Nghi lễ Xé Pang Á (Cầu An) của người Kháng, tỉnh Sơn La
Sơn La, Việt Nam
01/10/2024→31/12/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Kháng
Hiện nay, người Kháng bảo tồn tương đối tốt bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như: Tiếng nói, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục, tập quán, đặc biệt là một số nghi lễ nông nghiệp và nghi lễ của các thầy cúng.
Nghi lễ Xé Pang Á (Cầu An) thường được tổ chức hàng năm, có nơi từ 3 đến 5 năm/ lần. Nghi lễ được tổ chức vào cuối năm (từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch), thường diễn ra trong 03 ngày (Ngày đầu tiên chuẩn bị đồ lễ, đạo cụ và thực hiện nghi lễ xin phép tổ tiên, các vị thần linh cho tổ chức nghi lễ; Ngày thứ hai diễn ra toàn bộ các nghi lễ và các trò diễn, điệu múa của phần hội; Ngày thứ 3 tiễn các thần linh, tổ tiên về trời, kết thúc nghi lễ).
- Nghi lễ được tổ chức tại nhà thầy cúng.
- Quy mô, phạm vi, thành phần tổ chức Nghi lễ Xé Pang Á gồm: thầy cúng, vợ của thầy cúng, thành viên trong gia đình thầy cúng, các con nuôi (con nuôi lâu năm và con nuôi ngắn hạn) thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều vùng khác nhau, họ hàng nội ngoại của thầy cúng, bà con dân bản.
* Công tác chuẩn bị
Xem ngày, chuẩn bị lương thực, thực phẩm: Khi đủ điều kiện về vật chất và tâm linh theo từng thầy cúng như: có thầy cúng sau khi làm lễ cho 5 đám tang tiễn đưa người chết, hoặc thấy trong người không khỏe, hoặc lâu rồi không tổ chức lễ, thần linh về nhắc thì họ sẽ xem ngày để tổ chức Nghi lễ; có thầy cúng cứ định kỳ hàng năm tổ chức lễ nhỏ, 2 năm tổ chức lễ lớn. Đồng thời chuẩn bị các lễ vật, đạo cụ, lương thực, thực phẩm để phục vụ nghi lễ và mời những người tham gia ăn cơm trong mấy ngày diễn ra nghi lễ, báo cho các con nuôi, mời họ hàng.
Ngày thứ Nhất: Chuẩn bị đồ lễ và tiến hành một số nghi lễ
* Lễ cúng mời tổ tiên (Tế ngặt đăm): Lễ này được tổ chức vào khoảng 6h chiều. Gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng gồm có: 01 con gà luộc, 01 cái bát, 02 chén rượu… Đặt tại góc thờ tổ tiên. Thầy cúng quỳ trước mâm lễ và khấn báo: Hôm nay là ngày đẹp trời, ngày lành tháng tốt, gia đình chuẩn bị làm Lễ Xé Pang Á, mời tổ tiên về dự lễ cùng các con cháu trong gia đình.
* Lễ cúng mời ma trời (Tế ngặt su un): Lễ này được thực hiện ở ngoài sàn phơi (Phi cang chán). Người Kháng quan niệm ma trời xuống tham dự nghi lễ thường xuống ngoài sàn phơi. Lễ vật cúng ma trời gồm có: 02 con gà còn sống (01 con trống, 01 con mái), đĩa trầu chay, 04 cái chén, 01 bát gạo ở giữa đặt quả trứng, 01 chiếc vòng bạc và thắp hai nén hương, 01 bát đựng nước và tăm, 01 chai rượu, 01 bộ bát đũa, 01 sải vải bông, dụng cụ cắt tiết gà, áo của tất cả thành viên trong gia đình thầy cúng. Tất cả lễ vật được đặt lên một chiếc mâm đan bằng tre, 02 con gà buộc chân, đặt xuống sàn. Lễ này do thầy cúng phụ thực hiện, được cúng làm hai lượt: Lượt thứ nhất: Cúng gà còn sống: Mời các vị ma trời về dự lễ; Lượt thứ hai: cúng gà luộc chín, đặt lên mâm lễ, thêm một 01 bát xôi, một bát canh: Thầy cúng khấn mời các vị ma trời về thụ hưởng lễ vật, cầu mong các vị ma trời phù hộ cho người nhà khỏe mạnh.
* Lễ cúng ma đất, ma nguồn nước (Tế ngặt ỏm, ngặt tia): Mâm lễ này được đặt dưới đất, cạnh nhà sàn của thầy cúng, hướng về phía rừng và nguồn nước. Lễ vật gồm có: 02 con gà còn sống (01 con trống, 01 con mái), đĩa trầu chay, 01 đĩa đựng 04 cái chén, 01 bát gạo ở giữa đặt quả trứng, 01 cái vòng bạc 01 bát đựng nước và tăm, 01 chai rượu, 01 bộ bát đũa, 02 sải vải, 02 vòng bằng lạt tre lồng vào nhau, 01 cành con ve và thắp hai nén hương. Tất cả lễ vật và áo của thầy cúng chính được đặt lên một chiếc mâm đan bằng tre, 02 con gà sống để trong lồng tre đặt bên cạnh. Lễ cúng này do thầy cúng phụ thực hiện, cúng hai lượt: Lượt thứ nhất: Cúng gà còn sống. Thầy cúng mời ma đất, ma nước về dự lễ cùng mọi người; Lượt thứ hai: Gà được luộc chín đặt lên mâm lễ, thêm một bát xôi. Thầy cúng mời các ma đất, ma nguồn nước về thụ lễ phù hộ cho gia đình làm lễ được may mắn.
Ngày thứ Hai: Các nghi lễ được chuẩn bị và tổ chức từ sáng sớm cho đến khuya. Từ sáng sớm chị em đã dậy đồ xôi, chuẩn bị các loại đồ lễ, chuẩn bị cơm trưa để mời mọi người đến dự lễ ăn...
