Lễ Hết Chá của người Thái Trắng, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Mộc Châu, Sơn La, Việt Nam
01/03/2024→31/03/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Thái
Từ xưa kia, người Thái nói chung và người Thái Mộc Châu nói riêng, mỗi khi bị bệnh, ngoài nhờ bốc thuốc nam chữa bệnh, người ta còn đến nhờ thầy mo. Thầy mo làm lễ cúng nhờ thần linh và bốc thuốc nam nên đã chữa được bệnh cho dân bản. Mang ơn thầy mo, những người được chữa khỏi bệnh thường xin được làm con nuôi. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại mang lễ đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn, chuẩn bị cho Tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm, khi mùa xuân đến, hoa ban, hoa mạ nở, Lễ Hết Chá từ đó mà thành. Lễ Hết Chá là dịp để các con nuôi dâng lễ vật, tạ ơn thần linh, tạ ơn thầy cúng đã chữa cho khỏi bệnh, thầy mo làm lễ cầu mong cho các con nuôi, dân bản năm mới khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xúc vật sinh sôi nảy nở; người dân vui chơi sau một năm vất vả, chuẩn bị cho mùa màng mới.
Lễ Hết Chá của người Thái Trắng bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã có từ lâu đời, trải qua nhiều năm. Từ năm 1964, bị thất truyền do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Năm 2005 cấp ủy, chính quyền bản Áng, xã Đông Sang đã ban hành nghị quyết thống nhất giao cho chi hội người cao tuổi của bản nghiên cứu, sưu tầm, chọn lọc, khôi phục lại một số nghi lễ trong đó có Lễ Hết Chá. Nghi lễ được phục dựng, duy trì từ đó đến nay.
Lễ Hết Chá được tổ chức hàng năm vào ngày 26 tháng 3 dương lịch,  khi có hoa ban, hoa mạ nở. Lễ được tổ chức tại gốc đa ở trung tâm bản Áng. Những người tham gia là các con nuôi của thầy cúng từ các bản trong xã Đông Sang, những người trong đội xòe chá và bà con dân bản. Một người viết cúng được cử làm chủ lễ (là thầy cúng chính gọi là Mọ Mun) cùng sự tham gia của 02 thầy cúng khác (gọi là Lãm). Chủ lễ sẽ thông báo cho các con nuôi, gia đình họ hàng các vùng về tình hình sức khỏe của chủ lễ, thời gian làm lễ để các con nuôi chuẩn bị lễ và sắp xếp thời gian về dự.
* Công tác chuẩn bị
- Cây Nêu (Xẳng Chá)
Để tổ chức nghi lễ, việc làm cây nêu (xẳng chá) rất quan trọng, cây nêu được đặt ở vị trí trung tâm, mọi hoạt động đều diễn ra xung quanh cây nêu này. Dân trong bản phải chuẩn bị trước đó 15 ngày. Đàn ông thì lên rừng chặt tre, lấy cây giang già mang về chẻ nan; phụ nữ thì ghép trống chỉ, đẽo thuyền, làm hoa, đan các con vật: ve, ếch, chim, sóc...rồi nhuộm màu đỏ, vàng, xanh để treo lên cây nêu. Gồm: 17 trống to, 12 trống nhỏ làm bằng sợi màu; 20 trống làm bằng gỗ (cống mạy) dài 12cm; 20 thuyền gỗ (chắn đôi) dài 13cm; 20 con ếch đan bằng tre (tô cốp); 20 con chim đan bằng tre (tô nộc); 20 quả còn nhỏ; 1.200 con ve sầu đan bằng tre (tô chắc chắn); 400 bông hoa trắng, hoa vàng (bó píp); 5 sải vải khuýt... Ngày 25 tháng 3, người ta bắt đầu dựng cây nêu. Cây nêu được làm bằng cây tre bương già to, dài 3m, không bị sâu bệnh, trên thân tre đục 5 tầng lỗ dùng để cắm những nhánh tre dài chừng 80cm - 1,2m treo tất cả các loại hoa, chim muông, ve sầu, trống chỉ, quả còn, thuyền gỗ…. Ngoài ra, người ta còn chặt cành to hoa ban màu trắng, hoa bó mạ màu vàng mang về cài vào cây nêu. Phần trang trí này tạo nên cây nêu sum suê, nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. Dưới gốc cây nêu người ta ghép 4 thanh gỗ làm thành chân đế, đan 4 phên xếp thành hình vuông và quây vải thổ cẩm màu đỏ, bên cạnh cây nêu đặt 2 chum rượu cần. Cây nêu được đặt ở trung tâm của một khu vực đất trống, thuận lợi cho việc thực hiện phần hội với nhiều điệu múa và trò diễn.
