Vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hàng năm, người Thái trắng thường tổ chức ăn tết Síp xí, trong đó có người Thái trắng Quỳnh Nhai và Phù Yên. Đây là khoảng thời gian kết thúc vụ thu hoạch trên nương rẫy, công việc cấy cày cho vụ mùa vừa xong, người nông dân bắt đầu có thời gian nghỉ ngơi (thả trâu vào rừng). Tết xíp xí có 02 phần: Phần nghi lễ thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá, tạo mường, lập bản; phân hội: tập chung ăn uống, vui chơi, văn nghệ.
Đồ vật để cúng tổ tiên gồm có: Thịt gà, thịt lợn, rượu, xôi, báng trưng gù, rau củ quả… ). Trong đó: thường dùng xôi nếp nhuộm màu (khẩu cắm),
bánh chưng gù (khẩu tổm), bánh bột nếp (Ít uôi). Tết Síp Xí thường không thể thiếu thịt vịt (nhứa tô pết), vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, đời sống sản xuất của con người, gắn bó với văn hóa tâm linh của cư dân trồng lúa nước. Tết Xíp Xí dùng thịt vịt làm đồ cúng là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước. Sau khi đồ cúng đã được sắp xếp vào vị trí thờ cúng tổ tiên, Người đàn ông trong gia đình rót rượu mời tổ tiên về ăn rượu thịt và phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển…Khi đã cúng tổ tiên xong, cả gia đình tập chung đông đủ ăn uống, chúc tụng nhau những điều tốt lành; Vui chơi ca hát, người ta còn hát bè trên sông, hát giao duyên, hát chúc mừng nhau những điều tốt đẹp nhất.
Tết Síp xí được bắt nguồn từ một câu chuyện truyền từ lâu đời. Tục truyền từ lâu lắm rồi, người Thái trắng sau khi thu hoạch và cày cấy xong, trẻ em đua nhau lên rừng thả trâu, người lớn ở nhà làm lễ gác cày bừa, mổ lợn, gà, vịt ...tổ chức ăn uống linh đình với nhau, no say mà không gọi trẻ em về và cũng không để phần cho chúng. Đến giữa trưa, một số trẻ về lấy nước uống, lấy chạc trâu, thấy người lớn ăn uống linh đình và đối xử bất công với chúng như thế, chúng bèn chạy lên đồi, rừng báo tin cho nhau về thái độ đối sử bất công đó của người lớn, bọn chúng rất phấn khích. Chúng bàn nhau đối phó một cách thông minh, nhưng tinh nghịch láu lỉnh: “Bây giờ chúng ta tìm cách dọ mõm hết tất cả đàn nghé lại, không cho ăn cỏ, cũng không cho đàn nghé bú sữa mẹ”.
Chúng cho rằng: “Trẻ em không được ăn thì trâu nghé cũng không được ăn, để xem người lớn suy nghĩ đối xử với chúng như thế nào về việc này; Chiều tối chúng lùa đàn trâu từ đồi về bản trong tình trạng các con trâu đực, trâu cái con nào cũng no căng bụng, còn những con trâu nghé thì con nào con nấy bụng đói meo, lép kẹp”.
Người lớn thấy vậy bèn hỏi: “Tại sao chúng mày lại dọ mõm các con nghé lại như thế làm sao nó ăn được cỏ, uống được nước, bú được sữa mẹ, bụng dạ lép kẹp kia kìa, chúng mày muốn đàn nghé chết hay sao? Tại sao lại độc ác thế hả”. Một đứa trẻ người cao lớn, to mồm và bạo dạn hơn cả trong đám trẻ mới lên tiếng trong sự hưởng ứng trầm trồ của nhiều đứa khác: Con trâu đực, trâu cái được ăn uống no cũng giống như người lớn ở nhà được ăn uống no nê, say sưa. Còn đàn nghé bụng lép kẹp cũng như bầy trẻ chăn trâu chúng con đây thôi, người lớn ở nhà có đoái hoài đến trẻ con chúng con đâu. Biết mình sai và đối xử không nên, không phải với bọn trẻ nên người lớn đều im bặt và ai về nhà nấy. Sự việc vỡ lở, hối hận và biết lỗi của mình người lớn đã họp bản thống nhất với nhau và tổ chức tết để động viên con trẻ chăn trâu. Thế là người có uy tín nhất trong bản đã cử người lớn lên rừng dụ dỗ các em nhỏ về nhà, về bản. Đồng thời gọi mọi người mổ gà, vịt, đồ cơm xôi đỏ, đen để các em ăn uống no nê vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Sau đó cho các em nghỉ ngơi nhẩy múa thỏa thích cho đến chiều tối trăng lên. Kể từ đó hàng năm các gia đình người Thái trắng thường tổ chức làm “tết Síp xí”, tết Síp xí diễn ra trong phạm vi từng gia đình. Sau khi thờ cúng trời đất, tổ tiên, thần linh thổ địa, làm vía cho trâu, làm vía cho trẻ con xong các gia đình mới được ngồi ăn tết vui vẻ, cả bản ai nấy mừng vui, người trẻ còn rủ nhau lên đồi ca hát đến tối mới về nhà. Trong lễ cúng, thường những người em phải đến nhà những người anh cả để làm lễ cúng cho cha mẹ ở bàn thờ nhà anh cả rồi mới trở về cúng tổ tiên nhà mình. Những người trong gia đình cũng ra mộ ông bà, cha mẹ thắp hương từ chiều ngày 13/7 để mời về ăn Tết Síp xí. Tết Síp xí nhà nào cũng làm vì vậy, nhà nào mà mời được khách đến nhà mình ăn cơm là một vinh hạnh lớn, gia chủ thấy rất vui và hãnh diện với họ hàng, làng xóm vì nhà mình được nhiều người quan tâm.
