Lễ Pang A (Cầu An) của dân tộc La Ha
21/01/2024→22/02/2024
Âm lịch
Thời gian cố định
La ha
Lễ Pang A của người La Ha được tổ chức vào tháng 3 dương lịch hàng năm, thời gian tổ chức lễ được phụ thuộc vào các yếu tố: phải có hoa ban, hoa mạ nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, những thứ này không thể thiếu được trong đồ lễ cúng của người La Ha, lúc đó thầy cúng xem, chọn ngày lành tổ chức  nghi lễ (gọi là Lễ Pang A nụn ban). Nghi lễ thường diễn ra trong thời gian 1 ngày, đêm, bắt đầu từ buổi sáng và kết thúc vào buổi chiều, sau đó mọi người tham gia bữa cơm liên hoan, thi uống rượu cần và nhảy múa đến khuya. Riêng người La Ha ở xã Mường Sại huyện Quỳnh Nhai, tổ chức lễ vào tháng 10-11 hàng năm khi hoa Trạng nguyên nở rộ (gọi là Lễ Xek Pang Á)
Thành phần tham gia lễ gồm: 02 Thầy cúng, các con nuôi của thầy và người dân trong bản.
Người La Ha quan niệm con người có hồn vía, khi nào hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật vì vậy phải nhờ thầy cúng gọi hồn về. Khi những người dân mắc bệnh, đến nhờ thầy cúng làm lễ, thầy cúng hành lễ, làm phép xuất hồn nhờ các âm binh phù trợ cứu giúp được linh hồn của người bệnh trở về đầy đủ, coi như đã cứu sống sinh mạng con người, đồng thời những người thấy cúng còn biết bốc thuốc nam để phụ trợ chữa khỏi cho người bệnh. Để cảm tạ công ơn người đã có công cứu sống, chữa khỏi bệnh cho mình, những người bệnh đều nhận thầy cúng làm cha  nuôi. Hàng năm hoặc vài năm một lần, tùy vào điều kiện gia đình thầy cúng sẽ tổ chức Lễ để mời các thần linh về dự lễ, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho các con nuôi, dân bản khỏe mạnh, cho mọi loại bệnh đều được chữa khỏi, dịp này các con nuôi cũng về để dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của cha nuôi, cùng nhau vui chơi, giao lưu tình cảm. Các con nuôi tùy thuộc vào điều kiện gia đình, bệnh được chữa nặng hay nhẹ, là con nuôi lâu năm hay mới mà chuẩn bị các lễ vật dâng cúng phù hợp.
Lễ Pang A được tổ chức quy mô lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng con nuôi được các thầy mo cứu chữa: con nuôi trong bản, các bản khác, thậm chí các huyện khác trong tỉnh. Khi được báo thời gian tổ chức cho dù ở bất kỳ nơi nào thì các con nuôi cũng phải về dự lễ, đó không phải là quy định mang tính chất bắt buộc, nhưng việc làm đó đã thấm sâu vào tiềm thức và tấm lòng của mỗi thành viên, trở thành luật tục không thành văn của tộc người. Người La Ha quan niệm con nuôi có thời hạn: nếu người bị bệnh nhẹ thì làm con nuôi từ 1-2 năm, người bị bệnh nặng thì làm con nuôi 3-5 năm, trong thời gian đó hàng năm đều phải mang lễ đến nhà thầy cúng để dâng lễ. Sau thời hạn đó có thể đến hay không thì tùy tâm.
Khi hành lễ thầy cúng mặc trang phục ngày thường, đầu đội khăn, cầm quạt. Các con nuôi và người dân trong bản mặc quần áo thường ngày.
Khi thầy cúng chọn được ngày tổ chức lễ, những người trong gia đình đi báo cho các con nuôi, họ hàng ở xa và chuẩn bị lương thực, thực phẩm.
Cây Xặng Bók là yếu tố trang trí, cầu nối tâm linh không thể thiếu trong nghi lễ. Cây Xặng Bók sẽ được chuẩn bị từ trước khi nghi lễ diễn ra 2, 3 ngày. Để làm cây Xặng bók, người ta chọn 1 cây tre tươi, cây móc và chuối rừng, chọn cây tốt không được sâu lá và ngọn. Theo quan niệm: Cây móc (lăm la) được lấy cả rễ, lá, cao khoảng 4 mét, tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, phục vụ cày bừa ruộng, nương; Cây chuối rừng (lăm tốc), lấy phần ngọn, tượng trưng cho con trâu trắng. Trâu đen, trâu trắng là bạn nhà nông. Ngoài ra, người ta còn trang trí rất nhiều thứ lên cây hoa (người La Ha quan niệm tất cả các đồ vật hay con người phải có đôi, có lứa nên số lượng các đồ trang trí phải được làm là số chẵn). Gồm: các dải hoa vải; trống chỉ làm bằng sợi chỉ màu; ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre; quả còn bằng vải; chim cu gáy làm bằng gỗ; cày và bừa nhỏ bằng gỗ; hoa Mạ, hoa Ban tươi (Người La Ha ở Mường Sại dùng hoa Trạng nguyên tươi); ngoài ra có các đạo cụ không thể thiếu được để múa là: bẳng Bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, dương vật, âm vật, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre.
