Người La Ha có mặt ở Sơn La từ rất sớm, khi người Thái di cư đến, người La Ha đã tiếp thu khá nhiều nét văn hóa của người Thái như: Tiếng nói, trang phục, nhà cửa…người La Ha sử dụng thành thạo tiếng Thái, có một số nơi người La Ha chủ yếu nói tiếng Thái, các bài cúng và hát dân ca hoàn toàn bằng tiếng Thái. Từ lâu người La Ha đã dùng bông, lâm thổ sản đổi lấy vải, trang phục của người Thái để mặc, vì vậy trang phục truyền thống của người La Ha giống người Thái đen.
Tuy nhiên, một số nét văn hóa truyền thống như: các phong tục, tập quán, lễ hội...đều mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, hiện nay vẫn được bảo lưu và phát huy, là cầu nối tình đoàn kết, tính cộng đồng dân tộc…
Người La Ha theo tín ngưỡng thờ đa thần giáo, họ quan niệm có nhiều loại ma, có ma lành giúp ích cho con người, có ma dữ chuyên gieo rắc tai họa, bệnh tật. Con người tồn tại được là nhờ có các hồn, nếu hồn bị lưu lạc thì con người bị ốm, đau, vì vậy phải nhờ các thầy mo cúng gọi hồn về để cho con người khỏe mạnh. Người ta cũng quan niệm mỗi loại bệnh có một loại âm binh giúp chữa khỏi, nên mỗi khi có người ốm thì tùy theo từng loại bệnh mà thầy mo cúng khấn nhờ âm binh tìm hồn người về giúp. Hàng năm, thầy cúng tổ chức Lễ hội để các con nuôi tạ ơn thầy cúng, các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình, thầy cúng mời toàn bộ lực lượng âm binh về hưởng lộc, cầu mong họ phù hộ cho dân bản, các con nuôi được khỏe mạnh, không mắc các loại bệnh. Đồng thời các con nuôi cũng đến chúc mừng thầy cúng, cầu mong thầy cúng khỏe mạnh, sống lâu để giúp cho dân bản chữa bệnh. Ngoài ra, người La ha còn có lễ cúng nhà kết hợp với việc cúng cho người lớn tuổi của gia đình mạnh khỏe, sống lâu hoặc có nơi chỉ cúng cho những người đàn ông mạnh khỏe như là lễ trưởng thành. Trong các nghi lễ đó, Lễ cúng bản được tổ chức hàng năm để cầu cho người dân trong bản mạnh khỏe, tránh được rủi ro, bệnh tật, cầu mong cho mùa màng tươi tốt, bội thu…
Lễ cúng bản (Xên bản) được tổ chức hàng năm vào tháng 3, tháng 4 (dương lịch) có khi trong hai tháng đó thầy cúng không xem được ngày tốt thì có thể làm vào tháng 8, tháng 9 (dương lịch).
Trước đây, họ thường cúng bản 2 lần/năm: vào tháng 6 (khi lúa vừa trồng cấy xong) và tháng 8 âm lịch (chuẩn bị gặt). Hiện nay, còn ít bản cúng 2 lần, chủ yếu cúng một lần vào thời gian khoảng tháng 9-11, khi thầy cúng chọn được ngày.
Địa điểm tổ chức lễ cúng: Tại Đông Tê (rừng ma của bản). Có nơi khi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, dân tộc La Ha phải di chuyển dân đến nơi ở mới, nhường đất cho nhà máy và vùng lòng hồ thủy điện nên không còn Đông Tê nữa nên lúc chuyển bản đến địa điểm ở mới, thầy cúng bói xem quẻ để chọn nơi cúng mới (Đông Tê) cho bản.
Chủ lễ: Thầy cúng (tiếng La Ha là Tau mo); Thầy áo (tiếng La Ha là Tau ú); Người dân trong bản.
Thành phần tham gia nghi lễ: Đại diện các hộ gia đình người dân bản (mỗi gia đình đại diện 1 người có thể là nữ hoặc nam)
* Nội dung, tiến trình lễ cúng
Xên bản ra đời để cầu mong cho người dân trong bản được khỏe mạnh, không ốm đau, cho mùa màng tốt tươi và sự biết ơn của bà con với các thần linh đã có công khai sáng, bảo vệ và xây dựng bản làng.
