh. Vì vậy, trong mỗi bản đều có những người làm nghề thầy mo để giúp người dân giao tiếp với thần linh.
Khi thầy mo thấy trong người không khỏe, hoặc thầy mo đỡ đầu mới chết, trong gia đình, bản có nhiều người ốm, gia xúc, gia cầm bị dịch bệnh thì thầy mo phải đem áo của mình đi nhờ một thầy mo khác xem có vấn đề gì, nếu thầy mo đó nói thần linh yêu cầu phải cầu cúng, dâng lễ, hoặc giải hạn thì thầy mo này về phải chuẩn bị làm Lễ Mạng Ma (cầu sức khỏe, giải hạn). Đồng thời cũng xem luôn là thầy mo nào có thể hợp hồn, hợp tuổi để cúng cho mình, làm người thầy đỡ đầu cho mình, ngày nào có thể tổ chức làm lễ.
Lễ Mạng Ma thường tổ chức vào mùa xuân, khi hoa Ban, hoa Mạ nở rộ, măng đắng đã mọc nhiều, thầy mo xem ngày tốt để tổ chức nghi lễ, những người trong gia đình chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đi mời thầy mo, mời họ bên ngoại, họ hàng ở khác bản và bà con dân bản đến dự lễ hội.
Ngoài công tác chuẩn bị, nghi lễ được diễn ra 1,5 ngày, tại nhà thầy mo. Thành phần tham gia gồm có 2 thầy mo, con cháu, người thân trong gia đình, họ bên ngoại, bà con dân bản.
Ngày thứ Nhất: Chủ nhà nhờ họ hàng, dân bản đến để làm các đồ lễ và chuẩn bị mọi thứ phục vụ cho nghi lễ. Đồ lễ được làm bằng gỗ, tre, đều làm 1 đôi trở lên (nếu thầy mo tổ chức lễ Mạng Ma lần đầu sẽ làm mỗi thứ 1 đôi, nhưng cứ thêm một lần thì làm thêm một đôi). Gồm: Dao; Cuốc; Xẻng; Cào thóc; Rìu; Bừa; Cày; Ô; Con ve sầu; Gậy; Ống tre; Trống gỗ; Trống chỉ; Thuyền; Chùm hoa; Con cá; Con chim; Tổ ong. Một số đồ dùng khác: khăn vải, Trống, Chiêng, Chũm chọe…
Ngày thứ Hai: Từ sáng sớm chủ nhà đã đi mời thầy mo đến để chủ trì lễ cúng. Khi thầy mo đến, họ hàng và dân bản mới được giết mổ các con vật hiến linh như lợn, gà, dựng cây nêu, bày biện các lễ vật. Khi đến họ hàng còn mang theo gạo nếp, rượu hay tiền để giúp gia chủ.
- Chủ nhà tiến hành sửa soạn hai mâm cúng chính (một mâm của thầy mo thực hiện nghi lễ), một mâm của chủ nhà (tức là thầy mo bị ốm). Hai bàn cúng được đặt tại gian đầu tiên của ngôi nhà (tính từ bên sàn phơi). Hai mâm cúng này được bày giống nhau.
- Lợn, gà được mổ xong đặt vào vách bên hồi nhà cạnh gian cúng, đậy lá chuối kín, để các loại đồ lễ là đạo cụ lên.
- Cây nêu (Cọc đắng) được trang trí: Buộc xung quanh cây nêu dây rau bò khai, hoa ban, hoa mạ, phên tre đan hình xương cá, hoa lúa bằng lạt tre, măng đắng, rượu cần.
- Người nhà đan 2 phên tre (mùng mường), ghép vào nhau, phía trong có 2 sải vải trắng tượng trưng cho trời, trên tấm vải trắng có để những chiếc lá, cành tre tượng trưng cho sự sống, để cầu thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe, làm ăn mưa thuận gió hòa. Phên tre được gác lên sát mái nhà trên chỗ gian thờ của thầy mo, cứ để đó đến khi hỏng hoặc tổ chức lễ tiếp theo mới tháo xuống.