Chuẩn bị các đồ trang trí xong, đến ngày làm lễ gia đình cúng xin thần linh và dựng cây Xặng Bók. Họ tạo lỗ tại các gióng tre để cắm đồ trang trí. Cây tre được dựng ở gian giữa nhà, phía trên buộc một thanh ngang để các con nuôi mang khăn múa đến vắt lên. Dựng xong cây tre, các con nuôi lấy cây móc và cây chuối buộc vào. Khi cố định xong cây Xặng Bók thì các đồ trang trí hoa Ban, hoa Mạ, dải hoa vải, trống chỉ, quả còn được treo lên cây Xặng Bók. Dương vật bằng gỗ và khăn múa được treo lên thanh tre ngang. Âm vật, chim bồ câu, con ve được buộc vào cây Xặng Bók, kiếm, lá chắn, cày, bừa được đặt dưới gốc cây Xặng Bók, chum rượu cần của các con nuôi được đặt xung quang gốc cây Xặng Bók.
Gia đình thầy cúng chuẩn bị lễ vật gồm: một con lợn nhỏ để làm lễ cúng thần linh, một con sóc hun khói, một con gà luộc, cá nướng, tôm suối, cua suối, rượu cần, chuối xanh luộc chín, bánh trưng, mía, nõn cây chuối rừng, lá, quả đu đủ, khoai sọ luộc chín, măng đắng, rượu trắng, gạo nếp, thóc. Số lượng lễ vật còn tùy thuộc vào số lượng con nuôi, thầy cúng nào càng nhiều con nuôi thì càng nhiều lễ vật.
Thầy cúng chuẩn bị đồ cúng gồm: 01 chiếc quạt giấy, khăn đội đầu được làm bằng vải màu đỏ có tua rua hai đầu, dây thắt lưng, 02 vòng bạc, 02 kg gạo nếp, 01 cây nến làm bằng sáp ong, 03 quả trứng gà sống, hương, 01 cây sáo (tiếng La Ha là Pơi a), 01 Mảnh vải trắng, 01 Khăn mặt được thêu hình thần linh.
Nghi lễ được thực hiện theo 3 phần, có các phần hội đan xen:
Thứ nhất: Lễ cúng báo tổ tiên
Lễ cúng được diễn ra trước khi làm Lễ Pang A. Gia đình chuẩn bị một mâm lễ gồm có: 01 con gà luộc, xôi, nước luộc gà, đu đủ luộc, măng đắng, rau, tôm, cua, bát, đũa, rượu. Mâm lễ đặt tại nơi thờ ma nhà (hay còn gọi là ma xó, ở góc nhà phía bên trái). Thầy cúng đốt nến, cúng khấn báo cho tổ tiên biết được hôm nay là ngày lành tháng tốt gia đình sẽ tổ chức làm lễ, xin phép tổ tiên cho gia đình được mời các thần linh và mọi người đến dự lễ, xin tổ tiên hãy phù hộ cho nghi lễ được diễn ra suôn sẻ, may mắn, người thổi sáo đệm nhạc theo bài cúng. Cúng xong, thầy xin phép được dựng cây Xặng Bók.
Thứ hai: Lễ cúng hồn cho chủ nhà
Trong khi mọi người dựng cây Xặng Bók. Gia đình thầy cúng sẽ nhờ một người trong gia đình (phải là người biết cúng) làm lễ cho chủ nhà (thầy cúng).
Gia đình chuẩn bị một mâm lễ gồm: cá nướng, gà luộc, rượu, nước luộc gà, xôi, đũa, chén và chiếc áo của thầy cúng (chủ nhà). Mâm lễ được đặt tại giường ngủ của thầy cúng. Người cúng khấn xin các thần linh cho hồn thầy cúng khi lên trời mời các thần linh về dự lễ không bị lạc đường, đi may về mắn, khi nào làm lễ xong gọi về thì xin các thần linh cho hồn về chứ đừng giữ lại.
 Thứ Ba: Cúng mời Thần linh xuống dự lễ
Người ta phủ mảnh vải màu trắng lên một cái mâm, một đầu mảnh vải được gắn cố định trên tường nhà, căng một đoạn dây và vắt một đầu mảnh vải qua đoạn dây đó. Đổ khoảng 2 kg gạo nếp vào giữa mâm lễ, đặt một quả trứng vào giữa đống gạo nếp, hai bên đặt 2 bát gạo, trên mỗi bát gạo đặt 1 chiếc vòng bạc trắng, ở giữa vòng bạc đặt một quả trứng gà sống, trên mỗi bát cắm 4 cây hương và 1 cây nến sáp ong, mỗi bên 2 chén rượu, đặt thêm 1 chén thóc (khi các thần linh xuống thì thường đi ngựa nên chén thóc để cho ngựa của các thần linh ăn), 1 đĩa trầu cau, một chiếc khăn dành cho thầy cúng rửa mặt. Bên trái của mâm cúng đặt chén, lá trầu, bánh chưng, mía, rượu, bát nước. Bên phải của mâm đặt chén, bát nước, bánh chưng, mía.
Chuẩn bị xong mâm lễ, thầy cúng mặc trang phục hành lễ, vẫn là bộ trang phục ngày thường nhưng có đội khăn và thắt lưng có thêu hoa văn màu sắc rực rỡ. Thầy cúng đốt nến, thắp hương, cầm quạt giơ cao ngang đầu, cúng mời Then (Trời) và các tướng, sư phụ xuống, có bao nhiêu quân mời hết, chỉ để lại một người gác cổng. Trong lúc thầy khấn thì thầy thổi pí một lao (sáo) đệm theo lời cúng, cứ khấn được một đoạn thì thầy cúng bốc 1 nhúm gạo giơ lên trước rồi thả gạo, tay kia cầm quạt hất các hạt gạo bay tứ phía xung quanh, thầy cúng lại tiếp tục khấn.