- Đạo cụ, nhạc cụ phục vụ các trò diễn và Xoè Chá
+ Một số nhạc cụ: 01 tấm ván gỗ, 06 đoạn tre nhỏ dài 70cm và 2 ống tre bương to dài 1,1m dùng làm nhạc cụ, thể hiện bằng cách dỗ ống tre xuống ván gỗ phát ra âm thanh như trống, được gọi là “báng bụ”; 01 trống da trâu; 01 bộ chiêng; 01 bộ chũm chọe. Những nhạc cụ này tạo nền nhạc rộn ràng, sôi động để múa tập thể quanh cây nêu (xòe chá).
+ Một số đạo cụ: đó đơm cá, cày bừa, gươm, dao, thúng mẹt, trống, thuổng, xẻng, sọt hái măng, cần câu...để phục vụ cho các trò diễn.
- Lương thực, thực phẩm, đồ lễ: một con lợn nặng khoảng 25 - 30 kg; 02 con ngan; 02 con gà trống; 20 lít rượu trắng; 20 kg gạo nếp; 500.000đ tiền mặt; 20 sải vải thổ cẩm; 20 sải vải bông địa phương;
- Trang phục: Những người tham gia lễ hội đều mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, đeo đồ trang sức, thắt khăn thổ cẩm màu đỏ rực rỡ. Chủ lễ và các thầy cúng cũng mặc trang phục truyền thống, thắt chéo khăn vải thổ cẩm đỏ qua người và trên đầu thắt thêm khăn màu vàng có gắn những quả chuông nhỏ.
- Huy động lực lượng: Chủ lễ sau khi chuẩn bị xong các công việc và ấn định được ngày giờ tốt để tiến hành làm lễ, ông đi mời từ 4 đến 7 đôi trai gái (báo sạo) với tiêu chuẩn: là những người xinh đẹp, hoạt bát, nhanh nhẹn; gia đình có đầy đủ bố mẹ, hoà thuận, yên ấm đến giúp việc hành lễ (Báo sạo chá). Công việc của họ chủ yếu là làm nhạc công, múa xòe “Tắng bụ và xoè chá” và tham gia diễn trò.
* Diễn trình của nghi lễ
- Ngày 25 tháng 3 (ngày thứ nhất)
Tối ngày 25 tháng 3, tại gia đình nhà ông chủ lễ, những người giúp việc mổ 01 con gà, 01 con ngan, dùng 02 lít rượu trắng, 2 gói xôi để cúng xin tổ tiên cho phép làm Lễ Hết Chá vào ngày hôm sau. Sau khi xin phép tổ tiên, gia đình sắp cơm mời các thành phần như: Các thầy cúng, chính quyền địa phương, con cháu trong gia đình, những người giúp việc cho ngày hôm sau, cùng ăn bữa cơm thân mật. Trong bữa cơm, họ trao đổi, phân công nhiệm vụ cho từng người trong gia đình phụ trách những công việc cụ thể trong  nghi lễ, để tránh những thiếu sót đối với các con nuôi cũng như đối với khách tới tham dự.
