Nghi lễ cúng bản (Xên bản) của dân tộc Lào
Sơn La, Việt Nam
01/12/2024→31/12/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Lào
Dân tộc Lào theo đạo Phật, có truyền thống đoàn kết các dân tộc, có lòng hiếu thảo mến khách, tôn sư trọng đạo, hiện nay đang cư trú ở vùng giáp biên giới của Tổ quốc.
Nghi lễ cúng bản được tổ chức hàng năm vào tháng 12 (âm lịch). Đây chính là ngày đầu tiên dân bản lập miếu tại khu rừng thiêng (Đông Xên). Nghi lễ được thực hiện tại các điểm: Đông Xên của bản (rừng thiêng, rừng ma của bản), nhà Thầy cúng, sân chơi của bản. Nghi lễ Xên bản thường được tổ chức trong 4 ngày.
Thành phần tham gia gồm: Thầy cúng (tiếng Lào là Chảu Chẳm), Thầy áo (tiếng Lào là Chảu Sửa): Là người đại diện của dòng họ đầu tiên khai lập bản; Lãnh đạo bản; Người dân trong bản.
Xên bản ra đời để cầu mong cho người dân trong bản được khỏe mạnh, không ốm đau, cho mùa màng tốt tươi và thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, cảm tạ trời đất, các thần linh, những người đã có công khai mường tạo bản, xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho dân bản được khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, xin các thần linh bảo vệ bản làng.
* Công tác chuẩn bị
Sắp tới ngày cúng bản, Thầy cúng thông báo cho người dân trong bản chuẩn bị lễ vật. Các gia đình sẽ cùng nhau đóng góp tiền để mua lễ vật (tuỳ theo quy định của từng bản), gồm có:
- 02 con lợn (tại bản Nà Khi, tổ chức Xên bản theo cấp độ từng năm: năm đầu thứ nhất và năm thứ hai lễ vật là 2 con lợn, năm thứ 3 thì lễ vật là 1 con trâu; bản Nà Vạc thì năm thứ 3 lễ vật là 1 con bò); 01 con chó; 01 con vịt; 03 chai rượu; 02 chum rượu cần bé để làm lễ tại miếu; 05 chum rượu cần lớn để làm lễ tại nhà thầy áo; 13 cái chén; 02 đĩa đựng vải trắng và 02 tiền đồng; 01 đĩa đựng vải đỏ và 01 tiền đồng; 02 đĩa trầu.
- Ngoài ra mỗi hộ gia đình đóng góp 01 con gà (khoảng 3 lạng, nếu gà to có thể 2 hộ gia đình chung nhau), 01 bó củi. Những người nào ở xa không về được thì có thể gửi nhờ thầy cúng dâng lễ giúp.
* Diễn biến của Nghi lễ Xên bản
Ngày đầu tiên: Đây là ngày dọn dẹp rừng thiêng (Phạt Mák Đông Xên).
Trước khi ra Đông Xên, Thầy cúng lấy một chiếc áo của mình đặt lên ban thờ để xin phép tổ tiên được lên Đông Xên để chuẩn bị cho lễ cúng bản.
Thầy cúng chuẩn bị lễ vật gồm có: Đĩa đựng nến (5 cây nến làm bằng sáp ong), 1 chai rượu, 4 cái chén, 1 đĩa trầu.
Đến giờ ra Đông Xên, Trưởng bản đến nhà thầy áo đánh trống và thông báo trên loa cho tất cả mọi người trong bản biết để cắt cử người lên Đông Xên dọn dẹp. Tại Đông Xên có một ngôi Miếu thờ của bản được làm bằng tre, gỗ, kiểu nhà sàn, có lợp mái, có cầu thang lên. Hàng năm miếu được dọn dẹp, sửa sang chuẩn bị cho Lễ cúng bản.
Đến Đông Xên, Thầy cúng đặt lễ vật vào trong Miếu, vắt khăn lên vai, thắp nến, rót rượu khấn xin các thần linh cho dân bản được dọn dẹp, phát quang khu vực Đông Xên để làm lễ và thông báo với thần linh, tổ tiên là ngày mai sẽ tổ chức làm lễ Xên bản, mời thần linh và tổ tiên về dự lễ.