Thầy cử người làm hai cái Ta leo bằng tre (đan hình mắt cáo) đường kính 40 cm, cắm vào một cây cao khoảng 1,2 - 1,5 m, cài vào giữa ta leo một ít lá cây xanh, làm các vòng tròn bằng lạt tre kết nối thành một chuỗi dài (thể hiện cho các đồng tiền bạc), 3 con gà luộc gói vào lá dong (1 con cúng cho thần rừng, 1 con cho thổ địa, 1 con cho rừng ma) đặt tất cả vào mẹt. Thầy cúng cầm ta leo đưa lên trước miệng khấn, cúng xong đưa ta leo cho người nhà mang đi cắm tại ngõ vào bản và cổng nhà như một biển cấm ma, người xấu về phá hoại nghi lễ Tiếp đến mọi người bắt đầu múa, gõ tăng bu, đánh trống, rồi lần lượt cho các con nuôi vào dâng lễ vật cho thầy cúng.
Người nhà chuẩn bị các mâm lễ gồm mâm lễ chính và các mâm do con nuôi mang đến. Mâm chính là những lễ vật do gia đình thầy cúng chuẩn bị, còn mâm của các con nuôi, không có quy định bắt buộc, do điều kiện của từng người con nuôi, ai có gì thì mang nấy, thường thì các con nuôi mang cá hoặc gà, măng, các loại rau, bánh chưng, khăn múa và rượu cần…
Lễ vật mâm chính của gia đình thầy cúng gồm có: thịt lợn chặt thành những miếng nhỏ đặt giữa mâm, cá nướng, gà luộc, canh măng chua nấu cá, rượu nếp cái, rau, bánh chưng, mía, xôi, khoai sọ luộc, nước gừng, con cua suối, quả, lá đu đủ luộc, nõn chuối, quả chuối luộc, măng luộc, rượu trắng.
Sắp xong các mâm lễ, người ta lấy lá chuối phủ lên, đặt cạnh cây Xặng Bók. Mâm lễ chính đặt dưới cùng và chồng các mâm của con nuôi lên, cứ chồng lần lượt cho đến hết. Mâm của con nuôi nào bị bệnh nặng thì đặt lên trên (mâm lễ của những người này phải có thêm một bát gạo và 1 quả trứng), lấy lá chuối cuộn thành hình chóp nón, 1 cái úp lên con gà, 2 cái úp lên 2 bát canh (để tiếp nhận linh khí của các thần linh nhanh nhất và nhiều nhất). Nếu số lượng con nuôi nhiều có thể gộp chung hai, ba người cùng dâng lễ một lúc.
Trong lúc thầy cúng làm lễ thì các con nuôi cùng mọi người đến dự lễ quàng khăn múa, hai tay cầm hai đầu khăn đi xung quanh cây Xăng bók theo tư thế nghiêng ngả, di chuyển chân theo nhịp gõ của tăng bu (Múa tăng bu là điệu múa truyền thống của người La Ha, nhạc cụ chỉ là những ống tre, dỗ xuống sàn nhà tạo nhịp điệu rộn ràng cho các điệu múa nhưng phản ánh một loại hình nông nghiệp cổ xưa (chọc lỗ tra hạt), cổ vũ cho công việc sản xuất của bà con)
Trong khi mọi người múa. Thầy cúng làm lễ mời từng người thuộc lực lượng âm binh hay các đấng siêu nhiên đã có công cùng học trò (thầy cúng) hành lễ chữa bệnh xuống dự lễ, thưởng thức lễ vật và xem lễ vật do con nuôi làm dâng lên tỏ lòng cảm ơn người đã chữa khỏi bệnh cho họ. Mỗi khi mời xong thầy cúng rót cho con nuôi hai chén rượu và một ít lộc trên mâm, con nuôi phải uống hết rượu và ăn lộc của thầy cúng ban cho.
 Trong lần mời này, thầy cúng chủ yếu khấn các tướng mà thầy cúng đã mời họ về cùng chữa bệnh, tùy từng trường hợp con nuôi mắc bệnh mà mời tướng phù hợp về cứu giúp. Trong số lực lượng âm binh thiện, ác của nhà thầy cúng có khoảng gần 20 vị gọi là các tướng, mỗi tướng có tên gọi khác nhau, nhưng chung nhất là họ đều có ích, có nghĩa  trong mỗi trường hợp, hoàn cảnh  mà thầy cúng mời họ về cứu giúp chúng sinh theo tuần tự như sau:
- Ông “Then”: là người quan trọng nhất được ví như ông trời. Thầy cúng mời ông này về ăn để phù hộ cho thầy cúng và các con nuôi mạnh khoẻ, may mắn.
- Ông “ Cốc Mương”: là chủ sư phụ (ông Tổ) của người La Ha, là người đầu tiên truyền dậy các phong tục, nghi lễ, bài cúng cho những người hành nghề tín ngưỡng như: tang  ma, cưới xin, nhà mới và gần gũi nhất là cúng chữa bệnh, yếu tố đầu tiên mà thầy mo làm lễ Pang A dành cho các con nuôi đến tạ lễ. Mời ông này về ăn và phù hộ cho thầy cúng và các con nuôi mạnh khoẻ, may mắn.