Thầy cúng mặc trang phục truyền thống màu đen.
Công tác chuẩn bị
* Chọn thầy cúng: Trước khi làm lễ, cử một người đại diện trong bản mang áo của thầy cúng đi xem bói, xem trong bản thầy cúng nào phù hợp có thể làm lễ trong năm đó.
* Chuẩn bị lễ vật: 02 con lợn, gà (trong bản có bao nhiêu hộ gia đình thì có bấy nhiêu con gà), 01 con vịt (hoặc 01 con chó), 03 chai rượu trắng, 03 chum rượu cần, 12 cái chén, 02 sấp vải bông tự dệt (01 sấp vải trắng, 01 sấp vải màu); 03 đĩa trầu, áo của chầu sửa), 03 bát gạo đặt trứng và vòng bạc, hương.
Nội dung Lễ cúng
Lễ cúng thường diễn ra 01 ngày (từ sáng sớm tới đêm). Trước ngày diễn ra lễ cúng, thầy cúng cùng thanh niên trong bản ra Đông tê. Thầy cúng khấn xin các thần linh cho bản dọn dẹp, phát quang khu vực Đông tê để làm lễ và thông báo với thần linh tổ tiên là ngày mai sẽ tổ chức làm Lễ Xên bản mời thần linh và tổ tiên về dự lễ.
Khi cúng xong, thanh niên trong bản cắt cử nhau dọn dẹp, phát quang khu vực Đông tê, làm một cái bàn dài bằng tre để hôm sau đặt các mâm lễ.
Ngày hôm sau, thầy cúng cùng dân bản vào khu vực rừng Đông tê. Khi đi, Thầy cúng mang theo một cái mâm, hai cuộn vải bông (một cuộn vải trắng, một cuộn vải màu), gạo, bát, đĩa trầu, 04 cái chén, 02 cái vòng bạc, 01 quả trứng, hương, 01 chai rượu. Khi ra khỏi nhà phải đi bằng cửa phía bên trái nhà. Các gia đình trong bản cắt cử người mang lễ vật đến để làm lễ, mỗi gia đình mang theo một con gà, một bó củi, một gói xôi, một túi đựng áo của những người trong gia đình.
Khi đến Đông tê. Thầy cắt cử người làm hai cái Ta leo bằng tre (đan hình mắt cáo) đường kính 40 cm, cắm vào một cây cao khoảng 1,2 - 1,5 m, cài vào giữa ta leo một ít lông gà, làm các vòng tròn bằng lạt tre kết nối thành một chuỗi dài (thể hiện cho các đồng bạc trắng), đan 3 cái mâm bằng tre.
Thầy cúng sắp đồ lễ lên mâm. Mọi người trong bản mang gà, lợn, vịt đang sống đặt trước mâm cúng. Thầy cúng thắp hương xin phép các thần linh xem xét xem trong các con vật làm lễ này xem có con nào đang bị dịch bệnh hay không nếu không có con nào bị dịch bệnh thì xin phép thần linh cho phép dân bản được làm thịt các con vật này để làm đồ lễ thắp hương. Cúng xong, thầy gieo quẻ âm dương nếu cả 2 đều ngửa là thần linh đã đồng ý, mọi người trong bản sẽ mang những con vật này đi chuẩn bị làm đồ lễ, nếu quẻ 1 sấp 1 ngửa hoặc cả 2 sấp thì thầy cúng tiếp tục xin, khi nào được thì thôi.
