Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng xã Mường Sang huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La
Mộc Châu, Sơn La, Việt Nam
15/02/2024→15/02/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Thái
Mường Sang là vùng đất cổ của Mộc Châu, người Thái ở đây trước đây được gọi là Tay Sang. Trong những cuốn sách chữ Thái cổ đang được lưu giữ, có truyền thuyết về Pha-Nha Nhót-Chọm-Khăm và sự hình thành vùng đất Mường Xang, Mộc Châu.
Cộng đồng người Thái ở xã Mường Sang thuộc ngành Thái trắng, nhóm Thái trắng Mộc Châu, họ sống quần cư bên những dòng suối, thung lũng ven đồi, núi. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, lĩnh vực du lịch đang được đầu tư phát triển. Nơi đây còn bảo tồn được nét văn hóa mang đậm bản sắc tộc người, đó là những ngôi nhà kiến trúc kiểu truyền thống, trang phục, dụng cụ sinh hoạt đặc sắc, các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống…Đặc biệt, người Thái trắng ở đây còn lưu giữ được Lễ hội Cầu mưa. Hiện nay, lễ hội được duy trì thường xuyên hàng năm.
Lễ hội Cầu mưa được tổ chức hàng năm, vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch. Theo một câu chuyện truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa vào một năm, trời hạn hán rất lâu mà không mưa, mùa màng cây cối chết hết, các con vật, côn trùng chết hết. Dân bản thấy cần phải tổ chức Lễ xin nước mưa để trồng cấy, để cho các con vật có nước để sống, nhưng ai cũng sợ Then trên trời, thuồng luồng bắt tội chết nên không ai dám đứng ra tổ chức lễ. Rồi có một thầy cúng dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm này, thầy cúng cần một người cùng mình tổ chức lễ cúng, có 1 bà goá trong bản dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm. Bà goá nói, chồng tôi chết vào ngày 15/2, nên tôi muốn tổ chức lễ hội cầu mưa vào ngày này để nếu Then bắt chết thì tôi được cúng giỗ cùng ngày với chồng tôi. Từ đó, Lễ hội cầu mưa được tổ chức vào ngày Rằm tháng Hai.
Thời điểm này cũng là lúc khô hạn nhất nên bà con tổ chức để cầu trời cho mưa, cho nước để cấy trồng.
Lễ hội diễn ra trong 02 ngày (nhưng công tác chuẩn bị đã diễn ra trước đó hàng tuần): Ngày đầu tiên (ngày 14/2) tổ chức dọn dẹp vệ sinh bản mường, nguồn nước, khơi thông mương máng, mỗi gia đình trồng ít nhất 01 cây xanh trong vườn nhà hoặc đất chung của bản; chuẩn bị đồ lễ, đạo cụ; Ngày thứ hai diễn ra toàn bộ các nghi lễ và các điệu múa, trò chơi dân gian của phần hội, kết thúc nghi lễ.
Lễ hội được tổ chức tại 03 điểm: (1) Lễ cúng thần đất (Thổ địa) và xin được tổ chức Lễ hội Cầu mưa tại một khu đất của trung tâm bản Nà Bó; (2) Lễ cúng nguồn nước, xin nước tại nguồn nước của Mường Sang (Bó nặm); (3) Lễ cúng cầu mưa và phần hội tại một bãi đất rộng của trung tâm Mường Sang.
Thành phần tham gia gồm có: 01 ông (hoặc bà) thầy mo; 01 ông đóng vai ông Then dự nghi lễ cúng cầu mưa và ban nước;  01 bà goá (me mải). Người già trong bản kể rằng: “Sở dĩ phải là bà góa bởi vì câu chuyện ban đầu xuất phát từ việc trời khô hạn, mọi người muốn làm lễ cầu mưa nhưng lại e ngại, sợ ông Trời nổi giận sẽ phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa, bà nói rằng nếu ông Trời phạt, bắt phải chết, thì chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm”; Đội giúp việc để chuẩn vị đồ cúng, chơi nhạc cụ truyền thống và múa nghi lễ, hội; Người dân trong mường. Những người tham gia Lễ hội đều mặc trang phục truyền thống. Ông Then mặc áo dài may bằng vải thổ cẩm đỏ.
