Ngày nay, người Dao Tiền vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó phải kể đến các nghi lễ truyền thống trong đám cưới. Lễ cưới được coi là một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời của mỗi con người.
Quan niệm về hôn nhân: Người Dao nói chung và người Dao Tiền ở tỉnh Sơn La nói riêng quan niệm hôn nhân có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cá nhân mà còn rất hệ trọng đối với gia đình, họ tộc. Truyền thống hôn nhân là một vợ, một chồng, nguyên tắc ngoại hôn dòng họ. Bố mẹ người con trai tìm chọn con dâu tương lai theo các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng.
- Nguyên tắc hôn nhân:
+ Nguyên tắc hôn nhân đồng tộc người: Hôn nhân truyền thống mang tính phổ biến của người Dao nói chung là nam nữ cùng nhóm địa phương kết hôn với nhau. Các gia đình người Dao Tiền đều muốn con cái mình kết hôn cùng cộng đồng người Dao Tiền, hiện nay phong tục này vẫn được duy trì, cộng đồng người Dao Tiền rất ít kết hôn với ngành Dao khác, dân tộc khác.
+ Nguyên tắc ngoại hôn dòng họ: Là nguyên tắc cơ bản để củng cố, thống nhất bên trong mỗi dòng họ, là cơ sở để quyết định ai lấy được ai. Bởi vậy, đối với người Dao Tiền cùng thờ một ông tổ trong vòng 5 đời không được kết hôn với nhau.
+ Nguyên tắc cư trú sau khi kết hôn: Sau khi kết hôn, hai vợ chồng cư trú bên gia đình nhà chồng, sau đó tùy thuộc vào điều kiện gia đình nhà chồng, có thể cho đôi vợ chồng ra ở riêng.
Hiện nay, người Dao ở Sơn La còn bảo tồn văn hóa truyền thống đậm nét, trên các phương diện, đặc biệt là các nghi lễ trong chu kỳ đời người, nghi lễ trong năm của các dòng họ, tộc người, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực. Trong đó phải kể đến các nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao. Mặc dù mỗi ngành Dao có những nghi lễ và trang phục riêng cho lễ cưới, nhưng đây là những nghi lễ rất quan trọng đối với gia đình, dòng họ, nam nữ trưởng thành ở bất kỳ ngành Dao nào để giữ gìn nòi giống, đánh dấu bước trưởng thành của các đôi nam nữ, kết nạp thêm thành viên trong gia đình.
Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền được hình thành từ lâu đời, xuất phát từ tâm linh tín ngưỡng của dân tộc, nhằm duy trì, bảo tồn giống nòi, mong muốn cho con cháu được hạnh phúc, con đàn, cháu đống. Đặc biệt là thông qua nghi lễ truyền thống trong đám cưới để răn dạy con cháu hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, phát triển đời sống kinh tế, dạy dỗ con cái trưởng thành.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, di cư đến các vùng đất mới, Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống, các lễ nghi vẫn được thực hành đầy đủ, có chăng chỉ là giản lược một vài thủ tục rườm rà cho phù hợp với điều kiện sống hiện tại.
Các nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền có Lễ dạm hỏi (xem tuổi cô dâu, chú rể) và 3 nghi lễ chính: Lễ xin dâu, lễ cắt khẩu và lễ nhập khẩu cho cô dâu. Các thủ tục, nghi lễ chủ yếu được thực hiện ở nhà gái.
* Lễ dạm hỏi
Người Dao rất coi trọng việc xem, chọn ngày cưới và xem tuổi của cô dâu, chú rể. Lễ dạm hỏi thực chất là để bố mẹ nhà trai sang nhà gái thăm hỏi, xin ngày tháng năm sinh của cô dâu để về xem tuổi cô gái và chàng trai có hợp nhau không, khi đi nhà trai không phải mang theo bất cứ lễ vật gì.
Trước đây, theo tục lệ cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó, cha mẹ sẽ chọn lựa cho con mình những chàng trai, cô gái ưng ý ở trong bản, làng, rồi nhà trai sẽ đến gặp gia đình nhà gái xin ngày tháng năm sinh của cô gái. Nếu nhà gái đồng thuận thì họ sẽ viết ngày tháng năm sinh của con gái mình lên một tờ giấy, đưa cho nhà trai. Nếu nhà gái không đồng thuận hoặc con gái họ đã có đám khác thì họ sẽ từ chối. Sau khi xin được ngày tháng năm sinh của cô gái, nhà trai sẽ nhờ thầy cúng xem đôi trai, gái có hợp tuổi nhau không? Nếu hợp tuổi thì mới tiến hành các nghi lễ tiếp theo.
