Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền ở tỉnh Sơn La
Sơn La, Việt Nam
01/01/2024→31/12/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
Dao

Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất, người Dao Tiền ở Sơn La đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Họ đã tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện sống khắc nghiệt của núi rừng, trong các mối quan hệ giao lưu tiếp biến để tạo dựng và bồi đắp những vốn văn hóa cổ truyền, đóng góp vào nền văn hóa phong phú chung của các dân tộc. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt của văn hóa Dao Tiền là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục. Trong đó, nghệ thuật trang trí hoa văn quyết định giá trị của bộ trang phục, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa trang phục và rộng hơn là trong văn hóa tộc người, nó trở thành phương tiện để biểu hiện nội tâm, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người sáng tạo, người sử dụng kể cả ở góc độ cá nhân hay cao hơn là tập quán của cộng đồng.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền có từ lâu đời, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể. Trang phục ra đời trước hết là để bảo vệ cơ thể chống lại các tác động có hại của ngoại cảnh, như: Khí hậu, côn trùng… cùng với đó là nghệ thuật trang trí trên trang phục nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ và đời sống tâm linh của con người. Sự thẩm nhận nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, từ trong lao động sản xuất, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, bản mường; người Dao Tiền đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí đầy tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mỹ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú.

Khi nói về nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống, cộng đồng người Dao Tiền còn lưu truyền truyền thuyết: “Xưa kia nước của Bình Vương thường bị nước của Cao Vương tấn công tàn phá. Khi nước của Bình Vương có nguy cơ bị tiêu diệt thì tướng Bàn Hộ tài giỏi đã đưa ra kế biến mình thành con long khuyển mình rồng ngũ sắc (con chó mình rồng năm màu) để đột nhập vào cung của Cao Vương. Cao Vương nhìn thấy con long khuyển rất đẹp đã đưa về nuôi và luôn cho ở cạnh mình. Trong một lần Cao Vương say rượu, long khuyển đã hiện hình trở lại thành Bàn Hộ để giết chết Cao Vương và nước của Bình Vương tránh được nguy cơ bị tiêu diệt. Lập được công lớn, Bàn Hộ được Bình Vương gả công chúa làm vợ, tặng cho nhiều vải đẹp và ban cho vùng đất rộng lớn, cây cối tươi tốt để làm ăn. Bình Vương có dặn là số vải này sau khi sinh con cháu thì cắt khâu quần áo phải trang trí nhiều màu sắc để con cháu đời đời nhớ đến Bàn Hộ tướng quân đã biến mình thành long khuyển mình rồng ngũ sắc”. Vì vậy, trang phục truyền thống của đồng bào Dao Tiền nói chung cầu kỳ từ cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản: Đỏ, trắng, vàng, xanh, chàm hoặc đen, tạo nên sắc thái riêng biệt trong văn hóa trang phục của đồng bào.

Sáng tạo ra cái đẹp - nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền là nữ giới, đồng thời họ cũng là chủ thể gìn giữ và trao truyền tinh hoa của dân tộc cho những thế hệ kế cận. Người Dao Tiền quan niệm: Trang phục là tiêu chí quan trọng để đánh giá tài năng, vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ. Vì vậy, ngay từ khi lên mười tuổi, các bé gái Dao Tiền đã được các bà, các mẹ chỉ dạy cho cách kéo sợi, dệt vải, cắt may và thêu thùa. Khi bước sang tuổi trăng rằm, hầu như các thiếu nữ Dao Tiền đều biết tự làm cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để tham dự các ngày lễ hội, ngày chợ phiên ở bản mường. Nghệ thuật trang trí trên trang phục qua đó đã đảm đương nhiệm vụ thiêng liêng là cầu nối, là phương tiện chuyển giao, là mối giao cảm trao truyền giữa các thế hệ, là “văn bản” lưu giữ hết sức chân thực và bền vững những khía cạnh cuộc sống từ đời này sang đời khác.

Người Dao Tiền ở Sơn La bao đời nay luôn tự hào về trang phục truyền thống của tộc người mình. Mặc dù, xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, hàng hóa ngoại lai xâm nhập vào tận bản mường với giá cả phải chăng, hoa văn màu sắc rực rỡ nhưng phụ nữ Dao tiền vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Qua đó, trang phục và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục đã thực sự trở thành những thành tố quan trọng, linh thiêng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng và cấu thành nên văn hóa Dao riêng biệt.

Là cư dân nông nghiệp trồng trọt với loại hình kinh tế nương rẫy là chủ yếu, người Dao tiền ở Sơn La trong xã hội cổ truyền tồn tại một loại hình kinh tế tự cung tự cấp kéo dài nhiều thế kỷ. Người Dao Tiền tự tạo ra mọi yếu tố vật chất để sáng tạo ra trang phục với một ngôn ngữ riêng không giống các dân tộc khác. Đó là quá trình trồng bông, dệt vải; trồng chàm, nhuộm chàm và đặc biệt là nghệ thuật trang trí trên trang phục.