- Bên ngoại đặt một mâm lễ gồm thóc, gạo, cầu thang bằng gỗ, tiền mặt, mâm lễ này được gác lên gần nóc nhà ở góc thờ của thầy cúng, cầu mong cho con cháu bên ngoại được mùa, thóc lúa đầy bồ, đầy kho. Khi xong lễ cúng, phần tiền được chia cho 2 thầy mo, phần thóc thì thầy mo chính gói về một ít làm hạt giống, cầu thang gỗ đặt lên bàn thờ.
- Ở góc gian cúng đặt một mâm cúng gồm: vải thổ cẩm, kéo cắt vải, cây kết những con ve sầu đan bằng tre...
- Hai mô hình nhà sàn được làm bằng gỗ (của bên nội và bên ngoại tặng), với mong muốn kêu mời thần linh xuống ngự trị ở hai ngôi nhà này, phù hộ cho gia đình, con cháu làm ăn phát đạt. Đặt 2 mô hình ngôi nhà cạnh mâm cúng.
* Nội dung Lễ cúng
- Lễ thứ Nhất: Cúng mời các thần linh về dự lễ
Hai thầy mo cúng ở mâm cúng chính. Thầy mo vừa cúng, vừa cầu xin các thần linh về dự lễ, cho người ốm khỏi bệnh, sau mỗi lần xin, thầy mo lại bốc gạo ném lên trên quả trứng (thay cho việc xin âm dương), nếu có hai hạt gạo nguyên đậu trên 2 quả trứng nghĩa là thần linh đã chấp nhận, nếu chưa được thì tiếp tục cúng khấn đến khi nào được mới thôi (Lễ này ngắn khoảng 7-10 phút)/
- Lễ thứ Hai: Cúng thần phù hộ Chủ cúng, mời thần linh ăn trưa (bôl)
Người nhà dọn một mâm cúng hai thầy mo cúng cầu thần linh phù hộ chủ cúng, mời thần linh về ăn trưa. Nội dung bài cúng (bôl):
Đầu gà to bằng bờ,
Đùi gà lớn bằng mai,
Nắm xôi thơm gạo mới,
Miếng cơm trắng dẻo quẹo,
Về ăn cho no bụng trên,
Đến ăn cho đầy bụng dưới,
Chỉ đường cho thần tới,
Chỉ lối cho thần đi,
Ta có phép che nhà,
Ta có bùa hộ mệnh,
Thầy cúng giỏi cũng phục,
Thầy cúng tài cũng nể,
Quân tám vạn cũng nhún nhường ta,
Che phía trước trăm hai,
Che phía sau trăm rưỡi,
Ta cứu nguy dân bản,
Cúng giải hạn cho mường.
Cúng xong, mỗi thầy mo ăn một miếng xôi, một miếng thịt làm phép rồi dọn mâm cúng đi.
* Cảm ơn họ ngoại
Hai thầy mo cùng ngồi cạnh chum rượu cần với một người đại diện bên nội và một người đại diện bên ngoại (Lùng Tà) của thầy mo bị ốm. Bên ngoại mở lời trước, cảm ơn bên nội đã quan tâm, tổ chức Lễ Mạng Ma để giải hạn, cầu sức khỏe cho em, con bị ốm, gặp hoạn nạn. Bên nội đáp lời, cảm ơn bên ngoại đã cho tiền, lễ vật, đến dự lễ để gia chủ có thể tổ chức được Lễ Mạng Ma để giải hạn cho vợ, con, cầu cho khỏi ốm, có sức khỏe….Hai bên đối đáp những lời hay, ý đẹp khoảng 10 phút thì cùng uống rượu cần.
Sau đó mọi người ăn bữa trưa và nghỉ ngơi.
- Lễ thứ Ba:
+ Cúng thần linh phù hộ cho gia chủ
Đây là bài cúng chính. Nội dung bài cúng là cầu xin các vị thần linh phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh sống lâu, có cuộc sống đầy đủ sung túc, xua đi những điều không tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, cho lúa ngô đầy bồ trên nương, đầy bồ ở nhà để nuôi được nhiều trâu, nhiều bò, nhiều lợn gà.
