Mo Mường
Sơn La, Việt Nam
01/01/2024→31/12/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Mường
Theo sử thi “Đẻ đất đẻ nước” cho biết thuở sơ khai của loài người, thời kỳ đầu người Mường sống bằng săn bắt, hái lượm. Từ khi có kim loại, người Mường bắt đầu khai hoang trồng lúa nước và các loại cây trồng khác, góp phần tạo ra cuộc sống mới ổn định hơn. Từ đó yếu tố tâm linh, phong tục, tập quán thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người có công với nước bắt đầu xuất hiện và dần hình thành quan niệm “Vạn vật hữu linh” cho rằng mọi vật đều có linh hồn nên con người không bao giờ được để vong hồn rời xa thể xác, có như vậy con người mới khỏe mạnh, phát triển được. Vì vậy, các nghệ nhân dân gian Mường đã sáng tác các tác phẩm mo: mo giải hạn, mo xin số, mo mụ, mo vía, mo lễ tang, mo tổ tiên, mo đôi đũa,… Các tác phẩm mo được truyền miệng qua các thế hệ ông mo từ đời này sang đời khác. Nội dung các bài mo phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, ở trên trời, dưới đất, ở vạn vật sinh ra,..
Mo Mường là hoạt động diễn xướng dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường. Không gian tổ chức các hoạt động diễn xướng và lời mo được diễn ra trong đời sống cộng đồng và trong từng gia đình tổ chức nghi lễ. Chủ thể thực hành mo Mường là các thầy mo, đây là những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, là người uy tín được cộng đồng tin tưởng. Khi thực hành nghi lễ, thầy mo là người nói, đọc, hát các bài mo. Người Mường không có chữ viết riêng nên các bài mo (bài khấn) của người Mường được lưu truyền từ thế hệ thầy mo này qua thế hệ thầy mo khác bằng phương pháp truyền miệng, được tồn tại và duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường. Mo Mường bao gồm rất nhiều bài mo, đoạn mo được sử dụng trong từng nghi lễ cụ thể.
Thành phần tham gia các nghi lễ Mo Mường gồm có: Thầy mo là người thực hiện các bài mo và dẫn dắt thần linh thông qua các nghi lễ (tùy theo từng nghi lễ và dòng họ mà có từ 01-03 thầy mo); Gia chủ và họ hàng tham gia tổ chức các nghi lễ.
Nội dung của các bài mo nói chung đều có chức năng dẫn dắt thần linh hay linh hồn, vía con người thực hiện một lễ thức nào đó, vì vậy nó mang tính chất nghi thức. Về nội dung thông thường gồm bốn phần chính: (1) là nêu lý do tổ chức nghi lễ; (2) là mời các nhân vật thờ trong lễ nghi đó về tại nơi tổ chức nghi lễ; (3) là dâng đồ ăn uống và cầu xin; (4) là mời các nhân vật được thờ trở về nơi thờ tự.
Mo Mường có 09 thể loại, gồm:
  1. Mo trong Lễ tang (Mo ma)
Mo ma được thực hiện trong đám tang của người Mường. Trước đây đám tang của người Mường kéo dài trong 12 đêm, nhưng ngày nay tang lễ được rút gọn lại trong 2-3 đêm tùy theo từng gia đình, từng địa phương, nội dung một số bài mo được cắt bớt, giản lược và mo gộp các đoạn để đảm bảo thời gian tổ chức tang lễ.
Theo quan niệm của người Mường, khi chết là “lên Mường Trời” vì vậy phải dùng lời mo giúp đưa hồn người chết đi lên cõi trời. Thầy mo là người có sức mạnh, có khả năng để dẫn dắt người chết đi được đến nơi mong muốn.
Theo quan niệm của dân tộc Mường, nghi lễ tang ma của dòng họ Đinh Công, Đinh Thế là dòng họ nhà quan lớn nên khi có người mất thì phải mời 03 thầy mo và đặt quan tài nằm ngang theo chiều ngang của ngôi nhà. Đối với họ Mùi, Đinh Văn là họ của dân thì chỉ cần 01 thầy mo và đặt quan tài nằm dọc theo ngôi nhà.