Trang phục truyền thống của đồng bào Dao nói chung là một trong những loại trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng. Tạo hình hoa văn trên trang phục là sản phẩm của nghệ thuật và kỹ thuật được thể hiện qua từng yếu tố cấu thành nên bộ trang phục, như: Áo, yếm, quần, váy, dây lưng, khăn và mang sắc thái từng giới tính (nam, nữ), theo độ tuổi (trẻ em, người lớn) và sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng (thầy cúng).

Trang phục truyền thống của phụ nữ gồm: Khăn, áo đơn và kép, váy, yếm, dây lưng, xà cạp.

Trang phục truyền thống của đàn ông gồm: Khăn, áo, dây lưng và quần; vào các ngày lễ, cưới họ mặc thêm chiếc váy ngắn, đội khăn thêu.

Trang phục của trẻ em cũng giống như trang phục người lớn, chỉ có kích thước nhỏ hơn. Ngoài ra, còn có trang phục của thầy cúng sử dụng trong các nghi lễ.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao nói chung là một kho tàng nghệ thuật tạo hình, trang trí dân gian đặc sắc. Với 5 màu sắc cơ bản (đỏ, trắng, xanh, vàng, đen) trên chất liệu vải và chất liệu bạc, nhôm qua bàn tay tài hoa, óc sáng tạo tinh tế của người phụ nữ bằng các kỹ thuật: Thêu; in vẽ sáp ong, nhuộm chàm; ghép vải tạo hoa văn; phối màu; đính bạc, tua rua, hạt cườm; xử lý bố cục đồ án trang trí, đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trang phục và các mô típ hoa văn đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại và đậm đà tính tộc người.

Đối với người Dao Tiền, màu sắc được sử dụng chủ yếu là màu đỏ (hoặc màu mười giờ rực rỡ) và trắng được thêu trên nên chàm, các màu khác chỉ mang tính chất điểm xuyết hoặc thưa thoáng; có một loại hình kỹ thuật đặc biệt hơn so với các ngành Dao khác đó là: in, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải làm váy cho phụ nữ. Các kỹ thuật trang trí trên trang phục được phụ nữ Dao thực hành như sau:

* Kỹ thuật in, vẽ hoa văn bằng sáp ong

Để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải, người nghệ nhân phải chuẩn bị sáp ong: Chọn sáp ong của những tổ ong trong tự nhiên, sơ chế thành sáp vẽ để khô dùng lâu dài. Khi vẽ phải đun nóng sáp với độ loãng cần thiết để khi vẽ vào vải mới tạo thành đường nét, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vào vải, nếu loãng quá thì đường nét hoa văn hay bị nhòe.

Chiếc váy đẹp hay không phụ thuộc vào 3 công đoạn là: Mài vải, vẽ sáp ong và nhuộm chàm.

Mài vải: Vải phải được mài thật mịn, phẳng, khít bằng cách đặt vải trên một phiến đá mỏng, nhẵn (hoặc mặt sau của chiếc mẹt), lấy nanh lợn rừng miết nhiều lần lên vải để khi chấm sáp mới bám dính tốt và không bị thấm xuống phía dưới, màu sắc đồng đều sau khi nhuộm.

Vẽ sáp ong: Bộ đồ nghề để in bao gồm mảnh nhôm hoặc đồng cắt hình chữ T hoặc khung hình tam giác bằng tre, các mảnh đồng hoặc nhôm hình tam giác vuông có cán để cầm khi in các đoạn thẳng (Dụ pơi). Để in vòng tròn, sử dụng các ống tre nhỏ có đường kính từ 1,2cm - 2cm (chùm thố).  Một que tre nhỏ được gắn sắt ở đầu (phong tháo). Ngoài ra còn lấy các dẻ lá cọ hay lá chít ép phẳng để dùng làm cữ khi in.

- Khi chấm, vẽ, nhằm tránh họa tiết in không đồng đều thì sáp ong nhất thiết phải luôn được đun nóng chảy ở nhiệt độ vừa phải. Đầu tiên dùng để tạo hình tam giác trên tấm vải, sau đó dùng dụ pơi chấm phía trong tam giác; phong tháo dùng  để tạo các đường viền của các hình tam giác nhọn và chùm thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Đây là bước sau cùng để hoàn chỉnh bộ hoa văn trước khi miếng vải được nhuộm chàm.

- Cách tạo hình hoa văn:

+ Muốn in hình bánh xe, nhúng một đầu ống tre vào sáp ong rồi chấm lên vải, sau đó dùng một ống tre có đường kính nhỏ hơn in vào trong vòng tròn đã được in trước.

+ Để in các “nan hoa” trong vòng tròn nhỏ thì dùng đến dụng cụ tạo các đoạn thẳng ngắn. Khi in các đoạn thẳng ngắn song song thì dùng các dụng cụ in có hình tam giác, nhúng cạnh đáy tam giác vào sáp ong rồi lấy de lá làm cữ in lên vải.

+ Để in họa tiết sóng nước thì trước khi in, gấp khổ vải (40cm) thành 10 cột. Nhờ các cột này mà in được những đoạn thẳng song song với nhau và đối nhau giữa các cột.