Cúng xong, thanh niên trong bản cắt cử nhau dọn dẹp, phát quang khu vực Đông Xên, làm bàn để đặt lễ.
Trong lúc người lớn phát quang khu vực Đông Xên thì toàn bộ trẻ con của các gia đình trong bản chia nhau ra thành từng tốp theo dòng họ, cùng nhau làm những chiếc bàn ăn. Chúng lấy cây rừng xung quanh ghép lại thành tấm làm bàn, dùng những cây thân gỗ nhỏ, có chạc để làm chân bàn, ai cũng thích thú, háo hức được tham gia lễ cúng bản. Làm xong những chiếc bàn, trẻ con giải tán, ai về nhà nấy, hôm sau sẽ có mặt để tham dự lễ cúng bản.
Phát dọn xong Đông Xên, trưởng bản phân công nhiệm vụ cho từng người: Người đi làm cổng chào, người đi mua lễ vật, người chuẩn bị các dụng cụ để tổ chức các trò chơi dân gian.
Ngày thứ 2
Vào lúc 13h30 phút, trưởng bản đánh trống và thông báo trên loa mời cả bản ra khu vực Đông Xên, cắt cử người mang lễ vật ra rừng để làm lễ.
Khi đến Đông Xên, thầy cúng thắp 2 cây nến tại miếu khấn xin: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, chúng tôi đến đây xin phép tổ tiên được mổ con lợn (hoặc trâu), con chó, con vịt, con gà tại đây để làm lễ mời tổ tiên về thụ lộc. Khấn xong dân bản cắt cử nhau chuẩn bị các lễ vật: Một số thanh niên mổ lợn, chó, vịt; các gia đình mổ gà. Các loại lễ vật đều được làm tại rừng thiêng, đưa xuống suối cạnh rừng làm sạch, không được đưa về bản.
Trong khi mọi người chuẩn bị đồ lễ, Thầy áo và Thầy cúng đan tấm phên hình mắt cáo (ta leo), lấy lông của các con vật được mổ để làm lễ cúng (Lợn hoặc trâu, gà, vịt và chó) cài vào ta leo.
Trẻ con trong bản có mặt đầy đủ, đợi thụ lộc ở bên những chiếc bàn chúng làm từ ngày hôm trước.
Chuẩn bị xong lễ vật, dân bản sắp thành 3 mâm lễ để dâng cúng thần linh:
+ Mâm thứ nhất (Mâm chính cúng những người có công khai lập bản) gồm có: Áo của thầy áo, đầu lợn, thịt lợn luộc chín, 02 bát tiết (lượt huổi nương), 02 bát canh (huổi nậm tổm), tất cả số gà của các hộ gia đình luộc chín, 13 chén rượu, 13 đôi đũa, 13 cái thìa (số 13 này tượng trưng cho 13 người đầu tiên đã xây dựng bản), 02 ếp khẩu xôi, 01 chai rượu, tiền vàng, bát hương (được làm từ cây chuối), giá cắm nến (được làm từ một thanh gỗ tạo thành hình như cây thánh giá). Mâm này được đặt trong miếu. Thầy cúng trải chiếu trong gian thờ của Miếu và đặt mâm lễ vào giữa chiếu. Bên cạnh miếu thầy cúng đặt giá nến và đặt 02 chum rượu cần.
+ Mâm cúng thứ hai (cúng rừng) gồm có: 01 con chó mổ, làm sạch để sống; 02 con gà luộc chín, thịt lợn (trâu) luộc chín, 01 chậu tiết chó, 04 chén rượu, 01 chai rượu, 01 nắm xôi, 01 cây nến, 02 đôi đũa, 02 cái thìa. Mâm này đặt tại cái bàn cách miếu khoảng 2m hướng về phía bản.
+ Mâm cúng thứ ba (cúng nguồn nước) gồm có: 01 con vịt mổ, làm sạch để sống; 02 con gà luộc chín, một ít thịt lợn luộc; một nắm xôi; 02 chén rượu, 01 chai rượu, 01 cây nến, 02 đôi đũa, 02 cái thìa, 01 bát tiết vịt. Mâm này cũng đặt cách miếu 2m hướng về phía con suối.