- Chuẩn bị lễ vật và các đồ dùng phục vụ nghi lễ: Sau khi các lễ vật được chuẩn bị xong gia đình sẽ sắp xếp thành 03 mâm lễ:
+ Mâm thứ nhất (Pán cồ): Đây là mâm lễ của các con nuôi, gồm có: Gà đã luộc chín (từ 6-10 con), đầy đủ các loại rau, củ, quả luộc chín, mỗi loại một ít, 04 cái bát được làm bằng ống tre, 02 chén đựng rượu nếp cái, 02 bát nước canh, xôi nhiều màu được nắm thành từng nắm hoặc gói lá… Lấy lá chuối cuộn thành hình cái phễu để đậy lên từng loại đồ lễ. Mâm lễ này đặt cạnh cây Xặng bók.
+ Mâm thứ hai (Diên mún): Đây là mâm lễ của thầy cúng, gồm có: 02 con gà luộc chín, hoa gừng, hoa đu đủ, 02 gói lá đu đủ giã nhuyễn nướng, 08 nắm xôi các màu, 04 đôi đũa, 01 chén rượu nếp cái, 01 bát canh, 01 bát chéo, bí xanh luộc, bí đỏ luộc... Mâm lễ này đặt cạnh mâm lễ dưới bàn thờ. Mâm lễ này đồng thời để cúng nàng Han.
+ Mâm lễ chay đặt ở dưới ban thờ chính: 01 bát gạo, trên bát gạo đặt 01 chiếc vòng bạc trắng, ở giữa vòng bạc đặt một quả trứng gà sống, cắm 02 nén hương và 01 cây nến sáp ong; 04 chén rượu; 01 đĩa trầu và vỏ chay, 01 đĩa đựng 02 cái chén, khăn của thầy cúng. Là mâm lễ chính của thầy cúng trong suốt quá trình thực hành nghi lễ.
* Lễ cúng báo tổ tiên (Tế ngặt hóng): Lễ này được thực hiện khoảng 6h sáng, do thầy cúng chính thực hiện. Lễ này thường do bố đẻ của thầy cúng thực hiện, nếu bố đẻ mất rồi thì thầy phải cúng, được cúng làm hai lượt.
Lượt thứ nhất: Đặt mâm ở góc thờ ma nhà, đặt lên 4 chén rượu, 1 cái bát, 1 chai rượu, 1 con dao để cắt tiết gà; đặt cạnh mâm một con gà mái còn sống. Thầy cúng khấn báo cho tổ tiên biết hôm nay gia đình làm Lễ Xé Pang Á, xin phép tổ tiên cho mọi người được phép bắt đầu làm lễ và xin tổ tiên phù hộ cho gia đình và các con nuôi luôn khỏe mạnh. Khấn xong, thầy cúng xin phép tổ tiên được cắt tiết gà, đặt bát tiết lên mâm, mang gà đi mổ và luộc chín.
Thầy cúng ra đánh một hồi trống để báo hiệu cho con cháu, các con nuôi, bà con trong bản đã đến giờ làm lễ Xé Pang Á.
Lượt thứ hai: Khi gà chín, thầy cúng đặt lên mâm lễ cùng 01 bát xôi. Thầy lần lượt mời 4 người về thụ lễ gồm có: ông, bà, bố, mẹ của thầy cúng chính, thầy cúng vừa khấn, vừa lấy một ít xôi và thịt gà vê nhỏ đặt lên một miếng lá chuối để mời từng người.
Lúc này các con nuôi bắt đầu mang lễ vật đến và cùng với gia đình thầy cúng chuẩn bị đồ lễ. Tùy vào từng loại con nuôi thì họ sẽ mang lễ vật khác nhau: Quân Liệng và Quân Mướng.
* Dựng cây Xặng bók: Cúng báo tổ tiên xong, thầy cúng cử người mang cây Xặng bók cũ bỏ đi để chuẩn bị dựng cây Xặng bók mới. Cây Xặng bók mới được buộc vào cột nhà tại gian đặt bàn thờ (Thản á). Họ cắm các cành đã đính con ve vào các lỗ quanh cây tre theo hướng ngược lên trên và xòe ra; tiếp đến là trang trí các đồ như: Dải xương cá, quạt, quả còn, dương vật bằng gỗ, con sóc khô, rượu nếp cái được gói vào lá dong, hoa chuối, vài loại quả để làm đạo cụ phục vụ trò chơi… gần đỉnh cắm hai miếng gỗ hình tròn cách nhau khoảng 10cm, trên đỉnh được cắm bông hoa chuối gỗ; buộc 01 cây móc nhỏ, 02 cây chuối, 02 cây mía (01 cây mía trắng, 01 cây mía tím) và hai ống tre vào thân cây Xặng bók; quấn thêm vào cây Xặng bok mấy dây bò khai (được coi là thuốc nam để thầy cúng chữa bệnh và làm đạo cụ cho các trò diễn); đặt những chum rượu cần của gia đình thầy cúng và các con nuôi quanh chân cây Xặng bók. Cây Xặng bók được quan niệm là cây nối âm dương, để cho linh hồn của tổ tiên, các thần linh xuống trần gian và về trời. Cây Xặng bók là trung tâm diễn ra các hoạt động của nghi lễ. Dọn bàn thờ (Thản á) và vắt các loại khăn lên sào tre.
Khoảng hơn 8h sáng, dựng cây Xặng bók xong, chủ nhà đánh một hồi trống, chiêng báo hiệu bắt đầu vào phần nghi lễ chính của Lễ Xé Pang Á.
* Lễ gội đầu Pang: Đây là nghi lễ rất quan trọng đối với các con nuôi, để giữ linh hồn các con nuôi, không cho đi theo các thần linh về trời. Nghi lễ được thực hiện tại sân nhà thầy cúng. Thầy cúng tập trung lại các con nuôi lại, đưa cho mỗi người một nén hương, mọi người cắm hết hương xuống đất, tạo thành một vòng tròn lớn để bảo vệ hồn các con nuôi. Tất cả mọi người phải ngồi trong vòng tròn đó trong cả quá trình làm lễ, vợ chồng hai thầy cúng đứng giữa vòng tròn để thực hiện nghi lễ gội đầu. Các thầy cúng dùng cánh lá cây vẩy nước gạo lên đầu tất cả mọi người, hết vòng trong rồi đến vòng ngoài để xua đuổi tà ma, cái xấu, cho các con nuôi gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh.