Quá trình in diễn ra ở từng cột. Để in hết một khổ vải (10 cột) cần đến 3 hoặc 4 giờ, tùy người in nhanh hay chậm. Mỗi chiếc váy gồm 6 khổ vải nên in xong ít nhất cũng phải mất 20 - 24 giờ. Đây là công việc hết sức khó khăn, không cho phép in sai vì in sai không sửa được, nếu in sai một nét sẽ phải in lại cả một khổ vải hoặc phải bỏ cả khổ vải đó đi.

Nhuộm chàm: Sau khi vẽ được đồ án hoa văn hoàn chỉnh cho đủ số vải để may một chiếc váy, họ sẽ nhuộm chàm nhiều lần để được màu chàm ưng ý. Nhuộm xong, phơi khô rồi nhúng vải vào nước sôi cho sáp ong tan ra. Tấm vải sẽ có màu chàm xanh, hoa văn in vẽ sáp ong màu trắng ngà, rất đẹp và độc đáo.

Trên chiếc váy của người phụ nữ, được người Dao tiền sáng tạo 6 loại hoa văn khác nhau bằng kỹ thuật vẽ sáp ong (nghệ thuật batik), thứ tự từ cạp váy trở xuống, bao gồm: Hoa văn hình đồng xu (Chùm thốp), hoa văn kẻ ngang (Chùm heng), hoa văn các hình chữ nhật xếp chồng vào nhau (Chùm chủn), hoa văn hình chữ nhật có vạch kẻ bên trong (Sà pjơi), hoa văn sóng nước màu trắng (Chùn chjao), hình sóng nước màu chàm (Chùn meng). Mô típ hình đồng xu được in trên váy của phụ nữ Dao tiền, được vẽ thành dải liên tiếp nhau chạy hết chiều rộng của váy. Hoa văn này thể hiện niềm mong ước của người Dao về sự thịnh vượng, mong muốn cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn.

Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, nước là nguồn sống của con người và vạn vật. Nhưng nước cũng là mối hiểm họa đối với con người như: lũ lụt, lũ quét,.. Hình tượng sóng nước thường là những môtíp được bố trí ở phía dưới của bố cục, gồm những đường lượn cong đều vừa là hình tượng cây, vừa mang hình tượng núi.

Hoa văn hình sóng nước thể hiện dày đặc trên chiếc váy nền chàm, rất rõ nét. Nó như một lời nhắc nhở của thế hệ trước tới thế hệ sau: hãy luôn ghi nhớ và trân trọng cuộc hành trình của tổ tiên, hăng say lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Nét nổi bật trên trang phục truyền thống của người Dao tiền là các mô típ hoa văn được trang trí vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng. Phụ nữ Dao kết hợp hai biện pháp kỹ thuật chủ yếu để tạo hoa văn là kỹ thuật thêu và đáp, ghép vải. Riêng đối với ngành Dao Tiền, trang trí hoa văn chủ yếu bằng kỹ thuật thêu, kỹ thuật ghép vải được sử dụng rất ít, chỉ có tác dụng phối màu, không tạo hoa văn.

* Kỹ thuật thêu

Khi tấm vải hoàn tất việc nhuộm chàm, phụ nữ Dao Tiền tiến hành thêu các mô típ hoa văn trên vải, sau đó mới cắt khâu, lắp ghép thành bộ trang phục hoàn chỉnh. Vì vậy, trước khi thêu, họ phải tính toán trước, định hình trong ý tưởng sẽ cắt khâu bộ trang phục cho đối tượng nào (trang phục nữ giới, nam giới, trẻ em hay thầy cúng) và trang trí bộ phận nào (khăn, áo, xà cạp) để chia các ô trên mảnh vải, hình dung các mô típ hoa văn trang trí phù hợp rồi mới tiến hành thêu. Kỹ thuật thêu hoa văn thể hiện trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền ở mỗi giới, mỗi lứa tuổi, mỗi thành phần cơ bản giống nhau.

Để hoa văn trang trí trên trang phục phong phú, đa dạng, tạo nét mềm mại, phóng khoáng, không bị gò bó; phụ nữ Dao Tiền kết hợp các kỹ thuật thêu như: Thêu thoáng trên nền vải, thêu luồn sợi,...

Thêu thoáng trên nền vải: Là kỹ thuật thêu để lộ nền chàm (hoặc đen) có tác dụng làm giảm độ rực chói, mạnh mẽ của các mầu nguyên sắc làm cho hòa sắc chung trở nên đồng điệu, trang nhã.

Thêu luồn sợi: Là luồn chỉ theo mắt sợi, thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết hoa văn lại nổi lên trên mặt phải của vải.

Nhìn chung, các kỹ thuật thêu của người Dao Tiền đòi hỏi rất cao về sự tinh tế, độ tỉ mỉ, tính kiên nhẫn và bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Họ phải tính đếm từng đường kim mũi chỉ, kích thước hoa văn, sự xuất hiện đậm nhạt của màu sắc, vì chỉ cần sai một mũi thêu là phải tháo ra thêu lại. Người Dao Tiền chỉ thêu 2 màu chỉ nhưng cũng thêu từng màu một, hết màu chỉ trắng rồi đến màu chỉ đỏ hoặc ngược lại.