* Lượt cúng thứ nhất:
- Tại mâm chính: Khi lễ vật được sắp xếp xong, Thầy cúng đốt 2 cây nến và quỳ trước miếu khấn báo cáo với thần linh đã đến giờ làm lễ mời thần linh và tổ tiên về dự lễ. Đầu tiên thầy cúng mời 13 người đầu tiên đã xây dựng bản về dự lễ gồm có: Trưởng Bun, Thẩu Trưởng Công, Thẩu Trưởng Khăm, Thẩu Sẻn Bun Bản, Thẩu Báo In, Thẩu Báo Pheng, Thẩu Phia Phó, Thẩu Phía Từ, Thấu Sén bun Mi, Thẩu Báo Pua, Thẩu Báo Thám, Thẩu Sén Phông. Thầy cúng khấn xin các ngài cho năm nay mưa thuận gió hòa, thiên nhiên ôn hòa, dân làng khỏe mạnh, không ốm đau. Tiếp theo thầy cúng mời 06 người tiếp theo về dự lễ gồm có: Tháo Thiếp, Nai Loong, Tháo Ma Lun, Khun Ma Mơ, Tháo Ma Mớ Sờ Then, Len Phơ Mam Ai Cai Phơ mam Mọm. Thầy cúng xin các tổ tiên này phù hộ cho dân bản luôn khỏe mạnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm không bị ốm chết. Cúng xong, thầy cúng tung mảnh âm dương (được làm bằng tre) xem các thần linh và tổ tiên đồng ý không. Nếu không được, thầy cúng lại xin tiếp cho đến khi nào được; còn nếu được đồng ý thì thầy cúng chuyển sang cúng tại mâm tiếp theo.
- Tại mâm thứ 2: Thầy cúng đốt nến và quỳ trước mâm lễ khấn mời những người khai ruộng đầu tiên (cầu phúc) về dự lễ cúng, thầy cúng xin những người này bảo vệ ruộng lúa để cho cây lúa không bị sâu bệnh, không bị lũ lụt, lúa tươi tốt bội thu. Cúng xong thầy cúng tung mảnh âm dương xem những người này có đồng ý không. Nếu không được, thầy cúng lại xin tiếp cho đến khi nào được; còn nếu được đồng ý thì thầy cúng chuyển sang cúng tại mâm tiếp theo.
- Tại mâm thứ 3: Thầy cúng đốt nến và quỳ trước mâm lễ khấn xin thần rừng, nguồn nước, cây cối, đất đai (thổ địa) phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận, gió hòa, không cho lũ lụt, thiên tai làm ngập ruộng nương, bảo vệ gia súc không bệnh chết.
* Lượt cúng thứ hai:
- Tại mâm thứ nhất: Thầy cúng cử người mang hai chum rượu cần buộc vào giá nến trước miếu, mỗi chum cắm 14 cần tre. Thầy cúng thắp 8 cây nến bằng sáp ong đặt đính lên giá nến. Thầy cúng lấy tay chấm vào chum rượu cần rồi bôi lên cần tre và khấn: Sá thụ, sá thụ, sá thụ, hôm nay là ngày lành, tháng tốt xin phép được mời các thần linh, tổ tiên về uống rượu. Thầy cúng mời lần lượt các thần linh và tổ tiên theo thứ tự như lượt cúng thứ nhất. Mời thần linh xong, thầy cúng lấy vàng mã đưa cho một người giúp việc mang đi đốt và bắt đầu chia lộc cho trẻ em trong bản đang chờ tại các mâm xung quanh.
Trẻ con trong bản đã đợi sẵn, chúng chuẩn bị mỗi người một cái thìa canh, 1 cái bát để đựng nước canh, một nắm xôi hoặc bát cơm để ăn cùng. Đầu tiên, mấy thanh niên múc nước luộc thịt chia vào các bát ở các mâm cho trẻ con, sau đó chặt thịt gà, lợn chia cho chúng. Trẻ con ăn cơm, xôi, nước canh, thịt luộc, không khí rất náo nhiệt. Ăn xong, trẻ con giải tán về bản.
- Tại mâm thứ hai: Thầy cúng lấy mỗi loại đồ lễ chín một chút vo lại với nhau và ném ra xung quanh mâm lễ để mời người khai ruộng đầu tiên thụ lễ.
