Lễ mừng cơm mới (Kin khảu hó) của người Lào
Sơn La, Việt Nam
15/08/2024→15/08/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Lào
Dân tộc Lào ở Việt Nam thuộc nhóm Lào nhỏ "Lào nọi", có nơi còn gọi là Lào Bốc, họ thường cư trú ở nơi có bãi trên cạn, dọc sông suối. Là dân tộc có mặt ở Sơn La từ rất sớm, giàu truyền thống văn hóa lâu đời, có văn hóa, tiếng nói và chữ viết riêng. Dân tộc Lào theo đạo Phật, có truyền thống đoàn kết các dân tộc, có lòng hiếu thảo mến khách, tôn sư trọng đạo, hiện nay đang cư trú ở vùng giáp biên giới của Tổ quốc.
Cộng cư từ lâu đời cùng với cộng đồng người Thái và các dân tộc khác nhưng người Lào vẫn bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi mang đậm bản sắc tộc người, trong đó có Lễ mừng cơm mới.
Lễ mừng cơm mới của người Lào ở Sơn La được coi là ngày tết lớn nhất trong năm, được tổ chức vào Rằm tháng Tám hàng năm, nếu gia đình nào có việc thì tổ chức muộn hơn nhưng không được quá một tuần kể từ ngày rằm. Lễ mừng cơm mới có nhiều ý nghĩa: là lễ mừng lúa mới (trước đây chỉ gieo trồng một vụ nên được coi là mừng cả năm), lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, có sức khỏe; lễ cúng giỗ những người đã khuất; đặc biệt đây là ngày tập trung tất cả con cháu trong gia đình, những người đi xa trong ngày này đều cố gắng trở về để đoàn tụ, gặp mặt gia đình, để dâng lễ lên tổ tiên, để hàng xóm, làng giềng gặp mặt, thăm nhau.
Theo quan niệm vạn vật hữu linh, người Lào tin rằng mọi thứ đều có thần linh cai quản. Do vậy khi mùa màng đã thu hoạch xong, năm nào các gia đình  người Lào trong các bản cũng tổ chức Lễ mừng cơm mới (Kin khẩu hó).
Lễ này bắt đầu có từ bao giờ thì chẳng ai nhớ được, chỉ biết rằng đã qua rất nhiều đời, người Lào rất tự hào về nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của mình. Chuyện xưa kể lại rằng: trước đây, năm nào người Lào cũng tổ chức ăn cơm mới vào rằm tháng Tám, Lễ mừng cơm mới là “Khảu păn”, trong lễ này người ta chỉ đồ xôi, luộc một con gà hoặc 1 con vịt chặt làm tư, cùng với hoa quả để cúng. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để làm lễ cúng cơm mới. Ngoài việc mừng cơm mới thì đây cũng là lễ cúng cho tổ tiên, những người đã khuất, người ta cho rằng nếu ma nhà này được ăn mà ma nhà kia không được ăn sẽ rất tủi thân và cũng quan niệm ma nhà nào chỉ được vào nhà đó ăn mà thôi, không thể vào nhà khác. Vì vậy, họ nghĩ ra hình thức gói đồ lễ vào và mang mấy gói sang những nhà hàng xóm không có điều kiện, nhưng việc làm này cũng rất tế nhị, nhân văn để chủ nhà không phải mang ơn, tủi hổ, người ta chỉ lên cầu thang, gõ nhẹ vào sàn nhà mấy tiếng và để vài gói lễ ở đầu cầu thang, gia chủ nghe tín hiệu có thể biết là có người mang gói lễ sang cho nhà mình nhưng không biết là ai, sau khi ma nhà hưởng xong thì họ cũng sẽ thụ lễ. Từ đó, Lễ mừng cơm mới còn được gọi là Lễ ăn cơm gói (Kin khảu hó).
Người Lào có nhiều cách để xác định thời gian làm lễ, nhưng cơ bản là bằng các yếu tố tự nhiên, bằng quy luật mùa vụ, bằng lịch thời gian.
Lễ ăn cơm gói (Kin khẩu hó) được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, vào khoảng tháng Tám âm lịch lịch theo lịch Việt (tháng 10 theo lịch Lào). Khi mùa màng đã thu hoạch xong có thời gian rảnh rỗi, qua một năm lao động sản xuất, đồng thời cũng thờ cúng cho ông bà, tổ tiên, khấn trời phật, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để cho mùa sau thu hoạch năng xuất cao hơn vụ mùa trước. Thời gian làm Lễ  thường kéo dài trong 7 ngày (Trong tuần mỗi gia đình chỉ được chọn 1 ngày để tổ chức, chọn được ngày nào thì tổ chức vào ngày đó) và thường tổ chức vào ngày 15 đến ngày 22 (trong tuần trăng) theo lịch Lào (Lịch của người Lào được tính như sau: từ mùng 1 đến 15 dương của lịch Việt là 1 tháng của lịch Lào. Ví dụ: 15/4 = 30/4 của lịch Việt). Theo quan niệm của Người Lào, trong 7 ngày làm lễ thì thiên đình mở cửa cho tất cả vạn vật, sinh linh ra ngoài để về thăm gia đình, họ hàng. Vì vậy Lễ ăn cơm gói bắt buộc  phải làm, nếu gia đình nào không làm thì họ hàng phải đi liếm lá để về trời.