Người Thái cũng như các dân tộc khác cho rằng có lực lượng siêu nhiên, ngự trị thế giới thần linh. Có then trên trời ban cho mưa nắng xuống trần gian. Nên khi có hạn hán, họ thường tổ chức nghi lễ để cầu mưa.
Trước đây Lễ hội Cầu mưa ở Mường Sang  thường tổ chức hai nghi lễ: Thứ nhất là lễ hội của Nhân dân trong vùng Mường Sang dâng cúng lễ vật tại chùa Vặt Hồng để “xin nước -  xin mưa” cầu mong thần phật cho mùa màng năm đó tươi tốt. Lễ này được tổ chức sau khi ăn Tết xong, nhằm cầu mưa cho cả một năm. Thứ hai là Lễ cầu mưa được tổ chức vào tháng Hai âm lịch, vào các ngày 15, 17. Hiện nay, bà con chủ yếu tổ chức nghi lễ vào tháng Hai âm lịch (Rằm tháng Hai). Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ gồm có 03 nghi thức: Cúng thần đất, cúng thần nước và cúng xin mưa; Phần hội: với các điệu múa xin nước, xoè và các trò chơi dân gian.
Lễ hội Cầu mưa được tổ chức trong phạm vi 1 xã (trước đây là một mường lớn). Hiện nay Mường Sang được tách thành 02 xã Đông Sang và Mường Sang, nhưng vẫn chọn bản Nà Bó 1, nơi tập chung nhiều nguồn nước của Mường để tổ chức Lễ hội, dân của các bản trong Mường kéo nhau về dự hội.
* Công tác chuẩn bị
Trước khi tổ chức Lễ hội khoảng 10 ngày, lãnh đạo xã, bản họp với dân bản bàn, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng người tổ chức Lễ hội Cầu mưa.
- Trang trí cây vạn vật (người Thái gọi là Xăng bók mứn tộ)
Trước đó 1 tuần, lãnh đạo trong mường phân công người lên rừng lấy tre, cây về để trang trí cây vạn vật.
- Chuẩn bị 02 cây vạn vật: Một cây nhỏ rước từ bản lên đến đầu nguồn nước (Bó Nặm) để thực hiện nghi lễ cúng thần nước: cây cao khoảng 2,5m, có 13 cành và 01 cây to đặt ở trung tâm bản Mường (nơi diễn ra phần Lễ xin mưa và phần hội): cây cao khoảng 5m, có 47 cành. Trên mỗi cành đều gắn, treo các đồ vật, con vật trong tự nhiên hoặc được đan bằng tre, nhuộm màu hoặc gắn sợi tua rua màu sắc cho đẹp và sinh động: Con chim, con ve có nhiều màu sắc (đỏ, hồng, xanh, vàng, trắng) để thực hiện việc mang lời khấn của dân bản tới ông Then (ông Trời); Vỏ ốc, vỏ trai thể hiện việc các con vật ở suối cũng đã chết vì khô hạn; Thẻ tre có ghi các lời cầu mưa bằng chữ Thái cổ; Ống tre nhỏ tượng trưng cho ống đựng nước cũng có ghi trên thân các lời cầu mưa bằng chữ Thái cổ; Các vòng tre đan vào nhau được nhuộm nhiều màu sắc tượng trưng cho ước mơ hạt lúa được to, trĩu nặng, mùa màng bội thu; Vật kiêng của bà goá (Ta leo mé mái): Loại ta leo này chỉ đan 1 mắt. Chọn đan loại ta leo này vì nó được đan đơn giản, thể hiện bà goá vất vả, vụng về nên chi đan được loại ta leo như vậy, nhưng có tác dụng chống lại ma tà và rất linh thiêng, ý trời cũng thương các bà goá, một mình nuôi con nên những lời cầu mưa sẽ được đáp lại; Quả bông khô rụng hết bông để thể hiện là cây cỏ bị chết vì khô hạn; Quả còn để Then vui, then dùng chơi; Trên ngọn của cây vạn vật cắm những cành lau và cành hoa ban. Chân của cây vạn vật được trang trí bằng các đồ đan có kích thước nhỏ liên quan đến sinh hoạt hàng ngày: quạt, đồ đựng gạo; Gùi; 7 giỏ đan nhiều kích cỡ có đựng trứng gà (số lượng trứng từ 1 đến 7 quả vào trong giỏ), hoa quả, lá trầu, miếng vỏ chay; Quấn quanh chân của cây vạn vật là vải khít (loại vải chuyên dùng trong lễ cúng vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa có tính thẩm mỹ, giàu sang). Dân bản quan niệm: cây vạn vật rất linh thiêng, đi đến đâu cũng có thể đuổi được hết ma quỷ đến đó. Trước ngày diễn ra lễ cầu mưa, dân bản dựng cây vạn vật lớn tại nơi diễn ra nghi lễ cầu mưa và phần hội, đồng thời chuẩn bị cây vạn vật nhỏ để làm lễ rước vào hôm sau.