         * Kỹ thuật ghép vải

Kỹ thuật đáp ghép vải của người Dao Tiền không nhiều, chỉ tăng thêm sắc màu, không có tác dụng tạo hoa văn, chủ yếu viền ở gấu áo, cửa tay, đáp dọc nẹp áo, viền xà cạp, bằng vải trắng vừa để viền, vừa để bọc mép vải cho khỏi sổ ra. Ngoài ra, cửa tay áo thường viền thêm một đường vải màu đỏ cùng với một đường vải trắng để tăng thêm sắc màu cho trang phục. Áo của thầy cúng được ghép các đường vải màu trắng xen kẽ với các đường thêu.

* Kỹ thuật đính bạc, tua rua, hạt cườm

- Đính bạc: Trong văn hoá cổ truyền của người Dao Tiền, bạc tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn. Đồng bào tin rằng, người đeo bạc sẽ có sức khỏe tốt, đuổi được tà ma và được thần linh, tổ tiên phù hộ. Người Dao Tiền ngoài những đồ trang sức làm bằng bạc: Nhẫn, vòng tay, vòng cổ, xà tích… thường đính những đồng bạc mỏng, nhỏ lên mặt khăn đội đầu, đính đồng tiền lên mũ trẻ em và đặc biệt là chiếc áo nào của phụ nữ hay đàn ông, trẻ em hay thầy cúng cũng được đính từ 6-12 đồng tiền sau cổ áo.

- Đính tua rua, hạt cườm

Trang phục của người Dao Tiền ít được đính hạt cườm và tua rua hơn các ngành Dao khác. Để làm tua rua len hoặc tơ tằm, hạt cườm cần chuẩn bị len màu đỏ (hoặc màu mười giờ), hạt cườm màu xanh, kéo, kim chỉ. Các sợi len được chập lại thành từng túm, dùng kéo cắt thành từng đoạn dài từ 20 - 30cm, dùng chỉ buộc chặt một đầu, sau đó lộn lại để che phần chỉ buộc vào bên trong. Hạt cườm được xâu lại thành một chuỗi, xen lẫn các màu với nhau, mỗi màu xâu liên tiếp từ 2 đến 7 hạt. Một đầu của túm len (nơi buộc chỉ) đính với dây hạt cườm tạo thành tua rua, hạt cườm. Tua rua, hạt cườm được sử dụng để trang trí trên khăn đội đầu của phụ nữ, thắt lưng của thầy cúng, vai áo thầy cúng.

* Kỹ thuật dệt hoa văn

Người Dao Tiền tạo hoa văn bằng kỹ thuật dệt chỉ duy nhất có dây lưng. Họ có một loại khung dệt riêng để dệt dây lưng, khổ rộng 5cm. Loại khung dệt này rất đơn giản, có một bộ go nhỏ, một đầu buộc vào cột nhà, một đầu buộc vào eo lưng người dệt. Dây lưng được dệt bằng chỉ trắng, đen thành ba sọc dài suốt dây lưng hoặc xe chỉ các màu dệt thành thắt lưng có hoa văn. Dây lưng dài 300cm đến 350cm, bản rộng từ 5cm đến 7cm, hai đầu của dây lưng để tua chỉ dài.

* Kỹ thuật phối màu

Nếu sự cầu kỳ của hoa văn tạo cho người xem có cảm giác về một lối tư duy đa chiều nhưng chặt chẽ, khoa học thì sự lung linh của màu sắc khiến cho người ta cảm nhận được đời sống nội tâm phong phú và sâu lắng. Vì vậy, trong nghệ thuật trang trí trang phục, phụ nữ Dao tiền đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật phối màu, đây là yếu tố quan trọng không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp, sự tinh tế, nét riêng biệt của bộ trang phục truyền thống mà còn thể hiện nếp sống, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng người Dao tiền trong quá trình vận hành, phát triển trong lịch sử và hiện tại.

Người Dao tiền chủ yếu phối màu thêu trên khăn, áo và xà cạp nữ.

Trên áo chủ yếu thêu 2 màu chỉ: Chỉ trắng và đỏ (mười giờ hoặc nâu vàng) trên nền chàm.

Trên khăn chủ yếu thêu 2 màu chỉ: Chỉ trắng và đỏ (mười giờ), có thêm chuỗi hạt cườm màu xanh gắn với túm tua bông dài màu đỏ (hoặc mười giờ rực rỡ).

Trên xà cạp toàn bộ thêu chỉ đen trên nền vải bông trắng.

Còn váy phụ nữ hoàn toàn in sáp ong trên vải tạo thành màu xanh lơ, trắng ngà trên nền chàm.

Tuy không sử dụng nhiều màu sắc như các ngành Dao khác, nhưng nghệ thuật phối màu trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền không kém phần trang nhã nhưng rực rỡ, thống nhất và độc đáo.