Tất cả gà, lợn, vịt đều được đưa đi mổ thịt, luộc chín. Khi làm và luộc đồ lễ thì gà của nhà nào, nhà nấy phải đánh dấu vào để tránh nhầm lẫn khi mang lễ về nhà. Chuẩn bị xong lễ vật, dân bản làm thành 3 mâm lễ:
* Mâm thứ nhất gồm có: khoảng 2kg gạo đổ trên tấm vải trắng trải trên mâm, 01 bát gạo đặt vòng bạc và trứng, 04 cái chén, đĩa trầu, 01 chai rượu, 01 con lợn, 02 con gà, 04 bát lòng lợn, 02 bát nước luộc gà, 02 gói xôi, 02 bát tiết canh, vòng tròn bằng lạt tre kết nối thành một chuỗi dài (thể hiện cho các đồng bạc trắng). Thầy cúng đốt 4 cây hương để chuẩn bị làm lễ. Thầy cúng mời Then về dự lễ, xin Then phù hộ cho mọi người trong bản được khỏe mạnh, không ốm đau, vật nuôi trong bản không bị dịch bệnh. Thầy cúng gieo quẻ âm dương để xem Then đã về thụ lễ hay chưa. Nếu hai thanh đều ngửa là Then đã đồng ý về thụ lễ, nếu hai sấp, hoặc một sấp, 1 ngửa là Then chưa đồng ý thì thầy cúng lại tiếp tục xin đến khi nào đồng ý thì thôi. Cúng xong, thầy quỳ xuống lạy 3 lạy.
* Mâm cúng thứ hai (mâm chính) gồm có: khoảng 2kg gạo đổ trên tấm vải trắng trải trên mâm, 01 bát gạo đặt vòng bạc và trứng, 04 cái chén, đĩa trầu, tiền, 01 cuộn vải bông (01 cuộn vải màu, 01 cuộn vải trắng), 01 chai rượu, vòng tròn bằng lạt tre kết nối thành một chuỗi dài (thể hiện cho các đồng bạc trắng), áo của Tau Ú (thầy áo), 01 con lợn, 02 con gà, 04 bát lòng lợn, 02 bát nước luộc gà, 02 gói xôi, 02 bát tiết canh. Mâm lễ này được đặt ở vị trí giữa bàn cúng.
Thầy cúng đốt 4 cây hương để chuẩn bị làm lễ. Tại mâm lễ này thầy cúng chia làm 4 lượt cúng mời các thần linh về dự lễ:
- Lượt cúng thứ nhất: Thầy cúng mời thần Thổ địa về dự lễ, xin thần phù hộ cho mùa màng luôn tốt tươi, không bị dịch bệnh. Cúng xong, thầy cúng gieo quẻ âm dương để xem Then đã về thụ lễ hay chưa. Nếu cả hai đều ngửa là Then đã đồng ý về thụ lễ, nếu hai sấp, hoặc một sấp, 1 ngửa là Then chưa đồng ý, thầy cúng lại tiếp tục xin đến khi nào đồng ý thì thôi. Cúng xong, thầy quỳ xuống lạy 3 lạy.
- Lượt cúng thứ 2: Cúng thần Cửa bản. Thầy cúng sai người đặt thêm gà và cơm lên mâm, lượt này thầy cúng mời thần cửa (thần cai quản cửa bản) về dự lễ, thầy cúng xin thần cửa không cho người ra vào bản, không cho những điều xấu, điều không may vào bản và xin thần phù hộ cho dân bản luôn khỏe mạnh, không bị bệnh tật. Cúng xong lượt cúng này thầy cúng đến bên chum rượu cần, cầm cần rượu mời các thần linh về uống rượu cùng mọi người trong bản. Cúng xong, thầy mời đại diện của bản cùng vào uống rượu. Trước khi uống một người đứng lên, cầm cần rượu khấn cảm ơn các thần linh đã về dự lễ, phù hộ cho mọi người dân trong bản và mời các thần linh cùng uống rượu cần.
- Lượt cúng thứ 3: Cúng thần vùng (vùng Tát Lay, Lán ổn, Lán Co, Lán Hươn). Theo truyền thuyết kể lại, ngày xưa các vùng đều có một vị thần cai quản và vị thần này thường hay làm cho con người bị ốm đau. Thầy cúng sai người đặt thêm gà lên mâm (mỗi vùng 7-8 con gà). Thầy cúng mời thần vùng về dự lễ, xin thầy vùng phù hộ cho mọi người trong bản không bị ốm đau, luôn khỏe mạnh. Khi cúng xong, thầy tiếp tục mở một chum rượu cần mới để mời thần vùng về uống rượu cùng với mọi người trong bản.
