Lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú
Sơn La, Việt Nam
27/06/2024→27/06/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Khơ mú
Người Khơ Mú có nhiều nghi lễ quanh năm, đặc biệt là các nghi lễ về nông nghiệp mang bản sắc tộc người rõ nét. Đầu năm, sau Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên để xin gieo hạt được tổ chức tổ chức tại các gia đình. Sau khi cúng xin tổ tiên, mỗi gia đình lên nương cúng hồn mẹ lúa để cầu mong được mùa và cúng cầu mưa.
Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống sản xuất và văn hóa tinh thần của người Khơ Mú. Trước kia người Khơ mú không ăn tết Nguyên Đán, lễ cơm mới mặc dù tổ chức trong quy mô gia đình nhưng lại được xem như tết vui nhất của đồng bào. Tầm tháng 8, tháng 9 dương lịch (tức tháng 10 lịch Thái), khi lúa chuyển sang màu vàng rộ, trước khi thu hoạch vụ mới là thời điểm mà bà con tiến hành nghi lễ này, để cảm ơn tổ tiên cho hưởng một mùa màng tươi tốt, con cháu hội tụ, báo với tổ tiên về mùa vụ đã đến ngày thu hoạch, dâng cúng sản phẩm nông nghiệp mới và cầu phúc, sức khỏe cho gia đình, cầu mong cho ông bà tiếp tục phù hộ cho năm mới được mùa.
Nghi lễ diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản. Chỉ những gia đình nào có bàn thờ bố mẹ mới được tổ chức cơm mới (tức là bố mẹ đã mất). Vì vậy, đến ngày nay, con cháu thường tập trung về nhà bố mẹ để tham dự nghi lễ cúng ông bà, đoàn tụ gia đình. Nếu gia đình nào có nhiều con trai thì khi bố mẹ mất, tất cả những người con trai đều được tổ chức nghi lễ mừng cơm mới.
Khi các gia đình chuẩn bị tổ chức nghi lễ Mừng cơm mới, ông chủ nhà chọn ngày đẹp. Chỉ trừ những ngày mất của bố, mẹ, còn lại các ngày trong tháng đều được tính là ngày đẹp. Người Khơ Mú tính theo lịch riêng, chênh lên 02 tháng so với dương lịch. Mỗi tháng có 30 ngày, thì lịch cứ lặp lại 10 ngày/lần theo hệ can, chi, nên mỗi tháng sẽ có đến 3 ngày cúng bố, 3 ngày cúng mẹ.
          Sau đó gia đình chuẩn bị lễ vật để mừng cơm mới. Lễ vật khá đơn giản,  gồm 1 con gà, 1 con vịt; các loại hoa quả, rau, măng ở trên nương, dưới ruộng, mùa nào thức ấy chế biến để dâng lên tổ tiên, ông bà và để con cháu ăn mừng cơm mới. Nhà nào có điều kiện thì có thể mổ thêm lợn. Mỗi gia đình thường chuẩn bị vài hũ rượu cần để dâng lên tổ tiên và uống trong ngày lễ. Một loại lễ vật không thể thiếu đó là những bó lúa mới và gạo cốm mới.
          Từ buổi chiều hôm trước, các con cháu đã đi lấy các loại rau, nhốt gà, lợn, vịt để sáng hôm sau mổ. Tối đến chị em ngâm gạo nếp để đồ xôi. Bà chủ nhà chuẩn bị bó lúa mới, gạo cốm mới để làm cơm cúng.
          Khoảng 7h sáng hôm sau, ngày chính lễ, thanh niên mổ lợn, gà, vịt, luộc lên và chế biến thành các món. Tốp phụ nữ xôi cơm, chế biến các loại rau. Bà chủ nhà xôi riêng xôi cốm, chuẩn bị một ít đồ lễ để cúng tổ tiên.
          Ngoài chủ nhà, con, cháu trong gia đình, mời thêm họ hàng, anh em, bà con trong bản đến để chung vui, mọi người thường đến từ sáng, uống nước, nói chuyện cùng với gia chủ.
Khi công tác chuẩn bị đã chu đáo, ông chủ lễ (là ông chủ nhà) bắt đầu thực hiện các nghi lễ chính của Lễ mừng cơm mới gồm:
          Lễ mời công cụ sản xuất ăn cơm mới: Công cụ sản xuất rất quan trọng đối với các gia đình nhà nông, đối với người Khơ Mú cũng vậy, chúng được coi như những thành viên của mỗi gia đình. Ông chủ làm lễ mời các dụng cụ sản xuất ăn cơm mới. Ông đặt 2 cái mẹt, 1 cái đựng một ít cám gạo, sau đó đặt dụng cụ lên trên cám gồm: dao liềm, cuốc và khoảng 5-6 dụng cụ tượng trưng. Mẹt bên cạnh đặt một bó lúa chín mới được hái về. Ông chủ khấn mời linh hồn của các dụng cụ ăn cơm mới, cảm ơn chúng đã cùng gia đình đồng hành trong suốt mùa vụ, vất vả quanh năm, bây giờ ăn mừng cơm mới để chuẩn bị cho mùa vụ sau được tốt hơn.