- Tại mâm thứ ba: Cũng tương tự như mâm thứ hai, thầy cúng cũng lấy mỗi thứ đồ lễ chín một chút ném ra xung quanh để mời các thần rừng, nguồn nước, đất đai về thụ lễ.
* Lượt thứ ba:
Thầy cúng quỳ trước miếu xin thần linh và tổ tiên cho phép được lưu thông xe cộ qua bản (trước kia, khi làm lễ Xên bản xong là mọi người phải kiêng không được lưu thông xe cộ qua bản, nhưng ngày nay vì điều kiện thực tế nên thầy cúng xin được lưu thông xe cộ bình thường nhưng không được trở đồ cồng kềnh). Khấn xin xong, thầy cúng xin ý kiến thần linh xem có đồng ý hay không bằng cây Xiếng (hay còn gọi là cây mo, là cây gậy được làm từ cây lay có chiều dài bằng 1 sải tay) khi đo bằng đúng sải tay của thầy cúng có nghĩa là thần linh đã đồng ý, còn dài hơn hay ngắn hơn sải tay của thầy cúng có nghĩa thần linh không đồng ý, thì thầy cúng lại tiếp tục xin thần linh đến khi đồng ý thì thôi.
Kết thúc các lượt cúng, thầy làm lễ mời thần linh và tổ tiên về nhà thầy áo (Chảu sửa). Thầy cúng nắm 2 nắm cơm cùng với một ít thịt, đặt tại miếu khấn mời thần linh và tổ tiên về nhà thầy áo để tham gia lễ cùng mọi người trong bản. Dân bản cử nhau mang tất cả lễ vật từ Đông Xên về nhà thầy áo (Chẩu sửa) và cử người đi cắm ta leo ở đầu bản để chính thức công bố lệnh cấm bản bắt đầu (quy định trong những ngày cúng bản thì người trong bản không được ra, người ngoài bản không được vào).
Lúc này, tại Đông Xên, người lớn bắt đầu thụ lộc cúng bản. Người ta thái thịt gà, lợn luộc, tiết canh, xôi, rượu…đặt ra nhiều mâm, mọi người cùng nhau vui vẻ thụ lộc, xong thì dọn sạch rừng cúng rồi đi về bản. Bắt đầu từ lúc này thầy cúng và thầy áo cùng mọi người trong bản phải thực hiện nghi lễ kiêng kị như: không được che ô, đội nón khi ra đường; không được mang vác, gùi đồ cồng kềnh; không được giết mổ gia súc; không được hái rau, giặt giũ, xát thóc, quăng chài; không được trở hai người trên xe máy, xe đạp; không được chở hàng cồng kềnh vào trong bản; các cửa hàng tạp hóa không được mua bán…
Tại nhà thầy áo (Chảu sửa), mọi người chuẩn bị một mâm lễ đặt gần cửa chính của ngôi nhà gồm có: 11 cái chén, 01 chai rượu, 01 sải vải trắng, 03 đồng tiền (nguyên tiền) đặt lên 02 mảnh vải trắng và 01 mảnh vải đỏ (khăn khai). Về đến nhà, thầy cúng cùng với thầy áo làm lễ cảm tạ thần linh và tổ tiên đã về tham dự  nghi lễ cùng dân bản. Khi các thầy làm lễ, những người già có uy tín trong bản tập trung xung quanh mâm lễ. Cúng xong, thầy cúng và thầy áo mời rượu những người già uy tín trước, xong đến mời mọi người trong bản.
Cúng tại mâm lễ xong, thầy cúng và thầy áo làm lễ mời thần linh uống rượu cần. Mọi người dựng một cây tre ở gian bếp, có hai thanh tre xuyên ngang thân tạo thành giá nến, đặt các chum rượu cần xung quanh cây tre và lấy dây buộc các chum lại với nhau. Thầy cúng mở rượu cần, cắm cần tre vào và thắp 04 cây nến lên giá nến, đại diện lãnh đạo của bản (Bí thư và trưởng bản) cầm đĩa có 2 cái chén và cầm chai rượu đứng bên cạnh. Thầy cúng ngồi cạnh chum rượu cần tay đặt lên cần tre khấn mời thần linh uống rượu cần, thầy cúng múc nước vào sừng trâu để rót nước vào chum rượu và lấy tay chấm vào chum rượu cần rồi bôi lên cần tre và đọc “sá thụ, sá thụ, sá thụ”. Đại diện lãnh đạo bản mời những người già có uy tín trong bản uống rượu trắng, rượu cần trước sau đó đến lượt mọi người trong bản cùng nhau uống và cùng nhau thi uống rượu cần. Cứ như thế,  thầy cúng lần lượt mở các chum rượu khác đều phải mời thần linh uống trước rồi mọi người mới được phép uống.