- Lượt thứ 4: Cúng thần sông. Thầy cúng sai người đặt 2 con gà lên mâm lễ, thầy khấn mời thần sông về dự lễ và xin thần sông phù hộ cho mọi người đi sông không bị chìm thuyền, không cho con cháu và người dân trong bản bị chết đuối, cầu cho mọi người gặp nhiều may mắn, bắt được nhiều tôm, cá, nuôi cá thì được mùa bội thu. Cúng xong, thầy quỳ xuống lạy 3 lạy.
* Mâm cúng thứ ba gồm có: khoảng 2kg gạo đổ trên tấm vải trắng trải trên mâm, 01 bát gạo đặt vòng bạc và trứng, 04 cái chén, đĩa trầu, 1 con vịt (hoặc 01 con chó), 1 chai rượu, 02 bát nước luộc, vòng tròn bằng lạt tre kết nối thành một chuỗi dài (thể hiện cho các đồng bạc trắng). Thầy cúng thắp hương và khấn xin thần Bu Cáp (Thần rừng, thần này thường sống ở gốc cây Đa trong rừng) xin thần bảo vệ gia súc, con người không bệnh tật, không bị hổ ăn thịt, nương rẫy không bị chuột phá hoạt mùa màng. Cúng xong, thầy quỳ xuống lạy 3 lạy.
Thầy cúng tiếp tục mở một chum rượu cần mới để mời mọi người trong bản cùng nhau uống rượu.
Lễ cúng bản kết thúc, những người dự lễ sẽ chia cho thầy cúng và thầy áo mỗi người một con lợn và một nửa con vịt. Còn các lễ vật khác thì các gia đình sẽ chia phần mang về nhà và để lại một ít cho mọi người cùng nhau ăn một bữa cơm đoàn kết tại Đông Tê. Khi mang lễ về nhà, thầy cúng và thầy áo phải làm cơm mời mọi người trong bản dùng bữa để xua đi những cái xấu xa.
* Lễ cúng sửa hồn cho thầy cúng và thầy áo:
Bữa cơm kết thúc, mọi người chia nhau thành hai tốp, một tốp về nhà thầy áo, một tốp về nhà thầy cúng. Về đến nhà, dân bản sẽ nhờ hai người biết cúng trong bản để cúng sửa hồn (gọi hồn về) cho hai thầy.
Mâm lễ gồm có: 01 chum rượu cần, 01 cái áo của thầy cúng (thầy áo), 01 con gà sống và đồ dùng cá nhân mà thầy cúng hay dùng (thầy áo).
Người cúng làm lễ gọi hồn thầy cúng (thầy áo) về không được đi theo các thần linh. Cúng xong, người nhà mang con gà đi làm thịt, làm thành một mâm lễ gồm có gà luộc, 01 bát canh, 02 cái bát, 04 cái chén. Lúc này thầy cúng (thầy áo) mở chum rượu cần mời các thần linh về uống rượu và thụ lộc cùng với mình, cảm ơn thần linh đã về dự lễ và phù hộ cho dân bản được khỏe mạnh.
Làm lễ xong mọi người trong bản đến dự tại nhà thầy cúng (thầy áo) cùng với những người trong gia đình tổ chức một bữa ăn để mừng cho buổi lễ cúng bản thành công.
Cũng như cộng đồng dân tộc anh em khác, người La Ha có những nét văn hóa, tín ngưỡng riêng và hiện vẫn còn gìn giữ, bảo tồn cho tới ngày nay, trong đó có nghi lễ cúng bản độc đáo của dân tộc mình. Lễ cúng bản gắn liền với tư duy, thuần phong, mỹ tục của dân tộc La Ha, được người dân coi trọng, bảo lưu. Luật tục và các lễ nghi gắn liền với đời sống của bà con từ bao đời nay. Xên bản mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang tính cộng đồng, đoàn kết cao. Thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, thần linh, những người có công dựng bản, lập mường, sự ước nguyện của người dân về một năm con người khỏe mạnh, gia xúc gia cầm sinh sôi, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu. Nghi lễ cúng bản là tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa của dân tộc La Ha cần được bảo tồn và phát huy. Nghi lễ cúng bản đã được khảo sát, nghiên cứu và tư liệu hoá.