Để tổ chức lễ mừng cơm mới, người ta phải chuẩn bị đồ lễ trước nhiều ngày đó là: làm cơm cốm, gặt lúa ngoài đồng về, phơi khô, giã  làm cốm, đây là loại cốm già (khảu hay) dùng để đồ xôi lên dâng thần linh, ngoài ra còn đồ xôi trắng (trước đây người ta chỉ làm lúa một vụ ruộng hoặc nương, cứ đến tháng tám âm lịch là vào mùa gặt, người ta sẽ gặt lúa ngoài đồng về làm cơm mới luôn nhưng hiện nay, do làm lúa hai vụ nên người ta sẽ để lại thóc cốm mùa trước để dùng vào ngày lễ).
Quả để bày mâm cúng rất nhiều nhưng chỉ chọn loại nào có nhiều màu sắc, sai quả, hoặc có nhiều hạt để tượng trưng, mong muốn cho mùa màng sẽ bội thu, cây cối sai quả, như: Quả ổi, bầu, bí, mướp, nhãn, dâu da xoan, na, chuối, mía… bầu, bí, mướp được cắt thành miếng, xôi chín, các loại quả khác được rửa sạch, cắt hai đầu hoặc bẻ đôi ra.
Các loại thực phẩm gồm: một con gà, một con vịt luộc chín, chặt thành từng miếng nhỏ; các loại côn trùng có những đặc trưng về ưu điểm như ẩn nấp tốt, chăm chỉ, hoặc có sức sinh sản cao: dế mèn, nhái, ếch, cá trê, ong non… được đồ chín, sấy khô, cắt thành từng miếng, con ong non đồ chín.
Các loại rau: măng, rau cải…
          Khi chế biến xong các loại lương thực, thực phẩm, người ta sẽ tiến hành gói bằng lá dong (hó khảu) để làm đồ lễ. Trong gói đồ lễ bao gồm một nắm nhỏ xôi cốm, một nắm nhỏ xôi trắng, một miếng thịt gà, một miếng thịt vịt, một vài con ong, một miếng con nhái, một miếng con ếch, một con dế mèn, một miếng cá trê (người gói đồ phải nhớ để sau làm giám khảo cho cuộc thi đố vui).
Người ta sắp thành các mâm lễ gồm: các loại rau, củ, quả, hoa râm bụt, các gói lễ (khảu hó). Mâm cúng có đầy đủ tất cả các thứ đã chuẩn bị, riêng dế mèn không thể thiếu (dế mèn là thay thế tượng trưng cho con trâu). Có 05 mâm lễ được đặt ở các vị trí: (1) một mâm ở bàn thờ tổ tiên để cúng tổ tiên; (2) một mâm đặt ở giữa nhà để cúng giỗ người đã khuất; một mâm đặt trên chiếc ninh đồng ở góc bếp để cúng hồn ông chủ nhà; (3) một mâm đặt ở bàn thờ ngoài vườn để cúng bên ngoại; (4) một mâm đặt ở ngoài hành lang để cúng chúng sinh (những hồn ma không có người thờ cúng); (5) một mâm đặt dưới gầm sàn để cúng bồ thóc. Người Lào tại Mường Và (huyện Sốp Cộp) còn đưa một mâm lễ lên Tháp Mường Và dâng lễ Phật.
Chuẩn bị các mâm cúng xong, ông chủ nhà bắt đầu cúng (chủ nhà không biết cúng thì nhờ người biết cúng đến khấn giúp cho gia đình). Nội dung bài cúng như sau:
Xa thúk… sa thúk.. khuốp pi mí nhám. Lươn xíp phênh, hết khẩu hó. Lục tẩu bỏ bang hịt hở mong. Bỏ bang khóng hở sẩu. Nhắng kiếm má ha đảy. Cuổi ỏi phước mắn. Phước hua săn, mắn hua xọng. Ỏi pỏng thí kin ban. Khong phút than kin sẹp. Pu pa sin nhứa,thúc pó no pọm. Mí thúc ăn phắn sính. Tenh đăm tenh đón, khẩu nặm si li. Khong kin đi pi mớ. Thênh mác sổm mác ban. Cốp khiết, pu pa a han. Chí cúng ménh nái. Mác cưởm mác vay. Lóc mạy lenh thúc pán xíp hó má dai. Khẩu hay hó bơ ngá. Khẩu ná hó bơ ỏi. Khẩu cáy nọi hó tong chinh. Thúc ăn păn sính. Kho cáo kho sớn..pho me ải ếm. Lống má kin khẩu hó. Lống má hắp chắp chôm âu. Dả hở tốc cang khuống.Dả hở huống cang tháng. Kin ím thọng nưa. Kin đưa thọng quảng. Kin bỏ mết chắng vạy. Kin bỏ đảy chắng báng. Kin đẹo… hở khụm lục nớ xán. Hở khụm lan nớ suổm. Ặn hại dả hở mí. Ặn  đi hở mắn đảy. Hết pên, khên khửn. Khụm lục nhăng chí đảy kin lai pan. Khụm lan nhắng chí đảy kin lai sua. Lé nớ ải ếm nớ .. Sa thúk ..Sa thúk..Nớ./.