Theo quan niệm truyền thống, để nhớ đến tổ tiên là Bàn Hộ đã hóa thân thành con long khuyển mình rồng ngũ sắc, người Dao tiền đã kết hợp 5 màu sắc cơ bản là: Đỏ, xanh, trắng, vàng, chàm (xanh đen) để trang trí trang phục truyền thống của dân tộc. Mặc dù sử dụng 5 màu sắc nhưng người Dao Tiền cho rằng màu đỏ là màu đem lại sự tươi vui, hạnh phúc và ấm no cho con người. Vì vậy, nhìn tổng thể, vị trí và diện tích lớn nhất của trang phục người Dao Tiền là màu đỏ. Màu đỏ ẩn hiện ở những họa tiết thêu tay, màu đỏ xếp thành băng dài ở những mảng ghép vải, tua rua len, hạt cườm và ở những quả bông đỏ do cách đính len tạo hình. Bằng sự can thiệp mạnh mẽ của màu đỏ cùng với sự phối hợp tinh tế với các màu khác đã tạo cho thị giác nhận diện được một màu thứ ba không rõ ràng, khó gọi tên. Đó là sự thành công của phụ nữ Dao tiền trong việc sử dụng, xử lý màu đỏ và đưa màu đỏ lên vị trí chủ đạo trong trang trí trang phục.

Nếu như màu đỏ được ví như điểm tựa tâm thức thì sự xuất hiện của màu trắng trên các hình thức trang trí hoa văn của bộ trang phục lại tạo nên một sự lung linh, huyền ảo nhất định. Phụ nữ Dao Tiền vô cùng khéo léo khi phối hợp màu trắng và màu đỏ trong môtip họa tiết hình tam giác ngược xuôi sinh động, hai hàng chó, cừu màu đỏ, trắng chúc đầu vào nhau, hay màu trắng ở vị trí chặn ngang, chặn dọc một hệ thống màu đỏ đang lan rộng hoặc màu trắng chen chúc, chanh chấp với màu đỏ trong từng chi tiết hoa văn. Chính sự phối hợp tinh tế này, mà màu trắng ở bất cứ vị trí nào cũng đảm nhận được vai trò giúp cho các màu khác loé sáng hơn và tôn các màu khác lên rực rỡ, tươi màu hơn. Làm nền cho các màu trắng, đỏ trang trí trên trang phục của người Dao tiền là màu chàm (hoặc màu đen). Những sợi màu đỏ tuy sặc sỡ nhưng khi được đặt và đứng bên màu chàm đã không còn cảm giác về sự chói mắt mà làm cho thị giác cảm nhận sự tươi tắn, sinh động và lung linh của từng nhóm, từng sợi màu. Trong quá trình trang trí, phụ nữ Dao Tiền đã khéo léo để lại những vị trí cần thiết của màu chàm, sao cho màu chàm hiện lên lúc rõ ràng và khúc triết, lúc trốn sau, tan ra cùng với các màu khác. Vì vậy, màu chàm với vai trò làm nền đã quyết định thành công của sự kết hợp màu sắc trong nghệ thuật trang trí trang phục cổ truyền của người Dao.

Với kỹ thuật phối màu tinh tế, trau truốt và điêu luyện đến từng chi tiết; màu sắc trên trang phục Dao tiền không chỉ cho ta cảm nhận được đời sống nội tâm phong phú và sâu lắng của đồng bào, mà còn cho ta thấy những trải nghiệm, những rung cảm mãnh liệt của tâm hồn người Dao với thiên nhiên, đất trời, cỏ cây hoa lá và chất chứa nguồn mỹ cảm tiềm tàng, nơi gửi gắm những yếu tố tâm linh của đời sống cộng đồng.

* Các loại hình hoa văn 

Trong khi thêu, phụ nữ Dao Tiền không vẽ sẵn mẫu lên vải mà thêu theo trí tưởng tượng đã thuộc lòng. Đó là các mô típ hoa văn truyền thống được bà, mẹ truyền dạy từ khi còn nhỏ, được thực hành nhiều lần và đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Các mô típ hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao Tiền vô cùng đặc sắc, phong phú nhưng cũng rất thống nhất ở các ngành Dao, chủ yếu là những hình ảnh thường thấy trong sinh hoạt hằng ngày; phản ánh tâm tư, tình cảm và mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên, con người với tổ tiên và những loài vật gắn bó trong cuộc sống, tiêu biểu như:

Hoa văn biểu hiện cây cỏ, hoa lá: Người Dao Tiền bao đời gắn bó với núi rừng, họ trân trọng, tôn thờ rừng núi mà cụ thể là cây cỏ, hoa lá. Đồng bào tìm thấy trong cây cỏ, hoa lá sự chở che, bao bọc và gửi gắm vào đó niềm tin, sức sống mãnh liệt, trường tồn. Hoa văn hình cây cỏ được trang trí trên trang phục của người Dao tiền gồm: Hình quả thông, cây thông, hoa chéo, ngọn cây dương xỉ.

Hoa văn biểu hiện chim thú: Hoa văn hình chim thú là biểu tượng cho khát vọng tự do, đồng thời thể hiện sự kết nối bền vững trong đời sống cộng sinh, giao hòa với thiên nhiên núi rừng, đặc biệt là nhớ về thủy tổ của người Dao tiền. Trên trang phục Dao tiền, hoa văn hình chim thú được thể hiện thông qua các mô típ, như hình con chó, dấu chân chó, con cừu, hình chim, gà.