          Ăn cơm mới và Lễ mời ma đói, ma khát: Đến khoảng 11h thì các món ăn, đồ lễ đã chuẩn bị xong. Mọi người đặt mâm, dọn các món ăn lên, mỗi mâm đều đầy đủ các món ăn đã chế biến. Dọn một mâm đầy đủ nhất để ông chủ nhà mời những người thân nội, ngoại, bề trên của gia chủ. Bà chủ chuẩn bị sẵn đồ lễ để cúng tổ tiên gồm: một bát các loại hoa quả luộc, một đĩa măng, rau nộm. Ông chủ nhà mời mọi người vào mâm, những người quan trọng ngồi vào mâm chính giữa nhà để ăn cơm mới.
Khi mọi người đã ngồi vào mâm, ông chủ nhà đem từ bếp lên đồ lễ cúng ma đói, ma khát gồm một phên tre nhỏ, trên đó đặt một ít rau nộm, 2 chiếc mỏ hàm vịt, 1 vỏ quả chuối chín, 1 lá thuốc lào. Đồ lễ này đơn giản vì người Khơ Mú quan niệm chỉ mang tính chất tượng trưng, sau khi mời xong sẽ mang đi vứt, nếu để đồ ngon sẽ lãng phí. Ông chủ nhà đặt lễ đó lên mâm chính, cúng khấn mời ma đói, ma khát ăn đồ lễ rồi đốt lá thuốc lá mời ma hút. Cúng xong, ông cầm mâm lễ đó đi xuống bếp, vào chỗ để chiếc ninh mời ma đói, ma khát trú ngụ ở bếp ăn đồ lễ, mời hồn của bếp trú ngụ ở chiếc ninh chứng giám. Rồi ông ra khỏi nhà vứt hết đồ lễ ở ngã ba đường, ngụ ý là tống tiễn ma đói, ma khát, đem điều không may, rủi ro đi khỏi nhà, khỏi bản. Thực hiện xong nghi lễ, ông chủ quay vào mâm bắt đầu mời mọi người ăn cơm mới.
          Trước khi ăn cơm mới, tại mâm chính, một người thân thuộc bề trên đại diện nói lời cám ơn tổ tiên, ông bà đã bảo vệ nương rẫy cho con cháu một mùa màng bội thu, cảm ơn chủ nhà đã mời cơm, chúc cho gia chủ năm mới khỏe mạnh, làm ăn may mắn, mùa màng tươi tốt, bội thu, cầu mong tổ tiên, ông bà phù hộ, độ trì cho con cháu, gia chủ có một năm mới khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Sau đó mọi người trong mâm đều nói lời cảm ơn ông bà, cha mẹ, gia chủ đã bảo vệ mùa màng, cho con cháu được khỏe mạnh, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Các ông đáp lễ xong, mọi người rót rượu và nâng chén bắt đầu vào bữa cơm. Ăn được khoảng 2/3 bữa cơm thì gia chủ mở 1 chum rượu cần, mời mọi người uống.
          Lễ gom hồn con cháu, mời ông bà về ăn cơm mới: Người Khơ Mú không cúng tổ tiên, ông bà trước mà tổ chức ăn cơm mới trước, đến khoảng 2h chiều thì thực hiện nghi lễ gom hồn con cháu, mời về ăn cơm mới, mời tổ tiên ăn cơm mới. Người nhà đặt một mâm lễ gồm các đồ lễ đã được bà chủ nhà chuẩn bị sẵn, là một chiếc mâm gỗ vuông, nhỏ, đặt 1 bát đựng các loại quả được đồ chín, một đĩa măng luộc lẫn với rau nộm, 1 bát muối ớt, đặt 4 thìa, 4 đôi đũa ở 4 góc mâm, 1 giỏ xôi cốm mới. Mâm lễ được đặt ở chính giữa của gian đầu tiên, gần bàn thờ tổ tiên.