Trong đám tang, gia chủ phải sắp lễ cho 04 ban thờ, đồ lễ đặt trên các ban thờ sẽ được thay đổi theo từng bài mo, đoạn mo, gồm: 01 ban thờ người chết; 01 ban thờ thầy dạy của thầy mo; 01 ban thờ thầy đánh trống, thổi kèn; 01 ban thờ thầy đánh chiêng. 
Trong tang lễ thực hiện 11 bài mo như sau:
Bài thứ Nhất: Mo xin phép thầy dạy của thầy mo. Người nhà của người chết đến nhà nhờ thầy mo đi mo ma nên thầy phải mo báo cáo với thầy của mình, mục đích là minh chứng là có người thầy dạy, để mình đủ khả năng mo ma và cầu mong tổ tiên, thầy của mình phù hộ cho mình sức khỏe để làm việc.
Bài thứ Hai: Nhóm bài Mo đánh thức người đã chết để nhập quan, gồm 8 đoạn. Tiến hành khi người chết được khâm liệm nhằm thông báo cho người chết biết mình đã chết và giao cho người chết quan tài, các đồ đạc khác mà con cháu thờ cúng. 
Bài thứ Ba: Mo kể cho người chết biết nguyên nhân vì sao mình bị chết. Kể cho người chết về sự tích đẻ đất, đẻ nước, cây cối, vạn vật sinh ra từ đâu.
Bài thứ : Mo giải hạn (xóa tội) cho hồn người chết, mục đích giải hạn cho người chết để người chết không mang những điều xấu xa đến với người còn sống, người nhà.
Bài thứ Năm: Mo đưa người chết đi gặp họ hàng. Gia đình có người chết phải lập danh sách từ ông bà, bố mẹ, anh chị em để khi mo thầy mo sẽ đưa người chết đi gặp họ hàng theo danh sách và theo từng nghĩa địa nơi chôn cất những người họ hàng đã mất. Đồng thời, thầy mo sẽ gửi cho người chết giấy thông hành để người chết thuận tiện đi đến từng địa điểm để gặp họ hàng, anh em, tìm bố mẹ, họ hàng bên nội, bên ngoại và nhận người chết về với họ hàng để khi sang thế giới bên kia người mới chết thiếu gì còn biết đi gặp họ hàng vay mượn.
Bài thứ Sáu: Mo mời người chết ăn bánh. Bữa bánh mời người chết ăn là do tất cả con gái, cháu gái trong họ góp vào chung nhau cùng chuẩn bị để dâng lên cho người chết ăn no đủ, sáng mai đến giờ lành đưa người chết về với tổ tiên.
Bài thứ Bảy: Mo mời người chết ăn bữa cơm cuối cùng trước khi đi chôn. Mo mời người chết ăn no trước khi đem đi chôn. Mong người chết ăn xong sau này phù hộ cho các con, cháu trong gia đình luôn mạnh khỏe.
Bài thứ Tám: Mo bàn giao đồ đạc. Mo cho người chết lấy hết đồ đạc, giao hết đồ đạc mà con cháu cho người chết và để người chết xem thiếu cái gì còn lấy mang theo.
Bài thứ Chín: Mo đưa quan tài ra sân để chuẩn bị đi đến nghĩa địa. Mo báo cho người chết đã đến đến giờ lành, tháng tốt rồi phải đi đến nghĩa địa, nơi ở mới. 
Bài thứ Mười: Mo chôn người chết và gọi vía người sống về. Mo cho người chết biết đây là nơi ở mới, mo gọi hồn, gọi vía của con cháu trong gia đình, những người đang còn sống ra khỏi huyệt và gọi hồn người chết vào huyệt để yên tâm với nơi ở mới; yêu cầu thổ địa cai quản nghĩa địa cho phép nhập khẩu, công nhận người chết và chia đất ở cho người chết tại đây, căn dặn người chết không được tự ý đi về nhà, khi nào con cháu làm lễ mời về mới được về.