Chuẩn bị một số đạo cụ để múa, để tạo nhạc: 01 trống to; 01 chiêng; 01 bộ chũm choẹ; 50 ống tre để múa xin nước; 50 ống tre để múa tăng bu, khăn thổ cẩm đỏ, khăn piêu…
Ngoài ra, đội giúp việc phải chuẩn bị đồ lễ cúng; lương thực, thực phẩm để tổ chức phần hội, bữa cơm liên hoan.
Đặc biệt là cử người biết chữ Thái cổ viết những lời xin mưa lên trên thẻ tre, vỏ con trai và ống nước nhỏ treo trên cây vạn vật để xin Then ban cho nước mưa.
* Diễn biến Lễ hội Cầu mưa
Ngày thứ Nhất: Lãnh đạo bản, xã tổ chức cho dân bản vệ sinh môi trường trong bản, nguồn nước, khơi thông mương máng, trồng cây xanh; Chuẩn bị đồ lễ cúng cho các nghi lễ và lương thực, thực phẩm cho bữa cơm đoàn kết.
Ngày thứ Hai: Từ sáng sớm, tổ giúp việc đã chuẩn bị, bày biện, sắp xếp các mâm lễ để thực hiện các nghi lễ cúng:
Phần lễ:
Nghi lễ thứ nhất: Cúng thần đất (thổ địa) và xin được tổ chức Lễ hội Cầu mưa tại trung tâm bản. Thời gian: khoảng 5h sáng. Đội giúp việc bày 02 mâm lễ: (1) mâm lễ mặn gồm: 01 con gà luộc; 02 gói xôi màu; 02 bát canh nhỏ; 02 chai rượu, 3 chén rượu; hoa trạng nguyên, quả; áo ông trưởng bản (áo hồn); 02 bánh trưng (01 cái hình tròn tượng trưng cho đất, 01 cái hình nhọn tượng trưng cho núi); (2) Mâm vải gồm: 01 sấp vải trắng, 01 sấp vải thổ cẩm đen trắng, 01 sấp vải thổ cẩm đỏ, bên trên đặt 05 cái vòng tay bằng bạc, 05 đồng bạc, trầu cau. Bày các mâm lễ xong, đoàn thực hiện nghi lễ cúng gồm: Thầy mo, bà goá, ông trưởng bản, các bà giúp việc bê các mâm lễ ra một mảnh đất ruộng, đặt tất cả lên lên một chiếc bàn tre.
Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng, những người còn lại đứng ở phía sau cúi lạy mỗi khi thầy mo xin thần linh.
Bài cúng có ba phần:  Phần 1. Lời mo mời chủ đất, thổ địa thức dậy (Mo mơi phi cháu địn púc tứn); Phần 2. Lời mo xin được làm lễ cầu mưa (Mo so páy hết sện so nắm phợn).