Thầy mo cúng khấn hỏi xem tại sao thầy mo kia lại bị ốm, xin đi gặp, trao đổi với 12 vị thần linh từ cấp thấp đến cấp cao, vừa xin, vừa mời các vị thần linh hưởng lễ vật, giúp cho người khỏi ốm. Thầy mo cúng đuổi ma thầy đỡ đầu cũ đi, nhận trách nhiệm làm thầy đỡ đầu mới cho người ốm. Thầy mo vừa cúng vừa xin âm dương để xem ý thần linh có chấp nhận không.
Nội dung bài cúng cầu chúc (bi sền):
Ta đã nuôi ăn no,
Đã mời thần ăn đủ,
Thì phù hộ cho thiêng,
Đến canh phòng cho tốt,
Cho ta được sống thọ,
Cho chủ được sống già,
Làm lúa nương tươi tốt mọi cây,
Cây lúa ruộng xanh rờn mọi khóm,
Gom tiền được thành vòng,
Gom vàng được thành cây,
Bạc thành vòng không cắt ra,
Vàng thành cây không cắt rời,
Vào tay phải không ra tay trái,
Vào tay mình không ra tay người,
Nuôi bò đẻ nhiều cái,
Nuôi trâu nái đầy đàn,
Nuôi con út cho béo khỏe,
Con đẻ cuối chóng lớn khôn ngoan,
Đống lợn như đống chà,
Nuôi gà vịt hằng hà như sao,
Cho chủ vui như yểng,
Khỏe như nai,
Hồng hào tựa “tô nộc”,
Tóc bạc như mây quang,
Tóc trắng như sợi bạc.
Sau đó, thầy mo (người ốm) tự cúng cho mình mời thần linh, tổ tiên về kiểm tra và thụ hưởng lễ vật.
Cúng xong, hai thầy mo mời các thần linh cùng vui múa xòe.
Hai thầy mo đi xem chuồng gà, lợn, rồi tiếp tục múa xòe. Mọi người cầm đạo cụ lên cùng múa xòe theo nhịp chiêng, trống.
Cúng xong lượt này, người nhà sẽ mang lợn, gà cúng ra ngoài để chia cho nhà ngoại và chế biến đồ ăn tối.
4 con gà được đưa đi chế biến để cúng cơm tối; con lợn được xẻ ra: 1 đùi sau biếu nhà ngoại; cắt 1 chân trước, 1 miếng mũi, 1 miếng lưỡi, 1 miếng tai, nội tạng mỗi thứ một miếng nhỏ; 1 đùi sau, 1 đùi trước, thủ lợn để làm đồ cúng hôm sau. Còn lại chế biến món ăn tối.
+ Cúng mời các thần linh, tổ tiên về ăn tối
Người nhà chế biến và bày 2 mâm lễ, mỗi mâm gồm: 2 con gà luộc, 2 ép xôi, trên mỗi ép xôi để 2 miếng thịt lợn; 4 gói xôi, 5 gói thịt lợn, bát chéo, đũa, mở 1 chum rượu cần mới, hút ra chén đặt lên mâm. Phía trước mâm là 2 sọt thịt lợn sống: 1 sọt chia cho bên ngoại, 1 sọt để làm đồ lễ cúng hôm sau. Hai mâm cúng được đặt cạnh cây nêu, 2 thầy mo ngồi quay lưng vào góc thờ, thắp nến lên cúng mời các thần linh về ăn tối. Hai thầy cúng xong ăn mỗi thứ một miếng nhỏ làm phép, rồi thắp nến vít cần rượu, mời các thần linh uống rượu cần, người nhà đổ nước tràn bình rượu.
- Lễ thứ Tư: Cúng cầu thần linh phù hộ người ốm, gọi hồn người ốm về
Người nhà đặt một mâm cúng gồm: 1 gói xôi, 1 đùi gà luộc, chiếc áo của người ốm. 2 thầy mo ngồi 2 bên cùng cúng khấn mời hồn của người ốm về ăn, cúng xong cầm áo của người ốm rũ rũ, gọi hồn của người ốm về nhập vào áo, người nhà dọn mâm đi, người ốm mặc áo vào.