- Ngày 26 tháng 3 (ngày thứ hai)
Ngay từ sáng sớm ngày 26, chủ nhà (Chủ lễ) đã chuẩn bị mâm lễ gồm: 01 con ngan luộc, 01 con gà trống luộc, 01 con lợn luộc, xôi trắng, rượu, vải khít, vải bông trắng địa phương, chén uống rượu, tiền mặt. Con lợn được đặt vào trong chiếc sọt dài, lót lá chuối, có đòn khiêng để các thầy cúng khiêng đi dâng các thần linh tại cây nêu; còn lại tất cả được bày lên một chiếc mâm mây (đây là mâm lễ mặn). Ngoài mâm lễ mặn, hai chiếc mâm mây khác được lót một tấm vải trắng địa phương, đổ lên trên một ít gạo nếp, để hai bát con mới đầy gạo, 02 vòng tay bằng bạc trắng, 02 quả trứng gà mới đẻ, 02 cây nến bằng sáp ong dài khoảng 18 - 20cm, 10 cây nến con, 10 bông hoa bằng bông vải, tất cả đều đặt vào bát xếp lên mâm, cạnh mâm đặt 1 chai rượu và 6 cái chén, dưới mâm để một chai rượu trắng, 1 cái đĩa và 4 cái chén để ông mo sử dụng trong khi làm lễ (đây là 2 mâm lễ chay). Người ta quan niệm, các mâm lễ được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để thần linh thổ địa chấp nhận thì việc tiến hành Lễ Hết Chá mới được thuận lợi.
Chủ lễ và các thầy cúng khi làm lễ mang theo các các dụng cụ được quan niệm là để trừ ma và thể hiện uy phong của thầy cúng gồm có: một thanh kiếm sắt đựng trong bao gỗ, một quạt mo, hai khăn mặt xanh đỏ, một sợi chỉ trắng đỏ se vào nhau được coi là dây thừng buộc con voi, một miếng vải bông địa phương màu trắng dài 1m; một cái Sáo mo; một túi thổ cẩm trong đó đựng từ 3 đến 7 đồng tiền xu ngả màu đen.
Chuẩn bị các mâm lễ xong, khoảng 9h sáng ngày 26/3, Chủ lễ và các thầy mo bắt đầu làm thủ tục cúng thổ thần, thần linh. Các thầy cúng ngồi cạnh mâm lễ chỉnh sửa lại trang phục, sửa sang lại mâm lễ, rót rượu ra các chén, rút kiếm ra để cạnh mâm. Thầy cúng bắt đầu hát Chá để giới thiệu với tổ tiên, sư phụ đã khuất về công việc làm Chá của gia đình mình trong năm, mong muốn tổ tiên, sư phụ phù hộ để công việc suôn sẻ và hát bài “Xên Chá” bằng một làn điệu riêng để mời sư phụ truyền dạy đã khuất “Phị Mun” từ trên trời xuống trần gian chứng kiến công việc. Để cúng Chá, thầy cúng cần khấn các bài cúng có nội dung khác nhau nhưng chung một chủ đề: Mời sư phụ trên trời xuống trần gian xem con người ăn ở, làm việc và cư xử với nhau như thế nào? Để răn dạy con người từ cách làm ăn, đối nhân xử thế, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn, cùng vui với những niềm vui chung của bản mường. Tất cả lời thơ đều chau chuốt, mượt mà:
          Mời thầy trên trời xuống chơi làm Chá
          Thầy mo mời sư phụ trên về
          Xuống chơi làm Chá chớ đừng quên đi
          Mời cả đồ đệ phu phen
          Trần gian mở hội đã quen lâu rồi
          Nghe mời thầy xuống cho mau
          Trăm công ngàn việc mai sau hãy làm
          Xuống đây ăn tết trần gian
          Vào mùa hoa mạ, hoa ban sắc màu
          Đừng lâu con cháu đợi mong
          Công thầy chữa trị bây giờ tạ ơn
          Dâng lên chén rượu, cơm xôi
          Vít cần rượu mới mời thầy hát ca
          Dù ai đi lại gần xa
          Nhớ về chơi hội tháng ba ngày này
          Tháng ba là hội tết hoa
          Nên gọi chiêng chá mạ ban sắc màu
          Ve kêu chim hót gần xa
          Mong thầy xuống tết hoa nở chờ mong.
Thầy cúng hát xin thổ thần làm lễ:
          Hỡi trai gái ơi….!
          Xuống dưới trần ăn tết hoa mạ
          Xuống ăn măng giữa mùa ban nở
          Xuống đánh trống bạc cho vui bản
          Xuống đánh chiêng vàng cho vui mường
          Xuống xoè hoa cho hết bụi mọt
          Xuống xoè chá cho hết bụi mè
          Hỡi trai gái ơi….!