* Lễ cúng sửa sai (tám khắp lui khắp bẹ): Lễ này để xin các thần linh bỏ quá cho nếu trong quá trình làm lễ gia đình có gây ồn ào, làm điều gì sai và mong phù hộ cho gia đình làm lễ. Lễ này được cúng ở mâm Pán cồ, đặt cạnh cây Xặng bók.
* Lễ cầu an (Trí bọp lúng ta): Lễ này sẽ do Lúng ta thực hiện (Lúng ta là hai vợ chồng ông cậu bên nội và hai vợ chồng cậu bên ngoại). Các Lúng ta làm lễ cầu chúc gia đình thầy cúng gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau lễ này, mọi người nghỉ ăn cơm trưa.
Buổi chiều: Khoảng 13h30, tiếp tục thực hiện các nghi lễ.
* Lễ cúng mời thần linh (gồm có: Ma thầy (tổ nghề), các loại ma giúp thầy cúng chữa khỏi bệnh cho mọi người và các con nuôi đã mất): Thầy cúng làm phép trừ tà ma, che trở, bảo vệ cho các con nuôi và những người tham gia nghi lễ không bị ma xấu nhập vào gây ốm đau bệnh tật. Sau đó mời các thần linh tập trung lại và làm phép mở cửa để lần lượt các thần linh theo thứ tự cấp bậc từ cao xuống thấp xuống để dự lễ cùng gia đình. Khi các thần linh xuống đầy đủ, thầy cúng báo hiệu cho mọi người cùng nhau múa Từn bu chào đón các thần linh xuống dự lễ.
* Múa Từn bu (múa ống tre): Điệu múa Từn bu được diễn ra tại gian giữa, dọc theo phần vách trước của ngôi nhà. Khi tiếng trống, chiêng nổi lên, hai bà vợ của thầy cúng cầm hai ống tre (2 ống tre này được buộc ở cây Xặng bók) dẫn dắt mọi người bắt đầu múa Từn bu. Những người tham gia múa Từn bu, tay phải cầm ống tre, tay trái vung lên theo nhịp điệu, nối tiếp nhau thành hàng đi theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa dỗ ống tre xuống ván gỗ theo nhịp 2/4 tạo ra âm thanh rộn ràng. Đi được mấy vòng thì tất cả cùng cất tiếng hò reo lên đổi vòng theo chiều ngược lại. Điệu múa Từn bu này sẽ diễn ra suốt trong quá trình làm lễ, tạo ra tiếng nhạc đệm rộn ràng cho nghi lễ.
Sau điệu múa Từn bu đón mừng các thần linh, các thầy cúng bắt đầu thực hành các trò diễn gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Tất cả các trò diễn và điệu múa trong các nghi lễ, thầy cúng đều phải cúng khấn xin phép các thần linh được tổ chức và báo cáo sau khi thực hiện xong.
* Trò diễn hút thuốc (lễ mời Xả Clảu hút thuốc): Xả Clảu là những người canh gác, bảo vệ cho lễ không bị ma xấu xâm nhập, thầy cúng sẽ cắt cử những Xả Clảu này canh gác không cho các ma xấu trà trộn vào quấy nhiễu và làm hại những người tham gia nghi lễ. Thầy cúng dùng mảnh lá chuối cuộn thành ống tượng trưng cho điếu thuốc và đốt một cây nến. Thầy cầm nến và ống lá chuối làm động tác châm thuốc để mời lần lượt các con nuôi và những người tham gia lễ hút thuốc. Mỗi người hút xong, làm động tác giả vờ say thuốc, thầy cúng dậm chân xuống sàn nhà một cái để đuổi ma xấu.
* Trò diễn kiểm đếm đồ lễ (Lễ mời Xen án kiểm đếm đồ lễ): Xen án là những người quản lý kiểm đếm đồ lễ. Thầy cúng ngồi trước ban thờ chính khấn để mời Xen án kiểm đếm xem đã đủ lễ vật chưa. Kiểm đếm xong, người giúp việc đưa gà luộc trên mâm lên cho thầy cúng ngửi và lấy một chút rau cho thầy cúng ăn thể hiện sự hài lòng.
* Các con nuôi (Quân Mướng) dâng lễ mời nàng Han: Nàng Han là người giúp thầy cúng chữa bệnh cho những người sinh nở khó khăn.  Mâm lễ cúng nàng Han chính là mâm lễ của thầy cúng (Diên mún), ngoài các đồ lễ phải có 2 nắm lá đu đủ nướng (đây là món ăn mà nàng Han yêu thích và cũng là thuốc để chữa bệnh cho những người sinh nở khó). Mâm lễ được đặt cạnh cây Xặng bók, phía bên bàn thờ chính. Thầy cúng khấn nàng Han cầu mong chữa bệnh cho những người sinh nở khó, thầy khấn xong tất cả các con nuôi quỳ lạy Nàng Han ba lạy.
* Các con nuôi (Quân Liệng) dâng lễ mời nàng Han: Khi các con nuôi (Quân Mướng) lạy nàng Han xong, thầy cúng xin phép cho các con nuôi (Quân Liệng) được dâng lễ mời nàng Han (gọi từng lượt 5 người một lần).
* Múa khăn mừng nàng Han: Các thầy cúng lấy khăn vắt ở trên sào đưa cho các con nuôi và vợ (vợ thầy cúng cầm khăn piêu, Quân Mướng cầm khăn trắng, Quân Liệng cầm khăn màu). Các con nuôi quàng khăn qua cổ, cầm hai đầu khăn và múa vung khăn lên, xuống theo điệu nhạc của tiếng chiêng, trống và Từn bu. Hai thầy cúng, thầy pí dẫn đầu đi thành vòng tròn múa quanh cây Xặng bók, vòng quanh ván múa Từn bu, quay lại múa quanh cây Xặng bók, kết thúc dâng múa cho thần linh tại ban thờ.