Kết thúc lễ tang: Mo đưa tiễn các thầy của thầy mo về nhà, về nơi thờ tự.
Bài thứ Mười một: Mo đón người chết về bàn thờ tổ tiên. Sau khi người chết được 3 đêm, gia đình sẽ nhờ thầy mo đến làm lễ đóng cửa mộ, đón người chết về bàn thờ tổ tiên (chướng xớ) để con cháu thờ phụng. Bài mo này thầy mo thực hiện tại mộ của người chết, trong khoảng 40 phút - 1 tiếng.
  1. Mo vía (Mo Voái)
Người Mường quan niệm con người ai cũng có vía. Tiếng Mường là Voái - vía đồng nghĩa với hồn, hồn vía. Con người sinh ra không chỉ do sự mang nặng đẻ đau mà do sự cho hay không cho của bà mụ đẻ - một nhân vật ở cây si mụ trong lòng vầng trăng. Nếu bà mụ không cho thì con người không hoàn chỉnh, chỉ là quái thai, không có hồn.
Vía có bổn phận bênh vực, che chở thân thể được khỏe mạnh. Con người có 90 vía - bốn mươi vía bên tăm, năm mươi vía bên chiêu. Người ta cho rằng hồn khôn, vía khéo giúp cho trẻ hay ăn chóng lớn, người già thì sống lâu trăm tuổi, luôn luôn khỏe mạnh, ăn nên làm ra. Nếu vía không làm hết bổn phận thì có thể ốm yếu, bệnh tật,… Do đó phải mo vía để xin cho con người được mạnh khỏe.
Tục làm mo vía có nhiều hình thức khác nhau, mỗi vùng có chi tiết riêng và chịu ảnh hưởng giao lưu văn hóa giữa các tộc người nhưng vẫn giữ được bản sắc. Mo vía (mo voái) gồm có các bài mo trong lễ cầu mạnh, lễ cầu thọ, lễ thượng thượng thọ.
  1. Mo giải hạn (Mo giái hạn)
Người Mường tin vào sức mạnh của thần linh, nếu trong cuộc sống sinh hoạt, lao động bị tai nạn ngoài ý muốn, gặp chuyện xui xẻo thì thầy cúng sẽ là người có quyền năng, đứng ra giải hạn cho họ, để hướng họ có suy nghĩ lạc quan và tin vào cuộc sống hơn.
Mo giải hạn gồm 2 loại:
  • Một là, mo tại nhà đối với những người bị hạn nhỏ, ốm đau bình thường.
- Hai là, mo ở bên suối xong rồi về nhà mo tiếp đối với những người hết số, hạn chết, ốm nặng. Với loại mo này cần chuẩn bị cây tre về làm cột, lấy vải trắng lợp thành nhà rồi đi mo ngoài suối để giải hạn, vì số phận hết, sắp chết rồi nên phải đi mo cúng giải hạn, sau đó mới về nhà cúng mo xin số ở trong nhà. Hiện nay, người Mường thường tổ chức mo giải hạn luôn tại nhà, sử dụng tre, trúc hoặc cây tầm phế (tre tầm vông) để dựng ban thờ giải hạn tại nhà rồi đem đồ giải hạn đi thả trôi ở suối, sông và nơi có nguồn nước chảy để trôi đi, bỏ đi những điều không tốt của gia đình trong năm.
Lễ giải hạn được tổ chức hàng năm hoặc 2-3 năm tùy theo từng gia đình. Xuất phát từ mong muốn của một gia đình, cá nhân do trong nhà gặp chuyện không may, tai nạn, ốm đau... ập đến bất ngờ trong khi người đó vẫn có sức khỏe lao động bình thường. Người nhà muốn làm lễ giải hạn phải mời thầy mo. Sau khi chọn được ngày tốt, thầy mo sẽ báo cho gia đình biết để chuẩn bị đồ lễ. Lễ được tổ chức tại gia đình, thầy mo thực hiện nghi lễ, gia đình, họ hàng tham gia.