Ngày nay, mặc dù trai gái được tự do tìm hiểu nhưng việc xem tuổi vẫn rất được coi trọng. Trước khi thực hiện các thủ tục để tiến tới lễ cưới, bố mẹ chàng trai cũng phải đến nhà gái hỏi ngày tháng năm sinh của cô gái, nếu nhà gái đồng ý và cho ngày tháng năm sinh thì nhà trai mới đi nhờ thầy cúng xem sách lục hợp xem cô dâu, chú rể có hợp tuổi nhau không. Nếu cô dâu, chú rể không hợp tuổi nhau thì đôi trẻ sẽ không được lấy nhau. Trường hợp này cũng khá nhiều, nên khi đôi trai gái có ý định gắn kết với nhau, hai gia đình phải xem tuổi trước để tránh đôi trai gái đã yêu nhau nặng tình mà không hợp tuổi sẽ khó rời xa nhau. Để tránh các đôi nam nữ có thể sảy ra tình trạng bức xúc hoặc tự tử vì đã yêu nhau sâu nặng mà không lấy được nhau do không hợp tuổi thì một số dòng họ đã làm lễ cúng giải hạn để hóa giải tuổi cô dâu, chú rể cho hợp nhau. Tuy nhiên, một số dòng họ vẫn tuân thủ nghiêm ngặt việc cô dâu, chú rể không hợp tuổi là không được lấy nhau. Nói chung, đa số các đôi nam nữ người Dao đều tuân theo luật tục và nghe theo bố mẹ vì họ quan niệm thực hiện đúng nghi lễ truyền thống sau này gia đình mới được hòa thuận, vui vẻ.
Khi xem tuổi xong, nếu hợp nhau thì người con trai sang nhà gái làm công từ 3 ngày đến 3 tháng, giúp đỡ nhà vợ các việc ruộng, vườn, việc nhà nhưng không phải làm liên tục mà thỉnh thoảng mới sang làm một hoặc vài ngày. Việc làm công này để giúp chàng trai làm quen với các công việc của gia đình nhà gái, cũng là một hình thức trả công bố mẹ vợ đã nuôi nấng con gái để gả cho mình. Đây cũng là thời gian chờ thầy cúng chọn ngày cưới và cũng xem tình hình nhà gái có ưng thuận chàng rể tương lai không. Việc các chàng trai người Dao bị nhà gái từ chối sau khi đi làm công là rất hãn hữu, vì họ cũng phải cố gắng để vừa lòng nhà gái.
Vì người Dao rất coi trọng việc chọn ngày cưới nên có đôi vợ chồng phải đến 5 năm sau mới cưới, trong thời gian đó thì chàng trai vẫn đến nhà gái làm công, thăm cô gái. Ngoài ra, một số dòng họ quy định trong một năm chỉ được 2 cô gái được xuất giá đi lấy chồng; nhưng đón bao nhiêu cô dâu về cũng được, vì vậy có đôi xem được ngày rồi vẫn phải lùi sang năm sau mới cưới. Trước đây, do điều kiện khó khăn, nhiều gia đình chưa tổ chức được lễ cưới thì cứ làm thủ tục để cô dâu, chú rể chung sống với nhau. Nếu tận khi về già mà vẫn chưa làm được thủ tục cưới thì con cháu phải tổ chức đám cưới cho bố mẹ. Đôi vợ chồng nào chưa làm xong thủ tục cưới thì được coi là người chưa trưởng thành, không được đại diện đi cưới, hỏi cho gia đình nhà khác. Đôi vợ chồng đủ tuổi đăng ký kết hôn và ở với nhau, có con cái nhưng vẫn cư trú bên nhà gái cho đến ngày cưới. Vì vậy, việc tổ chức đám cưới đối với người Dao rất quan trọng.
* Lễ hỏi cưới
Sau khi nhà trai xem được ngày lành, tháng tốt, nhà trai sẽ thực hiện nghi lễ hỏi cưới, thực chất là họ sẽ sang nhà gái để cùng bàn bạc, thống nhất về ngày cưới. Nhà trai cũng hỏi xem nhà gái thách cưới như thế nào? Thường đồ lễ nhà gái thách cưới tính theo dòng mẹ, nếu ngày trước mẹ đi lấy chồng, ông ngoại thách cưới thế nào thì con gái cưới cũng thách như vậy.
Công tác chuẩn bị
Bên nhà trai: Lễ dẫn cưới, thách cưới là quan trọng nhất đối với người Dao tiền. Vì vậy, từ khi con đủ tuổi trưởng thành, các gia đình đã phải nuôi lợn, chuẩn bị bạc trắng, may thêu trang phục truyền thống, hàng năm phải làm thịt chua. Mỗi gia đình phải nuôi ít nhất 3 con lợn để làm lễ dẫn cưới, phải nuôi từ 2-3 năm thì lợn mới béo, nếu lợn đã béo mà con trai chưa lấy vợ thì họ lại bán đi, nuôi gối lứa khác tiếp tục chuẩn bị, nếu thịt chua chưa sử dụng năm nay thì lại đem dùng và làm mẻ khác thay thế.