* Trò diễn múa kiếm (Lễ cúng cho đội quân hùng mạnh)
Là lễ đuổi tà ma xấu ở trong nhà để bảo vệ mọi người tham gia lễ và cúng cho đội quân của thầy hùng mạnh. Thầy cúng phát cho các con nuôi mỗi người một thanh kiếm gỗ, cử 02 người cầm hai con rồng gỗ, 02 người cầm hai con chim cu gáy, tất cả đều được gắn nến ở đầu con rồng, chim, mũi kiếm, mọi người cùng châm lửa đốt nến để chuẩn bị múa kiếm đuổi tà ma. Tiếng trống, chiêng nổi lên, một số người múa Từn bu để tạo tiếng nhạc rộn ràng. Tất cả con nuôi cùng thầy cúng tập trung trước ban thờ, cầm kiếm giơ cao về phía bàn thờ. Thầy cúng khấn đuổi tà ma, rồi tất cả mọi người di chuyển sang cây Xặng bók, đứng vòng quanh, cầm kiếm giơ cao hướng về cây Xặng bók và khấn đuổi tà ma không cho hồn những người tham gia nghi lễ leo lên cây Xặng bók. Thầy cúng dẫn đầu, các con nuôi đi theo, cầm kiếm chỉ xuống và đi vòng quanh ván gỗ, vừa đi vừa khấn đuổi tà ma cho những người múa Từn bu không bị ma xấu làm hại. Họ tiến về bàn thờ, thầy cúng và các con nuôi bỏ nến trên kiếm và trên con rồng, con chim cu gáy xuống, cầm kiếm đứng trước bàn thờ chính và khấn, vừa khấn vừa làm động tác giơ kiếm cao về phía ban thờ. Sau đó, di chuyển đến cây Xặng bók, rồi di chuyển thành hàng đi vòng quanh nhà, xung quanh ván Từn bu, kết thúc dâng múa cho thần linh tại ban thờ.
Suốt thời gian thầy mo và các con nuôi diễn trò, mọi người vẫn thổi pí, đánh trống, chiêng và múa Từn bu rộn ràng, sôi động để phụ họa cho nghi lễ.
* Quân Liệng dâng lễ cho ma thầy: Thầy cúng khấn mời ma thầy về thụ lễ, rồi nhận lễ của các Quân Liệng dâng lên. Quân Liệng lần lượt dâng lễ (gà luộc) cho thầy. Thầy cúng chính nhận đồ lễ, chia chân và đầu gà cho thầy pí, gan gà cho vợ thầy, một nửa con gà cho Quân Liệng, mời Quân Liệng một chén rượu và khấn cho con nuôi khỏe mạnh.
* Trò diễn người bị tai điếc: Là trò diễn mô phỏng người bị bệnh và chữa bệnh cho người bị tai điếc. Thầy cúng mời người đánh trống, đánh chiêng chuyên chữa các bệnh tai điếc về thụ lễ. Thầy cúng tay cầm cái mề gà, tay cầm quạt giả làm động tác đánh chiêng, vợ thầy cúng cầm đàn Le plúng đi theo sau. Thầy cúng đi đến từng con nuôi, đưa mề gà lên tai, lấy cán quạt gõ vào mề gà làm động tác đánh chiêng ra hiệu có nghe thấy không, con nuôi làm trò lắc đầu báo hiệu không nghe thấy, thầy cúng lấy cán quạt ngoáy tai cho con nuôi và tiếp tục làm động tác đánh chiêng, con nuôi gật đầu báo hiệu đã nghe thấy thì thầy cúng tiếp tục sang người khác. Thầy cúng lần lượt diễn trò với từng người tham gia lễ.
* Trò diễn bắn sóc: Là trò diễn mô phỏng cảnh săn bắn thú rừng phá hoại mùa màng. Thầy cúng đeo túi đựng hạt ngô bên hông, cầm súng bắn sóc đứng trước cây Xặng bók, vừa khấn, vừa lấy hạt ngô làm đạn cho vào súng đưa lên và bắn vào con sóc khô đang được treo trên cây Xặng bók. Sau đó, đưa cho mọi người lần lượt diễn trò bắn sóc, ai bắn trúng con sóc thì được mọi người vỗ tay tán thưởng, ai không bắn trúng sẽ bị phạt một chén rượu.
* Quân Mướng dâng lễ ma thầy (múa lợn lần 1): Quân Mướng mang lợn đến, thầy cúng đưa cho mỗi người một cái khăn, đặt lợn (đã luộc chín) vào khăn và đeo lên vai, hai tay bế lợn trước ngực. Thầy cúng mời thần linh hưởng lễ của các con nuôi dâng lên, rồi cùng vợ và các thầy pí dẫn đầu, các con nuôi bế lợn đi theo sau, mọi người cùng nhau nhún nhảy theo điệu nhạc của pí, trống, chiêng và Từn bu, nhảy múa quanh cây Xặng bók, quanh tấm ván Từn bu, quay lại đi quanh cây Xặng bók, kết thúc múa dâng lễ cho thần linh tại ban thờ.
* Lễ cúng cho thầy cúng (Lễ Diên mún): Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng bảo vệ linh hồn của mình. Vợ thầy cúng bê mâm lễ đưa vòng trên đầu thầy cúng nhiều vòng, thầy lắc lư đầu nhận lễ. Thầy cầm kiếm khấn xin các thần linh giúp sức. Khấn xong, thầy đưa lưỡi kiếm vào miệng, đặt 4 chén rượu lên thanh kiếm, lần lượt uống từng chén rượu rồi để chén rơi tự do xuống sàn nhà. Nếu 4 chén đều ngửa hết, úp hết, nghiêng hết; hoặc đồng nhất theo cặp: 2 chén ngửa - 2 chén nghiêng, 2 chén ngửa - 2 chén úp, 2 chén nghiêng - 2 chén úp là được, coi như được thần linh chấp nhận giúp sức. Nếu chưa được thì vẫn tiếp tục uống cho tới khi được thì mới thôi. Thầy cúng chính uống xong đến lượt vợ của thầy rồi đến lượt hai vợ chồng thầy cúng phụ, cứ uống và “gieo quẻ” bằng chén rượu như thế cho tới khi nào được mới thôi.
Thầy cúng chính châm nến làm bằng sáp ong, đưa cho vợ cầm hơ lên trên đầu 4 vòng (ý là rửa mặt, trừ tà ma), đưa vào miệng thầy nuốt lửa (2 lần). Vợ thầy lại tiếp tục đốt 10 cục bông gắn trên 1 chiếc que nhỏ, thầy nuốt lửa trên từng cục bông một. Vợ thầy cúng phụ cũng đốt que gắn 10 cục bông cho thầy cúng phụ nuốt lửa.