Gia đình chuẩn bị 05 mâm lễ, gồm: Mâm lễ thờ thầy dạy của thầy mo; Mâm lễ cúng hồn, vía; Mâm lễ cúng xin số; Mâm lễ cúng thờ bà mụ trên trời; Mâm lễ giải hạn.
Tổ chức lễ giải hạn là nhằm xua đuổi những điều xui xẻo, hạn xấu đến với gia đình trong năm vừa qua, dẫn đến người trong gia đình ốm đau bệnh tật, lợn gà bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân, cây cối trồng không phát triển, làm ăn kinh tế gia đình không tốt. Lễ này được tổ chức bắt đầu từ 8h sáng. Gồm các bài mo: Mo mời thầy về sự lễ; mo gọi hồn, gọi vía; Bài mo cúng xin số, cúng bà mụ trên trời, cúng giải hạn (gồm các đoạn: (1) mo mời ma xin số, bà mụ trên trời ăn; (2) mo dâng lễ mời ma giải hạn ăn; (3) mo xin số; (4) mo cúng bà mụ trên trời xin cho sống lâu, khỏe mạnh; mo đuổi ma hạn); mo mời thầy, mo mời hồn, vía ăn mâm lễ và tiễn thầy về nhà.
Kết thúc toàn bộ nghi lễ giải hạn, thầy mo, mọi người trong gia đình cùng nhau ăn uống, chúc tụng những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến với gia đình.
  1. Mo xin số (Mo xin khổ)
Mo xin số là nghi lễ để xin thần linh cho tăng tuổi thọ của người sống. Nghi lễ được tổ chức khi gia đình có người già bị ốm đau, bệnh tật, người cao tuổi cần làm lễ xin số mới để kéo dài tuổi thọ. Mo xin số được tổ chức tại nhà của người ốm. Đây là nghi lễ chỉ áp dụng những người từ 60 tuổi trở lên hoặc những người đang bị ốm đau, bệnh tật.
Khi có người già bị ốm đau, bệnh tật, gia đình sẽ đi xem bói, nếu thầy bói bảo cần làm lễ xin số thì gia đình sẽ đến nhờ thầy mo chọn ngày để tổ chức lễ xin số cho người ốm.
Gia đình chuẩn bị 05 mâm lễ cúng, gồm: Mâm lễ thờ thầy (những người truyền dạy nghề mo); Mâm lễ cúng 03 ông cầm số trên trời (cầm sổ ghi chép số phận của người sống); Mâm lễ cúng thờ bà mụ trên trời (là người sinh đẻ ra mình, sinh ra số phận của con người); Mâm lễ 05 ông lính giữ số (lính của bà mụ là người giữ số, thêm số cho người ốm); Mâm lễ cúng hồn, vía (hồn vía của người ốm).
Tổ chức lễ cúng xin số là để giúp người ốm có thể khỏe mạnh trở lại, kéo dài tuổi thọ và sống lâu trăm tuổi cùng con cháu.
Lễ này thường được tổ chức bắt đầu từ 8h sáng, gồm các bài mo: Mo mời thầy về dự lễ; mo cúng xin số, cúng 3 ông cầm số, cúng bà mụ trên trời, cúng 5 ông lính giữ số, thêm số (gồm các đoạn: (1) Mo mời ba ông cầm số, bà mụ trên mời, 05 ông lính giữ số, thêm số ăn lễ vật; (2) Mo cúng xin số cho người ốm; (3) Mo cúng 5 ông lính giữ số, thêm số cho người ốm; (4) Mo tiễn cúng 3 ông cầm số, cúng bà mụ trên trời, cúng 5 ông lính giữ số, thêm số về trời); Mo mời hồn, vía ăn và giữ hồn, giữ vía ở lại với người ốm; Mo mời thầy ăn mâm lễ và tiễn thầy về nhà.
Kết thúc toàn bộ nghi lễ mo xin số, thầy mo cùng mọi người trong gia đình ăn uống, nói chuyện và chúc cho người ốm nhanh chóng khỏi bệnh, sống lâu trăm tuổi cùng con cháu.