Trong khi thầy mo thực hiện nghi lễ cúng thần đất, thì một bộ phận chuẩn bị các mâm lễ để cúng trên nguồn nước. Cúng xong thần đất, thầy Mo, ông Then, trưởng bản, bà goá cùng bà con dân bản rước cây vạn vật nhỏ, các mâm lễ, ống nước, cùng trống, chiêng đi tới từng nhà gọi chị em phụ nữ cùng lên nguồn nước (Bó nặm) để thực hiện nghi lễ xin nước. Đoàn người vừa đi vừa đánh chiêng, trống rộn ràng, những người phụ nữ vừa đi vừa múa, gọi các nhà xong, tiếp tục rước lễ lên nguồn nước để thực hiện nghi lễ cúng.
Nghi lễ thứ Hai: Cúng tại nguồn nước, gồm cúng thần đất (thổ công) và cúng xin nước (xó nặm). Đội giúp việc sắp xếp 02 mâm lễ: (1) Mâm lễ cúng thần đất (thổ công) tại nguồn nước, gồm: 01 con gà luộc; 02 gói xôi màu; 02 cái bánh chưng; 04 chén rượu, 02 chai rượu; 02 gói bánh kẹo; Các loại củ luộc chín: Khoai lang, khoai sọ, sắn, củ mài...; 02 khúc cơm lam; Măng luộc; 01 bát canh nước luộc gà; một ít muối trắng để thần linh về thưởng thức mâm cúng chấm thịt gà; Tiền vàng; Vải: 01 sấp vải trắng, 01 sấp vải thổ cẩm đen trắng, 01 sấp vải thổ cẩm đỏ, bên trên đặt 05 cái vòng tay bằng bạc, 05 đồng bạc, trầu cau. Tất cả được bày lên mâm đặt vào trong miếu thờ thổ công; (2) Mâm lễ cúng xin nước (xin thần nước) ở nguồn nước, gồm: 01 con vịt luộc; 02 gói bánh kẹo; 02 cái bánh chưng; 03 ống cơm lam; hoa, quả; 04 gói xôi màu tím, trắng, đỏ, vàng; Rau nộm (nhiều loại rau dưới ruộng, trên nương, trong vườn đồ chín, cho gia vị vào trộn lên); măng luộc; các loại củ luộc chín: Khoai lang, khoai sọ, sắn, củ mài...; 02 gói thịt gà hấp cách thuỷ (mọk cáy); 01 chai rượu; 07 quả trứng vịt sống nhuộm đủ 7 màu; Vải trắng, thổ cẩm: 05 cuộn có hoa văn màu sắc đặc sắc, đẹp hơn các mâm cúng khác, trên vải đặt vòng cổ và vòng tay bạc. Mâm vải được đặt dưới đất cạnh mâm vải cúng thần đất nhưng để thẳng với bàn thờ cúng thần nước; cá sống để phóng sinh. Tất cả được bày lên mâm đặt trên nền đất. Ngoài ra, còn 01 lồng có 02 con gà sống (1 trống, 1 mái), 01 cây con để thực hiện nghi lễ trồng cạnh mó nước (Bó nặm), ống tre đựng nước, tất cả đặt bên cạnh mâm lễ.
Thầy cúng và bà goá ngồi cạnh mâm lễ, dân bản ngồi phía sau cùng thực hiện nghi lễ cúng xin nước. Cúng thổ địa và thần linh ở nguồn nước xong, mọi người cúi lạy trời đất, rồi thả những quả trứng nhuộm màu và phóng sinh cá vào nguồn nước, trồng bên cạnh nguồn nước 1 cây xanh. Các bà, các chị sẽ dùng ống tre xin múc nước đem về. Đoàn người lại rước lễ vật, nước cùng chiêng, trống về trung tâm của Mường để tiếp tục thực hiện nghi lễ thứ ba và phần hội.