Thầy cúng chính rót 2 chén rượu đầy, vợ thầy cầm 1 nhánh hoa đu đủ nhúng vào chén, đốt lên cho thầy cúng nuốt lửa (tăng thêm sức đề kháng cho thầy, để chữa bệnh cho các con nuôi). Thầy làm 3 lần rồi chuyển cho vợ chồng thầy cúng phụ làm như thế 4 lần, trong lúc thầy cúng phụ nuốt lửa thì thầy cúng chính đọc lời khấn.
Vợ thầy cúng chính lấy ở mâm đồ lễ mỗi thứ một ít bón cho thầy ăn: thịt gà, rau, quả, xôi, thịt, cá nướng, rượu, canh… ăn uống đủ hết các món trên mâm. Thầy cúng chính ăn xong, vợ thầy cúng phụ cũng bón cho chồng như vậy. Thầy cúng phụ ăn xong thì bê mâm lễ cất đi. Lễ cúng bảo vệ linh hồn của thầy kết thúc.
* Lễ cúng làm phép cho Quân Liệng: Các con nuôi này trước kia bị bùa chài đến xin thầy làm phép chữa khỏi, nay đến xem số mình có được vận may mắn không. Thầy cúng chính thực hiện nghi lễ, thầy ngồi quay lưng lại bàn thờ chính, mỗi con nuôi đến ngồi cạnh thầy, dâng lễ một con gà luộc. Thầy lần lượt ngửi gà để nhận lễ, chia cho con nuôi một nửa con, rồi rót 4 chén rượu đặt lên thanh kiếm cho con nuôi uống. Họ lần lượt uống từng chén rượu, để cho chén tự rơi xuống sàn, khi 4 chén ngửa hết, úp hết, nghiêng hết; hoặc đồng nhất theo cặp: 2 chén ngửa - 2 chén nghiêng, 2 chén ngửa - 2 chén úp, 2 chén nghiêng - 2 chén úp là được, coi như may mắn.
* Múa Lếch kéc (Xe lếch kéc): Là điệu múa tạo âm thanh vui nhộn chủ yếu để làm các vị thần linh vui. Hai đội nam (mỗi người cầm 2 đoạn ống tre dài khoảng 20 cm gõ vào nhau) và nữ (mỗi người cầm 1 chiếc đàn tre Pẳng cơng dơng để múa theo tiếng gõ của ống tre và nhịp trống, chiêng). Thầy cúng lắc chuông dẫn đầu, vừa đi vừa hát khấn, vợ thầy đi sau đánh đàn Le plúng, nhún nhảy theo nhịp trống, chiêng, dẫn mọi người đi thành vòng tròn giữa nhà, quanh tấm ván múa Từn bu, quanh cây Xặng bók, kết thúc dâng múa cho thần linh tại ban thờ.
* Múa chọc lỗ tra hạt (Xe Chắt kỵ): Điệu múa mô phỏng hoạt động làm nương rẫy. Tốp nam cầm gậy, tốp nữ đeo giỏ. Thầy cúng lắc chuông dẫn đầu, vừa đi vừa hát khấn, vợ thầy đi sau đánh đàn Le plúng, nhún nhảy theo nhịp trống, chiêng, tốp nam, nữ theo sau mô phỏng động tác chọc lỗ, tra hạt, đi thành vòng tròn giữa nhà, vòng quanh ván Từn bu, quay lại giữa nhà chia thành hai hàng nam và nữ đứng đối diện nhau mô phỏng động tác trọc lỗ, tra hạt, kết thúc dâng múa cho thần linh tại ban thờ.
* Múa khăn (Xé Clơ guông): Điệu múa khăn được thực hiện 04 lần: Lần 1 đón rước các thần linh, đón Nàng Han; lần hai: Múa mừng các thần linh, nàng Han, giống lần 1.
* Múa khâu cằm: Là điệu múa chữa bệnh cho những người bị thủng cằm nên không biết nói, ăn không biết no. Thầy cầm quạt, chuông rung lên, vợ thầy đi theo sau, vừa đi vừa gõ đàn Le plúng. Tốp nữ múa quàng khăn, buông hai đầu khăn xuống phía trước ngực, ngồi thành vòng tròn ở giữa nhà. Thầy cúng cầm kim chỉ, cầm hai mép khăn gần cổ của những cô gái, làm động tác khâu cằm cho từng người, vợ thầy vẫn đi theo sau, gõ đàn. Khâu xong, hai vợ chồng thầy cúng dẫn múa, các cô gái vừa đi vừa vung khăn, theo vòng tròn giữa nhà, vòng quanh cây Xặng bók, vòng quanh ván Từn bu và kết thúc dâng múa trước bàn thờ.
* Múa quạt, múa mẹt (Xé lơi, xé pộ): Điệu múa cầu mùa, mừng được mùa. Thầy cúng chính cầm quạt, chuông rung lên, vợ thầy đi theo sau, vừa đi vừa gõ đàn Le plúng. Tốp nữ cầm quạt, cầm mẹt, múa động tác mô phỏng sàng gạo, quạt thóc. Vợ chồng thầy cúng dẫn tốp múa thành vòng tròn giữa nhà, vòng quanh cây Xặng bók, vòng quanh ván múa Từn bu và kết thúc điệu dâng múa trước ban thờ.
* Múa lấy củi, hái rau (Xé en xe, xé tạt la): Điệu múa mô phỏng việc hái lượm. Tốp nữ múa đeo những chiếc gùi nhỏ, một tay cầm một bó lá chuối, một tay cầm bó que tượng trưng cho bó củi. Thầy cúng giơ quạt, chuông lên cao và rung, vợ thầy đi sau đánh đàn Le plúng, tốp múa đi theo múa mô phỏng động tác lấy củi, hái rau. Đi theo vợ chồng thầy cúng thành vòng tròn giữa nhà, vòng quanh cây Xặng bók, vòng quanh tấm ván Từn bu và kết thúc điệu dâng múa trước ban thờ.