Nội dung bài cúng:
Ta là người có tiếng,
Chuyên giúp người ốm đau,
Đuổi quỷ tới phương xa,
Đuổi ma tới đất trống,
Không trở lại quấy rầy,
Nắm cơm trắng dẻo thơm,
Nắm cơm ngon trừ quỷ,
Cho chủ khỏe ăn ngon.
Lễ cúng cho người ốm đến đây kết thúc.
Hai thầy mo tiếp tục quàng khăn, cầm đạo cụ, cầm gậy kiểm tra đồ lễ bằng cách chọc vào từng loại đồ lễ treo trên mái nhà xem đủ chưa, thần linh chấp nhận là đủ thì hai thầy mới mời mọi người vào múa xòe lần thứ hai. Mọi người cầm đạo cụ múa theo nhịp chiêng, trống, tăng bu, kéo dài khoảng 20 phút, rồi nghỉ ăn tối.
Ăn tối xong, mọi người tiếp tục múa xòe, uống rượu cần đến nửa đêm.
Ngày thứ ba
Người nhà mổ một con lợn khoảng 20kg để biếu bên ngoại, dùng thịt của con lợn cúng hôm trước để chế biến đồ ăn trưa.
Vào lễ ngày thứ Ba, 2 thầy mo mặc áo, khoác khăn, cầm đạo cụ để hướng dẫn mọi người múa xòe và diễn trò, đạo cụ bổ sung thêm 1 quả hoa chuối, 1 cây chuối nhỏ, bỏ ngọn, gốc. Trước khi múa, người nhà đặt một mâm lễ ngoài sàn phơi, trước cửa chính. Mâm cúng này để ngăn cản tà ma không cho vào nhà quấy phá buổi lễ, thắp nến xong thầy mo đóng cửa vào, mọi người trong nhà không ai được ra, bên ngoài không ai được vào.
Chiêng, trống nổi lên, thầy mo cùng mọi người vào vòng xòe, múa được 1 vòng, thầy mo tiếp tục đi ra cửa phía trước, đóng lại. Sau đó 2 thầy đến trước bàn thờ tổ tiên của gia đình xin tổ tiên phù hộ cho mọi người tham dự lễ hội vui vẻ, có đi lại chơi các trò chơi trước gian thờ tổ tiên cũng bỏ quá cho, quỳ lạy 3 lạy, rồi tiếp tục múa. Múa được một vòng, 2 thầy mo dùng gậy kiểm tra đồ lễ bằng cách cầm gậy chọc vào các đồ lễ treo thả từ mái nhà xuống, thầy mo kiểm tra đồ lễ xong, bắt đầu hướng dẫn mọi người diễn trò:
Trò kéo thuyền: Họ dùng 6 cái khăn vải: 3 cái thổ cẩm, 3 cái màu trắng được nối lại với nhau, nam, nữ đứng xen kẽ nhau cùng múa. Múa thành hàng dọc 5 lần rồi múa vòng quanh cây nêu 5 lần nữa rồi kết thúc.
Trò đấu võ: Bốn người đàn ông đã được thầy mo chọn sẵn, hai người cầm cần trúc dùng để uống rượu, hai người cầm hoa chuối, cây chuối giả làm vũ khí, chơi trò đánh nhau trong sự hò reo cổ vũ và trong nhịp chiêng trống. Khi trò chơi diễn ra khoảng 10 đến 15 phút thì bốn người chơi nhảy lên với lấy trứng gà đã luộc chín treo ở trên xà nhà và bóc ăn, những quả trứng gà như là những phần thưởng thể hiện rằng những người đấu võ đều là những người tài giỏi và đều được thưởng.
Trò bắt tổ ong: Người ta treo một cái “ép khảu” bên trong đựng xôi lên xà nhà ở tầm người có thể nhảy lên với lấy được. Cái ép được coi là tổ ong, xôi bên trong là những con nhộng. Thầy mo tay cầm dao nhọn gỗ, đầu mũi dao có gắn nến đốt bằng sáp ong giả làm như người đốt “tổ ong” và một tay thì giật lấy “tổ ong” trong khi đó có người đã được phân công từ trước lấy gạo ném vào thầy mo, giả làm con ong đốt khi bị lấy mất tổ. Trò chơi này mang ý nghĩa cầu mong cho lâm sản gia chủ và dân bản thu hái được ở trên những cánh rừng quanh bản ngày càng dồi dào.