Trước ngày cưới khoảng 5 ngày, nhà trai sẽ đi nhờ bà con họ hàng đến giúp đám cưới: lấy lá dong để gói đồ lễ, lót mâm ăn cơm; lấy củi để đun nấu; mượn đồ dùng: mâm, bát, nồi niêu…; đan một số sọt tre đựng đồ lễ; dựng rạp, mổ lợn làm cỗ và đồ lễ dẫn cưới; quét dọn nhà cửa sạch sẽ để nhà trai tổ chức đám cưới.
Ngày hôm sau, ở nhà trai mọi người chuẩn bị đồ lễ để đưa sang nhà gái: làm tiền vàng bằng giấy dó của người Dao; gói Lễ tơ hồng gồm muối, dây tơ hồng, bạc trắng; mổ 3 con lợn to, chia thịt thành các phần theo danh sách thách cưới của nhà gái cho sẵn vào các sọt tre; giã gạo nếp làm bánh rán.
Sau khi các đồ lễ dẫn cưới đưa sang nhà gái đã chuẩn bị xong, tất cả đều được tập trung ở gian giữa, có 02 thầy cúng làm lễ cúng báo cáo với tổ tiên nhà trai, xin phép được đưa đồ lễ dẫn cưới sang nhà gái, vừa cúng khấn, thầy vừa làm lễ gieo quẻ âm dương để xin, rồi đốt vàng mã. Cúng xong, mọi người ăn cơm rồi mang đồ lễ sang nhà gái. Nhà trai cử ít nhất 10 người cả nam và nữ đưa đồ lễ sang nhà gái (gồm cả chú rể), đồng thời ở lại phục vụ đám cưới tại nhà gái.
Bên nhà gái: Trước đây, nhà gái đón tiếp nhà trai đến “ngủ mơ”, xem giấc mơ có tốt không, nếu tốt thì mới tiến hành công tác chuẩn bị. Nhà gái chuẩn bị một số đồ lễ cúng để đón nhà trai đến xin dâu, cắt khẩu cho cô dâu, mổ lợn, dựng rạp và mời khách 1 bữa vào trưa ngày đón dâu. Hiện nay, họ cũng thuê rạp, bát đĩa và tổ chức ăn uống nhiều bữa hơn, mời đối tượng khách rộng hơn, không còn khép kín trong họ hàng nữa.
* Đi “Ngủ mơ” và Lễ xin dâu
Sau khi thống nhất ngày cưới xong, trước ngày cưới, nhà trai lựa chọn anh em gần gũi nhất, cử 01 ông mối (thường là anh của chú rể), 01 bà mối (thường là vợ của anh cả, hoặc chị gái của chú rể) và một cô gái dẫn dâu (là cháu gái của nhà trai khoảng từ 6-15 tuổi) sang nhà gái để “ngủ mơ” và đón dâu về. Trước khi sang nhà gái, thầy cúng khấn báo cáo tổ tiên nhà trai xin phép cho các con cháu đi đón dâu về, thầy cúng xong đoàn 03 người sẽ sang nhà gái. Ba người đi đón dâu phải mặc trang phục truyền thống đẹp, bà mối đeo 1 cái túi đan bằng chỉ màu trắng của người Dao, bên trong để 01 bộ lễ phục mới nhà trai chuẩn bị sẵn cho cô dâu mặc khi về nhà chồng.
Nhà gái đón tiếp ông, bà mối, dẫn dâu bên nhà trai và chuẩn bị 2 mâm cơm để cúng báo cáo tổ tiên là ông mối, bà mối bên nhà trai đến “ngủ mơ” xin dâu. Cúng xong, đoàn nhà trai cùng nhà gái ăn bữa tối rồi đi ngủ “nằm mơ”, xem có điềm gì không? Nếu ngủ qua đêm mà mơ thấy điềm tốt thì hôm sau có thể đón dâu và tổ chức lễ cưới. Nếu mơ thấy điềm xấu thì đám cưới phải chọn rời sang ngày khác. Vì vậy, trước đây cứ người được cử sang nhà gái nằm mơ báo về có giấc mơ tốt thì 2 gia đình mới chuẩn bị cho hôn lễ: dựng rạp, mổ lợn… Ngày nay, tục lệ này cũng chỉ mang tính hình thức, vẫn có đoàn nhà trai sang nhà gái từ đêm hôm trước để “ngủ mơ” nhưng không phụ thuộc vào giấc mơ tốt hay xấu.