* Múa phồn thực (Xé khe báo ké): Điệu múa này của những người đàn ông bị ế vợ khi chết lên trên thiên đình, được mời xuống múa. Thầy cúng tháo 2 chiếc dương vật gỗ (lăm pe) ở trên cây Xặng bók xuống, cầm 1 chiếc, đưa cho người con trai 1 chiếc; lấy 2 cây chuối đưa cho 2 người con trai khác; tốp nữ quàng khăn vải khuýt. Thầy cúng dẫn đầu, vừa đi, vừa hát khấn, múa lăm pe, vợ đánh đàn Le plúng đi sau, tiếp theo là 3 người con trai cầm lăm pe và cây chuối vừa đi vừa múa, những người phụ nữ vừa múa khăn vừa đùa với những người đàn ông cầm lăm pe. Tốp nam nữ múa và theo vợ chồng thầy cúng đi quanh cây Xặng bók, thành vòng tròn giữa nhà, đi quanh tấm ván Từn bu và kết thúc dâng múa trước ban thờ.
* Trò diễn người mù, người què đi hái quả: Trò diễn chữa bệnh cho người mù, người què và tạo sự hài hước, vui vẻ trong nghi lễ. Cử hai người cầm hai đầu cây gậy, ở giữa gậy buộc một loại quả. Thầy cúng thực hiện trò diễn trước, thầy chống gậy, đi tập tễnh đến chỗ treo quả, giơ tay về phía trước để hái quả. Thầy tiếp tục lấy khăn bịt mắt làm trò giả người mù đi hái quả, cũng làm động tác tương tự như trên. Thầy thực hiện trò diễn xong thì thanh niên nam, nữ chia thành hai đội, một bên nam, một bên nữ đứng đối diện nhau, hai người cầm gậy treo quả đứng giữa. Hai đội lần lượt cử một nam, một nữ tham gia chơi trò diễn, nếu ai hái được quả sẽ thắng, người hái trượt sẽ thua và bị phạt một chén rượu.
* Trò diễn ném còn (Tọl cón): Trò diễn để tạo sự vui vẻ cho các vị thần linh cũng như người tham gia nghi lễ. Thầy cúng lấy mề gà đã luộc chín làm quả còn. Thầy cầm túm mề gà đi ra trước đến cây Xặng bók, vừa đi vừa hát khấn, lấy quạt đánh vào túm mề gà, vợ thầy đi sau gõ đàn Le plúng. Ở giữa nhà, có hai đội nam và nữ ngồi thành hai hàng đối diện nhau chuẩn bị diễn trò tung còn. Thầy cúng đến trước đội nam, ngồi xuống gỡ từng mề gà ra tung hết sang bên đội nữ, rồi thầy đứng dậy. Vợ thầy cũng ngồi trước đội nam, tung vài quả rồi đứng dậy, hai vợ chồng thầy rung chuông và gõ đàn trong suốt cuộc chơi. Hai đội bắt đầu tung còn (bằng mề gà) cho nhau. Trò chơi này quy định chỉ được bắt một tay, ai không bắt được hoặc bắt bằng 2 tay thì bị phạt phải uống một chén rượu.
* Quân Mướng dâng lễ ma thầy lần 2 (múa lợn lần 2): Lễ này diễn ra như lần 1.
* Múa khăn (lần 3): Diễn ra như lần 1, 2.
* Trò diễn múa kiếm (Xe cháu): Điệu múa này có ý nghĩa dồn kiếm lại, tạo sức mạnh cho các vị thần linh, là các đội quân: các loại ma tốt phù hộ, chữa bệnh cho mình để họ bảo vệ đất nước, không được ai xâm chiếm đất nước, lãnh thổ của mình. Thầy cúng lấy kiếm trên bàn thờ phát cho vợ, các con nuôi, trai, gái, dâu, rể, cháu. Thầy cúng dẫn múa, đứng vòng quanh cây, cùng hướng kiếm vào cây Xặng bók, xoay vòng quanh cây, đi ra giữa nhà, múa xoay thành vòng tròn, quay lại đi quanh cây Xặng bók, mọi người ngồi xuống, cúi lạy và dâng kiếm lên thần linh, rồi đứng lên, cầm chúc mũi kiếm xuống tiếp tục dâng kiếm. Kết thúc dâng kiếm lên thần linh ở ban thờ.
* Trò diễn Khỉ đánh trống (Xa tặp cúng): Trò diễn mang tính chất hài hước, vui vẻ, dâng lên thần linh trò diễn miêu tả hoạt động sinh hoạt, thiên nhiên. Thầy dẫn đầu trò diễn, vừa đi vừa rung chuông, theo sau là 4 thầy pí vừa đi vừa thổi, di chuyển từ cây Xặng bók đến trước chỗ treo trống, đứng lại thành một hàng quay mặt vào chỗ người đánh trống. Thầy cúng phụ đóng giả con khỉ diễn trò đánh trống, thầy cúng phụ diễn trò say sưa, điêu luyện. Thầy cúng chính và các thầy pí rung chuông và thổi pí liên tục, cổ vũ cho trò diễn. Trò này diễn ra khoảng 5 phút là kết thúc, thầy cúng chính và các thầy pí di chuyển về bàn thờ chính báo cáo các thần linh đã diễn xong trò.
* Trò diễn con rùa đi ăn mộc nhĩ (bồ tầu tú dùn đạc): Trò diễn mang tính chất vui vẻ, dâng lên thần linh trò diễn miêu tả hoạt động sinh hoạt, thiên nhiên. Thầy cúng dẫn trò, ông thắt thêm một chiếc khăn vào eo, tay phải cầm quạt và chuông rung liên tục, tay trái cầm tai từng người thể hiện việc hái mộc nhĩ, vừa hát khấn, đầu tiên là với các thầy pí, sau đó đi đến từng người một. Người được cầm tai sẽ đưa cho thầy Pí 1 vật gì đó (mảnh lá cây, mẩu tre, giấy...) vào tay hoặc dắt luôn vào chiếc khăn thắt ở eo thầy cúng thể hiện là hái được mộc nhĩ, thầy sẽ bỏ tay ra và đi sang người khác, ai không đưa gì cho thầy thì thầy sẽ cầm tay người đó cho đến khi hát hết một bài cúng mới chuyển sang người khác. Cứ như vậy, thầy diễn trò với tất cả mọi người có mặt tham dự lễ thời điểm đó. Kết thúc thầy về đứng cạnh cây Xặng bók, vẩy một ít rượu cần mời thần rùa uống ban thờ chính báo cáo thần linh đã diễn xong trò rùa ăn mộc nhĩ.