Tục làm tết Síp xí (Hệt chiêng Síp xí) gia đình nào trong bản cũng làm lễ cúng từ lúc 6 giờ sáng, sau khi cúng xong, bắt đầu ăn uống, múa hát cho đến tận khuya. Tết Síp xí chỉ diễn ra trong một ngày.
Làm tết Síp xí lúc đầu là để cảm tạ con trâu đã giúp đã con người cày bừa, một công việc nặng nhọc vất vả. Nếu không có con trâu giúp đỡ con người khó có thể làm được nhiều ruộng, đảm bảo kịp thời mùa vụ và cho năng xuất cao. Tết Síp xí nhà nào cũng phải làm vía cầu mong thần linh phù hộ cho mình, rồi tắm gội, nói nựng với trâu, cho trâu ăn những thức ăn như: nước gạo đỏ, gạo đen, muối lẫn với cỏ... để tỏ lòng biết ơn đối với con trâu và mong đàn trâu nhà mình béo khỏe, sinh sôi nảy nở đầy gầm sàn.
Làm Tết Síp xí để ghi nhớ công lao bọn trẻ con, những người trực tiếp chăn dắt, chăm sóc trâu, gắn bó với trâu nhiều nhất. Nên làm tết Síp xí là làm tết cho trẻ em chăn trâu tầm 13-14 tuổi. Vì thế trong ngày tết này trẻ em luôn có mâm lễ vật thờ hồn vía (hệt khoăn hơ ninh nọi) để cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho trẻ em được khẻ mạnh, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật.
Trẻ em giúp người lớn chăn dắt con trâu cùng là góp sức lực vào công việc làm ăn bận rộn của gia đình. Trong lễ phát cỗ phần con trẻ được ông mo hoặc chủ nhà đại diện cho người lớn khen thưởng dặn dò và phát cổ phần cho chúng gồm: một con gà luộc, cơm sôi đỏ, đen, bánh ít, bánh uôi, cho chúng vui chơi với nhau thỏa thích.
Tết Síp xí cũng nhằm răn đe, giáo dục con cháu không được làm điều xấu, phải chăm chỉ làm ăn.
Làm tết Síp xí cũng chính là một lễ nghi nông nghiệp, là lễ gác cày bừa và một buổi tổng kết gia đình sau những ngày mùa vụ làm ăn vất vả, bận rộn. Khi mùa vụ đã cày cấy xong, chỉ còn khâu chăm sóc, phát bờ làm cỏ, xem nước và đợi lúa làm đòng (khảu man). Trong thời gian lúa đang làm đòng, đồng bào luôn nghe ngóng thời tiết và cầu cho mưa thuận gió hòa, khí hậu tốt đẹp để lúa đẻ nhánh làm đòng hiệu quả để cho bông dài hạt mẩy. Vì thế trong ngày ăn tết Síp xí, theo tục lệ cấm không ai được say rượu rồi đi nằm, vì đồng bào quan niệm nếu say rượu đi nằm thì lúa sẽ bị lốp, bị cơn gió làm đổ và đồng bào cũng cấm không cho ai ra đồng trong ngày tết, họ quan niệm nếu ai ra đồng thì lúa đang làm đòng (tâm tình) thì sợ lúa sẽ xấu hổ, mùa vụ sẽ kém đi. Nếu ai vi phạm điều kiêng kị trên sẽ bị phạt tiền, làm rượu để làm vía cho hồn của cây lúa và tạ tội với làng, phải khao làng, đồng thời người vi phạm đó sẽ bị làng hắt hủi cả năm.Ttrong ngày này, thường thì đàn ông người Thái ở trong gai đình cũng là người rửa, kiểm tra lại chiếc cày, chiếc bừa của mình trước khi treo nó lên một cách cẩn thận dưới gầm sàn để nó khỏi hỏng, đồng bào gọi việc này là “ lễ gác cày bừa” (miến thảy phừa). Lễ này đơn giản thôi, người đàn ông Thái trong lúc treo cày, bừa lên cất vào gác, mồm thì nói lẩm bẩm với hồn cày, bừa. Đại ý như sau: “Mày cũng đã khổ đã vất vả nhiều với chúng tao nhiều rồi, hôm nay chúng tao rửa, tắm cẩn thận cho mày rồi cho mày nghỉ ngơi để vụ tới mày lại đi giúp chúng tao nhé” (mưng cà khô cà cung sắp phu cân lai môm, mứ nị phu suồi sẽ đi đải hở mưng ảu vay mưng dăng ken nơ, ảu vay mua ná mưng chằng chọi phu mở nở).
Cũng thời gian này là buổi tổng kết gia đình sau một vụ mùa lao động vất vả, bận rộn. Việc tổng kết này gắn với các ghi lễ thờ cúng tổ tiên, làm vía trâu, làm vía cho trẻ con chăn trâu, lễ gác cày bừa thành quy trình đầy đủ chọn vẹn một ngày làm lễ Síp xí (Mư hệt chiêng Síp xí). Tết Síp Xí được lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2022.