Vào sáng sớm, chuẩn bị đến giờ nhà trai rước dâu thì bà, bác hoặc thím của cô dâu chuẩn bị váy áo cho cháu đem về nhà chồng. Trước hết, là mặc bộ trang phục do mẹ cô dâu (hoặc cô dâu) chuẩn bị, sau đó đến bộ trang phục của nhà trai mang sang. Công việc trang điểm chính cho cô dâu là búi tóc và đội khăn, việc này do một người là thím cô dâu tiến hành khá lâu. Cô dâu được trang điểm, đeo đồ trang sức: hoa tai, vòng tay, vòng cổ. Trong khi đó các bà, bác, cô, chị bên nhà gái mặc váy, áo cho cô dâu. Áo váy được mặc vào người cô dâu tầng tầng lớp lớp, không mặc được nữa thì cứ thế phủ lên trên đầu, vai (tùy theo họ hàng đông thì cô dâu phải mặc nhiều trang phục, thường thì mặc ít nhất 10 bộ). Theo phong tục truyền thống, vào ngày này ai cũng muốn đưa cho cô dâu mặc bộ trang phục của mình để tỏ lòng yêu thương, bao bọc cô dâu. Cô dâu nào có càng nhiều họ hàng, hay được nhiều người yêu quý thì ngày rước dâu số trang phục mặc trên người sẽ càng nhiều. Sau khi làm lễ xong, các bộ váy áo sẽ được trả lại cho chủ nhân của nó, cô dâu chỉ mặc 02 bộ trang phục về nhà chồng. Người Dao quan niệm, được mặc nhiều váy áo thể hiện là cô dâu nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương của họ hàng và cũng còn một ý nghĩa khác đó là che chở cho cô dâu khỏi bị tà ma làm khi đi trên đường xa, núi hiểm về nhà chồng, có thể bị ma mãnh làm hại nên cô dâu phải mặc nhiều áo váy.
Trước đây, người Dao tiền có tục lệ sơn đầu cho cô dâu trong ngày cưới. Vào trước ngày đón dâu, cô dâu phải ngồi cạnh bếp lửa, bôi sáp ong lên tóc rồi chải lên đỉnh đầu, trên đỉnh đầu được đặt một cục gỗ hình như chiếc bát ăn cơm, tóc sơn sáp ong sẽ được quấn vào cái bát đó, rồi đội khăn lên trên. Sau khi cưới 3 ngày thì cô dâu mới được dỡ bỏ sáp ong, gội đầu cho sạch. Ngày nay, tục lệ này đã bị bỏ.
Lễ choàng xin
Cô dâu trang điểm, mặc đồ cưới xong thì ngồi trên một chiếc ghế ở cửa nhìn ra cổng (hướng Đông), người dẫn dâu và bà mối ngồi hai bên. Ông thầy cúng của nhà gái và ông mối của nhà trai đứng sau lưng cô dâu, cùng làm lễ cúng “Choàng xin”, khấn chúc phúc cho cô dâu về nhà chồng được bình an, khỏe mạnh, may mắn.
Nếu đôi vợ chồng nào có con rồi thì làm lễ cho con trước, thầy cúng hoặc người lớn tuổi trong gia đình cúng cầu cho cháu bé khỏe mạnh, đi đường may mắn, bình yên, sau đó bên nhà trai đưa cháu bé về trước, rồi mới đón cô dâu đi sau.
Ông mối, bà mối sau khi làm phép xong thì quay vào trong nhà mời anh em họ hàng bên ngoại cùng đưa cô dâu về nhà chồng, nhà gái cử 4 người: 2 nam, 2 nữ đưa cô dâu về nhà chồng (người Dao Tiền coi trọng số chẵn trong đám cưới vì họ cho là như vậy mới có đôi, mới hoàn hảo). Đoàn đưa cô dâu đi sang nhà chồng, cô gái dẫn dâu cầm tay cô dâu dắt đi, bên cạnh có một người đỡ cô dâu (vì váy áo quá nặng), bà mối đi trước, đi được một đoạn bà mối chia bánh kẹo chia cho những người đi đưa dâu (ý là để trả ơn những người đi đưa dâu), bỏ bớt trang phục cho cô dâu đỡ nặng (nếu nhà trai ở xa thì bỏ hết, chỉ để lại hai bộ: 1 bộ của mẹ đẻ, 1 bộ của mẹ chồng; nếu nhà trai ở gần thì chỉ bỏ đỡ đi vài bộ). Khi cô dâu đến gần nhà trai, đoàn đưa đón dâu dừng lại ở gần nhà hoặc sân nhà hàng xóm mặc hết lại số váy áo và đội khăn cho cô dâu như đã mặc ở nhà gái (nhưng là đồ của họ hàng nhà trai). Cô dâu được dẫn vào trong nhà, ngồi trước bàn thờ chính, thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên là đã đón dâu về, lễ này ngắn và đơn giản. Có nơi, bà mối và người dẫn dâu đưa cô dâu vào sân, bà mối lấy chậu nước rửa mặt, rửa tay cho cô dâu, ý là để cô dâu về nhà chồng sau này biết làm việc của nhà chồng. Sau đó bà mối đưa cô dâu vào nhà và đưa cho cô dâu một đồng tiền (trước đây thường dùng một hào bạc, ngày nay dùng tiền giấy) để vào giữa bếp thổ công (được bắc bằng 3 ông đầu rau gần bàn thờ tổ tiên ở trong nhà) để thổ công, thổ địa nhận cô dâu là con trong gia đình. Lễ đón dâu đến đây kết thúc, mọi người bỏ bớt váy áo cho cô dâu, chỉ mặc 02 bộ trang phục: 01 bộ của mẹ đẻ tặng, 01 bộ của mẹ chồng tặng.