* Trò diễn con ve sầu uống rượu (bồ chằn long tú ỏm): Trò diễn mang tính chất miêu tả về thiên nhiên, bảo vệ môi trường, các con vật được người Kháng coi trọng. Thầy cúng đứng cạnh cây Xặng bók, vừa khấn vừa dùng tay nhúng vào chum rượu cần vẩy ra xung quanh mời những con ve sầu uống rượu.
* Trò diễn con gà rừng tìm ăn thóc (bồ diên ly lóng xẹt tù ngua): Trò diễn mang tính chất miêu tả về thiên nhiên, bảo vệ môi trường, các con vật được người Kháng coi trọng. Thầy cúng giơ hai chiếc chân gà lên phía ban thờ khấn xin các thần linh cho diễn trò gà rừng tìm ăn thóc. Thầy cầm hai chiếc chân gà di chuyển từ  ban thờ chính đi vòng quanh cây Xặng bók, vòng đầu lấy chân gà cào cào cho bã rượu cần rơi ra, vừa cào vừa hát khấn. Vòng thứ hai, thầy cúng ngồi xuống, làm động tác cho 2 chân gà cào vào nhau trên sàn nhà, thầy cúng vừa di chuyển vừa bắt chước tiếng gà kêu: Cục cu, cục cục cục cục... cứ thế, di chuyển từng đoạn cho đến hết vòng.
* Trò diễn con gấu ăn cây chuối (sa lóng tù lâm la): Trò diễn mang tính chất mô phỏng về thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thầy cúng giả làm gấu lấy cây chuối được buộc ở cây Xặng bók, bóc bẹ cây chuối để mô phỏng động tác gấu ăn cây chuối. Trong lúc thầy cúng làm động tác mô phỏng gấu ăn cây chuối thì một người vẩy nước rượu cần cho gấu uống. Thầy bóc hết vỏ, còn phần lõi cây chuối dựng trở lại cạnh cây Xặng bók.
* Trò diễn con rắn hổ mang ăn rau rừng (bồ măn tù long hac): Trò diễn mang tính chất mô phỏng về thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thầy cúng di chuyển ra cây Xặng bók lấy một đoạn dây bò khai trên cây Xặng bók, đặt xuống đất, cầm một đầu dây, cúi khom người, kéo vòng quanh cây Xặng bók, vừa đi vừa kêu “eo, eo” để mô phỏng động tác con rắn hổ mang bò. Thầy đi hết một vòng quanh cây Xặng bók, sau đó vặt lá, xé từng mảnh chia cho mọi người (mỗi người được coi là một con rắn), mọi người há mồm ra ngậm lấy lá để mô phỏng động tác con rắn hổ mang ăn rau rừng.
* Trò diễn khỉ ăn hoa chuối (sa tù đúa): Trò diễn mang tính chất mô phỏng về thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thầy cúng lấy chiếc hoa chuối đang treo trên cây Xặng bók. Thầy đi quanh cây Xặng bók một vòng, vừa đi vừa bóc bẹ hoa chuối, vừa bắt chước tiếng khỉ kêu “Woa, woa”, hết vòng, thầy bóc hoa chuối vừa chia cho mọi người ăn, với ngụ ý chia cho đàn con cùng ăn, vừa hát cúng.
* Trò diễn Sói ăn thịt thú rừng (chua ni tú nửa): Vợ thầy cúng cắt sẵn một đĩa thịt gà (giả làm thịt thú rừng), thầy cúng làm chó sói đầu đàn, bắt được thú rừng chia cho cả đàn ăn. Thầy vừa hát cúng vừa chia thịt thú rừng cho mọi người, từ thầy cúng phụ, đến các thầy pí, những người có mặt dự lễ vào thời điểm đó.
Nghi lễ của ngày thứ hai kết thúc.
Ngày thứ 3 (từ 5h sáng)
* Quân mướng dâng lễ ma thầy (múa lợn lần 3): Nghi lễ diễn ra như lần 1 và 2.
* Múa khăn (lần 4): Diễn ra giống lần 1, 2, 3.
* Trò diễn thuồng luồng xuống uống nước: Trò diễn mang tính chất mô phỏng về thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Thầy cúng miệng ngậm quả trứng, lấy một cái dây buộc vào đầu ống tre dài khoảng 1,2m kéo đi, vừa đi vừa giả tiếng kêu của con thuồng luồng. Thầy di chuyển xung quanh nhà, vòng quanh cây Xăng bók.
* Mời thần linh ăn cơm: Hai vợ chồng thầy cúng thực hiện nghi lễ này. Mâm lễ được đặt ở giữa nhà, gồm: Canh, xôi, rau luộc, cá khô, rượu. Đầu tiên thầy cúng mời Xả Clảu, báo cáo với Xả Clảu nghi lễ diễn ra an toàn, không xảy ra vấn đề gì. Báo cáo xong, thầy mời rượu Xả Clảu.
* Cúng cho các thành viên trong gia đình: Lễ cúng này để cầu mong các thần linh phù hộ cho mọi người trong gia đình thầy cúng, các con nuôi, những người tham gia nghi lễ được khỏe mạnh, không bệnh tật, bảo vệ linh hồn của mọi người không theo các thần linh về trời. Gia đình đặt 01 mâm dâng sớ (Pan chom men) ở giữa nhà. Gồm có: xôi, rượu, canh, rau luộc, cá khô... đặt lên một chiếc ghế mây; đặt thêm 02 mâm tương tự ở bên cạnh. Vợ chồng hai thầy cúng, thầy pí, các con cháu của thầy cúng ngồi tập trung tại mâm dâng sớ, các con nuôi tập trung ở hai mâm lễ còn lại để dâng lễ.
Thầy cúng làm lễ xong, mọi người (các con nuôi, con trong gia đình thầy) cùng nhau trộn hết các loại thức ăn có trên mâm vào một bát to, hò nhau ăn hết bát trộn đó. Mọi người phải ăn thật nhanh, nếu không ăn hoặc ăn chậm, không ăn hết, thầy cúng sẽ phạt bằng cách đổ rượu vào bát rồi bắt ăn hết. Họ quan niệm phải ăn hết thì mới khỏe mạnh, may mắn. Đổ rượu vào thức ăn rất khó ăn nên mọi người đều phải hò nhau ăn thật nhanh cho hết.