Hoa văn biểu tượng mặt trời: Người Dao tiền quan niệm mặt trời là biểu tượng của thần linh, mang đến cho con người những điều may mắn nên phải trân trọng và tôn thờ. Hoa văn biểu tượng mặt trời được thể hiện bằng kết cấu mang tổ hợp hình hoa 8 cánh với hệ thống các cánh hoa xếp đối xứng nhau qua tâm. Người Dao tiền sử dụng hoa văn này ở áo lễ của đàn ông, thêu ở sau lưng. Hoa văn thêu trên khăn làm quà tặng của đôi lứa yêu nhau.

Hoa văn biểu hiện nguồn nước (hình sóng nước): Trên trang phục Dao tiền, hoa văn hình sóng nước xuất hiện dày đặc nhờ cách tạo hình của các đường thẳng đa màu kéo dài và liên tục kế tiếp trên một khoảng rộng. Mô típ hoa văn này được thêu ở gấu áo, ống tay, đặc biệt là hoa văn trang trí bằng phương pháp in vẽ sáp ong trên váy của phụ nữ Dao Tiền.

Hoa văn biểu hiện tín ngưỡng: Trong tín ngưỡng của người Dao tiền luôn tồn tại yếu tố Phật giáo, điều đó thể hiện rõ nét trên hoa văn trang trí trang phục cổ truyền của đồng bào, thông qua biểu tượng dấu thập ngoặc (chữ Vạn). Chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, biểu thị công đức vô lượng của Phật. Vì vậy, khi thêu cũng như khi cảm thụ mô típ hoa văn hình chữ Vạn, người Dao tiền như hóa thân cùng những ước vọng, những tư tưởng cao cả mà bản thân mô típ hoa văn này đã ẩn chứa và chuyển tải.

Hoa văn hình học: Cách tạo hoa văn trên trang phục theo các dạng hình cơ bản như hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, thể hiện cách cảm thụ, cách tư duy rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát của người Dao tiền. Thông thường, hoa văn hình học rất dễ dẫn đến sự khô cứng, máy móc, tuy nhiên, hoa văn hình học trên trang phục người Dao Tiền đã vượt qua được những hạn chế này nhờ cách ghép đoạn thẳng, ghép hình xuôi ngược táo bạo, làm cho thị giác cảm nhận được sự linh hoạt và luôn có hướng mở, hướng phát triển.

         * Bố cục trang trí hoa văn

Có thể nói, trong các thành tố tạo nên vẻ đẹp và sự độc đáo của bộ trang phục cổ truyền người Dao Tiền, các mô típ hoa văn trang trí chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Hoa văn từ tổng thể đến chi tiết đều toát lên cách nhìn, lối tư duy độc đáo của sự sáng tạo cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng. Những sắc thái riêng biệt trên từng hoa văn cũng như tổng phổ chung của các hình thức trang trí trên trang phục tạo nên sản phẩm trang phục vừa có giá trị nghệ thuật vừa mang yếu tố nhân văn sâu sắc.

Bố cục các mảng trang trí trên trang phục truyền thống được người Dao Tiền xếp đặt rất tinh tế. Mỗi mảng trang trí không quy định cụ thể về mô típ hoa văn, cách tạo hình, màu sắc trang trí, ở đó, người phụ nữ được thỏa sức sáng tạo theo sở thích, quan niệm thẩm mỹ của mình. Tuy nhiên, lại quy ước rất chặt chẽ về vị trí cần phải trang trí trên trang phục, đối với người Dao Tiền, đó là: Thân trước và thân sau của áo, váy, khăn đội đầu, xà cạp trên trang phục phụ nữ và phần thân áo nam giới. Chính những yếu tố mở, cũng như những quy ước chặt chẽ này đã tạo nên sự thống nhất trong trang phục truyền thống của người Dao Tiền.

Trong trang trí trang phục, người Dao Tiền rất coi trọng tính hợp nhất trên một bộ trang phục. Vì vậy, khi đã định trang trí hoạ tiết, hoa văn và kiểu bố cục nào thì kiểu thức ấy sẽ lặp đi lặp lại trong suốt các mảng đồ án trang trí trang phục tạo thành từng nhịp kết nối bền chặt, hài hòa. Nhìn tổng thể, các đơn vị trang trí trên trang phục cổ truyền người Dao tiền có hai bố cục chính, đó là bố cục dải băng ngang và bố cục dải buông dọc. Bố cục dải băng ngang là những đơn vị trang trí chạy băng ngang được cấu tạo liên hoàn tạo nên tổng thể vui mắt, logic và có cấu trúc chặt chẽ. Các đơn vị trang trí dải băng ngang trên bộ trang phục đều quan hệ ràng buộc với nhau, sự bắt đầu, sự trưởng thành của đơn vị trang trí này là sự kết thúc có chủ ý của một đơn vị trang trí trước nó và bản thân mỗi đơn vị trang trí là sự hoàn thành và là sự bắt đầu cho đơn vị trang trí tiếp theo, tạo thế vừa ổn định, vừa phát triển không ngừng. Bố cục dải buông dọc là kết cấu các đơn vị trang trí theo dải buông dọc có tính đối ngẫu và phá thể tạo sự mềm mại, uyển chuyển. Các đơn vị trang trí có bố cục dải buông dọc như các tua rua, hạt cườm hay các họa tiết hoa văn thêu theo chiều buông xuống phía dưới đưa đến cảm nhận về sự ổn định, thư thái. Những khoảng trống vừa phải, những chi tiết rậm rạp nhưng không rườm rà làm cho bộ trang phục vừa vững chắc, vừa mềm mại.

* Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể

- Giá trị lịch sử:

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao ở Sơn La ra đời từ rất sớm, gắn liền với quá trình vận hành, phát triển của tộc người trong lịch sử và hiện tại. Trước đây, trong xã hội cổ truyền, điều kiện tiếp xúc, trao đổi với các dân tộc khác còn hạn chế, người Dao Tiền hoàn toàn phải tự túc về vật liệu, kỹ thuật để cắt khâu, trang trí trang phục. Khi điều kiện lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, chất liệu may mặc, môi trường giao lưu học hỏi, kỹ thuật sản xuất thay đổi, thì trang phục truyền thống của đồng bào cũng nhanh chóng phát triển, bổ sung những yếu tố mới để phù hợp với bối cảnh mới. Qua đó, trang phục đã ghi nhận dấu ấn từng thời kỳ lịch sử và qua mỗi thời kỳ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào lại được tái hiện qua những rung cảm mãnh liệt, tinh tế đa dạng, độc đáo và sâu sắc mà người Dao Tiền bằng nghệ thuật trang trí đã gửi gắm vào bộ trang phục truyền thống của tộc người mình.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền chứa đựng những thông tin về kinh tế, xã hội, triết lý tộc người, giúp nhận diện lịch sử cộng đồng người Dao Tiền trong xã hội cổ truyền dưới nhiều góc độ khác nhau. Về kinh tế, nghệ thuật trang trí trên trang phục phản ánh nền kinh tế tự cấp, tự túc với trình độ kỹ thuật thủ công kéo dài nhiều thế kỷ; trong bối cảnh đó, việc trang trí trang phục không nhằm mục đích hàng hóa mà chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, thưởng thức cái đẹp của con người. Về xã hội, nghệ thuật trang trí trên trang phục gắn với sự phân công lao động tự nhiên theo giới tính dành cho phụ nữ - người mẹ, người vợ, em gái, chị gái trong gia đình, vì đây là công việc đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, sự khéo léo cũng như đầu óc thẩm mỹ nên chỉ có nữ giới mới đảm nhận được chức năng xã hội này. Do đó, giá trị nghệ thuật của bộ trang phục đã tôn thêm tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền. Về triết lý tộc người, thông qua các hoa văn, họa tiết, màu sắc, chất liệu, được trang trí trên trang phục, người Dao đã chuyển tải những ý niệm về vũ trụ, về nhân sinh quan, thế giới quan, về thiên nhiên, về cuộc sống mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng trong quá khứ.

Như vậy, nghệ thuật trang hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao giúp giải mã những dung lượng thông tin ẩn chứa bên trong bộ trang phục. Đây là nguồn sử liệu quý giá, được biểu đạt như những trang “ký sử” đầy sống động, phản ánh muôn mặt đời sống vật chất và tinh thần của tộc người Dao Tiền ở Sơn La nói riêng và người Dao Việt Nam nói chung trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn và phát triển.

- Giá trị văn hóa, nghệ thuật

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền ở Sơn La là di sản văn hóa phi vật thể điển hình, được đồng bào trân trọng, lưu giữ, truyền bá và góp phần làm nên bản sắc văn hóa tộc người. Bản sắc đó được thể hiện từ chất liệu, kiểu cách cắt khâu đến màu sắc, hoa văn, cách tạo hình, bố cục các mảng trang trí trên trang phục đều mang diện mạo, sắc thái riêng biệt của người Dao Tiền, không thể hòa lẫn với bất kỳ tộc người nào khác. Đồng thời, việc xử lý kỹ thuật và mỹ thuật trên bộ trang phục theo giới tính, lớp tuổi, tính chất sinh hoạt thường nhật, trong lao động, trong hội lễ, tín ngưỡng còn thể hiện nếp sống văn hóa cộng đồng. Có thể nói, người Dao Tiền thông qua nghệ thuật trang trí, đã xây dựng cho tộc người mình một kiểu trang phục riêng, hay nói cách khác, đã xây dựng một hệ biểu tượng của văn hóa truyền thống trên trang phục. Thông qua hệ biểu tượng này, trang phục trở thành một trong những sắc thái để nhận biết đặc trưng văn hóa tộc người và là dấu hiệu để phân biệt các ngành Dao tiền và với dân tộc khác.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao là một kho tàng nghệ thuật tạo hình, trang trí dân gian phong phú, đặc sắc. Thông qua lối dùng màu, qua xử lý bố cục các đồ án hoa văn trên từng bộ phận, thành tố trang phục; các mô típ hoa văn hình cây cỏ, hoa lá, hình chim thú được sử dụng phong phú trên trang phục; lối áp dụng nhiều kỹ thuật trong trang trí, tạo dáng trang phục như thêu, đáp vải, ghép vải, đính bạc, tua rua, hạt cườm; lối áp dụng việc sử dụng các chất liệu kim loại bạc, nhôm, giấy cùng với vải vào trang trí trang phục thể hiện một sự giàu có, phong phú và đạt trình độ thẩm mỹ dân gian cao, đồng thời phản ánh ý thức và khẳng định sức sáng tạo của cộng đồng.