* Lễ cắt khẩu cho cô dâu
Lễ cắt khẩu cho cô dâu được tiến hành bên nhà gái cùng với Lễ nhận đồ dẫn cưới của nhà trai.
Bên nhà gái chuẩn bị 1 mâm cơm cúng báo cáo với tổ tiên là hôm nay đón nhà trai sang xin cắt khẩu cho cô dâu và đón nhận lễ dẫn cưới của nhà trai. Cúng xong đoàn nhà trai đưa lễ vào trong nhà (có nơi nhà gái đóng cửa, nhà trai đến phải đứng ngoài gõ cửa xin vào, khi nào nhà gái đồng ý mới mở cửa để nhà trai đưa lễ vào). Sau khi đoàn nhà trai đưa hết đồ lễ vào nhà, họ lấy một ít thịt lợn luộc (mang sẵn từ nhà trai sang) bổ sung vào các mâm cơm nhà gái đang ăn (mang tính chất phục vụ nhà gái), sau đó họ cũng ngồi vào ăn cơm. Nhà gái tổ chức ăn uống xong, làm lễ nhận đồ dẫn cưới của nhà trai và lễ cắt khẩu cho cô dâu.
Nhà gái chuẩn bị 2 cái bàn để gian giữa nhà trước bàn thờ tổ tiên bày các lễ vật của nhà trai mang sang: xếp 9 cái đĩa, mỗi đĩa bày 1 túm thịt lợn sống và 2 cái bánh rán làm dấu hiệu vị trí đặt lễ, sau đó đặt 4 vai lợn, 1 bên đầu lợn có ít gan, mật và 1 cái đuôi lợn đặt vào cái đĩa ở trung tâm nhất. 4 cái đĩa ở đầu bàn có 4 đống bánh rán, mỗi đống gồm 30 chiếc bánh nhỏ và 2 chiếc bánh to xếp thành hình ống (bánh to tượng trưng là mẹ, bánh nhỏ tượng trưng là con, cầu mong sau này đông con nhiều cháu). Trước bàn đặt 4 cái bát để đựng rượu, 4 sọt đựng 4 đùi lợn, 2 sọt đựng thịt xương (đã xẻ thành từng dẻ), 1 sọt đựng thịt đã luộc chín, 2 sọt đựng muối, 1 sọt đựng bánh, 1 sọt đựng thịt chua và 1 chum rượu; đầu bàn đặt 1 chiếc mẹt lót vải trắng, vải đỏ, giấy vàng đỏ trắng, đặt 4 gói muối to có bọc giấy đỏ, giấy trắng và tiền vàng buộc chỉ tơ hồng đặt 4 bên đối diện (1 gói to, 2 gói bé ở 2 bên), giữa mẹt đặt 1 chiếc bát to lót giấy đỏ, giấy trắng và tiền vàng, trong bát có 3 đồng bạc trắng, miệng bát có 8 dây chỉ đỏ (dây tơ hồng) vắt ngang, còn 2 đôi gà và con lợn sống được để ở ngoài sân (có đám cưới thì nhà gái yêu cầu nhà trai mổ luôn con lợn này mang sang làm lễ). Sắp lễ xong trưởng đoàn nhà trai đốt đuốc mời nhà gái kiểm tra lễ. Nhà gái lựa chọn 2 người bên ngoại (bác và cậu) có nhiệm vụ cầm đuốc soi và kiểm tra lễ xem đã đầy đủ chưa, nếu lễ vật đã đầy đủ thì nhà gái nhận đồ lễ và bắt đầu làm lễ cúng tổ tiên để cắt khẩu cho cô dâu (phần âm). Chú rể mặc lễ phục truyền thống, dâng rượu, làm lễ xin cô dâu và nhận các anh, chị ruột, các anh rể, chị dâu của bên nhà gái.
Chú rể nâng 2 bát rượu cho người cúng lễ, người cúng lễ lạy 12 lạy xin tổ tiên nhận chú rể và báo cáo tổ tiên phù hộ cho cô dâu, chú rể có cuộc sống đầy đủ, mạnh khỏe, hạnh phúc, sinh ra con cái khôn ngoan, hòa thuận. Tiếp theo nhà gái cử 4 người (2 nam, 2 nữ) có liên quan như cô, bác lên đại diện cho anh em họ hàng nhà gái làm lễ nhận chú rể. Chủ rể nâng rượu rồi lạy 4 lạy xin được làm con trong nhà. Hai thầy cúng vừa cúng khấn, vừa giót rượu và gieo quẻ âm dương, một người trong gia đình nhà gái đốt tiền âm mỗi khi cúng xong một lễ.