Hát xong lời mời sư phụ, thầy mo đốt một cây nến to cắm vào ngọn kiếm, cầm quạt, vác kiếm đứng dậy đi về bên mâm lễ mặn, giơ kiếm gắn nến soi một vòng quanh cây xẳng chá để kiểm tra còn thiếu thứ gì không, hài lòng với mâm lễ mặn, ông quay về mâm lễ chay ngồi niệm bài chú. Thầy cúng nhập tâm, thoát xác “đi lên trời” mời sư phụ xuống nhập vào 2 ông thầy cúng phụ “Lãm” hai ông “Lãm" bắt đầu diễn các trò hề vui nhộn và trò chơi dân gian.
Chủ lễ ra hiệu cho đội nhạc công nổi nhạc tắng bụ (dỗ ống tre xuống ván gỗ): Khùm  Khùm Khùm khắc, Khùm  Khùm Khùm khắc theo nhịp 2/4, 4/4. Hai ông “Lãm” bắt đầu nhảy theo nhịp đấu kiếm, 1 ông hề tay cầm mẹt đập theo nhịp “Tắng bụ” ra cổ vũ. Hết đấu kiếm ông “Lãm” cầm lấy khăn nhảy qua xẳng chá ném cho các đôi trai gái từng lượt nhảy múa theo nhịp “Tắng bụ” quanh “Xẳng chá” 3 vòng.
Chủ lễ dẫn sư phụ của mình đi duyệt “Xẳng chá”, vác kiếm đi theo nhịp “Tắng bụ” đến gốc cây xẳng Chá dừng lại uống rượu cần, xem qua và rất hài lòng ông khen:
          Khéo tay đan con ve đẹp mắt
          Gái ơi, Trai ơi…………..
          Khéo tay xắp cây nêu đẹp lòng
          Báo ơi, sạo ơi……………
Vào ngày lễ, con nuôi ở khắp nơi bản trên mường dưới lần lượt đến tặng quà “Sống chướng liểng” nhân dịp bố nuôi làm Hết Chá. Quà của con nuôi gồm có: Gạo, gà, cá nướng, gói xôi, quả trứng, rượu trắng….Ai có thứ gì thì mang thứ đó.
Bố nuôi (chủ lễ) lúc này đang nhập hồn, ông cởi áo, đầu quàng khăn Mọ mun, nhận quà của từng con nuôi. Ông thử xem tấm lòng của con nuôi có thực lòng quý mình không bằng cách lấy mũi kiếm chọc vào gói quà và đưa lên tai để nghe ngóng. Nếu ở nhà con nuôi nào nói xấu bố nuôi, thì ông sẽ sẽ nói lại những lời đó cho các con nuôi nghe, nhưng không nói tên ai mà để những người con đó tự suy nghĩ. Con nuôi nào thực lòng yêu quý bố nuôi thì khi ông chọc mũi kiếm vào gói quà, đưa lên môi nếm sẽ gật đầu cười. Sau đó ông bắt đầu dạy bảo con nuôi:
          Khi ốm đau thì đến nhờ thầy
          Khi khỏi bệnh thì vác nghểnh cổ đi qua
          Buồn tủi mới đến nhờ bố mẹ nuôi
Lời cúng trong phần lễ được thể hiện qua lời hát dân ca gọi là “Khắp chá”, khắp chá có làn điệu riêng lúc thì vui nhộn, lúc thì du dương sâu lắng, rạo rực, có đệm thêm sáo mo “Pí mun” trầm bổng. Làn điệu “Hát chá” theo nhịp “Tắng bụ” 2/4 - 4/4, thầy cúng hát chá gọi hồn con nuôi về nhà, dặn dò, dạy bảo con nuôi:
          Nghe lời Mo sống lâu trăm tuổi (Hỡi vía nàng ơi)
Khoẻ mạnh không còn đau ốm
Rủi ro nay đã  qua rồi
Bỏ đi nơi tăm tối u sầu - Hãy về với nhà với con cháu
Con Trai, con Gái đều lớn khôn - Mở rộng cửa chờ đón Mẹ
Ăn trứng còn để lòng đỏ - Gối đầu dùng phần nửa
Cha mẹ là chỗ dựa tinh thần - Làm trụ cột cho con cháu
Xinh đẹp để cho chồng yêu quý
Bỏ chồng người khác giữ - Bỏ vợ người khác sánh đôi
Hoa quả nhà mình dồi dào cái ăn không thiếu
Muốn ăn thịt con cháu đi kiếm
Muốn ăn cua ăn cá con cháu kiếm về
Muốn ăn chim ăn sóc làm bẫy
Vía đi đâu ở lâu hãy về
Cưỡi trên lưng voi, lưng ngựa cùng ta trở về
Về ăn cơm xum họp với chồng con
Về ăn cơm trong nhà cùng với cây hoa
Con yêu là con Bố nuôi - Chỉ buộc cổ làm con nuôi
Con nuôi gửi giỏ cá - Con có gửi rượu gà