- Nàng Ỏ “Náng Ỏ”: là một trong những vị tướng âm binh của thầy cúng, tuỳ theo mỗi nghi lễ, mỗi bệnh, phương pháp chữa  bệnh mà thầy cúng trưng cầu nàng về trợ giúp thầy. Đây là lực lượng âm binh thứ 3 của thầy được mời về dự lễ và thụ lễ của con nuôi dâng lên.
- Người (có thể là vật) thứ tư được mời về dự lễ có tên là “Mốn”: có nghĩa là một con bò thật dữ. Khi hành lễ, thầy cúng xuất hồn đi tìm và hỏi xem ma nào đã bắt hồn của con người làm cho họ yếu hay gây bệnh, đoán biết được ma nào thì thầy sẽ sử dụng âm binh đó để giúp đỡ. Vị thần này rất hung dữ, như một con bò điên chiến đấu với ma đó, nếu ma đó không trả lại hồn cho người bệnh sẽ bị vị này húc chết, nên ma đó sợ phải trả lại hồn để cho con người khoẻ mạnh bình thường, giúp thầy cúng chữa khỏi bệnh cho người dân. Thầy cúng mời vị này về dự lễ cúng và hưởng lễ của con nuôi, phù hộ cho gia đình thầy cúng và con nuôi luôn được may mắn, khoẻ mạnh.
- Lực lượng tiếp theo là con Thuồng Luồng: là một loài vật đứng đầu ở dưới nước, thường ngự ở sông, suối, nguồn nước… chủ yếu ở  nơi có nguồn nước mạnh, nhiều nhánh. Ông này cũng thuộc âm binh của thầy cúng, ông này  có thế  mạnh ở dưới  nước. Khi chữa bệnh thầy cúng bói biết được nguyên nhân gây bệnh cho con người là một  loài  ma ở dưới  nước sẽ  gọi con thuồng luồng  lên chiến đấu với con ma đó để đòi hồn trả về cho con người. Thầy cúng cũng mời Thuồng Luồng về dự lễ và hưởng lễ của con nuôi, phù hộ cho gia đình thầy cúng và con nuôi luôn được may mắn, khoẻ mạnh.
- Lực lượng âm binh hỗ trợ thầy cúng hành lễ cứu người tiếp theo có tên    là “Sừng Lừng”: Ông này có vai trò cúng chữa bệnh cho những người bị bệnh về đường sinh nở như: Đẻ con rồi không ra được nhau thai, khó đẻ…người ta quan niệm thường là do những đứa trẻ không may chết yểu biến thành ma cùng với những con ma khác gây nên. Khi người đẻ khó hoặc bị các bệnh khác là do những con ma đó bắt mất hồn giam trong hồ máu, thầy cúng cho các tướng và âm binh đến chiến đấu mà không được thì gọi ông “Sừng Lừng” này đến chiến đấu. Thầy cúng mời ông Sừng Lừng xuống ăn món thịt trâu mềm, thịt trâu ngọt… của các con nuôi dâng lễ, mong muốn ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, may mắn, các gia đình không bị đẻ khó, tai biến trong quá trình sinh nở…
- Lực lượng được mời xuống tiếp theo là ông hay bị đau bụng hoặc đau ngực: ông này khi ỉa (vệ sinh) ra nước có màu như mủ (nhựa) của quả Vả, khi ỉa chảy thì như cơn mưa, đây cũng là một lực lượng âm binh của thầy cúng. Khi có những người mắc bệnh về đường ruột, thầy cúng sẽ gọi ông này về chữa. Mời ông này về dự lễ cúng Pang A nụn ban của các con nuôi ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, không mắc bệnh về đường ruột.
- Ông chuyên bị ghẻ, hắc lào…: ông này giúp thầy cúng chữa các bệnh ngoài da. Thầy cúng mời ông này về dự lễ cúng Pang A của các con nuôi, ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, không mắc các bệnh ngoài da.
- Ông điếc, tai trái không nghe được bên cánh đồng, tai phải không nghe được bên bản mường: Ông này được thầy cúng nhờ chữa bệnh về thính giác, mời ông này về dự lễ cúng của các con nuôi, ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, không mắc các bệnh về thính giác.
- Ông què: Ông này giúp thầy cúng chữa bệnh về chân. Mời ông này về dự lễ cúng của các con nuôi, ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, không mắc các bệnh về chân.
- Lực lượng âm binh được mời về dự tiếp theo là ông tốt bụng: ông này rất hiền lành, giúp thầy cúng làm cho con người hướng thiện, mời ông này về dự lễ cúng của các con nuôi, ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, may mắn, giáo dục con người hướng thiện.
- Ông chuyên dùng kiếm, đánh kiếm: Là một vị thần rất giỏi võ trong lực lượng âm binh. Khi thầy cúng làm phép chữa bệnh không tìm được lực lượng nào chiến đấu với con ma dữ thì sẽ triệu tập ông chuyên đánh kiếm giỏi này về chiến đấu đòi lại hồn về cho người. Thầy cúng mời ông này về dự lễ cúng của các con nuôi, ông ăn xong phù hộ cho gia đình, thầy cúng và con nuôi khỏe mạnh, may mắn, giúp con người trừ giặc giã bảo vệ bản mường, dạy con người về võ thuật…
- Ông “Môn ý liêng” hay có tên khác là “con chim cu gáy”:  một con vật kêu theo mùa, con này thường hay kêu trong rừng, nơi có nhiều cây, trên cành cây… giọng hót rất hay, khi hồn của con  người không may bị ma bắt đi, gọi lừa đi theo… ông này biết được sẽ hoá thân thành con vật kêu mùa mà cất lên nhiều bài, giai điệu hấp dẫn để lôi kéo, thu hút hồn của con người tránh đi theo ma. Thầy cúng mời ông về ăn và phù hộ để hồn con người không bị lạc, không mắc bệnh thần kinh.