* Lễ tiễn thần linh về trời: Vợ chồng hai thầy cúng, các thầy pí tập trung hết con nuôi, con của thầy cúng đứng xung quanh cây Xặng bók. Thầy cúng vừa khấn vừa dùng các cần rượu đan thành phên đặt trên các bình rượu cần, sau đó dẫn điệu múa khăn. Điệu múa khăn này để đưa tiễn các vị thần linh về trời nên diễn ra hết sức sôi động trong tiếng chiêng, trống, từn bu. Múa xong mọi người đặt chiêng, dùi đánh chiêng, sáo lên phên được đan bằng cần trúc trên các chum rượu cần. Mọi người tập trung quanh cây Xặng bók, mỗi người cầm một đầu cần rượu. Hai thầy cúng đi xung quanh và khấn tiễn thần linh. Thầy cúng khấn xong mọi người cùng nhau hô vang và nâng cần rượu lên nhiều lần để tiễn thần linh về trời.
* Lễ chặt mía chia lộc cho mọi người: Các con nuôi tập trung quỳ trước cây Xặng bók. Thầy cúng vừa khấn vừa chặt mía bắn ra xung quanh để chia lộc cho mọi người. Con cháu ngồi xung quanh cùng nhau thụ lộc, ai nhặt được nhiều khúc mía hơn người đó được may mắn hơn, nên ai cũng muốn nhặt được nhiều khúc mía, mọi người cùng nhau ăn mía để được may mắn.
* Giá trị của di sản
Nghi lễ Xé Pang Á được tổ chức mang tính chất cầu an. Là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng, các thần linh đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình. Đồng thời Nghi lễ Xé Pang Á còn mang tính nhân văn, cộng đồng cao, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc tỉnh.
Các trò diễn dân gian trong nghi lễ phản ánh rõ nét tín ngưỡng liên quan đến việc chữa các loại bệnh, các thao tác trong sản xuất nông nghiệp, hái lượm, săn bắt thú rừng, môi trường, thiên nhiên. Đồng thời phản ánh ước muốn của người dân cầu mong được khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giáo dục con người đoàn kết, hướng thiện.
Nghi lễ Xé Pang Á cho thấy vai trò của thầy cúng như: liên kết và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng; là thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho dân; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người...
Nghi lễ Xé Pang Á thể hiện mối quan hệ trong cộng đồng, tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, dân tộc, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần, nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau, nên vợ nên chồng.
Nghi lễ Xé Pang Á bảo lưu được những nét văn hóa tộc người như: ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian: diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, diễn trò... của người Kháng. Nghi lễ còn phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú của người Kháng.
Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng:
Nghi lễ Xé Pang Á của người Kháng tỉnh Sơn La được tổ chức hàng năm hoặc 2-3 năm/lần mang tính cộng đồng cao, được duy trì theo lối truyền thống, được đông đảo bà con ủng hộ. Nghi lễ còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, mọi người khỏe mạnh, đoàn kết xây dựng bản mường yên vui no ấm; Cũng là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình.
Nghi lễ Xé Pang Á được tổ chức tạo sự vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh, là dịp để các con nuôi thể hiện được lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, biết ơn đối với thầy cúng, các vị thần linh đã chữa khỏi bệnh cho mình. Duy trì Nghi lễ Xé Pang Á trong cộng đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.
- Nghi lễ Xé Pang Á góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa nghệ thuật:
* Các trò diễn: Mô phỏng và chữa các loại bệnh tật, các thao tác về sản xuất nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, bảo vệ mùa màng, bảo vệ thiên nhiên, cầu mùa…để nhắc nhở các con nuôi về việc nhớ ơn người chữa bệnh, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời tạo ra tiếng cười vui vẻ, thoải mái cho những người tham gia lễ hội, tạo sự gần gũi, xua tan đi nỗi mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, cho tinh thần con người được thăng hoa.
* Các điệu múa: Tạo không khí vui vẻ cho các vị thần linh, những người tham gia nghi lễ, đồng thời phản ánh nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của cộng đồng người Kháng: Múa Từn bu, múa khăn, múa kiếm, múa phồn thực...
- Lễ vật cũng như trình tự, thủ tục, nội dung của Nghi lễ Xé Pang Á tương đối đơn giản, ngoài mâm lễ chính chủ nhà chuẩn bị để cúng thần linh, hồn chủ nhà thì mâm lễ của các con nuôi không quy định bắt buộc, tùy tâm và điều kiện hoàn cảnh gia đình mà dâng lễ, không đòi hỏi mâm cao cỗ đầy. Mỗi nội dung trong phần lễ, thầy cúng đều cúng khấn mong muốn các vị thần linh chuyên trị các loại bệnh về hưởng lễ con nuôi dâng để chữa khỏi các loại bệnh cho con người, hạn chế nạn hữu sinh vô dưỡng, dạy cho con người hướng thiện, giáo dục những điều tốt đẹp, dạy cho con người cách làm nông nghiệp, chăm chỉ chịu khó thì mùa màng mới bội thu, dạy cho con người biết bảo vệ thiên nhiên, thú rừng đồng thời răn đe các con vật không được phá hoại mùa màng.
Nghi lễ Xé Pang Á vẫn được cộng đồng người Kháng ở các huyện duy trì đều đặn trong cộng đồng, là một tín ngưỡng không thể thiếu đối với những người làm nghề mo chang, những người bị bệnh, bà con dân bản. Ngày nay, do cuộc sống đầy đủ hơn nên các lễ vật của thầy mo cũng như các bữa cơm mời người thân, dân bản cũng đầy đặn hơn, việc tổ chức Nghi lễ Xé Pang Á không bị trì hoãn bởi sự khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm như trước đây nữa. Nghi lễ Xé Pang Á đang được bảo tồn rất tốt, không có nguy cơ bị mai một trong cộng đồng người Kháng.
Nghi lễ Xé Pang Á được cộng đồng người Kháng tại các bản, xã của 03 huyện: Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mường La cam kết bảo vệ, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục quốc gia tại Quyết định số 470/QĐ-BVHTTDL ngày 06/3/2023.
Các lễ hội khác