  1. Mo ngày tết (Mo ngày sết)
Là bài mo mời tổ tiên về nhà ngày Tết, các con, cháu trong gia đình dâng lên ban thờ bánh kẹo, hoa quả, mâm cơm, thắp hương, thầy mo đến cúng mời ông bà tổ tiên về ăn, phù hộ, độ trì cho con cháu trong gia đình luôn bình an, may mắn, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, hạn xấu xua đi, may mắn tới đến.
Lễ này thường được tổ chức từ ngày 30 tết, mùng 1, 2, 3 tết. Mỗi ngày thầy mo có thể đến mo cho 10 - 20 gia đình. Thường sẽ đến gia đình của các con, các cháu trong họ hàng nhà mình trước. Bài mo này kéo dài khoảng 20 - 30 phút, được mo tại ban thờ tổ tiên của gia đình.
  1. Mo Thổ công thổ địa (Mo Sô Công)
Bài mo Thổ Công Thổ Địa là mo nhập khẩu, không phải gia đình nào cũng tổ chức. Tùy theo từng gia đình yêu cầu và mời thầy mo mới tổ chức. Thường khi gia đình chuyển về một mảnh đất mới ở nhưng thấy ốm đau, bệnh tật, nuôi gà thì không đẻ trứng, nuôi lợn thì lợn không sinh con, trồng cây thì không có quả thì sẽ tổ chức mo để báo cáo thần thổ công, thổ địa cho gia đình nhập khẩu vào mảnh đất mới và xin các vị thần linh cai quản mảnh đất phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, làm ăn tốt đẹp, mo trong khoảng thời gian 40 phút.
  1. Mo đôi đũa (Mo tôi tua)
Mo đôi đũa là bài mo có từ thời xa xưa được lưu truyền từ đời này qua đời khác, có nguồn gốc từ Hòa Bình. Khi có người chết nhưng có công lớn đối với xã hội, đóng góp giúp đỡ nhân dân và khi chết đi được nhân dân thờ phụng như một vị thần và coi như làm đôi đũa. Đây là một loại ma được người Mường coi trọng và quan niệm có thể quán xuyến được quốc gia mà tất cả các loại ma khác đều phải sợ.
Khi trong bản, trong gia đình mà tự nhiên người nhà bị ốm đau, bệnh tật, con trâu, con bò không khỏe thì người dân cũng mo đôi đũa để mong vị thần đó bảo vệ, cho mạnh khỏe. Khi mo ông thầy phải mo đón vị thần từ Hòa Bình lên địa điểm tổ chức nghi lễ, mo khoảng 40 phút
  1. Mo Mát nhà (Mo mach nhà)
Mo Mát nhà như là một nghi lễ giải hạn, để xua đuổi, hóa giải những điều xấu, cầu cho con người, nhà cửa, cây trồng vật nuôi trong gia đình luôn luôn mạnh khỏe, tốt tươi, mọi điều may mắn. Lễ Mát nhà thường được tổ chức vào dịp đầu năm.
Trong các câu mo, bài khấn, thầy mo sẽ kể về sự tích về người Mường, có các đấng bề trên chia đôi không gian thành trời và đất, sinh ra vạn vật, thời gian, sinh ra cái thiện - ác và cả các thầy mo…sau đó, thầy mo mời các đấng bề trên thụ hưởng lễ vật, thưởng thức rượu cần của người Mường. Sau khi các vị thần hưởng lễ vật, thầy mo xin âm dương, nhằm cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho đất Mường được bình an, mưa thuận gió hoà. Thầy mo dùng chiếc quạt để quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ.
Nghi lễ này có ý nghĩa rất quan trọng bởi người Mường quan niệm, quyền năng từ chiếc quạt mà thầy mo sử dụng có sức mạnh tối thượng chống lại tà ma. Thầy mo làm phép và vẩy nước quanh nhà cùng với những lời chú nguyện mang điều may mắn đến với gia chủ.