- Ông được thầy cúng mời tiếp theo là người chuyên về nông nghiệp, có vai trò như một vị thần nông: khi trời mưa xuống có nước tại các chân ruộng…ông này sẽ đi cày bừa làm ra mùa màng, thóc gạo để nuôi sống con người. Thầy cúng mời ông này về dự lễ, ăn lễ vật, dạy người dân làm nông nghiệp, chăm chỉ và phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bội thu.
- Ông này chuyên bùa, khi làm lễ tùy theo mỗi loại như ma nhập, ma bắt hồn… nhà thầy mời ông này về làm các bùa phép cho ma nhập hay ma bắt hồn sợ mà phải trả hồn về cho  người, giúp cho con người không mắc bệnh về thần kinh.
- Đoàn người La Ha sống ở trên đồi cao, nơi tầng cao ở trên đỉnh ngọn núi, quanh năm có mây phủ. Họ sống thành đoàn gồm rất nhiều người, biết làm nhiều việc, họ được coi như những lao động chuyên khiêng, gánh, vác, chạy… rất nhanh và nhiệt tình. Khi có  việc gì được thầy cúng triệu tập thì đoàn này sẽ tập trung đi theo phục vụ.
- Vị âm binh tiếp theo có tên  là "Manh Ngoạng" hay còn gọi là con ve, con này hay kêu vào mùa hè, kêu rất hay rất vui nên trong cộng đồng dân tộc La Ha có ai hát hay thì được nhiều người khen ngợi, ví hát hay như Manh Ngoạng vậy. Con vật này cũng có khả năng kêu hay, có động tác gọi hồn. Khi biết được loại ma gì bắt đi, con này đi đằng sau cất tiếng kêu khiến con người xúc động phải quay về, cứu được hồn về cho người khỏe mạnh. Thầy cúng mời về dự lễ phù hộ cho mọi người, con người không mắc bệnh ngớ ngẩn.
- Ông "Phia Khoảng": vị này có chức trách chính giải quyết các công việc hay bàn bạc những vấn đề có liên quan mà thầy cúng không giải quyết được, gọi hồn không được, ma không chịu trả hồn…lúc này, đến gặp ông Phia Khoảng nhờ giải quyết, kiện đến ai, ai cầu cứu, ai về  bàn  bạc tìm cách cứu cho người bị hại…
- Vị được mời về hạ giá dự lễ tiếp theo là ông chuyên bảo vệ bản, mường, bảo vệ cho đầu bản không có giặc người Xá, cuối bản không có giặc người Hán cờ vàng. Ông này có trọng trách lớn mang tính chất bảo vệ làng bản được yên vui, khi làng bản có giặc đến đánh sẽ đứng ra chỉ huy hô quân đánh trả, tránh cho mọi người không có gì bị xê dịch, lộn xộn, quấy rối…Thầy cúng mời ông về dự lễ, hưởng lễ vật rồi bảo vệ cho dân làng, cho con nuôi…được khỏe mạnh, may mắn, an toàn.
Khi đã mời đầy đủ các lực lượng đóng vai trò như âm binh chuyên giúp đỡ thầy cúng hành nghề, mỗi vị tướng có hình dáng, tính cách sở thích hay khả  năng riêng biệt mà tạo nên thế mạnh của mình đóng vai trò tiên phong mỗi khi thầy sử dụng để chiến đấu với thế lực siêu nhiên cứu người bị hại. Thầy cúng mời lần lượt các vị xuống ăn uống đầy đủ rồi về thay cho người còn lại cuối cùng xuống dự lễ, đó là người gác cổng. Thầy cúng mời họ ăn và phù hộ cho tất cả mọi người, cho lễ cúng được tốt lành.
Các tướng xuống ngự giá theo từng vị trí mà thầy cúng sắp đặt, cùng nhau thưởng thức lễ vật của con nuôi dâng tế tỏ lòng biết ơn họ đã ra tay cứu giúp, mỗi vị khác nhau sẽ chữa các bệnh khác nhau sao cho phù hợp với khả năng của mình.
Theo trình tự thời gian diễn ra, thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, các thầy, ma, hồn thầy cúng…rồi lần lượt cúng cho con nuôi được khỏe mạnh mãi mãi, không ốm đau, làm ra nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều con vật…sau khi đã cúng xong cho các con nuôi cùng các vị thần, vị tướng thuộc lực lượng âm binh của nhà thầy giúp đỡ con nuôi. Tiếp theo thầy chuyển sang cúng một  số vị thần quan trọng liên quan đến tâm linh trong đời sống thường nhật, các vị thần này luôn che chở cho dân tộc La Ha và quan niệm về sức mạnh của các vị thần mà người dân mong muốn có được để bảo vệ bản mường luôn được khỏe mạnh, may mắn…như:
- Ma căng cói (tiếng La Ha: cái dạk kang kói): theo như lời kể của các già làng, các bậc cao niên thì con vật này có kiểu đi ngược vết chân người, tức gót chân đi trước bàn chân đi sau. Người La Ha rất sợ con này, theo họ con vật này có khả năng biến hóa và di chuyển rất nhanh. Ma căng cói rất thích ăn thịt gà cúm nên họ thường làm thịt gà, xào chín cho thơm rồi mang lên rừng nhử mồi để kăng kói ngửi thấy mà về ăn mồi, đừng làm hại những người dân trong bản, đừng bắt gia súc, gia cầm của người dân.