Dịch bài cúng như sau:                                            
Xa thúk- xa thúk ..một năm đến mùa, ngày  rằm tháng 10 Lào, làm lễ cơm gói, con cháu không bỏ tục cho qua, không bỏ lễ của mình, kiếm về tìm được chuối, mía, khoai củ, củ ở sườn, khoai trên đỉnh, mía khóm dày ăn ngọt, của kính thờ ăn ngon, có cả cua cá, thịt thà thừa đủ mọi thứ lắm quà, dưa đen, dưa trắng, nước sạch, ngô ngon, của thờ năm mới, các loại quả ngon, chua ngọt, ếch nhái, cá, cua, dế mèn của lạ, ong non con nhộng, quả trám vàng, trám đen, hoa đỏ năm mới, đủ 10 gói theo mâm, nếp nương gói lá vừng, nếp ruộng gói lá mía, tan thơm gói lá dong, mọi cái không thiếu, mọi cái bày mâm đủ ….Xin lạy mời ông bà cha mẹ xuống đến ăn lễ cơm gói, đến ăn đến lấy ôm sách cho đủ, đừng rơi vãi ngoài sân, đừng bỏ rơi ngoài đường, ăn no trong bụng ăn đủ trong người, ăn không hết mới bỏ, ăn không được mới phần, ăn no ăn đủ che chở các con cháu bên sàn, phụ cả nhà ngoài trong tốt lành, hoạn nạn chớ gặp phải, ốm đau quét đi xa, cho người yên vật thịnh, nâng cả nhà giầu sang, che con nhiều mới được ăn nhiều mùa, che con cháu ra nên mới được ăn mãi mãi, bố mẹ nhé - xa thúk -xa thúk …./.
Thường thì các gia đình tổ chức lễ cúng từ 10h sáng. Khi ông chủ nhà  cúng xong, gia đình dọn cơm để cả nhà ăn, các mâm cúng vẫn để nguyên từ 1 -1,5h mới hạ lễ xuống. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu về đoàn tụ còn có những người khách được mời là bạn bè dân tộc khác, hàng xóm mời về ăn tết cơm mới cùng gia đình, mọi người ăn cơm, uống rượu hỏi thăm, chúc tụng nhau.
Bữa cơm đang vui, đến thời gian hạ lễ, làm thủ tục mở gói. Tục mở gói có thể do ông chủ nhà chủ trì hoặc giao cho vợ chồng con trai, con gái chủ trì. Lễ mở gói chính là để hưởng lộc của tổ tiên và cùng tham gia cuộc thi đố vui. Khi vợ chồng người chủ trì bưng mâm lễ đến, cả mâm phải uống mỗi người hai chén rượu để mừng lễ lộc của gia chủ, sau đó lần lượt mọi người nhận 1 gói cho mình. Cuộc vui này bầu ra một người làm giám khảo, người này đã tham gia gói đồ lễ để biết được trong gói có những thứ gì, người này có thể ra câu đố là trong gói gồm bao nhiêu thứ, sau khi mở ra sẽ làm giám khảo để xem xét. Người chủ trì đặt ra luật lệ để uống rượu. Nếu người mở gói có đủ số lượng mà giám khảo  quy định thì được uống một chén rượu mừng, nếu thiếu hoặc thừa thì phải uống 5 chén rượu phạt; nếu trong gói có một cái đầu gà hoặc vịt thì phải uống 5 chén rượu thưởng; 1 cái cánh thì uống 3 chén, 1 cái chân thì uống 2 chén…đây là cách để cuộc vui kéo dài, cũng tùy vào mỗi nhà mà quy định thưởng phạt số chén rượu khác nhau.
Sau đó, các gia đình đi thăm nhau, cuộc vui kéo từ nhà nọ qua nhà kia đến cuối chiều mới kết thúc. Lễ mừng cơm mới không có phần hội nhưng không khí vui vẻ, tưng bừng ngày gặp mặt của các gia đình đã tạo nên sự náo nhiệt cho cả bản.
Lễ mừng cơm mới (Kin khảu hó) là một lễ nghi đầy tính nhân văn, là dịp đoàn viên của mỗi gia đình, dòng họ, bản mường của người Lào. Hiện nay, tuy phần nghi lễ đã được đơn giản hơn nhưng vẫn được tổ chức đều đặn, có sức lan tỏa, ảnh hưởng nhiều đến các dân tộc khác. Là một nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc Lào, cần được bảo tồn và phát huy.
Lễ mừng cơm mới (Kin khảu hó) của dân tộc Lào đã được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa.
Các lễ hội khác