Nhà gái cắt những thẻ bài viết tên những người họ hàng được nhận đồ lễ cắm vào những phần đồ lễ để chia, khi thầy cúng gọi đến tên người nào thì người đó lên nhận. Chú rể phải lạy mỗi người nhận 12 lạy (hiện nay, nghi lễ này được đơn giản đi đó là nhà gái sẽ tập trung những đối tượng được nhận cùng loại lễ lên nhận cùng nhau luôn, chú rể đỡ vất vả hơn, chú rể cũng chỉ phải lạy 3 lạy).
Nhận xong lễ của nhà trai, nhà gái tiến hành Lễ cắt khẩu cho cô dâu: cô dâu, chú rể đứng bên cạnh người làm lễ. Người cúng lễ mời chú rể và cô dâu uống rượu, xong các thủ tục, cô dâu, chú rể lạy 12 lạy. Thực hiên xong lễ cúng cắt khẩu, nhà gái dọn cỗ mời hàng xóm và gia đình hai bên cùng chung vui, mâm cỗ giành cho người cúng vẫn đặt nơi trang trọng nhất. Thông thường, ngoài ông mối, người cúng có thể xếp thêm một số người cao tuổi, có uy tín ngồi cùng, mâm này do chú rể tiếp, chú rể chỉ được ngồi xổm để tỏ lòng kính trọng của mình với các bề trên đang ngồi cùng mâm. Sau vài tuần rượu thì ông mối có ý kiến trao cô dâu cho nhà trai, mời các vị cao niên trong mâm mỗi người vài ý để cùng răn dạy cô dâu, chú rể trong cuộc sống hàng ngày khi đã thành vợ thành chồng. Cuộc vui này không hạn chế thời gian.
Tiếp theo nhà gái cử 1 người là anh em trong họ lên cúng tổ tiên xin phép thu dọn lễ vật. Chú rể nâng rượu rồi lạy 12 lạy xin tổ tiên nhận và thu dọn lễ vật, người cúng báo cáo tổ tiên hãy nhận lấy các lễ vật của nhà trai, người cúng cúng xong cho đoàn thu dọn lễ vật. Trưởng đoàn nhà trai trao tiền đặt lễ cho nhà gái, sau đó nhà gái trao nhân khẩu (tượng trưng là 2 túm thịt lợn sống và 02 bát rượu) của cô dâu cho nhà trai và có ý kiến dăn dạy cô dâu, chú rể cách ăn ở, đối xử với bố mẹ và anh chị em họ hàng hai bên.
* Lễ nhập khẩu cho cô dâu
Ước lượng thời gian bên nhà gái cắt xong khẩu cho cô dâu (khoảng 10 - 11h đêm), nhà trai chuẩn bị 1 mâm cúng nhập khẩu cho cô dâu (hiện nay, dùng điện thoại để báo tin), một số dòng họ phải đợi mang khẩu của cô dâu về thì nhà trai mới làm lễ nhập khẩu.
Sau khi đoàn nhà trai đưa lễ sang nhà gái, ở nhà trai chuẩn bị đồ lễ để làm lễ nhập khẩu cho cô dâu. Khoảng 10-11 giờ đêm bên nhà cô dâu cắt khẩu xong cho con gái thì bên nhà trai tiến hành lễ nhập khẩu cho cô dâu. Lễ vật đơn giản gồm 3 túm thịt mỡ sống, 4 bát bánh rán, 1 bát nước trắng, 4 cái bát để giót rượu. 1 bát gạo cắm hương, tiền vàng. Thầy cúng vừa cúng khấn báo cáo với tổ tiên xin nhập khẩu cho cô dâu về nhà chồng, vừa giót rượu mời thần linh, gieo quẻ âm dương, đốt tiền vàng. Lễ này kéo dài khoảng 1 - 1,5 giờ. Theo truyền thống thì xong Lễ nhập khẩu cho cô dâu là kết thúc đám cưới tại nhà trai.
Lễ lại mặt (hồi diện): Sau khi cưới 30 ngày trở lên, 120 ngày trở xuống tổ chức đi lại mặt. Thành phần gồm bố mẹ chú rể, cô dâu, chú rể và 2 người anh em cùng đưa cô dâu đi lại mặt. Lễ vật mang đến nhà gái gồm: 1con lợn từ 5kg trở lên hoặc 1 con gà (tùy theo điều kiện từng gia đình), rượu, bánh rán. Nhà gái chuẩn bị 1 mâm cúng báo cáo tổ tiên hôm nay con gái và con rể về xin giấy khai sinh, sau khi cúng xong nhà gái đưa giấy khai sinh của cô dâu cho nhà trai.
Trước đây, khách mời đám cưới của người Dao tiền chủ yếu họ hàng nhà trai và nhà gái. Sau khi mổ 03 con lợn, lọc hết thịt làm đồ lễ dẫn cưới đưa sang nhà gái, ở nhà trai chỉ để lại 3 cái xương sống, ½ thủ lợn và một phần nội tạng (vì một phần đã được làm đồ dẫn lễ đưa sang nhà gái). Thời gian đám cưới ở nhà trai cũng chỉ diễn ra sau khi đón cô dâu về, làm lễ cúng để đưa đồ lễ sang nhà gái, tổ chức ăn một bữa rồi đoàn nhà trai gánh lễ sang nhà gái, phục vụ bên nhà gái cho đến hôm sau. Sau khi bên nhà gái cắt khẩu cho cô dâu (khoảng 10h đêm), bên nhà gái cũng làm lễ nhập khẩu cho cô dâu thì lễ cưới ở nhà trai đến đây kết thúc.