Sau các trò chơi, mọi người lại tiếp tục xòe và thi uống rượu cần.
- Lễ cúng mời tổ tiên về ngự tại nhà
Người nhà đặt một mâm lễ gồm 2 mô hình ngôi nhà sàn gỗ nhỏ, để chiếc thủ lợn sống ở giữa. Hai thầy mo cúng khấn mời tổ tiên về ngự ở hai ngôi nhà này. Trong lúc 2 thầy mo cúng thì trống chiêng vẫn được nổi lên rộn ràng, 2 thầy mo nhún nhảy theo nhịp trống chiêng, 1 người đàn ông bê thủ lợn múa theo 2 thầy mo. Hai thầy mo mời tổ tiên uống rượu cần, họ cũng uống một chút rồi mời những người đàn ông uống rượu cần. Cúng xong, 2 mô hình ngôi nhà và chiếc thủ lợn được đặt lên bàn thờ (ở trên vách cao của gian “xia”), hai mô hình ngôi nhà được để ở đó cho tổ tiên của gia chủ về ngự, đến khi nào hỏng mới bỏ đi hoặc khi nào làm Lễ Mạng Ma tiếp theo thì mới thay mới, xong buổi lễ thủ lợn sẽ được hạ xuống.
Người nhà mở 2 chum rượu cần: 1 chum to là của chủ nhà tự làm để cảm ơn bên ngoại (Lùng Tà) đã đến dự lễ, làm lễ cầu chúc cho người ốm khỏe mạnh; 1 chum nhỏ là của các con trai gái, dâu rể dâng lễ mong cho bố mẹ khỏe mạnh. Trước khi uống ông chủ nhà nói lời cảm ơn bên ngoại, bên ngoại đáp lời, một người con trai đại diện nói lời dâng lễ lên tổ tiên, bố mẹ, chúc sức khỏe, đối đáp những lời tốt đẹp sau đó mọi người cùng uống.
- Lễ thứ Năm: Cúng tiễn thần linh
Thầy mo ngồi trước mâm cúng chính, mời các thần linh hưởng lộc, cảm ơn các thần linh và tiễn các thần linh về trời. Nghi Lễ Mạng Ma đến đây kết thúc. Hai thầy mo thu dọn đồ lễ.
* Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
Lễ Mạng Ma là nghi lễ cầu sức khỏe, giải hạn cho các thầy mo, là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Xinh Mun dạ ở Chiềng On, đã xuất hiện rất lâu đời và tồn tại cho đến nay, nghi lễ có phần lễ và phần hội đan xen.
Phần lễ: Các thầy mo cúng khấn và mời các vị tổ tiên, các vị thần linh về dự lễ, hưởng lộc của các thầy mo, gia đình, cầu mong cho thầy mo qua được hạn, có sức khỏe, có người thầy đỡ đầu mới. Ngoài ra còn cầu các vị thần linh cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, không có bệnh dịch.
Phần hội: Được đan xen trong từng lễ cúng. Phần hội sôi động, vui vẻ, khẳng định tính sáng tạo với các điệu múa, trò diễn tái hiện lại cuộc sống, lao động sản xuất của người dân, cùng cầu mong cho con người khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt… Các trò diễn dân gian trong nghi lễ phản ánh các thao tác trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời phản ánh ước muốn của người dân cầu mong được khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giáo dục con người đoàn kết, hướng thiện.
Đây cũng là dịp con cháu trong gia đình, họ hàng nội ngoại, bà con dân bản được cùng nhau vui chơi, hòa vào nhịp trống chiêng, múa xòe, liên hoan đón một vụ mùa mới.
Lễ Mạng Ma cho thấy vai trò của thầy mo như: Liên kết và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng, đặc biệt là tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc; là thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho dân; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người...
Lễ Mạng Ma thể hiện mối quan hệ trong cộng đồng làng bản cũng như tính cố kết cộng đồng, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là dịp để các gia đình cùng nhau giao lưu tình cảm.