  1. Mo Mụ (Mo mũ)
Mo mụ là cúng đấng thần linh sinh ra số phận của con người, đứa trẻ sinh ra là do mụ nên ngay sau khi lọt lòng phải làm lễ mụ. Lễ đơn giản nhưng quan trọng và được truyền từ đời này sang đời khác. Trong bài mo mụ gồm có hai đoạn mo:
Đoạn 1: Mo mời bà mụ, mời hồn mời vía đứa trẻ về. Nghi lễ này được tổ chức khi đứa trẻ mới lọt lòng, nếu sinh ở bệnh viện, trạm xá thì sau khi đón đứa trẻ về nhà, gia đình làm lễ gọi bà mụ, gọi hồn và đặt tên cho đứa trẻ. Đối với một số nơi như Phù Yên, Bắc Yên thì khi đứa trẻ đầy tháng họ mới làm lễ đặt tên cho trẻ.
Đoạn 2: Mo cúng bà mụ, cúng hồn, cúng vía: Là nghi lễ thực hiện khi trẻ được 15 ngày hoặc đầy tháng, gia đình đến nhờ thầy mo đến làm lễ mời bà mụ trên trời và mời hồn, vía đứa trẻ về ăn. Lễ vật và tiến trình thực hiện nghi lễ được làm như lần đầu tiên. Với mong muốn cho họ ăn no, ăn đủ để thần linh phù hộ cho đứa trẻ luôn luôn khỏe mạnh, bình an.
* Giá trị của di sản
Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường, mang tính cộng đồng cao, tính nhân văn sâu sắc, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng.
- Giá trị lịch sử
+ Mo mường phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, lịch sử hình thành, phát triển của loài người và vạn vật, trong các bài mo đẻ đất đẻ nước với các sự tích kể về nguồn gốc của hạt gạo, con gà, quả trứng, cái cây,…
+ Phản ánh quá trình sinh ra, lớn lên của con người, tình yêu nam nữ, lấy nhau sinh con, đẻ cái qua đó thể hiện sự phát triển và duy trì giống nòi của con người.
+ Phản ánh cuộc sống con người thời kỳ cổ xưa, sống trong các hang động, mái đá, cuộc sống săn bắt, hái lượm. Qua đó thấy ý chí kiên cường của người Mường trong lao động sản xuất, chống chọi lại thú dữ trong rừng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn, tại phát triển.
+ Phản ánh quá trình lao động sản xuất: trồng lúa, trồng ngô, đào mương lấy nước, trồng dâu, trồng bông, dệt vải, chế tác công cụ lao động sản xuất; hoạt động giao thương buôn bán: buôn bán chiếu, đồ dùng lao động,.. và thuần dưỡng thú rừng thành vật nuôi trong nhà.
+ Đúc kết kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, được truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện trong các câu mo, để giúp thế hệ sau có thể sản xuất thuận lợi hơn: tháng ba phát rừng trồng na, tháng tư đi rẫy cỏ may, trời nắng đi đốt cỏ, trời mát đi trồng cây,..
+ Thể hiện những phát minh, sáng tạo của con người: phát minh ra lửa, sử dụng mỡ lợn, mỡ gà thắp đèn cho sáng, dựng nhà, làm cửa, chế tác công cụ lao động,..
+ Giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ bản mường của các vị thần linh, qua đó giáo dục con cháu về truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường của các vị thần.
+ Các đồ cúng của thầy mo (đồ cúng đựng trong túi khót: Kiếm, chuôn đồng, rìu đá, rìu đồng, …) là các hiện vật cổ gắn liền với các thầy mo, được tồn tại, sử dụng trong quá trình thực hiện một số nghi lễ của người Mường và lưu truyền từ nhiều đời nay. Gắn liền với yếu tố tâm linh, mang ý nghĩa cho thầy mo thêm sức mạnh, năng lượng để hoàn thành các nghi lễ.