Hiện nay, đám cưới ở nhà trai và nhà gái đã mời thêm khách là hàng xóm láng giềng, tổ chức một bữa cơm mời khách riêng, các món ăn phong phú hơn…các gia đình đều mổ thêm từ 1-2 con lợn để mời họ hàng và những người đến phục vụ ăn trong 2 ngày. Ngoài ra, bữa tối của ngày cuối cùng chỉ mời riêng thành niên trong bản đến ăn và giao lưu văn nghệ đến khuya.
* Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, vai trò của gia đình, dòng họ, cộng đồng trong nghi lễ. Lễ cưới có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giống nòi, nghi lễ, gia đình truyền thống. Đồng thời hôn nhân và lễ cưới của người Dao tiền còn bảo tồn những giá trị văn hóa, cụ thể:
- Các nghi lễ truyền thống được bảo tồn: Người Dao rất coi trọng việc xây dựng, củng cố gia đình truyền thống, vì vậy, việc dựng vợ, gả chồng được coi là khâu mở đầu của sự hình thành gia đình, được thực thi rất thận trọng và trang nghiêm. Người Dao coi trọng các nghi lễ truyền thống và các nghi lễ đó vẫn được giữ gìn đậm nét, được cộng đồng người Dao tôn trọng và thực thi. Trong lễ cưới, các phong tục và lễ nghi: từ Lễ dạm hỏi (xin tuổi cô dâu), đưa tuổi cô dâu, chú rể nhờ thầy cúng xem sách Lục hợp, đến nghi lễ hỏi cưới, báo cáo tổ tiên xin được tổ chức đám cưới, “ngủ mơ”, xin dâu, đón dâu, cắt khẩu và nhập khẩu cho cô dâu. Tất cả các nghi lễ này đều được thực hiện đầy đủ, theo đúng trình tự, có đủ các loại lễ vật kèm theo, các bài cúng, bài răn dạy nghĩa vụ làm dâu, rể, làm cha, làm mẹ….đặc biệt, trong Lễ cưới, lễ vật nhà trai mang sang nhà gái không thể thiếu được lễ tơ hồng. Lễ tơ hồng tuy đơn giản, được những người đàn ông cao tuổi, có uy tín trong dòng họ dùng giấy bản gói muối và gừng, buộc bằng chỉ tơ hồng, kèm thêm những đồng tiền bạc (theo sự thách cưới của nhà gái) nhưng mang ý nghĩa sâu sắc cầu mong cho đôi trẻ đã được duyên trời, sống với nhau mặn nồng, đầu bạc răng long.
- Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền giữ gìn đạo đức, luân lý: Hôn nhân và gia đình, dòng họ luôn gắn bó mật thiết, chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn hóa Dao. Để đảm bảo sự bền vững của gia đình, sự trường tồn và phát triển của dòng họ, nhân dân và những người giỏi sáng tác thơ ca, tục ngữ, sách học, châm ngôn không chỉ dăn dạy thanh niên nam nữ mà còn cảnh báo khá nghiêm khắc về nghĩa vụ của các bậc cha mẹ. Trong đám cưới của người Dao tiền không có các tiết mục hát, múa. Tuy nhiên luân thường, đạo lý được răn dạy rất kỹ lưỡng thông qua các bài cúng, lời dặn dò của bố mẹ hai bên đối với cô dâu, chú rể để thực hiện tốt vai trò của cuộc sống vợ chồng, bổn phần của những người làm con:
“Mẹ tu công quả con gái tốt, cha âm đức dày con trai làm quan”
“Dành tiền con cháu; tính toán không minh tại cha mẹ”
“Nhà có con trưởng, nước có đạo thần; đạo thần không công quốc lễ loạn; con trưởng không giỏi nhà túng nghèo”
“Nhà giàu nhờ con trưởng; chính pháp nhờ đạo thần”
Quan niệm chỉ hôn nhân một vợ, một chồng: “ngựa chỉ phối một yên, nỏ chỉ phối một tên”
Coi trọng chế độ phụ quyền, nhưng không sơ cứng, vẫn đánh giá đúng công lao của nhà gái, họ ngoại, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng “Vợ theo chồng, chồng theo vợ”. Dăn dạy con dâu, mẹ chồng: cô dâu đã là gái có chồng thì không được tơ tưởng đến người tình cũ; ngay phút đầu tiên bước ra khỏi nhà theo đoàn đưa dâu sang nhà chồng đã phải nhìn thẳng, không được quay đầu, nghiêng ngó…phải đối sử khéo với em cô, mẹ chồng và khuyên mẹ chồng phải gần gũi với con dâu trong buổi đầu bỡ ngỡ, không đối sử hà khắc với con dâu dễ dẫn đến hôn nhân của con cái đổ vỡ.