Cúng cảm ơn thần linh đã về nhà thầy áo (Chảu sửa) xong, người dân trong bản làm cơm mời cả bản cùng nhau ăn. Ăn xong, cả bản cùng nhau uống rượu cần và giao lưu văn nghệ.         
          * Ngày thứ 3
          Dân bản chia thành các tốp để tổ chức chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đẩy gậy….
           Khi các trò chơi kết thúc mọi người cùng nhau quây quần bên chum rượu cần và cùng nhau thi uống rượu cần.
          Buổi tối đến là lúc mọi người cùng nhau hát và múa những điệu nhạc vui nhộn.
          * Ngày thứ 4
          Mọi người chuẩn bị một mâm lễ gồm có: 02 con gà, 01 chai rượu, 01 ếp khẩu xôi.
          Cử một người già trong bản (người này phải biết cúng) cúng gọi hồn của thầy cúng và thầy áo về nhà không được đi theo thần linh và tổ tiên. Cả bản mỗi người nắm một nắm cơm nhỏ cùng với một ít thịt đặt vào tay hai ông và mời 2 ông mỗi người uống 2 chén rượu. Xong lễ cả bản cùng nhau tổ chức ăn cơm, uống rượu cần. Nghi lễ cúng bản kết thúc.
          Hiện nay người Lào sống tập trung chủ yếu tại 07 bản ở huyện Sốp Cộp. Nghi lễ Xên bản được tổ chức hàng năm tại các bản như Nà Khi, Pú Hao, Cống, xã Mường Lạn và Nà Khoang, Nà Vèn xã Mường Và còn nghi lễ Xên mường được tổ chức bản Mường Và và bản Mường Lạn. Khi các bản tổ chức cúng Xên bản xong thì mới tổ chức Xên mường. Các bản làm lễ Xên bản đều tổ chức theo cấp độ hàng năm; cứ hai năm tổ chức nhỏ với lễ vật là một con lợn, năm thứ ba lễ vật là một con trâu, riêng bản Nà Vạc, xã Mường Lạn thì có khác với các bản, theo như lời kể của thầy cúng: Ngày xưa bản Nà Vạc là Mường chuyển về nhưng lại không làm lễ Xên mường mà lại làm lễ Xên bản nên không được mổ trâu mà phải mổ bò. Nghi lễ Xên bản hiện nay không còn nhiều kiêng kỵ, ngày trước họ cấm tuyệt đối phụ nữ và trẻ em lên Đông Xên khi những người đàn ông chuẩn bị lễ vật. Ngày nay, khi hành lễ phụ nữ cũng có thể lên Đông Xên cùng mọi người chuẩn bị đồ lễ, trẻ con cũng được lên Đông Xên đợi xin lộc. Các điều kiêng kị đối với thầy cúng và thầy áo hiện cũng đỡ khắt khe hơn. Trước đây, trong những ngày lễ thầy cúng và thầy áo không được tắm (sẽ làm cạn dòng nước), thầy cúng không được về nhà mình, không được sang nhà người khác, nếu không ma bản, các ma khác sẽ đi cùng và làm hại đến gia đình mà thầy cúng và thấy áo đến… Ngày nay, thầy cúng có thể về nhà mình và đến các gia đình trong bản.
          Nghi lễ cúng bản (Xên bản) gắn liền với đời sống của bà con từ bao đời nay, được bà con coi trọng. Nghi lễ Xên bản của người Lào thể hiện những giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của cộng đồng người Lào nơi đây, lễ cúng diễn ra đơn giản, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang tính cộng đồng, đoàn kết cao, hiện nay vẫn được gìn giữ, phát huy.
Nghi lễ cúng bản (Xên bản) đã được nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa.
Các lễ hội khác