Lễ Mạng Ma bảo lưu được những nét văn hóa tộc người như: Ẩm thực, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình (thông qua việc chuẩn bị các đồ cúng tế, đạo cụ của nghi lễ)... của người Xinh Mun. Nghi lễ còn phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, nguồn gốc của tộc người Xinh Mun.
Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng:
Lễ Mạng Ma của người Xinh Mun Dạ ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La được tổ chức định kỳ, mang tính cộng đồng cao, được duy trì theo phong tục truyền thống, được đông đảo bà con ủng hộ. Nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, mọi người khỏe mạnh, đoàn kết xây dựng bản mường yên vui, no ấm; Là dịp để các con cháu trong gia đình về tụ họp, cầu mong cho bố mẹ được khỏe mạnh, tai qua, nạn khỏi, chiến thắng các loại bệnh tật, làng bản không có dịch bệnh.
Lễ Mạng Ma được tổ chức ở một gia đình nhưng có sự tham gia của họ hàng, của bà con dân bản, cùng với việc cúng tế cho người ốm, thầy mo được khỏe mạnh thì cũng cầu xin cho dân bản được khỏe mạnh, gia súc, gia cầm sinh sôi, mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt. Nghi lễ tạo sự vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh, là dịp để các con cháu trong gia đình thể hiện được lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, các vị thần linh đỡ đầu cho mình. Duy trì Lễ Mạng Ma trong cộng đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.
- Nghi lễ góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa - nghệ thuật:
+ Các trò diễn: Miêu tả các thao tác về sản xuất nông nghiệp, bảo vệ mùa màng, cầu mưa, cầu mùa, là cầu nối để các thầy mo gặp gỡ được các thần linh…để nhắc nhở các thầy mo nhớ về tổ nghề, người đỡ đầu cho mình được hành nghề, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời tạo ra tiếng cười vui vẻ, thoải mái cho những người tham gia nghi lễ, tạo sự gần gũi, xua tan nỗi mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, cho tinh thần con người được thăng hoa.
+ Các điệu múa: Theo tiếng nhạc rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống: Trống, Chiêng, chũm chọe, bẳng bu, bàn sang…mọi người say xưa các điệu múa phản ánh các động tác lao động sản xuất: cày, bừa, phát nương…các điệu xòe vòng, nắm tay…vừa tạo không khí vui tươi, đón mừng các thần linh, vừa tạo không khí hào hứng cho những người tham gia.
- Lễ vật cũng như trình tự, thủ tục, nội dung của Lễ Mạng Ma tương đối đơn giản, ngoài hai mâm lễ chính chủ nhà chuẩn bị để cúng thần linh, hồn chủ nhà thì các mâm lễ khác chỉ có thịt lợn và gà do gia chủ nuôi được. Tuy nhiên, các đồ lễ cúng đều được tạo hình, màu sắc rất đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao để thành kính dâng lên các thần linh. Sau lễ cúng, các đồ lễ còn được lưu giữ trên bàn thờ của thầy mo cho đến khi hỏng. Mỗi nội dung trong phần lễ, thầy mo đều cúng khấn mong muốn các vị thần linh, tổ tiên về hưởng lễ thầy mo dâng lên để cầu mong cho người ốm khỏe lại, dân bản khỏe mạnh, mùa màng bội thu, không có dịch bệnh sảy ra, gia súc sinh sôi.
Các thầy cúng, cộng đồng người Xinh Mun Dạ, lãnh đạo bản, lãnh đạo xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La luôn mong muốn giữ gìn và cam kết bảo vệ Nghi lễ cầu sức khỏe (Lễ Mạng Ma).
Nghi lễ Cầu sức khỏe (Lễ Mạng Ma) là một nét văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc của cộng đồng người Xinh Mun Dạ ở Chiềng On, thể hiện sâu sắc tính chất linh thiêng, đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ, nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Nghi lễ Cầu sức khỏe (Lễ Mạng Ma) là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh, được cộng đồng người Xinh Mun Dạ ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cam kết bảo vệ, được được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2727/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020.