          - Nghi lễ thứ Ba
Tại một bãi đất rộng ở trung tâm bản, tổ giúp việc sắp mâm lễ đặt cạnh cây vạn vật to. Mâm lễ cúng thổ địa và xin mưa gồm: (1) 01 mâm mây lớn đặt chính diện, ngay dưới cây vạn vật có: 01 con lợn khoảng 20kg, luộc chín, 07 bánh chưng (cả bánh tròn, bánh nhọn), 07 gói thịt gầ hấp cách thuỷ (mọk cáy), 07 ống cơm lam nhỏ, 04 gói xôi đặt ở 4 góc mâm, 04 chai rượu đặt ở bốn góc mâm, 05 chén rượu, 02 con cá nướng, 01 xiên thịt lợn nướng; (2) 01 mâm xôi lớn, gồm các màu: trắng, đỏ, vàng, tím; (3) 01 mâm gạo, đặt 07 quả trứng sống và 01 áo ông trưởng bản lên trên; (4) 01 mâm 02 con gà luộc chín; (5) 01 mâm có: 04 bánh chưng (02 bánh tròn, 02 bánh nhọn), các loại củ luộc: khoai lang, khoai sọ, sắn, mía, cơm lam được xếp tròn xung quanh viền mâm, ở giữa là 4 củ măng luộc; (6) 01 mâm quả: 01 nải chuối to, 01 quả bưởi, các loại quả khác, trầu cau; (7) 01 mâm vải: Vải trắng, thổ cẩm đen trắng, thổ cẩm đỏ: 05 cuộn, đặt 1 vòng cổ, 03 vòng tay bạc lên trên vải; (8) Hương, đèn, nước trắng, tiền vàng; (9) 01 lồng có 02 con gà sống (1 trống, 1 mái) đặt bên cạnh.
Khi đoàn đi lấy nước trở về tới địa điểm diễn ra lễ cầu mưa, phải đi một vòng quanh cây vạn vật để báo cáo với thần linh và bắt đầu thực hiện nghi lễ thứ Ba: ông Then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ, cây vạn vật. Thầy mo ngồi phía dưới cùng với đoàn rước nước về, dân bản ngồi xung quanh phía sau. Những ống nước lấy về được dựng vào quanh cây vạn vật. Thầy mo khấn kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa.
Kết thúc bài cúng, ông Then tuyên bố ban nước và cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, rồi bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa dùng túm lá tre vẩy nước vào tất cả những người dự lễ.
Thầy mo và bà goá cúng cảm ơn then đã cho nước mưa. Đại diện lãnh đạo bản, xã ngồi xung quanh phía sau thầy cúng, một đội múa đứng phía sau để múa phụ hoạ cho các bài cúng.
Thầy mo và bà goá tiếp tục cúng thần linh và gọi vía về cho mọi người, không đi theo ông then lên trời
          Trong các lời cúng, sau mỗi câu "Thẹn ơi" là thầy mo sẽ giơ tay lên làm dấu để lãnh đạo bản, xã, dân bản ngồi phía sau cùng lạy và làm động tác xin mưa.
Trong lúc thầy mo và bà goá cúng đến bài cuối cùng, nhạc chiêng trống nổi lên, đội múa thực hiện các điệu múa cho nghi lễ cầu mưa.
+ Bài múa thứ nhất (Múa xin nước): Đội múa cầm ống nước đi vòng quanh cây vạn vật theo nhịp chiêng trống, thể hiện các động tác: vác ống nước, cầm ống nước tiến, lùi về phía cây vạn vật, tiến lên thì đẩy ống nước lên cao, lùi lại thì kéo ống nước về phía sau (mô tả hành động xin nước, múc nước).
+ Bài múa thứ hai (Múa mừng vui có nước): Đội múa thể hiện động tác cúi khom khom, vẩy tay đi vẩy tay lại từ trên xuống dưới, từ trái qua phải giống như lúc làm cỏ lúa, thể hiện khi có nước rồi bà con bắt đầu vào vụ mùa.
Đội múa khăn đứng phía sau thầy mo xòe khăn liên tục phụ hoạ cho đội múa xin nước.
+ Bài múa thứ ba (Xoè mừng lúa lên tốt trên đồng ruộng): đứng vòng quan cây vạn vật, hai cánh tay giơ lên cao vỗ, vỗ tay 2 cái, rồi vẩy tay, vung tay về phía trước, ra phía sau. Điệu múa thể hiện sự mừng vui có nước, lúa tốt, chăm chỉ cấy cày để có vụ mùa bội thu.