- Con Sóc: Thầy cúng khấn tôn vinh con Sóc là thần đất và phải nuôi nó một bữa cho con Sóc thấy được tình cảm của người La Ha đối với nó, để nó không đi phá mùa màng, không ăn ngô, sắn, lúa của người La Ha.
- Con Khỉ (tiếng La Ha: "tu rốc"): Thầy cúng khấn tôn vinh con Khỉ là thần đá, vì nó hay phá mùa màng nên hàng năm trong nghi lễ phải mời về ăn thì con vật mới không phá hoại mà bảo vệ mùa màng, bảo vệ mùa ngô, mùa sắn, mùa lúa…con Khỉ là thần đá sống lâu muôn tuổi, nên con người mong muốn được sống lâu, sống vững chắc như tảng đá thì phải cúng mời nó về ăn.
- Con Chim Cu gáy (tiếng La Ha: "tun nột"):  Theo quan niệm của người La Ha thì con này có trong lễ  cúng (có nơi còn có tên khác là con chim bồ câu) là vì con vật này được coi là thần của các loài chim trên nương, nó ăn lúa nương của dân tộc mình nên mời về ăn để bảo vệ nương.
* Các trò diễn trong nghi lễ
Cúng xong một số những vị thần liên quan đến đời sống tâm linh, cuộc sống hàng ngày của tộc người, thầy cúng chuyển sang biểu diễn một số trò miêu tả một số bệnh trong thực tế mắc phải và được chữa khỏi như sau:
Trò giả làm người bệnh bướu cổ: Thầy cúng lấy khăn buộc chiếc bát ăn cơm vào cổ của mình, nhìn giống như chiếc bướu của người mắc bệnh, thầy cúng đi xung quanh cây Xăng Bók (thể hiện đi tìm người chữa bệnh). Có 2 người xuất hiện nói chuyện mang tính chất đối đáp rồi mách bảo cho người bệnh bài thuốc có thể chữa khỏi bằng lá cây rừng và thầy cúng tháo chiếc chiếc bát xuống, lúc  này ông lấy 2 tay xoa xoa trên cổ thể hiện không còn cái bướu nữa, thầy cúng lạy cảm tạ người có công mách bảo tìm ra phương thuốc chữa khỏi.
Trò giả người bệnh bị què chân: Thầy cúng vừa đi kiểu khập khiễng của người có đôi chân không đều nhau về kích thước, dáng  hình…, hai tay xoa đầu gối, miệng kêu đau, chân đi lê từng bước mỏi mệt và chậm chạp run lẩy bẩy, từng bước lết mệt mỏi và rên hừ hừ… Thầy vừa đi xung quanh cây Xăng Bók vừa kêu, van xin mọi người tìm phương cách nào cứu chữa chân què giúp họ. Bất chợt có một người xuất hiện đến thấy đã ra tay cứu giúp, người này làm động tác di chuyển xem đôi chân không lành của người không may mắn và thổi phù phù tại nơi kêu đau của đầu gối thầy cúng, thầy cúng từ từ duỗi thẳng chân một cách nhẹ nhàng thể hiện ý nghĩa việc ra tay cứu giúp bệnh của con người mà ông có thể khỏi què chân.
Trò giả làm người ngớ ngẩn: Thầy cúng đóng giả làm người ngớ ngẩn, vừa đi vừa  nói  lảm nhảm, thấy người xung quanh nói điều gì cũng nói theo, bắt chước nói lại. Mọi người phá lên cười, thầy cúng lại lặp lại nhiều lần rồi đi xung quanh cây Xăng Bók gây cười cho mọi người, trò này mang tính chất vui vẻ là chính.
Trò giả làm người trông nương: Thầy cúng vừa đi vừa vung chiếc que lên xuống, đồng thời cất  lên tiếng hú như đuổi chim hay loài vật gì đó trên nương. Mỗi loại thú phá nương khác nhau thì ông thực hiện những  động tác di chuyển phù hợp với ngữ cảnh thực tế khiến các loài vật trên nghe tiếng nhìn thấy sợ mà chạy, bay đi nơi khác tránh phá hoại mùa màng của người La Ha.
Trò giả làm con Khỉ: Thầy cúng ngồi lẩm nhẩm thầm trong miệng, sau đó cử một người bò xung quanh cây móc di chuyển giống như con khỉ, vừa bò vừa kêu ngoa…ngoa…kết hợp với đảo mắt rất nhanh hướng theo nhiều phía để tìm hoa chuối, trái cây hay bắp ngô để sẵn ở cây móc, vừa thực hiện những động tác như gãi tai, gãi bụng, gãi đầu như loài khỉ hay làm, khi thì nhảy lên hú tìm, nhìn thấy hoa chuối nằm ngửa lên kêu ngoa…ngao…, rồi ngồi dậy chồm lên vồ hoa chuối.