Có thể nói, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Tiền là "điểm đọng lại những giá trị văn hóa cộng đồng. Ẩn chứa bên trong các phương diện kỹ thuật và nghệ thuật trang trí là tâm lý, nếp sống; là quan niệm thẩm mĩ, quan niệm về thế giới tự nhiên; là tiến trình phát triển của lịch sử, văn hoá và sự giao thoa văn hoá của tộc người; là sự bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng. Vì vậy, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền là thành tố cơ bản của nền văn hóa, là di sản mang tính đại diện và luôn mang trong mình sức sống mãnh liệt, trường tồn cùng với tiến trình phát triển của cộng đồng người Dao Tiền ở Sơn La.

- Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống là đứa con tinh thần của cộng đồng người Dao Tiền ở Sơn La. Thông qua nghệ thuật trang trí, người Dao đã gửi gắm vào đó những nét đặc sắc của cuộc sống, khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Dao Tiền có trách nhiệm, say mê và tự hào về công việc tạo hoa văn trên trang phục để tạo nên nét đẹp duyên dáng mà dung dị, nồng nàn và quyến rũ, tài hoa và nhân văn, có sức hút mãnh liệt đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng và trở thành ‘‘hồn cốt’’ cộng đồng. Đây chính là nguồn động viên sâu sắc, là sức mạnh tinh thần giúp cho người Dao Tiền vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền do nữ giới đảm nhận. Công việc này không chỉ thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí để cộng đồng nhìn nhận, đánh giá tài năng, phẩm chất, đức hạnh của người phụ nữ. Đồng thời, phụ nữ Dao Tiền cũng là chủ thể trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cho các thế hệ kế cận. Khi bộ trang phục hoàn chỉnh, cũng là lúc người bà, người mẹ, người chị đã hoàn thành việc trao truyền cho cô gái sự khéo tay, sự cẩn trọng, tính kiên trì, sự sáng tạo tinh tế và đặc biệt là đã cùng con cháu trải nghiệm những hơi thở từ cuộc sống, trong không gian nguyện ước, cùng hòa nhịp với các cung bậc tư tưởng, tình cảm của cộng đồng. Vì vậy, nghệ thuật trang trí trang phục đã ‘‘xâu chuỗi’’, ‘‘kết nối’’ đời sống các thế hệ với nhau, qua đó, có tác động tích cực đến việc giáo dục con cháu hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đẹp đẽ mà tổ tiên người Dao tiền đã có công sáng tạo và trao truyền đến ngày nay.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục gắn bó mật thiết và tồn tại trong sự vận hành của đời sống cộng đồng Dao Tiền trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều hoạt động đặc trưng của văn hóa tộc người đều có sự tham gia của trang phục, đặc biệt là trong những ngày lễ tết, khoảnh khắc thiêng liêng của tộc người, hoặc thời điểm đánh dấu bước ngoặt cuộc đời mỗi người trước sự chứng dám của cộng đồng. Vào những thời điểm này, sự chu đáo, cẩn trọng trong việc trang trí trang phục không chỉ đánh dấu tính thiêng của sự kiện mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện vẻ đẹp, cá tính, bản lĩnh của mình trước cộng đồng. Mặt khác, mỗi lứa tuổi, thành phần xã hội đều có cách trang trí trang phục khác nhau để phù hợp với tâm lý, đặc điểm sinh hoạt khác nhau. Vì vậy, trang phục còn tham gia vào hoạt động giao tiếp, góp phần làm nên văn hóa giao tiếp con người và văn hóa giao tiếp của cộng đồng.

Như vậy, di sản nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền ở Sơn La có vai trò to lớn trong đời sống cộng đồng.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền ở tỉnh Sơn La là một nét văn hoá đẹp, mang bản sắc riêng thể hiện nghệ thuật truyền thống, mang yếu tố tâm linh, tinh thần sâu sắc đối với cả người đang sống và người sang thế giới bên kia, đối với cả người trần và thần linh. Trang phục của người Dao Tiền với những đường nét hoa văn độc đáo, đậm đà bản sắc đã và đang trở thành những tiết mục trình diễn văn hóa dân tộc tại các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn…góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu văn hóa dân tộc Dao đến với công chúng, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo của cộng đồng.

Với sự kế thừa, sáng tạo, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền ở Sơn La đã và đang được cộng đồng dân tộc Dao, cấp ủy và chính quyền các địa phương có người Dao tiền cam kết bảo vệ và phát huy. Di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản quốc gia tại Quyết định số năm 2023.

Các lễ hội khác