- Trang phục truyền thống được bảo tồn đậm nét: Trong lễ cưới, trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng, mặc dù hiện nay ngày thường họ ít mặc nhưng ai (cả đàn ông lẫn phụ nữ) cũng có ít nhất một bộ để mặc vào những ngày lễ, đặc biệt là lễ cưới. Ngoài việc chuẩn bị cho cô dâu, chú rể bộ trang phục truyền thống thì những người phụ nữ trong họ đều mang trang phục đến để mặc cho cô dâu thể hiện sự quan tâm che chở, chăm sóc; những người trong đoàn đón dâu, đưa dâu, dẫn lễ đều phải mặc đầy đủ trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống trong lễ cưới của người Dao Tiền vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của cộng đồng người Dao.
Có thể nói, trang phục của người Dao Tiền là một trong những loại hình trang phục được bảo tồn tốt nhất so với các dân tộc khác ở Sơn La. Trang phục được bảo tồn nguyên vẹn cả về chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật tạo hoa văn, các loại hoa văn, cách thức cắt may và phương thức sử dụng.
Trong đám cưới, người Dao Tiền kiêng mặc các bộ đồ màu trắng nên trang phục trong lễ cưới chủ yếu là trang phục màu đen. Ngày cưới, cô dâu chú rể sẽ mặc trang phục mới nhất, đẹp nhất do tự tay cô dâu làm cho mình, thêm những bộ trang phục mẹ chồng, mẹ đẻ chuẩn bị cho, họ hàng đến cho mượn.
- Bảo tồn văn hóa ẩm thực: Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ kinh tế thị trường, nhiều hàng hóa được lưu thông, giao lưu văn hóa, kinh tế diễn ra mạnh mẽ, nhưng trong Lễ cưới người Dao, các loại lễ vật, cách chế biến các món ăn truyền thống vẫn được gìn giữ. Thể hiện ở việc chuẩn bị các đồ lễ dẫn cưới của nhà trai sang nhà gái, các món ăn trong các bữa cỗ: thịt lợn chua, rượu hoẵng, bánh rán…
- Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền thể hiện tính cộng đồng, sự chia sẻ của dòng họ, gia đình hai bên: do xem tuổi kỹ lưỡng và có những quy định cụ thể nên người Dao tiền tuyệt đối không có hôn nhân cận huyết, người trong cùng một dòng họ muốn lấy nhau phải cách nhau từ 3-5 đời, tuổi kết hôn trẻ nhưng phụ nữ ít khi kết hôn dưới 18 tuổi, vì vậy hiện tượng tảo hôn rất ít khi sảy ra, đây cũng là những tập quán đẹp góp phần bảo tồn giống nòi, gia đình, dòng họ của người Dao. Người Dao Tiền kết hôn một vợ một chồng, không có hiện tượng đa thê.
Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền mang yếu tố tinh thần tín ngưỡng sâu sắc thông qua việc xem tuổi, chọn ngày cưới; mời thầy cúng báo cáo với thần linh, tổ tiên về việc tổ chức đám cưới, mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia đình đôi vợ chồng trẻ được thuận hòa, hạnh phúc, sinh con đẻ cái được vuông tròn; lễ xin dâu, cắt khẩu, nhập khẩu cho cô dâu. Lễ cưới của người Dao Tiền là nơi thể hiện tinh thần cộng đồng, tương trợ, nơi bảo tồn nguyên vẹn bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người.
Hiện nay, Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền vẫn đang được bảo tồn rất tốt ở tất cả các khía cạnh và các bản làng của họ: các lễ nghi, trang phục, văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên, cũng đã có phần giản tiện hơn đó là: việc thực hiện phần nghi lễ “ngủ mơ” để tìm lời giải từ các giấc mơ chủ yếu là để đủ lễ nghi chứ không mang tính chất quyết định, việc tổ chức nhận lễ cũng không cầu kỳ từng người nhận, người nhận cũng không phải làm lễ lạy nhiều lần và lần lượt nữa. Cô dâu cũng không còn phải sơn đầu trong lễ cưới.
Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của người Dao trong đó, thể hiện đậm nét các phong tục tập quán, nghi lễ mang tính dòng họ, cộng đồng người Dao. Dân tộc Dao ở Sơn La có dân số không đông nhưng hiện nay, các lễ nghi, phong tục của người Dao Tiền trong Lễ cưới vẫn được bảo tồn và phát huy rất tốt, cộng đồng người Dao tiền luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội, hướng con cháu về những giá trị nhân văn cần được bảo tồn và cam kết bảo vệ. Nghi lễ truyến thống trong đám cưới của người Dao tiền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2964/QĐ-BVHTTDL ngày ngày 27/8/2019.