Sau khi diễn trò xong, mọi người cùng nhau gõ tăng bu và múa theo nhịp. Điệu múa tăng bu rất đơn giản, một tay cầm ống tre để dỗ xuống sàn nhà, tay kia vung theo nhịp ra phía trước hoặc phía sau, cứ như vậy rồi đổi tay, múa theo vòng tròn quanh cây xăng bok, nhưng họ nhảy múa say sưa, nhất là những người phụ nữ, có thêm chất men say của rượu cần càng làm cho điệu múa thêm dẻo dai, hết tốp này đến tốp khác thay nhau múa thâu đêm mà không thấy mệt mỏi, tạo nên không khí rộn ràng, náo nhiệt của ngày lễ.
Trò diễn cảnh cày bừa: Một người đàn ông lấy khăn trắng buộc vào cái cày, cái bừa rồi cử một người giả làm trâu, một người giữ cày và bừa đi vòng quanh cây Xăng Bók để tái diễn lại cảnh cày bừa làm ruộng, đi khoảng 5 vòng thì quay ngược lại, diễn cảnh này để cầu xin các thần linh phù hộ cho một mùa bội thu.
Múa cầu mưa: Tất cả nam, nữ không phân biệt già trẻ, gái trai, mỗi người cầm hai que tre có buộc sợi hoa vải nhiều màu sắc (sợi sùng, sợi mon) nhúng vào chum rượu cần rồi tất cả cùng vẩy lên trời, vừa đi vừa sệt chân xung quanh cây Xăng bók, hét, hú cầu cho trời nhanh mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa để cho mùa màng được tốt tươi.
Múa  khăn: Có hai loại: múa đôi và múa tập thể. Tất cả nam, nữ, già trẻ, gái trai, mỗi người cầm một chiếc khăn, vừa di chuyển quanh cây Xăng bók vừa tung khăn, đi được hết vòng thì quay lại hướng cũ, cứ như vậy được ba vòng thì đổi kiểu múa khác. Từng đôi nam nữ hai tay kéo thẳng khăn cùng xoay nghiêng trái, nghiêng phải theo nhịp gõ tăng bu rất say sưa, uyển chuyển và mềm mại, theo tuần tự từng động tác mà chân phải kéo sệt, chân trái đưa lên trước, khi đi hết vòng thì đổi chân.
Múa  kiếm: Để diễn được trò này đòi hỏi người chơi phải biết nhiều động tác, có thể họ phải tập trước khi trình diễn. Hiện nay rất ít người thuộc những đường múa cơ bản các bài kiếm cổ truyền của người La Ha. Hai chàng trai một tay cầm kiếm, một tay cầm lá chắn, mỗi người một bên lừa nhau và trình diễn các thế võ của mình, khi thấy không ổn họ lấy kiếm gõ 3 tiếng vào tấm chắn thông báo với đối phương chuyển sang thế võ khác. Cứ như vậy sau khi đưa ra các thế võ không được, họ lừa nhau để chạm kiếm vào lưng, vào bụng nhau chứng tỏ đối phương không chống đỡ được. Thông thường họ đi các đường kiếm và di chuyển dọc theo chiều dài của gian chính nơi hành lễ của thầy cúng, có thể thầy cúng sẽ tham gia múa lần đầu hoặc dậy các con nuôi những thế đi, thế chiến khi chưa quen, chưa vững theo phong tục của tộc người La Ha theo 4 tư thế truyền thống, tái hiện sự bảo vệ bản làng khi có giặc xâm chiếm.
Múa trống: Một thanh niên tay trái cầm trống bằng vải (cống may), tay phải cầm chiếc dùi vừa nhảy vừa gõ, miệng kêu boong…boong…theo nhịp gõ của tốp múa tăng bu, lúc nghiêng lúc ngả, lúc cúi, lúc ngửa người đi xung quanh cây chuối và cây móc, khi múa xong họ lấy trống treo lên cây móc và cây chuối. Điệu múa trống cũng là điệu múa cầu mưa, đánh trống để động đến thiên đình, cầu Ngọc Hoàng cho mưa.
Múa dương vật (múa Sừng Lừng): Đây là điệu múa độc đáo trong nghi lễ của người La Ha, mang tính chất phồn thực. Điệu múa gồm hai người, thông thường bài cúng đầu tiên là thầy cúng cùng một con nuôi (là nữ), phía nữ sẽ có người cầm 02 ống tăng bu thay cho bộ phận sinh dục nữ giơ lên cho dương vật bằng gỗ đút vào, thể hiện cảnh sinh hoạt nam nữ. Thầy cúng cầm chiếc dương vật gỗ, nhảy theo tư thế đầu hướng về phía trước, lưng hơi khum, chân nhảy lò cò tiến về phía có phụ nữ đứng, họ nhảy theo nhịp gõ của nền nhạc gõ múa tăng bu, chân đi về nơi có phụ nữ đứng, không phân biệt già trẻ mà họ dùng đầu dương vật gỗ đâm vào phía mông hết người này đến người khác tạo nên tiếng cười cho tất cả những thành viên tham dự lễ. Những người phụ nữ đều không phản ứng việc làm của người múa mà cứ để tự nhiên, chân thực của người trình diễn, đó chính là lúc vui nhộn nhất nhất trong lễ. Trò diễn được cộng hưởng thêm hơi men của rượu cần, sự hưởng ứng của những người phụ nữ càng làm cho cuộc vui tăng lên. Cứ như vậy họ có thể thay nhau múa suốt đêm mà không cảm giác mệt mỏi, họ vừa đi vừa nhảy, vừa lắc, vừa đâm vào mông phụ nữ bất kể là già hay trẻ, thậm chí còn tái hiện lại cảm xúc ưỡn người hay khum khum khi nam nữ trao duyên. Đây là một điệu múa truyền thống của người La Ha, họ cho rằng ở trên trời có hai bà: người mẹ và bà cô sinh ra loài người, nhưng họ lại ở trên trời, mỗi lần tổ chức lễ thì họ mới xuống trần gian, vì thế dưới trần phải có  dương vật tái hiện và phục vụ hồn đàn bà. Ngày xưa người La Ha sinh con ít khi trọn vẹn hay bị sảy thai, chết yểu nên họ đã nghĩ ra phải thờ dương vật để người La Ha sinh ra con đàn cháu đống khỏe mạnh. Vì vậy, khi gia đình có sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời thì bố hoặc ông trong nhà lên rừng tìm một loại cây gỗ mềm  tên “mầy sẩm pột” mang về đẽo thành hình dương vật treo ở trước cửa chính của ngôi nhà kèm theo một chiếc Ta leo, trong bài khấn của thầy cúng còn nhắc đến bộ phận sinh dục của ông “Sừng Lừng” (một trong những tướng âm binh của thầy cúng) để dọa ma không dám vào làm hại sinh linh bé nhỏ non nớt ấy.