Ông bà chủ nhà tập trung tất cả con, cháu lại ngồi xung quanh mâm lễ. Ông chủ nhà bắt đầu làm lễ, vắt lên vai một chiếc khăn mặt để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên. Ông mở ép xôi cốm, vê xôi thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, chấm chấm vào các đồ lễ, rồi dính lên tóc của con, cháu, theo thứ tự từ người bé nhất đến người lớn nhất đều được dính mỗi người 2 miếng xôi, vừa dính, ông chủ vừa cúng khấn mời hết các loại hồn của con cháu về ăn cơm mới, không được sót hồn nào, vừa khấn cầu mang cho con cháu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, không rủi ro, tai nạn. Khấn mời hết hồn con, cháu xong, ông chủ dính xôi gọi hồn cho vợ, mời hồn của vợ về ăn cơm mới, cầu mong cho vợ khỏe mạnh.
Sau lễ, các con cháu giải tán, bà vợ khấn, dính xôi và gọi hồn ông chủ nhà về ăn cơm mới, cầu mong cho ông khỏe mạnh. Sau đó hai vợ chồng làm lễ mời bố mẹ về ăn cơm mới.
Lễ mời bố mẹ về ăn cơm mới: Ông chủ nhà tiếp tục vê xôi chấm vào các đồ lễ rồi dính xuống mặt mâm, mời tổ tiên, bố mẹ về ăn cơm mới, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt. Cúng xong, ông chủ nhà ăn vài miếng xôi cốm mới, mời bà chủ nhà một nắm, rồi mời mọi người ăn cơm mới. Tất cả mọi người tham dự đều được chia mỗi người một nắm nhỏ, ai cũng được mời để cùng hưởng lộc, cùng hưởng may mắn với gia chủ, sau đó người nhà dọn mâm lễ đi.
Lễ mời bố mẹ uống rượu cần: Người nhà lấy một thanh gỗ có tiết diện khoảng 3x7cm, dài từ sàn nhà lên tận xà nhà, đặt chính giữa của xà ngang gian thứ nhất (gần gian thờ), từ mặt sàn lên khoảng 50 cm có gắn một thanh ngang khoảng 40cm (thanh gỗ này mang ý nghĩa nối âm dương). Đặt vào dưới chân thanh gỗ một chum rượu cần, mở nắp, đổ nước vào và cắm vào chum rượu 2 chiếc cần trúc. Buộc vào thanh gỗ một bó bông lúa chín vừa được ngắt về. Ông chủ cầm một đôi đũa tre, vừa vít 02 cần rượu, vừa dùng đũa gắp bã rượu từ trong chum bỏ qua một cái lỗ sàn nhà, khấn mời bố mẹ về uống rượu cần, vui lễ cơm mới với con cháu, cảm ơn bố mẹ đã trông nương ruộng, để cho con cháu được mùa, cầu mong bố mẹ tiếp tục phù hộ cho con cháu sang năm được mùa...Lễ này diễn ra khoảng 5 phút.
Ông chủ cúng xong, mời 2 ông bề trên đại diện bên nội và bên ngoại uống rượu cần, mừng lễ cơm mới. Hai ông bề trên nói lời cảm ơn và cầu mong cho các con cháu trong gia đình khỏe mạnh, năm mới được mùa...ông chủ nhà đáp lời cảm ơn. Ông chủ nhà mời tiếp 2 người có vai vế trong bản: Trưởng bản, bí thư, hai người cũng vít cần rượu rồi nói lời cảm ơn và uống rượu cần. Nghi lễ cúng cơm mới đến đây kết thúc.
          Sau đó, ông chủ nhà mời mọi người tiếp tục ăn cơm, uống rượu cần đến tận chiều và cùng vui múa xòe vòng, múa tăng bu, vêlr guông…rộn ràng, sôi nổi. Trong khi đó, thì mọi người trong bản có thể đến nhà nhau giao lưu, giống như đi chúc tết, cứ như vậy cho đến hết ngày.
          Người Khơ Mú ở Sơn La là một dân tộc bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có các nghi lễ nông nghiệp và nhiều nghi lễ trong năm. Lễ Mừng cơm mới mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, đậm bản sắc của dân tộc. Là nghi lễ được tổ chức mang tính chất gia đình, đơn giản nhưng mang tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, tính đoàn kết cộng đồng, gia đình, dòng họ, là nghi lễ quan trọng đối với người Khơ Mú.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế xã hội nhưng hiện nay, các giá trị văn hóa độc đáo của nghi lễ này đang được bảo tồn rất tốt, tạo nên những nét riêng biệt, đậm đà bản sắc, không có nguy cơ bị mai một, góp phần đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú đã được khảo sát, nghiên cứu và tư liệu hoá.
Các lễ hội khác