Lúc này thầy mo đã cúng xong chuyển sang phần hội:
+ Bài múa thứ tư (Múa mời khách): Đội múa cùng giơ tay ngang qua đầu, vẫy tay từ trái sang phải, từ phải sang trái là động thái mời khách đến xoè vui chung.
+ Bài múa thứ năm (Mời các "quan khách") đến dự lễ để vào vòng xoè vui chung cộng đồng: Vỗ tay 2 cái theo nhịp trống chiêng rồi đưa hai cánh tay giang rộng về phía trái, rồi lại vỗ tay hai nhịp giang tay về phía phải… Điệu múa mời quan khách nhanh chân vào vòng xoè chung vui.
+ Bài múa thứ sáu (Xòe cộng đồng): kế tiếp bài múa thứ năm, người trong đội múa sẽ giơ tay mời và kéo khách vào vòng xoè cộng đồng.
Đội múa có cả các bà trung niên cao tuổi, các cô gái trẻ và cả các cháu nhi đồng thể hiện cho sự nối tiếp truyền thống nghệ thuật và Lễ hội Cầu mưa.
Kết thúc vòng xoè cộng đồng, dân bản chuyển sang chơi các trò chơi dân gian:
+ Trò chơi bắn nỏ (Bén nả): Chủ yếu là thanh, thiếu niên, cả nam và nữ cùng tham gia. Có thể là đứng bắn hoặc ngồi bắn, mỗi người bắn 3 tên, ai bắn trúng đích nhiều hơn là thắng cuộc; khi bắn phải dương nỏ, đặt tên rồi ngắm bắn, bật lẫy nỏ tên sẽ bắn đi về phía mục tiêu. Trò chơi bắn nỏ tạo không khí thi tài, phấn khởi cho ngày hội.
+ Trò chơi Tung còn (Tọt cón): Tung còn là một trò chơi dân gian không đơn thuần là giải trí, góp vui trong ngày hội của bản, của mường mà gắn liền với  phong tục, tập quán tín ngưỡng của dân tộc. Trò chơi này ngoài yếu tố thi thố tài năng, góp vui trong lễ hội còn có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cân bằng âm dương. Mọi người đều tham gia nhưng đối tượng chủ yếu là nam và nữ thanh niên.
+ Trò chơi bắn quả Lẹ (Tó Mák Lẹ): “Tó mák lẹ”, theo tiếng Thái: ‘Tó” nghĩa là chơi hoặc đánh. ” Mák lẹ” là tên một loại quả được lấy từ một loài dây leo trong rừng già về, tiếng Thái gọi là Lẹ, tiếng Việt là quả bàm bàm.  “Tó mák lẹ” đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ. Họ thường chơi vào các ngày lễ tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới, chơi khi có thời gian rỗi .v.v.  Để chơi “Tó mák lẹ” tối thiểu cũng cần có 2 người hoặc 2 đội. Thông thường người chơi, đội chơi càng đông thì càng vui. Khi thi đấu thì chỉ chơi 2 đội, mỗi đội tối đa 7 người. “Tó Mák lẹ” tuy có cách chơi đơn giản nhưng là một cuộc thi tài thật sự tưng bừng náo nhiệt và đặc biệt vui vẻ, nhất là trong lễ hội, gắn kết với nhau hơn trong cuộc sống, trong lao động và làm tăng  thêm tính cộng đồng bền vững.
Kết thúc Lễ hội Cầu mưa, lãnh đạo bản, xã tổ chức bữa cơm đoàn kết, mời tất cả những người tham gia Lễ hội cùng dự vui. Lễ hội Cầu mưa kết thúc khi trời quá trưa.
* Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
Lễ hội cầu mưa được tổ chức để cầu xin các vị thần linh, Then trên trời cho nhiều nước nguồn, cho mưa xuống để Nhân dân trồng cấy, cho mùa màng bội thu. Ông Then, thầy Mo và bà goá đứng ra đại diện cho dân bản để kết nối với thần linh, then trên trời, chuyển tải thông điệp của trần gian về việc xin trời cho mưa. Là dịp để bà con trong bản, mường được gặp gỡ, giao lưu, cùng rước lễ, dâng lễ, múa xoè, chơi các trò chơi dân gian, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.
Các điệu múa, trò chơi dân gian trong lễ hội phản ánh rõ nét tín ngưỡng liên quan đến việc cầu mong cho mưa thuận, gió hoà để mùa màng tươi tốt, bội thu, nhà nhà no ấm, yên vui; muốn làm cho các thần linh, then được vui để ban nước mưa cho bà con trồng cấy. Đồng thời giáo dục, tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, trồng cây xanh, giữ gìn môi trường làng bản xanh, sạch, đẹp.
Lễ hội Cầu mưa thể hiện mối quan hệ, gắn kết trong cộng đồng, tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, dân tộc, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, tham gia các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng truyền thống, trình diễn nghệ thuật dân gian, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Lễ hội Cầu mưa bảo lưu được những nét văn hóa tộc người như: ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian: diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình, trò chơi dân gian... của người Thái trắng. Lễ hội còn phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú của người Thái trắng.
Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng:
Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được tổ chức hàng năm mang tính cộng đồng cao, được duy trì theo truyền thống, được đông đảo bà con ủng hộ. Lễ hội được tổ chức để cầu trời cho mưa, cho dân bản trồng cấy, cho mùa mang tươi tốt, bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, bản mường yên vui. Việc tổ chức lễ hội còn giáo dục, tuyên truyền cho người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Lễ hội Cầu mưa được tổ chức tạo sự vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh. Duy trì Lễ hội Cầu mưa trong cộng đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa. Góp phần phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương.
- Lễ hội Cầu mưa góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa nghệ thuật:
Các đồ lễ: Được người dân dùng tre, vót nan, nhuộm màu đan thành các con vật nhiều màu sắc treo trên cây vạn vật tạo sự đẹp mắt, thẩm mỹ.
Các điệu múa: Mô tả việc xin nước mưa, vui mừng khi trời mưa, dân trồng cấy, được mùa, no ấm. Đặc biệt là các điệu xoè cộng đồng để mọi người cùng vui chung, gắn kết cộng đồng. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn Nghệ thuật Xoè Thái - Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Các trò chơi dân gian: Bảo tồn văn hoá truyền thống và tạo niềm vui, không khí phấn khởi trong lễ hội.
- Lễ vật cũng như trình tự, thủ tục, nội dung của Lễ hội Cầu mưa tương đối đơn giản. Các mâm lễ chủ yêu dùng lễ vật là rau, củ quả dưới ruộng, trên nương; thịt gà, vịt, lợn sau lễ cúng được dùng để mời dân bản liên hoan; vải vóc để dâng lên thần linh trong các nghi lễ, sau đó các gia đình đưa về để dùng. Mỗi nội dung của bài cúng thầy mo đều dùng lời hát then để hát xin cho mưa, cho nước, cảm ơn then, cảm ơn thần đất, thần nước đã cho mưa thuận, gió hoà, cho người dân được ấm no.
Lễ hội Cầu mưa vẫn được cộng đồng người Thái trắng ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu duy trì đều đặn hàng năm, là một tín ngưỡng không thể thiếu đối với bà con dân bản. Đặc biệt, với Mộc Châu là khu du lịch quốc gia, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá này góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngày nay, do cuộc sống đầy đủ hơn nên các lễ vật trong các lễ cúng cũng như bữa cơm đoàn kết cũng đầy đặn hơn. Đặc biệt là việc duy trì các điệu múa, xoè trong lễ hội được quan tâm. Lễ hội Cầu mưa đang được bảo tồn rất tốt, không có nguy cơ bị mai một trong cộng đồng người Thái trắng ở Mộc Châu.
Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng xã Đông Sang đã được lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục quốc gia năm 2023./.
Các lễ hội khác