Thi ném còn: Nam một bên, nữ một bên cùng nhau thi ném còn, nam tung nữ bắt, nữ tung thì nam bắt, nếu ai không bắt được thì bị phạt “một trâu” (hai sừng trâu) rượu cần. Đây cũng là cái cớ để nam nữ lựa chọn nhau qua ánh mắt, nụ cười rồi hẹn hò tìm hiểu nhau kết thành đôi lứa.
Thứ tư: Cúng đưa hồn tổ tiên lên trời
Thầy cúng khấn cho hồn về trời tại mâm lễ chính, trong khi thầy cúng làm lễ, các con sẽ dỡ cây Xặng bók ra, lấy cây móc (tượng trưng cho con trâu đen), cây chuối (tượng trưng cho trâu trắng) lấy khăn múa một đầu buộc vào cây móc và cây chuối một đầu buộc vào cái cày và cái bừa, cử 4 người để diễn trò cày bừa, hai người cầm cây chuối và cây móc, hai người cầm cày và bừa, họ tái hiện lại cảnh con trâu bướng bỉnh không chịu nghe lời chủ, còn người cày luôn mồm chỉ huy con trâu cho chúng đi hướng theo đúng đường cày mà không bị lỗi. Diễn trò cày bừa xong các con nuôi sẽ mang cây móc và cây chuối xuống dưới nhà chẻ ra (tượng trưng cho việc mổ trâu trắng và trâu đen), bóc lấy nõn chuối và nõn móc (tượng trưng cho óc trâu trắng, ruột gan trâu đen), mang nón ruột cây móc nấu thành một bát canh, mang nõn chuối làm thành món nộm cùng với măng chua phơi khô. Đặt hai món đó lên mâm cùng với 8 chén rượu để thầy cúng mời các thần linh ăn và trở về trời, kết thúc phần lễ. Sau khi làm lễ xong mọi người cùng tham gia bữa cơm liên hoan cộng đồng, thi uống rượu cần và nhảy múa đến khuya.
* Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
Lễ Pang A (Cầu An)  của dân tộc La Ha được tổ chức mang tính cộng đồng cao, tính nhân văn sâu sắc. Là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng, các thần linh đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình. Đồng thời góp phần tăng thêm tình đoàn kết, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc tỉnh.
Các trò diễn dân gian trong nghi lễ phản ánh rõ nét tín ngưỡng liên quan đến việc chữa các loại bệnh, các thao tác trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời phản ánh ước muốn của người dân cầu mong được khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giáo dục con người đoàn kết, hướng thiện.
Lễ Pang A cho thấy vai trò của thầy cúng như: liên kết và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng; là thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho dân; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người...
Lễ Pang A thể hiện mối quan hệ trong cộng đồng làng bản cũng như tính cố kết cộng đồng, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là dịp để các gia đình cùng nhau múa giao lưu tình cảm.
Lễ Pang A bảo lưu được những nét văn hóa tộc người như: ẩm thực, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa... của người La Ha. Nghi lễ còn phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới, nguồn gốc của người La Ha.
Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng:
Lễ Pang A của người La Ha tỉnh Sơn La được tổ chức hàng năm hoặc 2-3 năm/lần mang tính cộng đồng cao, được duy trì theo phong tục truyền thống, được đông đảo bà con ủng hộ. Nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, mọi người khỏe mạnh, đoàn kết xây dựng bản mường yên vui no ấm; Là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình, gia đình thầy cúng dâng lễ lên tổ tiên, thần linh cảm tạ đã cúng giúp sức chưa khỏi bệnh, cầu mong được các lực lượng siêu nhiên tiếp tục phù hộ cho con người được khỏe mạnh, chiến thắng các loại bệnh tật.
Lễ Pang A được tổ chức tạo sự vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh, là dịp để các con nuôi thể hiện được lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, biết ơn đối với thầy cúng, các vị thần linh đã chữa khỏi bệnh cho mình. Duy trì lễ Pang A trong cộng đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.
Lễ Pang A (Cầu An) của dân tộc La Ha được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.
Các lễ hội khác