Xuân về con nuôi đem lồng  gà đến - đem nến sang
Tết xong tiếp Hết chá - Ve sầu kêu ve ve
Rau má xanh tươi tốt - Ăn tết với hoa mạ
Hết chá ăn măng mùa hoa ban nở
Rọ rau xanh ăn nhờ con nuôi mang đến
Được ăn không được quên đũa - Được ở không được quên ơn
Vía nàng ơi……
          Trong những ngày chuẩn bị và tổ chức nghi lễ, những người phụ nữ góa chồng, chửa hoang, nhà có ngày cúng cơm (pạt tông) của gia đình không được tham gia.
Phần lễ kết thúc, mọi người tham gia phần hội, có các trò diễn dân gian và xòe chá. Các trò diễn dân gian có nội dung mang tính nhân văn, dí dỏm, có tính giáo dục cao, gây cười, được nhiều người yêu thích. Gồm:
- Trò trâu tập cày: Trâu do người đóng giả, móc cày vào để kéo, người cày ruộng là ông “Lãm”. Lúc này sư phụ vẫn nhập tâm vào ông “Lãm”, vừa cày ông Lãm vừa hát.
Trời mưa to ta sẽ gieo mạ - Tháng năm ta cùng đi cấy
Trâu đực phải biết đi thẳng - Trâu cái kia bước tiếp theo sau
Trâu ơi! biết làm nương chủ nhà sẽ để - Biết làm ruộng chủ nhà để giống
Chân trái trâu bước trên ruộng - Chân phải trâu bước dưới rãnh
Chạy xuống thửa dưới có hổ - Chạy lên thửa trên có rồng
Đi cong thì đau vai - Đi sai sẽ đau cổ
Cây cong khoác lên cổ - Cây khó khoác trên vai
Cây hai cành theo sau - Dây lủng lẳng bên sườn
Biết cày nương gia chủ mới yêu - Biết cày ruộng gia chủ mới quý
Không thì…Chân trái sẽ làm bứa xuống ruộng
Đùi phải sẽ đem ra chợ bán rong…
Khi diễn trò này, cả trâu và người đều làm trò: trâu vừa đi vừa ăn cỏ, không chịu cày, đường cày không thẳng, vừa cày vừa chơi, làm cho người ngã, người nói trâu không nghe lời…để gây cười cho người xem. Trò diễn này cũng thể hiện ước mong của những người nông dân, cầu cho trâu cày tốt, mùa màng tốt…
 - Trò thi nấu canh trứng: là một trò chơi rất đặc biệt, có sự tham gia của nàng tiên trên trời gọi là “Nang manh” được sư phụ mời xuống trần gian để thi tài nấu canh trứng với cô gái dưới trần gian để cho đám trai bản ngưỡng mộ. Trong thời gian 5 phút phải nấu xong canh trứng dưới sự giám sát của trọng tài “Lãm”, nàng tiên (do một ông Lãm đóng giả, váy áo sộc sệch) vụng về vừa nấu canh trứng vừa khuấy làm đổ canh trứng một nửa xuống đất, do nàng tiên vụng về nên dân bản có câu ca rằng:
          Nàng manh khéo canh trứng
          Quả trứng nhỏ rơi đất phần nhiều
          Con chó vàng nhà trên về đớp
Trò diễn phê phán sự vụng về của các cô gái, đàn ông đóng giả phụ nữ tạo nên yếu tố gây cười;
- Trò đi xúc cá: Trò chơi này do 2 người diễn, tiết mục diễn tả những tình tiết cụ thể phê phán phong cách sống không chung thuỷ với chồng của một chị phụ nữ trong bản (do ông Lãm đóng giả). Kết cục việc ngoại tình của chị phụ nữ này bị dân bản phê phán, khinh thường. Trò diễn có ý nghĩa giáo dục, dăn dạy con người:
          Tư tưởng thì cứ để đâu đâu
          Đi đâu bạ đấy cuộc đời ba hoa
          Chồng bảo đi nương thì ra ruộng
Bảo ra vườn thì đeo giỏ đi xúc cá