- Giá trị văn hóa - nghệ thuật
+ Thể hiện việc trọng đạo nghĩa của người Mường, sự tri ân của con người đối với thần linh, tổ tiên, những người có công lao bảo vệ cuộc sống của người Mường.
+ Thể hiện đạo lí kính trên, nhường dưới, dăn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, khuyên tránh xa những điều xấu. Thể hiện đạo hiếu của người con với bố, mẹ, ông, bà và tổ tiên.
+ Thể hiện giáo lý, mối quan hệ giữa vía, linh hồn và thân thể, nhờ vía hạt gạo mới có thể mời vía, giữ vía ở bên cạnh thân thể con người được mạnh khỏe.
+ Khẳng định tinh thần đoàn kết của người mường: đoàn kết xây dựng, bảo vệ bản mường, đoàn kết khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau trong gia đình khi có công việc.
+ Chứa đựng các yếu tố và loại hình văn hóa dân gian của người Mường như loại hình văn học dân gian, loại hình diễn xướng dân gian mà trong đó gồm cả âm nhạc, múa được thể hiện qua tiếng trống, chiêng, kèn, chuông và động tác hình thể của thầy mo khi thể hiện các bài mo dâng lễ lên thần linh. Đồng thời thể hiện nghệ thuật trang trí, bày trí khi thực hành các nghi lễ của người Mường.
+ Thể hiện nghệ thuật ẩm thực, các món ăn truyền thống dân dã, giản dị, nguyên liệu dễ tìm và gắn liền với cuộc sống thường ngày của người Mường, mỗi món ăn hàm chứa ý nghĩa riêng, thể hiện tấm lòng của người dân với thần linh.
* Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đối với cộng đồng
- Mo Mường thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Mường, trong dòng họ, gia đình, làng bản,… thể hiện đạo lý kính trên, nhường dưới, tôn trọng người đứng đầu.
- Mo Mường thể hiện vai trò của ông Mo, thầy mo, người có khả năng để dẫn dắt liên kết giữa thần linh và con người. Trong cuộc đời của con người, ông mo đóng vai trò quan trọng. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo mụ, mo vía cầu cho đứa trẻ hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh, biết ăn, biết làm, chăm ngoan, học giỏi. Đến tuổi dựng vợ, gả chồng, ông Mo trong đám cưới, mo cúng báo tổ tiên hai bên gia đình... Khi trưởng thành, trong nhà có hạn ốm đau, bệnh tật, mùa màng thất thu, cây không lớn, lợn gà, trâu, bò bệnh tật,… ông mo giải hạn, trừ tà, xua đuổi những điều xấu, gọi đón những điều tốt đẹp và xin thần linh cho mọi người được khỏe mạnh, cây cối phát triển, làm ăn kinh tế thuận lợi. Khi tuổi già sức yếu, ông mo làm lễ xin số mong cho thần linh cho thêm số mới, để có nhiều sức khỏe, sống lâu trăm tuổi cùng con cháu. Khi nhắm mắt xuôi tay ông Mo đóng vai trò là cầu nối, dẫn dắt linh hồn người chết đi gặp họ hàng, đi lên trời, …và đưa về Mường trời. Ngoài ra, ông mo còn thực hiện các nghi lễ khác trong đời sống tâm linh của người Mường như mo mát nhà, mo nhà mới, mo cúng thổ công, thổ địa, mo đôi đũa (vị thần có công bảo vệ bản làng).
- Mo Mường là một hình thức thể hiện nội dung tín ngưỡng của người Mường, thông qua các lễ nghi dân gian, qua đó truyền tải nội dung, cách thức ứng xử giữa con người với thần linh; giữa người đang sống với cha mẹ, tổ tiên đã khuất; giữa cá nhân và cộng đồng.
- Mo Mường chuyển tải nội dung về tri thức dân gian của người Mường, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trong đó gồm: tri thức về tự nhiên, tri thức về sản xuất, tri thức về ứng xử xã hội.
Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường được cộng đồng người Mường tại Sơn La đồng thuận cam kết bảo vệ, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục quốc gia tại Quyết định số 1178/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2023.
Các lễ hội khác