Với vai diễn hài hước, dí dỏm, đeo giỏ cá ngược bị đổ xuống suối, váy áo lôi thôi, sộc sệch, vẻ mặt ngờ nghệch…đã tạo tiếng cười sảng khoái cho người xem. Nội dung có phần diễn hài, phê phán những người phụ nữ lười biếng, không biết chăm sóc gia đình, không biết làm ăn, không làm gương cho con cái sẽ bị mọi người cười chê. Đây là hình thức răn dạy người phụ nữ trong bản nói riêng và ngoài xã hội nói chung. Bên cạnh đó nhiều tiết mục trò chơi dân gian khác nữa như: Rủ nhau đi hái măng rừng, câu cá…
Sau mỗi trò diễn thì mọi người lại thể hiện các điệu xòe chá, những người phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong các điệu xòe, có sự tham gia của bà con dân bản, tạo sự phong phú cho phần hội.
Ngoài các trò diễn, với nền nhạc của các loại nhạc cụ dân tộc như: trống, chiêng, chũm chọe, các loại ống tre tạo nên sự rộn ràng, hào hứng, say sưa cho những người tham gia vào những điệu xòe chá. Các điệu xòe chá được thể hiện: xòe vòng quanh cây nêu; xòe khăn, xòe tăng bẳng (ống tre)…với sự tham gia chính của các cô gái với những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, sự tham gia của bà con trong bản, du khách diễn ra cả ngày cho đến tận đêm, đây là phần tạo nên sự say sưa, hào hứng cho lễ.
Lễ Hết Chá được tổ chức mang tính cộng đồng cao, là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình. Đồng thời, Lễ Hết Chá còn mang tính nhân văn, nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hoá của các dân tộc ở địa phương này.
Các trò diễn dân gian trong nghi lễ phản ánh rõ nét tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, mang tính giáo dục con người, phản ánh vai trò của thiên nhiên...
Lễ Hết Chá mang nét đẹp trong văn hóa ứng xử, trong tình yêu đôi lứa, đây là dịp để trai gái tìm hiểu nhau, hẹn hò, vui chơi, sau Hết Chá nhiều đôi trai gái đã trở thành đôi bạn trăm năm.
Lễ Hết Chá cho thấy vai trò của thầy cúng như: liên kết và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng; là thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho dân; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người...
Lễ Hết Chá thể hiện mối quan hệ trong cộng đồng làng bản cũng như tính cố kết cộng đồng, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống.
Lễ Hết Chá bảo lưu được những nét văn hóa tộc người như: ẩm thực, trang phục, về diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa... của người Thái (nhóm Thái trắng địa phương Mộc Châu của tỉnh Sơn La). Nghi lễ còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Thái, truyền tình yêu văn hóa tộc người cho thế hệ trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.
Lễ Hết Chá được tổ chức tạo sự vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh, là dịp để các con nuôi thể hiện được lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, biết ơn đối với người thầy đã chữa khỏi bệnh cho mình. Lễ Hết Chá được tổ chức hàng năm đã tạo ra một sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách đến với bản Áng, quảng bá du lịch Mộc Châu, phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tộc người Thái nơi đây, là một giải pháp hiệu quả để nhân dân tự nguyện giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ Hết Chá được cộng đồng người Thái Trắng ở bản Áng, xã Đông Sang cam kết bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015.
Các lễ hội khác